Cốt truyện Cult of the Lamb: Giáo phái của chú cừu

Cult of the Lamb kể là trò chơi mang đầy mau sắc tôn giáo kể về hành trình xây dựng tôn giáo tín ngưỡng của một chú cừu bị mang đi hiến tế

Tín ngưỡng tôn giáo là một thứ có sức ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ mà ta khó lòng giải thích được. Nếu là một tín ngưỡng hướng người ta đến những thứ tốt đẹp thì chắc chắn nó sẽ mang đến những giá trị tích cực cho xã hội, nhưng ngược lại, một tín ngưỡng suy đồi có thể mang đến những tác hại không thể lường trước được. 

Vào vai một chú cừu bị mang đi hiến tế, bạn sẽ được trao cơ hội thứ hai để sống lại, nhưng với điều kiện phải xây dựng một tín ngưỡng hùng mạnh cho vị thần đã cứu mình, liệu bạn có đồng ý với điều đó không? Nếu câu trả lời là có thì chào mừng bạn đến với thế giới của tựa game Cult of the Lamb, nơi mà bạn có thể thành lập tôn giáo, thu gom tín đồ và giúp tôn giáo của mình trở nên hùng mạnh, nhưng mọi chuyện có đơn giản chỉ là như thế? 

Cult of the Lamb: Sự hình thành của một tôn giáo

Câu chuyện Cult of the Lamb được lấy bối cảnh ở đại lục, nơi có giáo phái Old Faith hùng mạnh, và vì nhân vật chính của chúng ta không có tên nên tôi sẽ gọi cậu ta là Lambert, đây là tên gọi do nhà phát hành gợi ý trên twitter. Mở đầu trò chơi, Lambert bị trói lại và đưa lên bàn tế, trước mặt cậu là 4 giám mục vĩ đại nhất của giáo phái Old Faith, lần lượt là Leshy, Heket, KallamarShamura. Bốn vị Giám Mục lần lượt đọc lời tế trước sự sợ hãi của Lambert, và rồi tên đao phủ ở bên cạnh vung rìu lên, đưa Lambert tội nghiệp sang thế giới bên kia.

Sau cơn đau đớn, Lambert mở mắt và thấy mình đã lạc đến một chiều không gian khác, một kẻ bị xích tự xưng là Kẻ Chờ Đợi (The One Who Waits) gọi cậu đến và nói gã sẽ giúp cậu sống lại, nhưng với điều kiện sau khi hồi sinh, Lambert phải xây dựng một tôn giáo hùng mạnh thờ phụng gã, và hiển nhiên là Lambert đã đồng ý.

Kẻ Chờ Đợi trao cho Lambert chiếc vương miện của hắn, nó không chỉ giúp cậu sống lại thậm chí còn khiến Lambert còn mạnh mẽ hơn xưa. Sự hồi sinh của cậu đã khiến tất cả mọi người ở nơi hiến tế hoảng sợ, cậu nhanh chóng cầm đao tiêu diệt những giáo dân cản đường mình rồi lao ra ngoài, đương nhiên là không bao gồm 4 vị Giám Mục vì họ đã rời đi ngay sau khi lễ tế hoàn thành.

Cult of the Lamb

Lambert rời khỏi nơi tế thì gặp một chú chuột nâu tên Ratau, Ratau tự giới thiệu anh ta cũng từng là một kẻ bị hiến tế như Lambert và giờ anh được Kẻ Chờ Đợi gửi đến để hướng dẫn Lambert xây dựng tín ngưỡng cho hắn. Sau khi giải cứu một sinh vật vô tội đang bị hiến tế, chiếc vương miện đỏ Lambert đội trên đầu đưa cậu đến một phế tích đổ nát, nơi cậu có thể bắt đầu xây dựng tín ngưỡng tôn giáo của riêng mình.

Đương nhiên việc xây dựng một tín ngưỡng chắc chắn sẽ chẳng hề dễ dàng, Lambert phải giải cứu những người bị hiến tế, cho họ một cuộc sống tốt đẹp bằng cách xây dựng những kiến trúc cần thiết như nhà ở, đền thờ… để họ cảm thấy nơi này là một nơi đáng sống và nguyện ý trở thành tín đồ của Kẻ Chờ Đợi.

Tuy nhiên, việc xây dựng những thứ đó yêu cầu một khoảng tiền khá lớn, chính vì vậy Lambert đã quyết định sẽ tấn công giáo phái của bốn vị Giám Mục để kiếm thêm tài nguyên. Cậu kiếm được nhiều tiền hơn từ những cuộc tấn công, xây dựng được nhiều công trình đồ sộ và phát triển tín ngưỡng của Kẻ Chờ Đợi trở nên lớn mạnh.

