Một cốt truyện game lắt léo luôn là thứ khiến người chơi cảm thấy hứng thú và tò mò tìm hiểu, nhưng nếu gặp các anh đạo diễn hay biên kịch có máu hài hước, thì bạn sẽ được đi tàu lượn 8 vòng Trái Đất sau đó quay lại mà vẫn chưa hiểu mình vừa xem cái quái gì cả.
Persona 4 – Thần thánh chơi bài gài
Là game thuộc dạng spin-off của dòng Megaten nổi tiếng, Persona 4 có công phổ biến seri Persona ra thị trường phương Tây, khi lược bỏ các tình tiết tăm tối và đưa nhiều yếu tố anime để khiến người chơi bình thường dễ tiếp cận. Nhưng các nhà viết kịch bản có vẻ vẫn muốn níu kéo chút gì đó hack não của Megaten, nên họ đã làm cốt truyện game Persona 4 với một cú bẻ lái còn hơn cả Tokyo Drift, khi đập thẳng vào não bộ của người chơi với màn ending mà chỉ có thánh mới hiểu được.
Nói đơn giản thì cốt truyện game Persona 4 là cuộc điều tra của một đám trẩu học cấp ba, về các vụ án giết người tại thế giới trong Tivi. Plot twist đầu tiên là việc kẻ chủ mưu ở ngay sát bên cạnh ngay từ đầu, khi hắn (Adachi) là cộng sự của chính người chú của nhân vật chính, thằng điên biến thái này tất nhiên sau đó bị đập cho tòe mồm và thế giới quay trở lại yên bình… nhưng bây giờ mới tới khúc bo cua này.
" alt=""
Nếu như bạn max được hết các mối quan hệ (Social Link) trong game, nhân vật chính sẽ tự nhiên “ngộ” ra rằng Adachi không thể làm điều ác một mình, sức mạnh để đi vào thế giới trong Tivi phải được ai đó ban cho trước… well dude, nó thật lại chả rõ ràng như ban ngày. Giờ thì bạn sẽ nghĩ chắc hẳn kẻ chủ mưu phải là thứ gì đó ghê gớm lắm, à thì cũng đúng như vậy chỉ có điều cách mà game giới thiệu rất khiến người ta phát điên.
Trùm cuối của Persona 4 là nữ thần Izanami, bà ta cũng là kẽ đã ban cho nhân vật chính cùng Adachi sức mạnh để đi vào thế giới trong Tivi. Nhưng cái màn mà tự ngộ ra Izanami mới gọi là kinh hãi, khi game cho chúng ta nhớ lại vào ngày nhân vật chính chuyển tới chỗ ở mới, người đầu tiên chạm tay anh ta là một nhân viên trạm xăng và kẻ đó cũng chính là Izanami. Kiểu như Persona 4 nó đưa một nhân vật phụ ất ơ đến không thể phụ hơn, xuất hiện đúng 1% thời lượng từ đầu game tới tận lúc cuối cùng, xong đùng 1 cái nói “đây là trùm cuối”.
Tôi lúc đó kiểu “nà sao, dư lào” và tao vừa đọc cái quái gì vậy, không còn cái gì hư cấu hơn tiết mục này được và cơ bản tôi cũng không hiểu cái đại hiệp viết kịch bản Persona 4 nghĩ cái gì trong đầu. Chung quy như kiểu nó quăng bạn vào một nồi lẩu thập cẩm, xong lôi từ dưới đáy lên một xác chuột chết và xin giới thiệu món cuối bất ngờ chưa, nhũn não là từ còn quái nhẹ để miêu tả vụ này.
Prey – Tao đang làm cái quái gì với cuộc đời này vậy
Đây là một trong những tựa game có cốt truyện lắt léo, phức tạp, khó lường và rất thích cho người chơi đi tàu lượn siêu tốc. Mọi thứ ngay lập tức trở nên nhức não ngay từ đầu khi bạn nhận ra cái không gian mà mình sống, tòa nhà công ty, văn phòng và tất cả những thứ khác đều nằm trong một chuỗi thí nghiệm khổng lồ nên trên trạm vũ trụ Talos. Tiếp theo đó là thảm họa xảy ra khi bọn sinh vật ngoài hành tinh có tên Typhoon bị xổng ra ngoài, tàn sát gần như toàn bộ thành viên ở trạm và hành trình tìm sự sống của nhân vật chính Morgan Yuu bắt đầu.
