Khi chơi game trên PC, bạn thường có ba lựa chọn để hiển thị game trên màn hình: Fullscreen (toàn màn hình, tên đầy đủ là Fullscreen Exclusive), Windowed (cửa sổ), và Windowed Fullscreen (cửa sổ toàn màn hình). Mỗi chế độ lại có những ưu điểm riêng: Fullscreen cho phép game chiếm dụng toàn bộ sức mạnh xử lý của card đồ họa, giúp tăng tốc độ khung hình lên tối đa. Chế độ Windowed giúp bạn dễ dàng chuyển qua lại giữa game và các ứng dụng khác chạy nền nhưng kích thước khung hình của game giảm bớt đôi chút, trong khi Windowed Fullscreen vừa cho phép bạn thưởng thức game toàn màn hình lại vừa dễ dàng chuyển qua lại giữa các ứng dụng khác và game.
Nghe qua thì có vẻ Windowed Fullscreen (đôi khi được gọi là Borderless Window – cửa sổ không có khung) là thuận tiện nhất, đúng không nào? Nhưng nếu đó là thuận tiện nhất thì hai chế độ kia sẽ không còn “đất sống”, và Microsoft càng không có lý do gì để bổ sung thêm một chế độ thứ 4 vào hệ điều hành Windows 10 với tên gọi Fullscreen Optimizations (tối ưu toàn màn hình). Vì vậy, Mọt tui thực hiện bài viết này cùng các bạn tìm hiểu đâu là ưu nhược điểm của ba chế độ đầu tiên, và tại sao lại cần đến một chế độ thứ 4 cũng như cách sử dụng nó.
Những chế độ hiển thị truyền thống
Ban đầu, mọi tựa game đều chạy ở Fullscreen Exclusive, một chế độ được thiết kế để đem lại cho trò chơi toàn quyền kiểm soát sức mạnh đồ họa của máy tính. Điều này có nghĩa là toàn bộ tài nguyên của máy tính được dùng để phục vụ việc xử lý trò chơi, đem lại số khung hình cao nhất cho game thủ. Tuy nhiên việc chơi game trên máy tính đã có những bước tiến dài và những thay đổi lớn, khiến Fullscreen Exclusive để lộ những nhược điểm của mình. Bởi nó chiếm dụng toàn bộ tài nguyên của máy, tất cả những tiến trình khác đều bị “cho de” khi bạn chơi game, một điều khá bất lợi trong thời buổi đa nhiệm ngày nay. Bên cạnh đó, khi chơi ở chế độ này bạn sẽ cần phải chờ một thời gian để máy gọi lại các phần mềm khác mỗi khi bạn Alt + Tab.
Các cửa sổ overlay (bảng chat của Discord, số khung hình của Fraps,…) cũng gặp rắc rối khi chơi game ở chế độ này. Nhiều game hoàn toàn không cho phép overlay trong khi số khác có thể cho phép nhưng gây ra những vấn đề không đáng có bởi cách hoạt động của overlay: phần mềm tạo overlay (Xbox Game Bar, Discord, Fraps…) phải “chặn ngang” tiến trình xử lý game của card đồ họa để yêu cầu card dựng hình cửa sổ của mình lên trên hình ảnh game trước khi khung hình đó được hiển thị trên màn ảnh. Tiến trình này có thể khiến game suy giảm tốc độ khung hình, gây mất ổn định và nghiêm trọng hơn nữa là những vấn đề với các phần mềm chống cheat trong game có multiplayer hoặc game online.
Windowed và Windowed Fullscreen có ưu và nhược điểm giống nhau: chúng cho phép các ứng dụng khác có thể chạy song song với game và đem lại cho game thủ khả năng làm nhiều việc cùng lúc cũng như rất thân thiện với overlay, nhưng cái giá phải trả là tốc độ khung hình. Lấy ví dụ khi đang stream: Mọt tui chơi game trên màn hình trước mặt, đọc và giao lưu cùng khán giả trên màn hình bên trái, và hỏi Google khi lỡ “bí” trong cửa sổ trình duyệt bên tay phải. Sự khác biệt giữa hai chế độ này chỉ là kích thước của khung hình bị thu nhỏ đôi chút ở chế độ Windowed vì phải hiển thị khung viền cửa sổ của game.