Cult of the Lamb

Đương nhiên, bốn vị Giám Mục sẽ không dễ dàng để chuyện đó xảy ra, vì vậy trong suốt quá trình chơi, Lambert sẽ thấy các giám mục xuất hiện uy hiếp, đe dọa hoặc nhắc nhở cậu chớ có tin lời Kẻ Chờ Đợi. Tuy nhiên bởi vì Lambert đang có sức mạnh của chiếc vương miện đỏ nên họ vẫn chưa làm gì cậu hoặc nói cách khác thì 4 vị Giám Mục cảm thấy việc quá để tâm một con cừu nhỏ bé như Lambert thì thật là nực cười. 

Dưới sự cản trở của 4 vị Giám Mục, Lambert vẫn không hề ngừng việc phát triển tín ngưỡng lại. Người đầu tiên không chịu nổi sự quấy nhiễu của Lambert là Leshy, Giám Mục của khu Darkwood. Hắn biến thành một con sâu khổng lồ với 4 con mắt và cái miệng đầy răng sắc nhọn tấn công Lambert. Thế nhưng nhờ có sức mạnh từ chiếc vương miện đỏ, Lambert hoàn toàn không thua kém Leshy và dễ dàng đánh bại hắn, thành công lấy được Trái tim dị giáo (Heart of Heretic) trong người Leshy.

Khi nghe tin Lambert đã đánh bại Leshy, Kẻ Chờ Đợi tỏ ra vô cùng hả hê. Hắn kể lại rằng, bốn Giám Mục đó đã phản bội và giam giữ hắn ở nơi này, mỗi sợi dây xích trói buộc hắn chính là tượng trưng cho một Giám Mục, và hắn muốn Lambert hãy tiêu diệt tất cả 4 Giám Mục để giải thoát cho hắn, xem như cậu trả ơn cho việc hắn đã giúp cậu sống lại. Kẻ Chờ Đợi thậm chí còn gợi ý rằng, Lambert nên hiến tế các tín đồ để trở nên mạnh hơn, chỉ cách đó mới có thể tiêu diệt được 3 Giám Mục tối cao còn lại.

Cult of the Lamb

Giám Mục tiếp theo bị Lambert tấn công là Heket của khu Anura, cô ta có hình dáng là một con ếch da đỏ với bốn con mắt màu đen. Heket nói bốn giám mục có nhiệm vụ bảo vệ vùng đất Old Faith khỏi những kẻ truyền bá dị giáo như Lambert. Đến đây ta sẽ biết Vương miện đỏ là danh xưng mà 4 Giám Mục dùng để chỉ Kẻ Chờ Đợi. 

Theo lời Heket thì vương miện đỏ từng là một trong 5 thành viên thuộc nhóm Giám Mục, nhưng mấy nghìn năm trước họ đã trục xuất hắn khỏi nhóm Giám Mục và giam giữ hắn lại để tránh việc lan truyền những giáo lý vô đạo đức. Vì Lambert lựa chọn đi theo Kẻ Chờ Đợi nên cô ta sẽ gieo rắc nạn đói lên giáo dân của Lambert, xem như hình phạt vì đã đi theo dị giáo, đương nhiên việc đó đã mang đến không ít khó khăn trong việc phát triển giáo phái của Lambert.

Trong lần gặp mặt tiếp theo, Heket gọi Kẻ Chờ Đợi là một con quái vật và nói lần này cô ta sẽ không để Lambert sống sót rời khỏi đây. Heket biến thành một con ếch khổng lồ với cái miệng bị rạch hình chữ thập bắt đầu lao vào tấn công Lambert, hòng tước đoạt mạng sống của cậu. Nếu Lambert thất bại trong việc hạ gục Heket thì cũng chẳng sao cả, vì Kẻ Chờ Đợi sẽ hồi sinh cậu hết lần này đến lần khác, và cứ mỗi lần như vậy, Lambert sẽ càng mạnh mẽ hơn so với trước kia.

Cult of the Lamb

Nếu Lambert hạ gục Heket, cậu sẽ lấy được trái tim của cô ta và phá vỡ một trong ba sợi xích đang giam giữ Kẻ Chờ Đợi. Giám Mục tiếp theo mà Lambert phải đối mặt là Kallamar của khu Anchordeep. Kallamar nói rằng lúc trước Kẻ Chờ Đợi cũng từng phái Ratau đến chống lại họ nhưng không thành công. Để trừng phạt sự ngu muội của Lambert, gã sẽ gieo rắc bệnh tật lên giáo phái của cậu.

