5 vấn đề khiến ngành game bùng nổ tranh cãi gay gắt - PC/Console

Cũng giống như điện ảnh và âm nhạc, ngành game luôn tồn tại các vấn nạn khiến cộng đồng chỉ trích không ngớt, các drama của người trong giới hít sốc cả phổi mà không hết.

Bất cứ ngành nào, dù là ngành game hay điện ảnh, âm nhạc cũng sẽ đều có những vấn đề nhức nhối. Ở trong ngành game, đó có thể là các vấn đề liên quan tới bạo lực của game, cách hành xử của đại diện hãng phát hành hay là câu chuyện giữa những người chơi game với nhau.

Trong suốt những năm chuyển mình phát triển, cộng đồng video đã bao lần dậy sóng, nổ ra những cuộc tranh cãi không hồi kết trên các phương tiện truyền thông, trang tin tức hay các diễn đàn. Và trong bài viết này, Mọt tôi sẽ tổng hợp lại những vấn đề khiến cho cộng đồng không ngớt những lời chỉ trích lẫn nhau.

Streamer chơi game thì ít mà bê bối thì nhiều

5 vấn đề khiến ngành game bùng nổ tranh cãi gay gắt

Stream game từ chỉ là một sở thích đơn thuần của các game thủ, ngày nay đã trở thành một trong những nghề kiếm ra rất nhiều tiền. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng sẽ có 2 mặt xấu và tốt. Bên cạnh là một ngành nghề vì đam mê, bên cạnh những người làm vì cái tâm dành cho cộng đồng thì giới streamer cũng có rất nhiều scandal khiến người theo dõi hít hà drama nhiều không kém gì giới ca sĩ hay diễn viên.

Những drama trong giới streamer đôi khi tới từ việc kém miếng khó chịu, những vấn đề lật mặt như bánh tráng, phản bội nhau, lợi dụng nhau để được nổi tiếng rồi đá nhau như người dưng nước lã. Đôi khi các drama “nóng mắt” hơn lại tới từ chính nạn nhân, họ muốn đóng vai nạn nhân để tên tuổi trở nên nổi tiếng. Họ không cần biết mình được bênh hay bị chửi, chỉ cần tên mình xuất hiện tràn ngập khắp mạng xã hội, các trang tin tức hay các diễn đàn về game là đã quá thỏa mãn rồi.

Và ở Việt Nam hay cộng đồng nước ngoài đều không thiếu những người và những drama như vậy. Nó khiến cho các game thủ ngoài việc theo dõi game cũng được hít drama bổ cả phổi, kéo theo đó các tranh cãi bất tận giữa những streamer lên tiếng cho rằng mình là nạn nhân và cộng đồng fan của đối phương.

Phát hành trò chơi chưa hoàn chỉnh

5 vấn đề khiến ngành game bùng nổ tranh cãi gay gắt

Mặc dù vấn đề phát hành một tựa game vẫn còn lỗi đã quá quen thuộc với cộng đồng game thủ. Trên thực tế, ngay cả với những người làm game cũng không thể chắc chắn 100% rằng trò chơi của mình sẽ hoàn hảo khi bán ra. Xảy ra các glitch hay bug về mặt đồ họa, gameplay là điều rất đỗi ngạc nhiên. Nhưng để xảy ra bùng nổ tranh cãi lớn như lần phát hành Assassin’s Creed: Unity thì phải trách phần xử lý sự cố của Ubisoft.

Suy cho cùng, cách ứng xử của hãng game mới quyết định được vấn đề lỗi của game là đáng bỏ qua hay cực nghiêm trọng. Về phía Ubisoft, cách cư xử của hãng là nguồn cơn của mọi chỉ trích. Hãng đổ lỗi cho người dùng AMD vì lỗi đồ họa đầy kinh dị của Unity, tặng free game để xin lỗi cộng đồng nhưng ngấm ngầm đưa vào một bản cam kết rằng Unity không hề có lỗi, marketing sặc mùi “lừa đảo”,… Và nhờ có chuyện đó, tất cả các game về sau của Ubisoft đều nhận về ánh nhìn đầy nghi ngại. Còn hiện tại, thật may hãng game nước Pháp đã nhìn nhận được những bất cập ở chính mình, họ đang có bộ mặt tích cực hơn bao giờ hết.

“Cú lừa” mang tên Kickstarter

5 vấn đề khiến ngành game bùng nổ tranh cãi gay gắt

Khi người hâm mộ bỏ tiền ra cho các sản phẩm xin vốn trên Kickstarter, chắc chắn họ cũng sẽ phải tính tới trường hợp hãng game bỏ trốn cùng số tiền quyên góp, hoặc trò chơi mình nhận lại được không xứng đáng. Khi trường hợp đó xảy ra, game thủ chỉ còn biết cách kêu gào trong sự thất vọng tràn trề, chứ chẳng thể nào làm được gì khác.

Một thất bại ê chề, nặng nề nhất của dự án Kickstarter phải kể tới tựa game Godus, được phát triển và phát hành bởi hãng 22cans. Godus đã huy động được khoảng 746.000 USD nhưng được các game thủ khuyến mãi thêm những lời đánh giá, chỉ trích nặng nề nhất trên Steam. Bên cạnh Godus, một sản phẩm khác được gọi vốn trên Kickstarter là OUYA – một mẫu máy chơi game chạy Android cũng là một vết nhơ khiến game thủ chẳng muốn quyên góp tiền cho bất cứ dự án nào nữa. OUYA kêu gọi được gần 9 triệu USD, nhận được hi vọng rất lớn từ cộng đồng, nhưng rồi cuối cùng thiết bị lại hoàn toàn chìm nghỉm trên thị trường.