Chế độ mới “Fullscreen Optimizations”
Nếu bạn đang chơi game trên Windows 10, 99% là bạn đang được sử dụng chế độ này dù không hay biết. Nó được Microsoft tung ra từ phiên bản Windows 10 đầu tiên và được kích hoạt mặc định với những phần mềm giải trí như game hoặc phim ảnh (Windows Media Player, Groove…). Microsoft nói rằng Fullscreen Optimizations được thiết kế để có ưu điểm của cả Fullscreen Exclusive và Windowed Fullscreen: cửa sổ game chiếm toàn màn hình, chạy ở tốc độ tối đa, cho phép Alt + Tab dễ dàng và hỗ trợ overlay. Khi một phần mềm chạy ở chế độ này, Windows 10 sẽ tập trung tài nguyên CPU và GPU vào ứng dụng đó, đồng thời “đánh lừa” game rằng nó đang chạy ở Fullscreen Exclusive nhưng thật ra game vẫn đang chạy ở Windowed Fullscreen.
Trong quá khứ, khi game chạy ở Windowed Fullscreen, quyền quản lý màn hình desktop không thuộc về game mà thuộc về Desktop Window Manager – một tiến trình Windows 10. Tiến trình này quản lý những gì được hiển thị trên màn hình từ nhiều ứng dụng khác nhau, hay nói cách khác là nó quyết định thứ gì nằm trước mắt bạn và thứ gì bị che giấu. Tuy nhiên do hình ảnh của game phải đi qua tiến trình này ngay cả khi bạn không chạy bất kỳ phần mềm nào khác, hiệu năng của máy bị suy giảm đôi chút, thể hiện qua việc tốc độ khung hình của game bị sụt giảm.
Fullscreen Optimizations được tạo ra để lấy lại phần hiệu năng đã mất đó. Khi game chạy ở chế độ này trên Windows 10 và không có ứng dụng nào khác đang chạy, Desktop Window Manager sẽ hiểu rằng bạn muốn chơi game và giao gần như toàn bộ sức mạnh của CPU, GPU cho trò chơi. Kết quả là bạn có được tốc độ khung hình cao gần tương đương với Fullscreen Exclusive.
Nếu có một ứng dụng nào khác chạy cùng lúc với game, chẳng hạn overlay của Xbox Game Bar, Discord hay Fraps, Desktop Window Manager sẽ lấy lại một phần sức mạnh xử lý để dựng hình các overlay đó riêng biệt với hình ảnh của game, rồi chiếu lên màn hình – kết quả là bạn có một tiến trình overlay an toàn, không ảnh hưởng nhiều đến hiệu năng và cũng không cần phải can thiệp vào tiến trình dựng hình của game.
Làm thế nào để dùng Fullscreen Optimizations?
Như Mọt đã nói ở trên, khả năng cao là bạn đã dùng chế độ này từ lâu khi chơi game trên Windows 10. Việc kiểm tra rất đơn giản: nếu đang ở trong game, bạn có thể bấm tổ hợp phím Windows + G để hiển thị Xbox Game Bar. Nếu màn hình chớp nhẹ, bạn đang chơi ở Fullscreen Exclusive, còn nếu Xbox Game Bar xuất hiện ngay lập tức thì bạn đang dùng Fullscreen Optimizations.
Nếu không ở trong game, bạn có thể kiểm tra qua file .exe của game: click chuột phải vào file .exe (không phải shortcut dẫn đến nó trên desktop) và chọn tab Compatibility. Trong phần Settings, nếu mục “Disable fullscreen optimizations” không được đánh dấu, game đó đang được áp dụng Fullscreen Optimizations.
Theo Microsoft, họ đã thử nghiệm kỹ lưỡng và xác nhận rằng hiệu năng game với Fullscreen Optimizations luôn ngang bằng hoặc đôi khi hơn Fullscreen Exclusive. Tuy nhiên trong một số trường hợp hiếm hoi Fullscreen Optimizations có thể khiến hiệu năng của game suy giảm, bạn có thể tắt tính năng này qua mục “Disable fullscreen optimizations” bên trên.
Hi vọng rằng bài viết này của Kênh Tin Game đã giúp bạn biết rõ hơn về bốn chế độ của game hiện đại, và có thêm hiểu biết để khoe mẽ với bạn bè trong các cuộc bàn luận về game!