Tuy nhiên khác với sự hùng hổ của Leshy hay Heket, Kallamar lại tỏ ra là một kẻ khá hèn nhát bởi khi chuẩn bị tấn công Lambert, gã lại bảo rằng việc chống lại Vương miện đỏ không phải ý của gã mà là của các Giám Mục khác. Gã cầu xin Lambert đừng giết gã mà hãy đi giết Shamura, Giám Mục của khu Silk Cradle. Nhưng cuối cùng Kallamar vẫn bị Lambert tiêu diệt và thu được trái tim của gã. Sợi xích thứ 3 đã bị cắt đứt, giờ Lambert chỉ cần tiêu diệt được Giám Mục cuối cùng, Shamura của khu Silk Cradle là sẽ thành công giải thoát cho Kẻ Chờ Đợi. 

Giám Mục cuối cùng và số phận của vật tế

Tiếp theo câu chuyện của Cult of the Lamb, khi Shamura gặp Lambert, gã nói rằng lúc trước Kẻ Chờ Đợi được biết với cái tên Narinder, và là một thành viên trong số 5 Giám Mục lúc bấy giờ. Nhưng rồi nhiều thiên niên kỷ trôi qua, Narinder đã không còn thỏa mãn với những gì mình có. Hắn làm Leshy bị mù, làm cổ họng Heket bị thương, tai của Kallamar bị hỏng và trí nhớ của Shamura trở nên hỗn loạn. Chính vì vậy nên hắn ta mới bị 4 người kia hợp sức giam giữ bằng bốn sợi xích.

Cult of the Lamb

Shamura hỏi, liệu Lambert có biết điều gì sẽ chờ cậu khi giải thoát cho Narinder hay không? Cậu là một con cừu và vĩnh viễn chỉ là vật hiến tế của Narinder mà thôi. Shamura nói, nếu cậu vẫn muốn tiếp tục làm việc theo mệnh lệnh của Narinder, vậy thì gã sẽ chờ cậu tại ngôi đền trong trận quyết đấu cuối cùng.

Ở ngôi đền, Shamura biến thành một con nhện khổng lồ, lao vào tấn công Lambert, nhưng rồi kết cục vẫn bị Lambert đánh bại. Xiềng xích cuối cùng đã bị phá, Narinder cuối cùng cũng sắp được tự do. Hắn ta lập tức trở mặt đòi lại chiếc vương miện đỏ từ tay Lambert, và yêu cầu cậu tự hiến tế bản thân để giải thoát cho hắn. Bởi vì mạng sống của cậu vốn là hắn trao cho, nên giờ hắn lấy lại cũng là lẽ đương nhiên. Đến đây, Lambert sẽ có hai lựa chọn là thực hiện nghi lễ cuối cùng hoặc không, và tùy theo lựa chọn của Lambert, câu chuyện sẽ có hai kết thúc khác nhau.

Nếu Lambert đưa vương miện cho Narinder, hắn ta sẽ lấy lại sức mạnh tối thượng của mình, sau đó tiễn Lambert sang thế giới bên kia trong đau đớn, từ đó Narinder trở thành kẻ thống trị vùng đất Old Faith.

Nếu chọn từ chối, Lambert sẽ quyết định phản bội lại Narinder và không đưa chiếc vương miện cho gã. Hai tên người hầu của Narinder sẽ tấn công Lambert để đoạt lại chiếc vương miện nhưng không thành công. Narinder tức điên lên, đích thân ra tay trừng trị kẻ phản bội. Nhưng dù có dùng đến dạng tối thượng của mình, hắn ta vẫn không thể đánh bại Lambert. 

Sau khi bị Lambert hạ gục, gã trở thành một người bình thường, dù Lambert lựa chọn giết hay tha cho Narinder thì cũng không thay đổi một điều rằng, từ giờ Lambert đã là vị thần có tín ngưỡng lớn nhất tại Old Faith.

Ý nghĩa về tạo hình của các nhân vật trong Cult of the Lamb

Vậy, sau khi câu chuyện trong Cult of the Lamb kết thúc, bạn có thắc mắc tại sao nhân vật chính lại là một con cừu không? Theo tôi thì việc này bắt nguồn từ thuật ngữ “con cừu hiến tế” trong các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham, mà chi tiết hơn là Cơ Đốc giáo. Thuật ngữ này nhằm ám chỉ một thứ gì đó được hy sinh để đổi lấy lợi ích lớn lao hơn. Và trong trò chơi, Lambert là vật hy sinh để Narinder lấy lại sức mạnh của mình.

