Đêm qua, một thông tin chấn động làng game đã được Microsoft công bố: họ đã chính thức đạt thành thỏa thuận để mua lại Zenimax, công ty mẹ của nhà phát hành Bethesda và là “bà ngoại” của các studio như id Software, MachineGames, Roundhouse, Tango Gameworks, Arkane, một loạt studio của Bethesda tại Rockville, Montreal, Austin, Dallas, ZeniMax Online Studios. Điều này biến Microsoft thành chủ sở hữu của một loạt thương hiệu đình đám trong ngành công nghiệp game như Doom, Wolfenstein, The Evil Within, Dishonored, Fallout, Quake và hơn thế nữa. Khi suy nghĩ kỹ hơn về bước đi “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” của Microsoft, Mọt tui nhận ra một số điều thú vị và sẽ chia sẻ với các bạn trong bài viết sau đây.
Những giả định hài hước
Khi nghe tin rằng Microsoft mua lại Bethesda, Mọt tui lập tức nảy ra một suy nghĩ khá buồn cười: có lẽ bởi Sony đã nhanh chân tìm đến các nhà phát triển, phát hành khác để mua thời gian độc quyền hoặc tính năng độc quyền, Microsoft trực tiếp ra tay mua nhà phát hành để “chặn họng” Sony. Thật vậy, hãy nghĩ mà xem: khi một tựa game được bán ra trên nền tảng của Sony, gã khổng lồ Nhật Bản sẽ lấy 30%, trong khi 70% còn lại bay về túi nhà phát hành để trang trải đủ thứ chi phí khác. Với những tựa game của Bethesda, 70% này dĩ nhiên sẽ rơi vào túi Microsoft. Bên cạnh đó, những khoản phí mà Sony chi trả cho Bethesda đổi lấy việc độc quyền có thời hạn hai tựa game Deathloop và GhostWire: Tokyo cũng sẽ trở thành tiền của Microsoft sau phi vụ này.
Sự oái ăm chưa dừng lại ở đó. Dù khả năng điều này xảy ra là không cao do Bethesda sẽ vẫn hoạt động độc lập, Microsoft hoàn toàn còn có thể đặt dòng chữ “Xbox Game Studios” lên các tựa game mà Sony đã mua độc quyền có thời hạn như Deathloop và GhostWire: Tokyo, và mỗi khi game thủ bật những trò chơi này trên PS5, họ sẽ nhìn thấy chữ Xbox to tướng! Cao tay hơn nữa, một dòng chữ “Free on Xbox Game Pass” trong tất cả những tựa game PlayStation do Bethesda phát hành sau này có thể sẽ khiến game thủ suy nghĩ kỹ hơn về chuyện chi một cục tiền mua console rồi mua game hay là chi 15 USD/tháng cho Xbox Game Pass để chơi game trên chiếc PC của mình.
Một điều thú vị khác là trong khi Sony trả tiền mua độc quyền cho Microsoft, Microsoft cũng trả tiền Blu-Ray cho Sony từ lâu. Con số này không lớn như khoản tiền mà Sony sẽ chuyển cho Microsoft khi bán game, bởi theo Mọt được biết thì mỗi đầu Blu-ray được bán ra, nhà sản xuất sẽ phải trả cho Blu-Ray Disc Association 9 USD còn đối với đĩa Blu-Ray, con số này là 0,0725 USD. Khi chia số tiền này cho 20 công ty thuộc hội đồng quản trị bao gồm Sony, Panasonic, Pioneer, Philips, Thomson, LG Electronics, Hitachi, Sharp, Samsung, Dolby, Tecnicolor,… và 19 tổ chức cộng tác, số tiền mà Sony nhận được hẳn chỉ là một phần nhỏ.
Và chuyện kinh doanh nghiêm chỉnh
Sau khi nghe tin về phi vụ Microsoft mua lại Bethesda với giá 7,5 tỉ USD, chắc chắn không ít game thủ nghĩ rằng động thái này của Microsoft là để bổ sung danh sách game độc quyền của Xbox. Đây là một ý tưởng hợp lý – tại sao một công ty lớn như Microsoft lại chi 1 núi tiền ra mà lại không nghĩ đến chuyện “bóp cổ” đối thủ của mình? Tuy nhiên sau khi suy nghĩ về phi vụ này, Mọt tui tin chắc Microsoft không làm điều này để có thêm game độc quyền cho Xbox, hoặc ít nhất đây không phải là nguyên nhân chính trong bối cảnh chiến lược kinh doanh của Microsoft giờ đây xoay quanh Xbox Game Pass chứ không phải là những chiếc console.
Ông Phil Spencer, lãnh đạo mảng Xbox của Microsoft đã làm rõ điều này ngay trong thông báo của Microsoft về thương vụ Bethesda: “Bethesda nằm trong số những người ủng hộ Xbox Game Pass sớm bằng cách đem các tựa game của họ đến với những khách hàng mới trên nhiều thiết bị khác nhau và đã chủ động đầu tư vào những công nghệ chơi game mới như cloud. Chúng tôi sẽ bổ sung những thương hiệu mang tính biểu tượng của Bethesda vào Xbox Game Pass cho console và PC.”