Gudos hay OUYA là 2 ví dụ điển hình nhất cho vấn nạn “cú lừa” trên Kickstarter. Tiền cũng đã xin được, nhưng ra mắt sản phẩm như nào là việc của hãng game, họ hoàn toàn có thể phát hành sản phẩm cuối cùng tệ hại tới mức không còn gì để nói và mặc cho toàn bộ ngành công nghiệp game bùng nổ những chỉ trích.

Có những game bạo lực hơn các game khác

5 vấn đề khiến ngành game bùng nổ tranh cãi gay gắt

Bạo lực trong video game luôn là đề tài gây tranh cãi gay gắt trong cộng đồng. Thậm chí cuộc tranh cãi còn lan sang cả truyền thông và các vấn đề liên quan tới xã hội – con người. Một bên cho rằng bạo lực trong game khiến con người có thể có những hành động cực kỳ tàn bạo mà ngay cả họ cũng không tưởng tượng được. Phía còn lại phản bác, họ cho rằng ác tính hay không đều do nhận thức mỗi người, video game cũng như các hình thức giải trí khác, nó mang một thông điệp và phản ánh một góc nhìn của cuộc sống. Và tất nhiên những khía cạnh đen tối của cuộc sống như chiến tranh, khủng bố, tội ác cũng được thể hiện qua những trường đoạn đậm chất máu me hay tàn ác để thể hiện tội lỗi của kẻ phản diện.

Một trong những tranh cãi căng thẳng nhất có lẽ phải kể tới nhiệm vụ “No Russian” của Call of Duty: Modern Warfare 2 năm 2009. Vào thời điểm đó, màn chơi này đã bị mổ xẻ trong chương trình The Big Question trên show truyền hình buổi sáng của BBC One. Cùng với đó là hàng loạt những người có ảnh hưởng lên tiếng chỉ trích màn chơi này quá tàn nhẫn. Modern Warfare buộc phải cấm cửa ở Trung Quốc. Còn tại Nga, màn chơi No Russian cũng phải xóa bỏ.

Cho tới tận bây giờ, nó vẫn để lại những cú sốc rất khó phai trong tâm trí của game thủ. Và “No Russian” là ví dụ rõ nét nhất cho các cuộc tranh cãi rằng ranh giới giữa phản ánh hiện thực và bạo lực ở con người qua lăng kính video game mỏng manh tới mức nào?

Sự thành lập của ESRB – hệ thống phân loại độ tuổi

5 vấn đề khiến ngành game bùng nổ tranh cãi gay gắt

Có lẽ các cuộc tranh cãi trong ngành công nghiệp game nặng nề nhất là vào thời điểm khi ESRB, hệ thống phân loại độ tuổi ra đời. Thưc ra, việc hệ thống ESRB được tạo ra là hệ quả của cuộc tranh cãi lớn nhất lịch sử ngành game. Vào thời điểm trước năm 1994, các trò chơi như Mortal Kombat (1992), Doom (1993) và Night Trap (1992) bị cho là quá bạo lực. Đặc biệt Night Trap còn bị cho là truyền bá những tư tưởng bạo hành phụ nữ, có thể ảnh hưởng nặng nề tới nhận thức của game thủ.

Vào năm 1993, vấn đề bạo lực của game chiếm vị trí trung tâm thảo luận trong một phiên điều trần tại Thượng Viện Hoa Kỳ. Cuối cùng thì một năm sau đó, ESRB, viết tắt của Entertainment Software Rating Board hay Ủy ban Đánh giá Phần mềm Giải trí được ra đời. Tổ chức này tới nay đã trở thành một phần quan trọng của ngành công nghiệp phát triển trò chơi, giúp các hãng vẫn có thể làm những tựa game chứa những cảnh không nhạy cảm nhưng sẽ giảm thiểu được tối đa những tranh cãi.

Yakuza 0 và câu chuyện về những phẩm chất mà một quý ông cần phải có
Tin được không khi một gã yakuza và một gã cựu yakuza lại có thể sở hữu những phẩm chất đặc trưng làm nên danh tiếng của một quý ông?

Nếu không nhờ bê bối của Doom, Mortal Kombat hay Night Trap, ESRB đã không được ra đời. Độ tuổi mua game lúc đó không được phân loại, vậy sẽ xảy ra 2 trường hợp: Hoặc tranh cãi tiếp tục bùng nổ ngày một nặng nề, hoặc các game như Grand Theft Auto hay Manhunt không được phép ra đời.

Tạm kết

5 vấn đề khiến ngành game bùng nổ tranh cãi gay gắt

Ngành game cũng giống như ngành điện ảnh hay âm nhạc, vẫn luôn tồn tại những vấn đề nhức nhối khiến cộng đồng phải dậy sóng. Đôi khi nó chỉ là lời phát ngôn có phần hơi bừa bãi của đại diện hãng game, đôi khi nó chỉ là một lỗi có thể thông cảm được trong đồ họa của game, nhưng chính những người đứng ra giải quyết mới quyết định nó có khiến cộng đồng nổ ra những chỉ trích hay không.

Tuy nhiên những tranh cãi đó luôn là điều cần thiết, nó sẽ là động lực thúc đẩy ngành game tiếp tục chỉnh sửa và tiến bộ. Những điểm yếu sẽ được vạch ra, những bất ổn sẽ được xem xét và mổ xẻ và cuối cùng là để cho vấn đề không thể lặp lại lần nữa trong tương lai. Đó chính là guồng máy thúc đẩy cho sự phát triển của làng game.