Thay vì chỉ đơn thuần tập trung vào các nhân vật trong Dragon Ball như Dragon Ball FighterZ ra mắt đầu năm nay, đội hình Jump Force bao gồm các anh hùng và nhân vật phản diện nổi tiếng trong lịch sử 50 năm của tạp chí Shonen Jump Magazine.
Vì lý do này, tựa game đã được sản xuất như một sản phẩm mang tính kỷ niệm. Nhưng không giống như nỗ lực tầm thường trước đây của Bandai Namco với J-Stars Victory VS, Jump Force sở hữu chiều sâu và cơ chế cần thiết để trở thành một tựa game đối kháng 3D chất lượng.
Bản demo được cho trải nghiệm tại E3 2018 của Jump Force khá hạn chế. Nó chỉ cho phép đấu solo với máy (CPU) và góp mặt vỏn vẹn 6 nhân vật có thể chơi được: Goku, Frieza, Luffy, Zoro, Naruto và Sasuke. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó cũng vừa đủ để cho thấy hãng phát triển Spike Chunsoft có thể đem lại những gì.
Người chơi sẽ tiến hành thành lập một nhóm 3 người và chọn sàn đấu trước khi nhảy vào trận chiến. Một khi cuộc so tài bắt đầu, game thủ có nhiều lựa chọn chiến thuật nhằm gây áp lực lên đối thủ và giành chiến thắng. Cách của người viết thì khá đơn giản: tận dụng sự kết hợp của các đòn tấn công nhẹ và mạnh để phá vỡ khả năng phòng ngự của đối phương. Sau đó kết thúc combo bằng một tuyệt kỹ Rasengan của Naruto hoặc Kamehameha của Goku.
Đây mới chỉ là một ví dụ về tính năng cơ bản. Chiều sâu thực sự trong gameplay bắt đầu xuất hiện khi người viết tiến hành kết hợp các nhân vật trong nhóm, bằng cách sử dụng cơ chế hỗ trợ (assist) hoặc chuyển đổi (switch) giữa họ để tạo thêm sát thương khi đang thi triển combo. Thậm chí có thể thay người trong khi đang nhận một combo và tránh được thiệt hại đáng kể. Một khi đạt được những điều kiện nhất định, người chơi thậm chí có thể tăng cường sức mạnh hoặc biến đổi nhân vật của mình, bằng cách “đánh thức” họ và mở khóa một tuyệt kỹ mới đầy hào nhoáng.
So với các tựa game đối kháng khác trên thị trường, Jump Force dường như tập trung hoàn toàn vào lối chơi tấn công – hoặc ít nhất là bản Demo cho thấy vậy. Số lượng các tùy chọn phòng thủ bị hạn chế khá nhiều, và hiếm khi cung cấp cho người chơi lợi ích thiết thực. Vì vậy, bạn phải liên tục tiến đến gây sát thương ở mọi cơ hội có được và tốt hơn hết là đừng ngừng lại để phòng thủ. Tuy tập trung vào những màn chiến đấu khốc liệt là tốt, nhưng trò chơi cần phải được tinh chỉnh thêm để đỡ mất cân bằng.
Jump Force mang lại cảm giác như một viên kim cương chưa được mài dũa kỹ lưỡng. Có những điều khiến người chơi ưng ý nhưng cũng có một số thứ cần xem xét lại. Đầu tiên, tôi nghĩ rằng time to kill diễn ra quá nhanh. Sau một combo từ bất kỳ nhân vật nào có thể chơi được, tôi đã có thể rút một nửa thanh đo sức khỏe (hay thanh “máu”) của CPU. Điều làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn là cả nhóm chia sẻ cùng một thanh đo sức khỏe, thay vì mỗi nhân vật sở hữu một cái riêng giống như các tựa game đối kháng theo nhóm khác.
Phần lớn thời gian, tôi không có cơ hội để xem phần còn lại trong nhóm CPU đối thủ trổ tài trước khi vòng đấu kết thúc. Bên cạnh đó, Spike Chunsoft cũng cần tạo ra nhiều công dụng/tính năng hơn cho thanh đo năng lượng, thay vì chỉ sử dụng nó cho những chiêu thức đặc biệt. Ví dụ như nếu gọi hỗ trợ sẽ tốn một nấc năng lượng, đổi đấu sĩ sẽ mất thêm một nấc khác,.v.v.. để làm cho nó liên tục được sử dụng trong cả hai phương án tấn công – phòng thủ và buộc game thủ phải tính toán kỹ càng trước khi hành động.
Mặc dù còn đó những thiếu sót, người viết vẫn cảm thấy thích thời gian đã bỏ ra để trải nghiệm Jump Force. Phong cách nghệ thuật rất thú vị, các đòn tấn công có sức nặng, chiêu thức đặc biệt được tái tạo trung thực từ nguyên tác và đầy những hiệu ứng hào nhoáng.
Nếu đem các trò chơi kỷ niệm Shonen Jump trước đó làm kim chỉ nam, thì Jump Force có thể sẽ góp mặt hơn 30 nhân vật có thể chơi được, khi chính thức ra mắt vào năm 2019 cho Xbox One, PlayStation 4 và PC. Cho đến lúc đó, chúng ta sẽ phải kiên nhẫn chờ đợi để biết thêm thông tin chi tiết.
Theo cgmagonline