Vào ngày 8/6 - ngày Đại Dương Thế giới, Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ đã công nhận vùng nước xung quanh Nam Cực là đại dương thứ 5 của hành tinh, cùng với Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương.
Đại dương thứ 5 của Trái Đất có tên gọi là Nam Đại Dương - Southern Ocean.
Nam Đại Dương (màu đỏ) bao quanh Nam Cực và tiếp giáp với Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Ảnh: National Geographic.
Trước đây, vùng nước xung quanh Nam Cực đã được các nhà khoa học và báo chí gọi với thuật ngữ "Nam Đại Dương" tuy nhiên hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ chỉ phân loại nó là phần mở rộng ở phía nam lạnh giá của Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương mà thôi chứ chưa từng được chính thức công nhận.
Từ năm 1999, Nam Đại Dương đã được Hội đồng về Tên địa lý Mỹ công nhận. Nhưng phải đến tháng 2 năm 2021, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ mới công nhận đại dương thứ 5 này của Trái Đất.
Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ quyết định công nhận Nam Đại Dương bắt nguồn từ sự thừa nhận về dòng hải lưu khác biệt bao trùm quanh Nam Cực. Khác với 4 đại dương trước đó được xác định bằng vị trí địa lý và các mảng kiến tạo.
Theo các nghiên cứu về Nam Đại Dương, vùng biển này có hệ sinh thái biển độc đáo, và có vẻ đẹp khác biệt hơn so với những nơi khác.
Trước đó, việc công nhận đại dương thứ 5 là vấn đề gây tranh cãi. Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ hy vọng việc họ sửa đổi bản đồ sẽ giúp mọi người nghĩ khác về Nam Đại Dương, từ đó khuyến khích việc bảo tồn nó.
Việc Nam Đại Dương được công nhận khiến các loại bản đồ sẽ phải được vẽ lại, chương trình giáo dục về đại dương sẽ phải thay đổi, khoa học nghiên cứu địa lý và khí hậu Trái đất nói chung cũng có nhiều đổi mới.