Nghe qua thì có vẻ là cốt truyện game Prey đi theo kiểu sinh tồn kinh dị, giống các bộ phim nổi tiếng như Alien đúng không nào, vậy là bạn đã đoán sai bét rồi. Đầu tiên bạn sẽ nhận ra nhân vật chính Morgan Yuu là vật thí nghiệm đã trải qua nhiều thí nghiệm Neuromods (một loại thuốc cấy thẳng vào hệ thần kinh trung ương, có tác dụng biến con người thành siêu nhân). Do Neuromods có tác dụng phụ là mỗi lần tháo ra sẽ khiến người được cấy quên sạch kí ức của ngày hôm trước, thế nên Morgan mới lặp đi lặp lại tiến trình của mình vô tận như vậy.
" alt=""
Tiếp theo thì sau khoảng vài chục giờ chơi lần mò, bạn cũng sẽ cảm thấy đám quái vật Typhoon có cái gì đó không ổn, khi chúng phản ứng với những gì mà Morgan trải qua. Tại sao một nhân vật quan trọng như Morgan Yuu lại được chọn làm vật thí nghiệm, tại sao anh ta có thể cấy được nhiều Neuromods vượt gấp mấy chục lần ngưỡng con người như vậy, tại sao phải mất công tạo một không gian ảo lớn để lừa Morgan… tất cả câu trả lời đó sẽ có vào phần cuối game, khi lộ ra nhân vật chính của chúng ta vốn không phải là con người.
Vâng chính xác luôn Morgan Yuu thật thực ra đã chết, Morgan Yuu mà bạn thấy là một con Typhoon được cấy kí ức của bản thể gốc nhằm nghiên cứu. Tức là từ đầu tới cuối bạn không phải đang tìm cách chạy trốn, mà là bị quan sát cùng nghiên cứu bởi một đám khoa học gia. Cái cú bo cua này thực sự là rất nhức não, kiểu như bạn được cho lên tàu lượn bay 80 vòng vũ trụ xong thả về chỗ cũ, với thực tế là vốn mọi chuyện đã vô nghĩa ngay từ đầu.
Bionic Commando – Vợ yêu trên tay anh… thật đấy, vợ anh LÀ cái tay của anh
Một tựa game hay, hài hước và hành động cực kỳ đã tay, chỉ trừ phần cốt truyện đỉnh cao của sự sáng tạo đã phá hủy tất cả. Để tóm gọn lại thì nhân vật chính Nathan Spencer là một người lính đặc nhiệm, nhưng trong một vụ tai nạn đã khiến cánh tay trái của anh ta bị cụt và coi như là chấm hết binh nghiệp. Nhưng với công nghệ Bionics thì Nathan đã sống lại khi anh ta có một cánh tay mới, với đầy đủ chức năng bá đạo để giúp cho người sử dụng trở thành siêu nhân.
Nathan đồng ý trở thành Bionic Commando với mong muốn có thể gặp lại vợ mình (Emily Spencer) – người đột ngột biến mất một cách bí ẩn trong thời gian anh ta thực hiện nhiệm vụ. Những tưởng như đây sẽ là câu chuyện gia đình bình thường, thì game đột nhiên bo cua một cú cực kỳ không tưởng, khi tiết lộ thực ra Emily đã ở bên cạnh Nathan từ lâu rồi, hay chính là cô ta nằm bên trong cánh tay máy kia…
Ờ đừng hỏi, tôi cũng chẳng biết cái này là kiểu gì luôn, game chỉ giải thích rằng những người tiếp nhận cấy ghép Bionic sẽ phải chịu các tác dụng phụ rất khủng khiếp, bọn họ cần phải có ai đó thực sự thân thiết ở cạnh bên để giảm tải và giúp cơ thể tiếp nhận. Cái lý thuyết tưởng chừng đơn giản này đã được game tiến hóa bằng cách tuyệt đỉnh khi tống Emily vào thẳng cánh tay của chồng, chắc là do Nathan muốn gặp lại vợ nhưng không hề biết rằng cô ta đã ở bên cạnh mình suốt thời gian qua, tình yêu sẽ đưa lối con tim… có điều tất cả đều là chém gió.
