Nằm bên bờ sông Dojima của thành phố Osaka, cách “tổng hành dinh” Capcom chỉ vài km là một tòa nhà xây bằng gạch đỏ với mái vòm độc đáo. Đó là sảnh trung tâm của thành phố Osaka (Central Public Hall), một trong những ngôi nhà có lịch sử lâu đời nhất thành phố và cũng là nguồn cảm hứng để Capcom tạo ra trụ sở cảnh sát thành phố Raccoon trong Resident Evil 2. Trong khi đó, trụ sở cảnh sát của Resident Evil 2 là một trong những địa điểm được game thủ xem là đẹp nhất và thú vị nhất trong game (nếu bạn phớt lờ lũ zombie lang thang), và khi được làm lại trong bản remake 2019, nó đã được nâng cấp với nền đồ họa mới đẹp mắt hơn hẳn. Bạn có muốn biết khu vực này đã được Capcom được thiết kế như thế nào? Nếu câu trả lời là có, hãy cùng Mọt khám phá điều đó trong bài viết này.
Được xây dựng từ năm 1918 như một trung tâm sinh hoạt văn hóa của thành phố, sảnh thành phố Osaka có những cột trụ cao ngất, các chi tiết chạm trổ công phu và một mái vòm cong hệt như của các nhà thờ – giống hệt như những gì mà Leon và Claire nhìn thấy khi lần đầu tiên bước vào trong đại sảnh của sở cảnh sát thành phố Raccoon trong phiên bản gốc. Sự khác biệt có lẽ chỉ là ở ngoại hình của công trình, tiếng gầm gừ của zombie và máu me bê bết trên sàn nhà hay các bức tường. Dù ở dạng 2D như Resident Evil 2 hay 3D như trong bản remake, sở cảnh sát này luôn tạo ra cảm giác rùng rợn và huyền bí ngay từ đầu, để cho các nhân vật chính biết rằng nó không phải là nơi trú ẩn an toàn mà họ đang tìm kiếm.
Khi phát triển phiên bản Resident Evil 2 remake, Capcom quyết định sẽ tái dựng lại một trụ sở cảnh sát mới bằng những công nghệ hiện đại, nhưng vẫn giữ nguyên những gì đã góp phần tạo ra bầu không khí đáng sợ của nó trong game. “Mục tiêu của chúng tôi là giữ lại cảm giác của tòa nhà gốc, nhưng tăng mức độ hiện thực và kích thước,” giám đốc dự án remake Kazunori Kadoi cho biết. “Tôi tự tin là game thủ sẽ phản hồi tích cực, và tôi không cảm thấy bất kỳ áp lực nào về việc phải xứng đáng với phiên bản gốc.”
Bối cảnh mới mẻ
Nếu Resident Evil 2 được phát triển bởi một studio phương Tây, có lẽ chúng ta sẽ không có sở cảnh sát như hiện tại. Nó có thể sẽ là một tòa nhà vuông vức, đầy những khối hộp chán ngán mà bạn có thể nhìn thấy ở khắp nơi trong các bộ phim truyền hình trên TV, chứ không phải một công trình kiến trúc theo phong cách Gothic mà chúng ta được thấy. Bạn thử nghĩ mà xem, đã bao giờ bạn thấy hình ảnh một sở cảnh sát được trang trí bằng một bức tượng cẩm thạch khổng lồ ngay đằng sau bàn tiếp tân?
Bức tượng này là một yếu tố quan trọng mà Capcom muốn tái hiện trong phiên bản Remake, bên cạnh những con thú nhồi bông trong văn phòng của tay sếp Brian Irons béo phệ. Bằng cách phóng đại kích cỡ của bức tương nữ thần, bổ sung thêm những tia sáng chiếu rọi nó từ trên cao một cách đầy kịch tính, những game thủ chưa từng trải nghiệm phiên bản gốc sẽ lập tức chú ý đến bức tượng và biết nó có một vai trò quan trọng trong game, còn những ai đã kinh qua Resident Evil 2 sẽ được chào đón bằng một khung cảnh quen thuộc mà họ ưa thích.
“Khi chơi Resident Evil 2 lần đầu lúc còn tuổi teen, tôi chưa từng thắc mắc tại sao cảnh sát thành phố Raccoon lại chọn một tòa nhà cũ phức tạp, đầy những câu đố rối rắm làm tổng hành dinh,” ông Kadoi nói. Nhưng bây giờ người ta thắc mắc nhiều hơn, và vì vậy Capcom quyết định tạo ra một bối cảnh cho sở cảnh sát. Bạn có thể tìm thấy những manh mối giới thiệu về tòa nhà ở đâu đó trong game, chẳng hạn một mảnh giấy trong phòng chờ sẽ cho bạn biết rằng nó vốn là một bảo tàng nghệ thuật trước khi được chuyển thành sở cảnh sát. Những bức tranh cũ, tượng đồng và các cổ vật nằm rải rác trong khu vực – thường là trong các nhà kho – sẽ giúp “gia cố” thông tin này, giúp game thủ có được ấn tượng về quá khứ của công trình.