Ngoài điều này ra, ta có thể thấy trong tôn giáo, hình tượng con cừu sẽ luôn gắn liền với những thứ cao quý, thánh thiện nhưng vô hại, ứng với hình ảnh Lambert bất lực nằm trên bàn tế ở đầu trò chơi. Nhưng theo thời gian, Lambert sẽ dần thay đổi, cậu ta bắt đầu hiến tế những giáo dân của mình để đổi lấy sức mạnh và bắt đầu ham muốn quyền lực. Chứng minh cho điều này là Lambert từ chối đưa lại vương miện cho Narinder. Cậu ta làm vậy có thể do sợ chết, muốn được sống, nhưng cũng có thể cậu ta không muốn trao lại quyền lực tối thượng mà mình có cho kẻ khác, cậu ta muốn trở thành vị thần tối cao ở nơi này.

Về phần nhân vật phản diện Kẻ Chờ Đợi hay Narinder, được khắc họa bằng hình ảnh một con mèo đen. Thứ vốn là biểu tượng của quỷ Satan, sự xui xẻo và chết chóc vào thời xưa. Đương nhiên suy nghĩ đó bây giờ đã không còn đúng nữa. Từ hình tượng mèo đen cho thấy Narinder là một kẻ không đáng tin và đại diện cho cái chết, vậy nên cũng chẳng lạ gì nếu cuối cùng hắn ta lại phản bội và quyết định cướp đoạt hết mọi thứ mà Lambert đã gầy dựng.

Cuối cùng là về 4 Giám Mục, hình tượng để xây dựng họ tôi nghĩ là lấy cảm hứng từ Tứ kỵ sĩ Khải Huyền trong Kinh Tân Ước và con khỉ bốn không trong triết lý tôn giáo. Đầu tiên là Leshy với đôi mắt bị vải băng che phủ, ứng với câu “Không nhìn quỷ” – “See no Evil”, tôi đoán có lẽ được lấy từ hình tượng kỵ sĩ Death. Hình ảnh của vị Giám Mục này gắn liền với thiên nhiên, và cái tên Leshy cũng trùng với một vị thần rừng có cặp sừng hươu trong thần thoại của người Slav. 

Người thứ hai là Heket với cái cổ bị thương phải phủ khăn, ứng với câu “Speak no evil” và được xây dựng từ hình tượng kỵ sĩ ngựa đen Famine. Việc Heket có thể gieo rắc cơn đói cho những tín đồ của Lambert càng chứng minh giả thuyết này là đúng. Với cái đầu giống ếch, tôi nghĩ Heket cũng được xây dựng dựa trên nữ thần sinh sản Heqet của người Ai Cập. Vì nếu để ý thì khi Heket tấn công, cô sẽ tạo ra rất nhiều ếch con để công kích Lambert.

Giám Mục thứ ba là Kallamar với đôi tai bị thương, ứng với câu “Hear no Evil” – Không nghe quỷ, đại diện cho kỵ sĩ dịch bệnh Pestilence khi có khả năng gieo rắc dịch bệnh. Trong tiếng Albania, Kallamar có nghĩa là mực ống, có lẽ hình tượng xây dựng vị Giám Mục này xuất phát từ những con mực thủy quái khổng lồ trong câu chuyện truyền miệng của các thủy thủ.

Vị Giám Mục cuối cùng là Shamura với vết thương ở đầu thể hiện cho câu “Think no Evil” – Không nghĩ đến quỷ, có lẽ là đại diện cho kỵ sĩ War trong tứ kỵ sĩ Khải Huyền, vì thành tựu khi tiêu diệt Shamura là hòa bình. Tôi không chắc Shamura được lấy hình tượng từ vị thần nào, có lẽ là từ những quái vật nhện khổng lồ trong các truyền thuyết cổ, còn bạn nghĩ thế nào?

Và đó cũng là những phân tích cuối cùng của tôi trong Cult of the Lamb, tựa game này chỉ đơn giản nói về việc một chú cừu làm cách nào để giành lại quyền được sống của mình và xây dựng một tôn giáo. Tuy nhiên, những chi tiết và tạo hình nhân vật dựa trên hình tượng tôn giáo được nhà sản xuất cài cắm bên trong tựa game thật sự rất thú vị. Từ đó nói lên câu chuyện về sức mạnh và tác hại của một tôn giáo lệch lạc. Vậy bạn nghĩ tựa game này thế nào? Hãy để lại bình luận cho Mọt biết nhé.

Theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ những bài viết hay sắp tới nhé.