Đam mê Video game, nên học và làm ngành gì?

Đây là câu hỏi được đánh giá là bất hủ trong số những câu hỏi của mỗi 1 game thủ. Rồi thì ai cũng phải lớn lên, cũng phải chọn cho mình 1 con đường để sinh sống. Nhưng nếu bạn thực sự đam mê Video Game thì phải học và làm ngành gì để có thể theo đuổi nó tới cùng?

Tại Việt Nam, môi trường game đang ngày được phát triển, số lượng nhân sự trong ngành nghề này ngày càng gia tăng về số lượng. Ngày càng có nhiều bạn lựa chọn ngành làm game là nơi phát triển cũng như ổn định sự nghiệp của mình. Trên thực tế, nhân sự ngành game không phải là nhiều, vẫn luôn là câu chuyện thừa nhân sự nhưng thiếu chất lượng và bạn có thể sẽ là người đáp ứng cho nhu cầu đó

Bài viết này chỉ ra những công việc cơ bản nhất nếu bạn thực sự có đam mê và game nhưng cần nhớ rằng bất cứ công việc gì cũng luôn có khó khăn. Thậm chí với game sẽ đem lại cho bạn 1 cảm giác cực kì chán ghét, chỉ có kiên trì vượt qua bạn mới có thể thực sự mang lại thành công cho chính mình.

Báo chí - PR Game

Nếu như có sẵn khả năng viết lách hay chỉ đơn giản là bạn muốn viết lách về game, hãy theo học chuyên ngành báo chí. Ngành tin tức game hiện giờ có thể không còn mạnh như khoảng thời gian 4 năm về trước, nhưng nó vẫn là công cụ hữu ích giúp người hâm mộ cập nhật những tin tức về game kịp thời, bắt kịp những xoay chuyển của xu thế trò chơi trên thế giới, hay những bài viết sâu sắc hướng tới cộng đồng game thủ.

Môi trường báo chí sẽ rèn giũa cho bạn khả năng sử dụng ngôn từ một cách phong phú nhất, sáng tạo nhất, dù là trong ngành tin tức game hay tin tức xã hội. Tuy vậy, một yếu tố bạn cũng nên cân nhắc chính là mức lương sau này. Nếu xác định theo nghề viết lách về game, nó sẽ chỉ cho bạn mức lương đủ sống. Vậy nên lời khuyên tốt nhất hãy để nó làm công việc thêm sau giờ hành chính. Bạn có thể cộng tác với các bên trang tin game để gửi bài.

Thiết kế đồ họa - Dựng Phim - Âm thanh

Đây sẽ là công việc cho phép bạn tham gia trực tiếp vào các công đoạn phát triển game. Hiện tại, đây là ngành nghề có thu nhập cao, ổn định và phù hợp với đam mê game của nhiều người. Nhân lực ngành thiết kế và dựng phim tại Việt Nam đang rất được các nhà tuyển dụng ưu ái. Các nhóm nghề chính trong ngành này bao gồm thiết kế cấp độ, thiết kế giao diện xử lý, thiết kế nhân vật 3D, thiết kế hoạt cảnh, thiết kế và dựng kịch bản... Làm việc trong ngành này bạn còn có thể được phát triển, tiếp xúc với môi trường làm game của nước ngoài, tiếp cận với các công nghệ mới ngoài thị trường quốc tế.

Ngành nghề này hiện đang rất hot nhưng cũng làm nản lòng không ít các bạn trẻ. Nếu bạn xác định sẽ theo ngành này và muốn có một tương lai phát triển, phải liên tục học và nâng cao kinh nghiệm của bản thân. Khi đi xin việc, bạn có trong tay tấm bằng đại học cùng ít nhất 1 năm kinh nghiệm, một vị trí vững chắc trong môi trường làm game không thể tuột khỏi tay bạn được.

Khoa học dữ liệu

Rất nhiều người lầm tưởng việc chỉ học code là đã có thể làm được game. Thực tế, có 1 cụm công việc chung hơn được gọi là khoa học dữ liệu mà code chỉ là 1 phần nhỏ trong số đó. Khoa học dữ liệu là nhóm ngành về xử lý dữ liệu thu thập để cho ra 1 dữ liệu số. Nó bao gồm cả thiết kế phần mềm (code), thiết kế hệ thống server, 1 phần của khoa học phần cứng máy tính, thiết kế sản phẩm...