Một yếu tố quan trọng khác ít được chú ý hơn là bối cảnh những năm 90 của game. Có thể bạn chỉ chú ý đến điều này khi sử dụng tính năng save bằng máy đánh chữ, nhưng nó còn tồn tại trong kiểu tóc của Leon, các màn hình máy tính CRT to kềnh càng trên các bàn làm việc, và một số vật phẩm nằm rải rác trong môi trường mà game thủ phải tinh ý mới có thể nhận ra.
Những yếu tố khác như hệ thống câu đố hay các đường hầm bí mật ẩn trong sở cảnh sát Raccoon vẫn là một vấn đề mà game thủ có thể sẽ thắc mắc, nhưng nó bỗng trở nên phù hợp hơn chỉ bằng một chút thông tin “nơi đây vốn là bảo tàng.” Chúng vẫn có chút gì đó lạc lõng trong ngôi nhà này, nhưng ít nhất đó là điều mà game thủ dễ dàng bỏ qua, còn Capcom chấp nhận giữ lại để phục vụ cho gameplay.
Bóng tối đầy sáng tạo
Sự khác biệt lớn nhất giữa hai đồn cảnh sát trong hai phiên bản game là ánh sáng của chúng. Trong phiên bản gốc, các căn phòng của game chỉ là những khung cảnh 2D được dựng sẵn, trong khi nhân vật và zombie là 3D di chuyển trên một “lưới” được thiết kế khôn ngoan để game thủ nghĩ rằng môi trường cũng là 3D. Các căn phòng này đều được chiếu sáng rõ ràng, nên bạn có thể dễ dàng biết được điều gì đang chờ đợi mình phía trước.
Bản Resident Evil 2 remake lại khác. Rất nhiều hành lang và căn phòng trong sở cảnh sát Raccoon tối mịt, buộc game thủ phải dùng chiếc đèn pin của mình ở góc nhìn người thứ ba. Điều này khiến game thủ có một tầm nhìn hạn hẹp, tạo ra không khí đe dọa và là cơ hội cho Capcom hù dọa người chơi, đặc biệt là khi bạn quẹo qua những ngã rẽ tối tăm. Capcom cố ý thiết kế sao cho sở cảnh sát này có thật nhiều góc khuất và những hành lang hẹp hơn hẳn so với một tòa nhà bình thường, để game thủ luôn phải căng thẳng vì chẳng biết có thứ gì đang chờ đợi đằng sau góc khuất phía trước hay cánh cửa mình sắp mở ra.
Những yếu tố bất ngờ và lẩn khuất
Vẫn còn một số yếu tố khác khiến sở cảnh sát này là một trong những khu vực tốt nhất trong game. Toàn bộ hoạt động của game thủ xoay quanh một khu vực chung (đại sảnh), giúp bạn dễ dàng nhận diện mình đang ở đâu và định hướng dễ dàng dù không hề có bản đồ. Nó cũng là nơi duy nhất mà bạn khám phá trong một thời gian dài, nên bạn có thời gian để nhìn ngắm kiến trúc và phần ánh sáng xuất sắc mà Capcom đã tạo ra. Và nơi đây còn có những khoảnh khắc yên tĩnh, an toàn đến bất ngờ thường được theo sau bởi những tiếng gào thét bất ngờ khi lũ zombie lao xuyên qua cửa kính hay những trò hù dọa tương tự. Và không thể không nhắc đến sự tồn tại của con Tyrant lảng vảng trong tòa nhà với tiếng giày lộp cộp đầy đe dọa, khiến game thủ luôn phải lo lắng hãi hùng kể từ sau lần đầu tiên gặp mặt nó.
Việc Capcom dành rất nhiều công sức để tạo ra sở cảnh sát Raccoon đã được đền đáp xứng đáng. Ông Kadoi nói rằng bởi sở cảnh sát là một nơi bạn thường xuyên nhìn thấy trong phim ảnh nhưng lại rất ít khi được dùng trong game (vào thời điểm 1998), việc Resident Evil 2 chọn công trình này làm sân chơi khiến game thủ vừa thấy mới lạ lại vừa chân thực. Kết hợp cùng với yếu tố đầy bất ngờ và mỉa mai khi các nhân viên cảnh sát tại đây đã bị biến thành zombie, game thủ sẽ bị ấn tượng mạnh và vì thế nơi này trở thành địa điểm được yêu thích nhất trong Resident Evil 2.