Từ khi được ra mắt vào năm 2013 trên Steam, khái niệm Early Access đã trở nên ngày càng thông dụng hơn với cộng đồng game thủ. Việc các nhà phát hành có thể đưa game của mình từ khi còn giai đoạn sản xuất lên store để mọi người có thể chơi thử và góp ý trực tiếp thực sự rất tốt, nhất là khi nó đỡ được công sức quảng cáo và kiểm tra rất nhiều.
Nhưng theo thời gian thì khái niệm Early Access ngày càng bị lạm dụng, khi mà các tựa game “đang trong giai đoạn phát triển” có thể kéo dài tới 6, 7 năm hay thậm chí gần như vô tận, không hẹn ngày ra mắt và cũng không chắc chắn về mức độ mà nó có thể làm. Rõ ràng đây không phải là thứ gì đó hay ho cho lắm, nhất là với các game thủ đã bỏ tiền mua game nhưng mãi mà không thấy bản hoàn thiện cuối cùng.
Nếu bạn không biết thì cách đây vài ngày, tựa game Besiege đã có thông báo ngày ra mắt chính thức sau một quãng thời gian Early Access dài đằng đẵng lên tới 5 năm. Con số này nghe qua có vẻ quá sức hư cấu với một game bình thường, nhưng hiện nay thì điều đó chẳng có gì là lạ khi chúng ta có thể kể tên ra rất nhiều cái tên khác như: DayZ (5 năm), Prison Architect (4 năm), Overgrowth (8 năm), Project Zomboid (6 năm và vẫn còn đang Early Access)…
Nói một cách vui tính thì trên Steam hiện tại nếu như bạn tìm thấy một tựa game nào đó có vẻ hay hay, thì phải đến 70-80% nó đang gắn Early Access hoặc cái gì đó tương tự. Xu hướng này phổ biến tới mức gần như thành một dạng mặc định trong những năm gần đây, trừ khi là các nhà phát hành lớn hoặc game bom tấn, còn đâu các Studio Indie đều đi theo lựa chọn này, vì nó đem lại quá nhiều ưu thế.
Cái lợi dễ thấy nhất của Early Access là nó cho phép game được ra mắt sớm hơn, bớt đi khoản thời gian đầu tư. Thực tế thì rất nhiều game thậm chí chỉ cần tung ra bản beta còn cả tấn lỗi lên Steam, gắn mác Early Access cùng vài cái trailer và cứ thế có thể đem đi quảng cáo ầm ầm. Nó giúp cho các Studio nhỏ có thể tiếp cận game thủ nhanh hơn, cũng như đem sản phẩm của mình đi gọi vốn liên tục.
Nhưng cái gì cũng phải có giới hạn của nó, chúng ta có thể chấp nhận việc một tựa game gắn mác Early Access trong một hoặc hai năm, sau đó nó bắt buộc phải cho ra phiên bản chính thức. Thực tế thì nếu như cái studio làm đúng như tinh thần Early Access tức là đem một sản phẩm đang phát triển ra chào hàng, sau đó thu tiền trực tiếp từ việc bán game và tiếp tục quay vòng nó để phát triển hoàn thiện thì không sao cả.
Vấn đề nảy sinh khi quá trình Early Access bị kéo dài vô tận vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu nhất vẫn là cố làm sao đó để tránh việc bị tra hỏi về chất lượng, tại vì với cái mác Early Access thì chúng ta có thể thòng thêm câu “sản phẩm đang phát triển, sai sót là không thể tránh khỏi”. Một phần khác là do đem ra trong qua trình hoàn thiện nên sẽ phải thu thập ý kiến cộng đồng, nếu không phải là một studio cứng tay thì sẽ dễ bị phân tâm dẫn đến chệch khỏi ý tưởng ban đầu.
Cá nhân người viết cực kỳ ghét những game có quá trình Early Access dài ngày, vì có cảm giác nó đang cố tình lừa đảo mình. DayZ là một ví dụ điển hình, vốn nó là một thứ cực kỳ tiềm năng với lối chơi sinh tồn thế giới mở kết hợp PvP, mọi thứ đều tốt đẹp cho tới khi nhà phát hành càng lúc càng muốn nâng cấp tựa game của họ, thêm quá nhiều tính năng cũng như cứ để mác Early Access cực kỳ lâu.
Phiên bản Early Access rất khác một phiên bản hoàn chỉnh cả về trọng tâm trong lối chơi lẫn cách tiếp cận, tôi không thích khi mình cứ bị các nhà phát triển lấy ra làm vật thí nghiệm suốt nhiều năm trời, trong khi bản thân mình đã mua game và là khách hàng hợp pháp có quyền đòi hỏi phiên bản hoàn thiện.
Việc để Early Access thực tế chỉ có lợi cho nhà phát hành game, vì tiền họ đã thu được rồi và nội dung thì cứ thế mà đẻ ra vô tội vạ. Tất nhiên trì hoãn ngày phát hành chính thức cũng sẽ có điểm xấu, đó là người chơi sẽ từ từ mất dần hứng thú với tựa game đó và tìm tới những sản phẩm khác tương tự. Nhưng xét một cách thực tiễn với việc lên dự án rồi gọi vốn đầu tư, thì quẳng một game Early Access lên Steam và bán luôn tức thì rõ ràng có lợi hơn nhiều, bất kể kết quả ra sao.
Thành ra bây giờ chúng ta có thể thấy các game vừa ra mắt để mác Early Access nhan nhản, nhưng liệu có bao nhiêu trong số đó là sẽ phát hành chính thức, hay nó sẽ chơi giờ dây thun dài dằng dặc ra. Tôi không hề thích các nhà phát triển cứ dựa dẫm vào mác Early Access như vậy, vì có cảm giác họ đang lợi dụng sự “chiều chuộng” của game thủ để kiếm tiền trước, rồi sau đó mới tính đường tiếp theo.
Hơn nữa cộng đồng thường rất dễ bị thỏa mãn, chỉ cần vài cái trailer bóng bẩy, những đoạn gameplay demo đã qua vài tỉ lần render được tung lên với lộ trình đều đặn, là đã đủ để họ bỏ tiền vào rồi. Những trường hợp gọi vốn hay Early Access để rồi tung ra những sản phẩm thảm họa chẳng phải là hiếm, trong đó Mighty No. 9 và đỉnh điểm nhất có thể nói tới Star Citizen – tựa game huy động vốn được tới hàng trăm triệu USD, nhưng với mức độ delay phải nói là kinh hoàng và có trời biết bao giờ nó mới chịu xuất hiện.
Tất nhiên có thể thông cảm cho những studio nhỏ khi buộc phải bám vào cái mác Early Access, vì họ không thể nào đào ra tiền như những ông lớn được. Nhưng việc càng ngày càng dựa vào sự hào phóng của game thủ thì rõ ràng chẳng hay ho gì, chưa kể càng lúc cái này sắp thành “mốt” tới nơi rồi thì phải.