Bạn hãy hình dung là từ 1 nhóm các vật liệu đầu vào qua quá trình khoa học dữ liệu này chúng được sắp xếp, bố trí để trở thành 1 sản phẩm hoàn chỉnh không cớ gì là game. Vật liệu tuy giống nhau nhưng với cách xây dựng khác nhau lại cho ra những sản phẩm khác nhau và game cũng vậy. Do đó, nếu bạn đam mê Video Game thì đây là ngành nghề chắc chắn bạn nên theo đuổi.

Marketing

Bạn cảm thấy mình không thể hợp được với các ngành nghề kể trên và muốn học về kinh doanh hay Marketing, môi trường game vẫn có chỗ dành cho bạn. Nếu gia nhập một công ty chuyên phát hành các trò chơi, nhiệm vụ của bạn là phải tạo được kế hoạch để quảng bá sản phẩm tới cộng đồng, rõ ràng muốn 1 một kế hoạch như vậy bạn phải nghiên cứu thị trường, phải hiểu về sản phẩm của mình.

Nhiệm vụ chính của người làm Marketing về game là giúp cho càng nhiều game thủ biết tới sản phẩm của bạn thì càng tốt. Từ đó tính toán số người sẽ gia nhập cộng đồng game của bạn và sẵn sàng chỉ trả tiền để có được niềm vui từ sản phẩm đó. Marketing về game là một nghề tương đối rộng và cần thiết phải được học tập 1 cách bài bản.

Luật và kinh tế

Bạn không nghe lầm đâu, thực tế càng về sau này nhóm ngành tưởng như chẳng liên quan tới game lại cực kì liên quan. Bất cứ công ty nào, đặc biệt là các công ty lớn đều có 1 phòng được gọi là pháp chế chuyên xử lý hệ thống luật của mọi thứ trong 1 công ty. "Thầy cãi" sẽ đảm bảo cho công ty của mình luôn làm việc đúng theo luật pháp hoặc thậm chí bằng cách nào đó, lách luật khi cần thiết.

Một tựa game muốn phát triển lâu dài thì phải bán được và có doanh thu, lợi nhuận. Đó là lý do mà nhóm ngành kinh tế càng ngày càng gắn bó mật thiết với game. Đam mê game là chưa đủ, phải kiếm tiền từ game mới thực sự duy trì được đam mê này. Nếu bạn là người có kĩ năng phát triển kinh doanh, hiểu biết về luật, có khả năng sale tốt thì ngành game đang cực kì chào đón bạn.

Streamer

Đây là một ngành hoàn toàn mới và có thể nói là chỉ mới được khai sinh dưới 10 năm khi hệ thống mạng xã hội cực kì bùng nổ. Dựa trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Youtube và Facebook, rất nhiều streamer đã ra đời và gặt hái thành công. Tuy nhiên, cần phải nói rằng, đây là một trong những nghề nghiệp có sức đào thải khủng khiếp nhất với tuổi thọ không cao. Bạn hoàn toàn có thể bị lu mờ vì những người khác.

Ngoài ra, công việc này còn phải đòi hỏi cái duyên với nghề, chơi game phải thực sự tốt và ăn nói có duyên, mặt khác việc có ngoại hình ưa nhìn chắc chắn là điều bắt buộc. Công việc tiếp xúc hàng ngày với game sẽ chỉ thuận lợi khi bạn đam mê hết mình và liên tục hoàn thiện bản thân.

Thực tế, còn vô số các ngành nghề khác liên quan tới game bao gồm Tester Game, Nghiên cứu phát triển thị trường, nghiên cứu phát triển kịch bản game, phân tích dữ liệu đầu cuối... Tuy nhiên, muốn tìm hiểu sâu hơn nữa, bạn sẽ cần thực sự phải hiểu được gốc rễ của Video Game và quan trọng là bạn có muốn đeo đuổi nó đến cùng hay không?