Đánh giá Death Stranding: Tôi là gã shipper nghèo cô độc, rong ruổi trên đường dài xa quê hương - PC/Console

Death Stranding là một game rất chậm, chậm tới mức thực hơn cả đời thực, với những chuỗi ngày dài rong ruổi trên đường làm một người giao hàng đơn độc.

Death Stranding là một game rất chậm, chậm tới mức thực hơn cả đời thực, với những chuỗi ngày dài rong ruổi trên đường làm một người giao hàng đơn độc.

Tui không phải là fan của Kojima, thế nhưng tui lại thích series Metal Gear Solid của lão và đến Death Stranding, Kojima đã hoàn toàn đưa vào được cái “chất điên” của mình trong mỗi khung hình của game.

Những người nổi tiếng xuất hiện trong Death Stranding mà bạn có thể không biết
Những người nổi tiếng xuất hiện trong Death Stranding mà bạn có thể không biết
Ngoài các diễn viên chính, còn rất nhiều người nổi tiếng của làng game, phim, âm nhạc và cả… manga cũng góp mặt trong Death Stranding theo dạng cameo.

Nghịch lý khi ship hàng càng chậm thì trải nghiệm nhận được càng sâu

Đó là một mệnh đề hoàn toàn hư cấu bởi giao hàng ship chậm thì chỉ có nước cạp đất mà ăn nhưng ít nhất trong Death Stranding, có vài nhiệm vụ mà Sam sẽ không bị vote 1* dù anh ta có giao trễ thế nào đi nữa. Mọt tui là một kẻ ưa phong nguyệt, yêu thơ ca cùng những cô gái (đẹp). Trên đường ship hàng tức cảnh sinh tình chợt nhớ đến hai câu đối như sau:

Xuân hữu bách hoa, Thu vọng nguyệt

Hạ hữu lương phong, Đông thính tuyết

Mùa xuân có trăm hoa, mùa thu ngắm trăng sáng, mùa hạ có gió mát, mùa đông nghe tuyết rơi. Tạm dùng hai câu thơ này để diễn tả về mạch diễn biến của game, Kojima đã già, người già thường nhìn mọi thứ nó chầm chậm, bàng bạc. Đó cũng là lý do mà mạch truyện của Death Stranding diễn ra rất rất chậm, nó chậm đến mức gần như là đời thực và chúng ta, mỗi người chơi đều cảm nhận được từng chi tiết của game. Để làm một nhiệm vụ, bạn buộc phải vào kho, lấy hàng, chất lên lưng hoặc lên xe, sau đó đến điểm giao hàng, đưa hàng xuống và tính tiền. Những việc như vậy cứ lặp đi lặp lại liên tục liên tục và người chơi cũng chỉ làm những công việc đó không hơn không kém.

Đánh giá Death Stranding: Tôi là gã shipper nghèo cô độc, rong ruổi trên đường dài xa quê hương

Có đôi khi trên đường giao hàng, chúng ta lại bắt gặp một món hàng của ai đó bị rớt lại không giao được, thế là chúng ta lại gánh lên mình trọng trách giao tiếp hàng của một shipper có tâm. Rồi để thuận tiện giao hàng bạn còn cần làm gì nữa, tất nhiên là xây cầu, xây đường rồi và để xây dựng đường xá, cầu cống, BOT thì bạn cần phải có nguyên liệu, thế là bạn lại phải làm 1 công việc nữa đó là nhân viên nhặt nhạnh nguyên liệu. Công việc này cứ diễn ra hằng ngày hằng đêm vì thế giới bây giờ gần như tuyệt chủng cả, dân số còn lại lác đác và để kết nối các căn cứ của loài người với nhau thì phải cần một người shipper thủ công và chuyên nghiệp vì ngay cả việc ra ngoài đường cũng là một việc khó khăn vì có đầy rẫy quái vật không gian gọi là BT đang chầu chực sẵn để xử bạn trong vòng một nốt nhạc.

