Kể từ ngày ra mắt của Wii U vào cuối năm 2012, thế hệ console thứ 8 đã khởi đầu. Dù Xbox One và PS4 ra mắt trễ hơn đến một năm, chúng ta có thể nói rằng thế hệ console thứ 8 đã kéo dài trong 7 năm trời. Trong khi đó, các console thế hệ mới thậm chí còn chưa có được một cái tên chính thức (Project Scarlett của Microsoft và PlayStation mới của Sony). Cho đến lúc này, chỉ mới có Xbox mới được dự tính sẽ ra mắt vào khoảng cuối năm 2020, trong khi hệ máy PlayStation mới chưa được ấn định ngày phát hành – tất cả những thông tin mới nhất chúng ta được biết chỉ là những gì Sony “nổ” về hiệu năng của hệ máy mới.
Như vậy, có thể nói rằng các console thế hệ thứ 8 sẽ có vòng đời khoảng 8 – 9 năm nếu Sony tiếp tục trì hoãn hệ máy mới của họ. Đây là một khoảng thời gian dài hơn hẳn nếu chúng ta so sánh với hai thế hệ console trước, và điều này thực sự không hề tốt cho doanh thu của các hãng sản xuất console. Dù cả Microsoft lẫn Sony đều cố gắng “làm mới” chiếc console của mình bằng cách tung ra những phiên bản mạnh hơn – Xbox One X và PlayStation 4 Pro – nhưng sự trì trệ trong thị trường đã thực sự hiện rõ trong những báo cáo tài chính mới nhất mà cả hai vừa công bố.
Cụ thể, trong báo cáo tài chính quý 4 của năm tài chính 2019 (kéo dài từ tháng 6/2018 đến 6/2019), Microsoft công bố rằng doanh số bán máy Xbox One đã sụt giảm đến 48% so với quý 4/2018 – một mức suy giảm đáng kinh ngạc bởi chỉ mới hồi quý 1/2019, hãng này tự hào công bố rằng doanh số Xbox tăng vọt đến 95%. Microsoft nhận định sự sụt giảm trong doanh thu bán máy Xbox cho thấy rằng thị trường đã bắt đầu bão hòa lượng console, và xác nhận rằng thế hệ console hiện tại đã sống hơi… quá dai hơn mức cần thiết.
Sony cũng gặp phải hiện tượng tương tự: trong năm 2018, họ “chỉ” bán được 17,8 triệu PS4, giảm nhẹ so với con số 19 triệu máy hồi năm 2017. Dù PlayStation Plus vẫn có hơn 36,4 triệu tài khoản đăng ký và trả phí hàng tháng, công ty vẫn tuyên bố giảm mức dự đoán doanh thu trong năm 2019, và cho rằng lợi nhuận từ mảng kinh doanh game sẽ giảm gần 10% trong năm sau ngay cả khi doanh số bán game không thay đổi trong năm nay. Điều này có thể là bởi trong năm 2019, Sony không có bất kỳ một tựa game “bom tấn” nào có thể tạo cú hích cho doanh số của PS4, và họ cũng vắng mặt tại E3 vừa qua nên game thủ không biết được PS4 sẽ đem lại những gì trong tương lai.
Ngay cả Mọt cũng biết rằng việc kéo dài vòng đời của một hệ console là không có lợi – nó không khiến game thủ bỏ ra những cục tiền bự để rinh một hệ máy mới về nhà, và những game thủ muốn mua console cũng sẽ ngần ngại đầu tư khi một hệ máy mới đã đến rất gần. Nintendo đã tránh được điều này khi nhanh chóng thay thế Wii U đã lỗi thời bằng Switch, và đạt được những thành công rực rỡ nhờ các tựa game độc quyền đỉnh cao như The Legend of Zelda: Breath of the Wild, Super Mario Odyssey, Octopath Traveler (nay đã có mặt trên PC), Tetris 99, Mario Kart 8, Super Mario Maker… Nhờ những tựa game này và thời điểm ra mắt tránh được cả Sony lẫn Microsoft, Switch đã bán được đến gần 35 triệu máy trong năm tài chính 2019 vừa qua, tức gần bằng doanh số của PS4 trong hai năm 2017-2018.
Vậy thì tại sao cả hai ông lớn Sony và Microsoft lại trì hoãn việc phát triển console mới, mà lại đổ tiền vào việc thực hiện Xbox One X và PlayStation 4 Pro?
Với Sony, Mọt có thể nghĩ đến vài lý do khác nhau. Vào thời điểm 2018, cả PS4 Pro và PS VR đều chỉ mới bắt đầu tìm được chỗ đứng trên thị trường, và việc đầu tư nghiên cứu một hệ máy mới ngay vào thời điểm này có thể không phải là lựa chọn khôn ngoan. Bởi những tựa game lớn như God of War, Days Gone, Death Stranding vẫn còn chưa ra mắt, PS4 vẫn có tiềm năng đem lại cho Sony những khoản tiền khổng lồ. Bên cạnh đó, các sản phẩm phần cứng trên công nghệ mới (chẳng hạn chip CPU 7nm) vẫn còn đang trong quá trình thai nghén, và nếu phát triển console mới trên nền tảng công nghệ cũ, Sony sẽ không có nhiều lý do để thuyết phục game thủ từ bỏ các cỗ máy PS4 để mua PS5.