Chưa bàn tới vấn đề là cái này hoàn toàn viết ra theo kiểu chữa cháy, mà làm thế quái nào bạn có thể nhét một người còn đang sống sờ sờ vào cái tay bé tí đó, rồi tiếp tục mang đi loăng quăng và vừa bắn súng vừa chạy nhảy như đúng rồi, mặc kệ xác “vợ” đang bất tỉnh bên trong. Tiếp theo thì Nathan sẽ xử lý với “vợ” mình kiểu gì, khi nghĩ tới chuyện trong những ngày cô đơn đánh nhau tưng bừng đó, có khi nào anh ấy đã bắt đầu dùng cái tay máy để quay… à mà thôi nếu nói như vậy thì cũng có thể coi là được vợ “chăm sóc” nhỉ, đúng là một cái cốt truyện game đậm mùi khủng khiếp mà tôi cũng không thể ngờ được.
Star Ocean: Till the End of Time – Chơi game ít thôi, ngáo đá có ngày
Khởi đầu thì cốt truyện của tựa game này rất bình thường, khi nó nói về nhân vật chính Fayt Leingod bị rơi xuống một hành tinh xa lạ lúc đang đi du lịch, sau đó thì anh ta kết bạn và làm nhiệm vụ các kiểu các kiểu theo đúng kịch bản một game JRPG truyền thống. Mọi việc đều hoàn toàn bình thường cho tới khi Fayt nhận ra, cái thế giới mà họ đang sống không có thực, khi nó là một dạng mô phỏng vũ trụ giống như game online của một đám người ngoài hành tinh.
Nói cho dễ hiểu thì Fayt và bạn bè anh ta là các nhân vật trong game online, bằng cách nào đó được lý trí riêng rồi sau đó còn bẻ vỡ được chiều không gian để đến tìm nhà phát hành, nói về các thứ nhân sinh kiểu tao cũng có mạng sống và chúng mày phải tôn trọng. Tất nhiên chuyện này không bao giờ xảy ra, làm gì có cái chuyện con game online của bạn nổi dậy chống lại bạn được, thế nên Fayt đã có một trận chiến hoành tá tràng với trùm cuối Luther – tức giám đốc công ty tạo ra cái game này để quyết định vận mệnh.
" alt=""
Bỏ qua các vấn đề phi lý kiểu như làm quái nào cái đống dữ liệu game online có thể phá vỡ bức tường thứ tư, biến thành thực thể xong còn đòi đập lộn với cả nhà phát hành. Bỏ qua luôn vấn đề khác khi chính em gái của Luther là người giúp đỡ bọn Fayt, có thể cô ta đã giác ngộ ánh sáng chân lý cuộc đời không muốn anh trai mình reset server (tức xóa sổ vũ trụ nơi Fayt đang sống). Tiếp tục mặc kệ cách thần thánh nào dữ liệu có thể đập được người sống và nó còn thắng được nữa, tới đây thì bạn đã thấy lùng bùng đầu óc chưa.
Nếu vẫn chưa thì hãy đến với kết thúc cốt truyện game, khi Fayt đột nhiên quay trở về thế giới cũ và bắt đầu tán gái (hoặc trai) như đúng rồi, bất cần biết nhà phát hành có thể reset server bất cứ lúc nào. Tôi đã chơi Star Ocean: Till the End of Time tới 3 lần và lần nào cũng như kiểu bị lừa đảo, không thể hiểu mình vừa đọc cái quái gì nữa, vì mọi thứ nó phi logic một cách hư cấu ngay từ giây đầu tiên.