Ấy thế mà những công việc nhàm chán này lại có tính chất gây nghiện, tin chắc rằng là nếu ai bắt đầu chơi game này tầm 2 tiếng sẽ phải thốt lên là “ôi trời ơi, tui đang chơi cái game hổ lốn gì thế này”. Nhưng nếu sau đó chơi hơn 4 tiếng thì lại đâu vào đấy, ngoan ngoãn làm shipper ngay. Hỗ trợ cho hệ thống giao hàng công nghệ thời hậu tận thế này là một hệ thống đồ họa cực kỳ xuất sắc và chân thực, nó chân thực đến từng hòn đá, từng giọt nước, từng lỗ chân lông trên khuôn mặt nhân vật. Nhiều khi bản thân chẳng hiểu tại sao mình cứ chạy từ điểm này qua điểm kia giao hàng, xây cầu, xây đường chẳng biết để làm gì nhưng chợt nhận ra đây mới chính là trải nghiệm, trải nghiệm thiên nhiên, trải nghiệm nhân sinh, dù nó chỉ là game và đó cũng là cái mà Kojima cùng đội ngũ phát triển muốn đem đến cho người chơi. Nếu ai đã chơi qua Metal Gear Sold 5 thì sẽ hiểu việc làm nhiệm vụ là một phần không tất yếu của game và nó kết nối người chơi cũng như giữ chân người chơi lại lâu hơn trong game.

Đánh giá Death Stranding: Tôi là gã shipper nghèo cô độc, rong ruổi trên đường dài xa quê hương

Lối chơi và cốt truyện có quan trọng bằng sự trải nghiệm hay không?

Cốt truyện của Death Stranding nói về Sam “Porter Bridge”, một chuyên gia giao hàng trong bối cảnh thế giới hậu tận thế với các sinh vật gọi là BT đến từ chiều không gian khác quấy nhiễu cộng với việc các cơn mưa thời gian (Time Fall) diễn ra liên tục đưa thế giới đến với thời kỳ diệt vong. Lúc này xuất hiện một nghề mới đó là nghề vận chuyển hàng hóa, chỉ có những chuyên gia với năng lực DOOM mới có thể dễ dàng di chuyển giữa các vùng với nhau. DOOM là một năng lực có thể giúp con người nhận biết được khu vực nào có BT và có thể né tránh chúng. Nhiệm vụ của Sam là giao hàng từ điểm này qua điểm khác và kết nối các khu vực sinh sống của con người với nhau. Qua đó Sam khám phá nhiều hơn về bản thân, về thế giới này. Về cốt truyện chi tiết Kênh Tin Game sẽ đem đến cho mọi người ở các bài viết sau.

Như những bài trước đây của Kênh Tin Game nói về Death Stranding, game tạo ra một cơ chế độc nhất vô nhị đó là kết nối người chơi online ở khắp nơi nơi trên nền tảng một game offline. Người chơi có thể thấy nhan nhản dấu ấn của người chơi khác trên cùng một hệ thống qua các công trình mà họ để lại và các người chơi khác cũng vậy. Thế nhưng sau tất cả thì chúng ta vẫn chỉ có một mình, cô đơn trong một thế giới rộng lớn. Cơ chế này thật ra không quá mới mẻ vì trước đây Capcom cũng tạo ra cơ chế tương tự trong Dragon Dogma khi ở trên cùng một server, người chơi có thể trao đổi Servant (Một NPC luôn đi theo mình từ đầu game) với các người chơi còn lại và bạn có thể mượn được đến 3 người. Tuy nhiên không hiểu sao Capcom không nghiên cứu sâu hơn về cơ chế thú vị này để nâng tầm chúng lên bất chấp việc Dragon Dogma khá thành công về doanh thu lẫn chất lượng sản phẩm.

Đánh giá Death Stranding: Tôi là gã shipper nghèo cô độc, rong ruổi trên đường dài xa quê hương

Ý tưởng nhìn thấy và sử dụng đồ của người chơi khác trong Death Stranding nếu xét về mặt nào đó cũng khá là tương đồng với vụ trao đổi con tin trong Dragon Dogma. Tuy nhiên nếu chỉ có thế thì người ta đã không gọi Kojima là “thánh” trong ngành game. Từ chi tiết tưởng là thấy cuối cùng lại không thấy của Death Stranding, game thủ có thể suy nghĩ sâu hơn về tầng nghĩa khác, về quan điểm rất hay được thảo luận trong những ngày này.