Nếu nhìn xa hơn về quá khứ, bạn sẽ nhận ra rằng Sony khá nhất quán về mảng này: hồi năm 2012 khi được hỏi tại sao chưa “khoe” PS4, Sony nói rằng “thời điểm đúng để nói về phần cứng mới là khi bạn có thể trình diễn một bước nhảy vọt so với hiện tại.” Họ đã chờ thêm một thời gian để tung ra những thông tin chính thức đầu tiên về PS5, và dù có thể hãng hơi “nổ” (kiểu PS3 chạy 120 FPS), quả thật cấu hình PS5 hiện tại tỏ ra là một bước nâng cấp đáng kể so với PS4 Pro. Có thể còn một vài lý do khác cho sự chậm trễ của PS4, chẳng hạn việc Sony muốn nó phá vỡ kỷ lục về lượng máy bán ra của PS2, để các nhà phát triển khai thác hết sức mạnh đồ họa, hoặc để đo lường tiềm năng của cộng đồng game indie trên console mạnh đến mức nào và định ra chính sách cần thiết…
Xbox thì sao? Nếu Mọt là sếp Xbox của Microsoft, Mọt sẽ cố gắng… đá đít thế hệ Xbox hiện tại càng sớm càng tốt sau một đợt ra mắt không thể thất bại hơn hồi năm 2013. Từ chuyện toàn nói về phim, TV show, stream, MXH,… đến cuộc tình chóng vánh với Kinect, Xbox One chỉ có toàn những thất bại trong năm đầu đời, khiến Microsoft ngừng công bố những con số về doanh thu của hệ máy này trong một thời gian. Nhưng Mọt không phải là sếp Xbox nên đang ngồi đây viết những dòng này, còn Microsoft cố gắng cứu vãn Xbox One và sau đó lại đổ thêm một núi tiền phát triển Xbox One X, rồi lại quay sang tung ra một loạt game độc quyền Xbox One lên Steam.
Đáp án cho câu hỏi “tại sao Microsoft hoãn Xbox mới” có lẽ đã được ông Phil Spencer, sếp Xbox đưa ra hồi năm ngoái. Ông nói rằng vào thời điểm đó, trọng tâm của Microsoft là câu hỏi “Microsoft làm được gì cho game” thay vì chỉ muốn vượt qua các đối thủ. Vì vậy, Microsoft tìm đến những đối tượng game thủ mới khi tạo ra chiếc tay cầm cho người khuyết tật Xbox Adaptive Controller, và cho phép nhiều thế hệ game thủ có thể thưởng thức cùng một tựa game bằng việc đầu tư cho tính năng tương thích ngược. Họ cũng tạo ra những tựa game đa hệ và hỗ trợ cross-play cho game thủ của mình. “Tôi không bận tâm đến việc người ta phải chơi Minecraft trên Xbox One, mà bận tâm đến việc game thủ có thể chơi Minecraft bất kể console hay thiết bị nào đang nằm trước mặt họ,” ông Spencer cho biết.
Những điều mà ông Spencer nhắc đến thực sự là những điều mà game thủ quan tâm, và Mọt tin rằng Microsoft đã làm tốt tất cả những điều này. Nó có vẻ như cũng cho thấy rằng Microsoft bận tâm đến hình tượng một nhà phát hành game hơn là một kẻ dẫn đầu về phần cứng.
Còn sự thật thì sao? Microsoft biết thừa nếu có điều gì đó khiến hệ máy của mình kém hẳn so với đối thủ Sony, đó là game độc quyền. Vì vậy nên trong khoảng một năm gần đây, gã nhà giàu này đã vung tiền mua 7 studio khác nhau để sẵn sàng cho thế hệ console mới của mình, và gộp chung tất cả vào mái nhà “Microsoft Games Studios.” Dựa trên các tin đồn, có thể chúng ta sẽ thấy một tựa Fable mới, State of Decay 3, một tựa game mới của Obsidian Entertainment (studio phát triển The Outer Worlds, nhưng tựa game này sẽ không độc quyền Xbox) được phát hành trên chiếc Xbox mới. Ngoài ra Project Scarlett cũng sẽ được trang bị chip 7nm của AMD, nên nó sẽ mạnh mẽ chẳng kém gì PS5.
Như vậy, Mọt có thể kết luận rằng không phải Microsoft và Sony không muốn làm console mới để chiếm lĩnh thị trường (bởi cả hai đều không xem Switch là đối thủ trực tiếp), mà họ chỉ đang “lên gân, dồn lực” cho một cuộc chiến mới. Cả hai biết trước rằng doanh thu từ việc bán console sẽ suy giảm, nhưng họ có quá nhiều tiền và sẵn sàng chấp nhận việc doanh thu sụt giảm để chờ đợi thời cơ cho một hệ console mới, thay vì hấp tấp ra tay trước và rồi “sấp mặt” khi console của đối thủ mạnh hơn hoặc có những tựa game độc quyền hấp dẫn hơn.