Thật vậy, những tựa game từ Bethesda sẽ là một món vũ khí khủng khiếp cho Xbox Game Pass. Dịch vụ này đang là một thế lực lớn, tăng trưởng với tốc độ chóng mặt: hồi tháng 4/2020 số game thủ trả phí hàng tháng cho Microsoft là 10 triệu người, nhưng con số đó đã tăng lên đến 15 triệu người theo thông tin mà Microsoft vừa công bố hôm nay. Với mức giá 10 USD (giá cũ 5 USD bị dẹp kể từ ngày 17/9) hoặc 15 USD mỗi tháng, Microsoft thu về tối thiểu 150 triệu USD từ dịch vụ này. Con số này có nghĩa là 1,8 tỉ USD mỗi năm và ngay cả khi Xbox Game Pass giẫm chân tại chỗ, Microsoft cũng chỉ cần khoảng 4 năm để thu về đủ số tiền họ đã bỏ ra mua lại Bethesda hiện tại.
Khi những trò chơi hoành tráng mà Bethesda sở hữu cũng lên Xbox Game Pass ngay ngày đầu tiên, ngay cả những game thủ chưa từng nghĩ đến việc tham gia vào hệ sinh thái Xbox cũng sẽ phải suy xét lại cách chi tiền của mình. Chúng sẽ giúp Microsoft đạt được mục tiêu đẩy mạnh phương thức kinh doanh mới một cách dễ dàng hơn, thu được lợi nhuận lớn hơn ngay cả khi một tựa game có giá 60-70 USD trên các hệ máy khác có mức giá rẻ như cho trên Xbox Game Pass.
Việc chặn những tựa game bom tấn mới của Bethesda trên PS5 không có nhiều giá trị về mặt kinh doanh. Nếu chúng lên PS5 thì đằng nào Microsoft cũng nhận 70% số tiền bán những tựa game đó, còn nếu chúng không lên PS5 thì Microsoft vẫn có một lượng game thủ PC khổng lồ. Thứ thực sự có giá trị ở đây là việc Microsoft đảm bảo rằng Xbox Game Pass có những tựa game của Bethesda ngay ngày đầu tiên phát hành chứ không cần phải chờ đợi hay chi tiền vào những hợp đồng độc quyền như Sony.
Nhưng chưa hết, game của Bethesda cũng sẽ là những điều đem lại sức hút cho dịch vụ xCloud mới của Microsoft. Microsoft không mua Bethesda để khoe của trước Sony hay Nintendo, mà là để nhanh chân đi trước trong việc xây dựng một thư viện game trên mây có thể đè bẹp mọi đối thủ. Hiện tại danh sách đối thủ của xCloud chỉ mới có Stadia của Google, nhưng trong tương lai khi Project Tempo của Amazon hoàn thiện, nó sẽ là một đối thủ đáng gờm bởi khác với Sony, Amazon cũng là một công ty ngàn tỉ USD và thừa sức mua lại những nhà phát hành game tầm cỡ như Bethesda.
Một khía cạnh khác có thể đem lại lợi nhuận cho Microsoft là microtransaction. Dù đại đa số game của Bethesda không có microtransaction (trừ Fallout 76, The Elder Scrolls Online và Wolfenstein: Youngblood), việc sở hữu những thương hiệu RPG mạnh mẽ của Bethesda trong tay có thể tạo điều kiện cho Microsoft thực hiện những tựa game free to play hốt bạc bằng microtransaction trong tương lai. Hãy tưởng tượng một tựa MMORPG Fallout “xịn” với hàng ngàn game thủ trong một server, một tựa looter shooter game kiểu The Division nhưng mang tên Wolfenstein, một tựa FPS Free to Play kiểu Valorant với các nhân vật từ Doom và Quake trong cùng một trận đấu, và tất cả chúng đều bán skin súng, skin nhân vật, outfit, loot box,…
Lợi nhuận từ việc kinh doanh những thứ hàng hóa ảo này là không thể xem thường: trong quý 1 năm tài chính 2020 (từ 1/4/2020 đến 30/6/2020) của Sony, doanh thu từ việc bán DLC và microtransaction chiếm 41% và đạt đến con số 2,3 tỉ USD. Đây chính là sức mạnh của việc dùng những thương hiệu lớn để thu hút game thủ về phía mình, và Microsoft chắc chắn sẽ lợi dụng những gì Bethesda đang sở hữu để thu về những núi tiền khổng lồ tương tự.
Lợi ích cho tất cả mọi người
Với việc Microsoft mua lại Bethesda, các dịch vụ thu phí tháng của họ đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Ngay cả với những game thủ thích sở hữu game theo phương thức truyền thống, mức giá rẻ và danh sách những tựa game từ AAA hoành tráng đến indie nhỏ bé mà Xbox Game Pass đem lại là một món hời rất khó bỏ qua. Bên cạnh đó, việc Microsoft tung ra Xbox Series S với mức giá 300 USD và chính sách mua trả góp (không có tại Việt Nam) cũng giúp họ bao quát mọi đối tượng game thủ, từ những người không có gì ngoài điều kiện đến những game thủ bận tâm đến chi phí để sở hữu next-gen.
Và thế là chiến thắng đến với tất cả mọi người: game thủ được chơi game trên bất kỳ hệ máy nào họ thích dù là PC, PlayStation, Xbox hay màn hình di động nhỏ bé. Microsoft có được những tựa game hấp dẫn để bổ sung vào thư viện game của các dịch vụ thu phí tháng mà họ đang đẩy mạnh. Sony vẫn tiếp tục là kẻ chiến thắng trên mặt trận console truyền thống và không ngừng hốt bạc nhờ hàng ngũ game độc quyền, dù có thể sẽ mất đi vài tựa game từ Bethesda. Và biết đâu chúng ta sẽ được thấy Doom Slayer và “vua bếp” Master Chief kề vai chiến đấu trong một tựa game spin-off, Battle Royale hay MOBA nào đó thì sao?