Đó là vấn đề con người hiện đại phải đối mặt, chúng ta tưởng chừng luôn kết nối với nhau 24/24 thông qua nhiều công cụ giao tiếp tối tân như Facebook, Zalo, Snapchat, YouTube… nhưng tại sao đến cuối cùng, trong những đêm thanh vắng nhiều người vẫn phải kìm nén tiếng thở dài trong nỗi cô đơn sâu thẳm? Cũng giống như trong Death Stranding, công việc của Sam là kết nối các thành phố và mọi người với nhau nhưng thật mỉa mai khi bản thân anh lại là người cô đơn nhất. “Tôi chỉ là Sam, không phải Porter, cũng không phải Bridge” đó là nỗi cô đơn pha lẫn chút tự trào đầy chua chát mà chỉ những ai từng trải qua mới có thể thấu hiểu hoàn toàn câu nói ấy.

Đánh giá Death Stranding: Tôi là gã shipper nghèo cô độc, rong ruổi trên đường dài xa quê hương

Toàn năng như Achilles cũng có điểm yếu nơi gót chân

Nếu Mọt tui chấm con game này 10 điểm tuyệt đối thì cũng không ai phản bác được dù họ có thật sự thích điểm số đó hay không bởi đây là ý kiến cá nhân. Tuy nhiên game vẫn tồn tại một ít khuyết điểm khiến trải nghiệm của người chơi thật sự thiếu trọn vẹn. Đầu tiên có quá nhiều thứ rườm rà không cần thiết, điển hình là các đoạn cắt cảnh lúc ăn, uống, ngủ, tắm… Bạn về căn cứ ngủ cũng 1 đoạn cắt cảnh, ngủ dậy cũng là một đoạn mới, đi tắm đến 3 đoạn cắt cảnh, uống nước cũng một đoạn, ra vào thang máy cũng mất cắt cảnh, dỡ đồ lên xuống cũng cắt cảnh nhảy ra. Vấn đề là việc này nó cứ diễn ra liên tục, quá nhiều đến mức bạn phải bực mình.

Cốt truyện Death Stranding: BT, Death Stranding và cái chết đen hủy diệt thế giới
Trong cốt truyện Death Stranding chắc chắn bạn sẽ thắc mắc không biết BT xuất hiện từ chỗ nào, cũng như tại sao phải thiêu xác người chết.

Một điểm nữa mà tui không quá ưa thích đó là âm nhạc (cái này tùy gu mỗi người nhưng với tui nó thiệt là tại nạn), nhạc nền trong game quá thảm thiết, nó đặc biệt nghe càng thảm hơn khi chúng ta di chuyển ngoài một không gian hoang vắng. Mới nghe thì thật tuyệt bởi đó là cảm giác nổi da gà cùng nỗi buồn man mác về sự cô độc trong tâm khảm của nhân vật chính nhưng nghe riết tự nhiên nó đâm ra chai lỳ, mất cảm xúc, thậm chí còn gây tác dụng ngược khiến người ta tuột hết cảm xúc khi chơi game, đây là tình trạng mà dân gian thường gọi là “đang hứng bỗng tắt *ứng”.

Đánh giá Death Stranding: Tôi là gã shipper nghèo cô độc, rong ruổi trên đường dài xa quê hương

Nhìn chung Death Stranding tuyệt đối thích hợp cho những ai thích trải nghiệm chiều sâu cốt truyện và quên thuộc với nhịp game chậm rãi. Tất nhiên nó cũng phù hợp với những ai là fan của Kojima hoặc có tâm lý khao khát muốn thưởng thức một cách chậm rãi vẻ đẹp nghệ thuật của không gian tương đối quạnh hiu. Nói cách khác những ai thuần tuý thích bắn súng bùm bùm kiểu Duke Nukem, thích giết địch như ngóe kiểu Dynasty Warriors hay thích xem ngay kết quả cuối cùng hơn là chứng kiến toàn bộ quá trình diễn biến rất có khả năng sẽ lên Metacritic để chấm cho game điểm cực thấp nếu trót lỡ bị dụ chơi qua Death Stranding. May thay đó chỉ là một bộ phận thiểu số!

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e