Đánh giá The Outer Worlds: Kẻ kế thừa đen tối và hài hước của Mass Effect - PC/Console

The Outer Worlds có rất nhiều điểm cộng, nhưng tiếc là một số điểm trừ đã kéo tụt chất lượng của trò chơi một cách đáng kể.

The Outer Worlds có rất nhiều điểm cộng, nhưng tiếc là một số điểm trừ đã kéo tụt chất lượng của trò chơi một cách đáng kể.

Trên con tàu không gian Hope trôi dạt đâu đó gần biên giới của không phận loài người, một nhà khoa học già bất ngờ xuất hiện. Ông chạm tay vào bàn điều khiển các khoang ngủ đông của con tàu, và từ đó chọn ra Bookgrinder, một dược sĩ tài năng chịu trách nhiệm… nhét bông gòn vào hộp thuốc trên Địa Cầu. Anh là một trong hàng trăm ngàn người di dân đã bước lên Hope bởi lời hứa hẹn về một cơ hội nghề nghiệp mới tại Halcyon, thuộc địa mới nhất của nhân loại. Chỉ có một vấn đề nhỏ: lời hứa đó đã quá hạn khoảng… 60 năm khi Bookgrinder tỉnh dậy, bởi chuyến bay dự tính chỉ kéo dài 10 năm trong khi 70 năm đã trôi qua, và giờ đây người ta chỉ biết về Hope như một truyền thuyết để bàn tán lúc trà dư tửu hậu mà thôi.

Bookgrinder là ai trong The Outer Worlds? Trong trí tưởng tượng của Mọt, đó là một anh chàng bảnh trai với đôi mắt nâu, khuôn mặt góc cạnh, thân hình khỏe khoắn, giỏi đánh nhau, dẻo mỏ và có tinh thần đạo đức ngời ngời. Với Mọt tui, anh ta sẽ là vị cứu tinh của những người yếu đuối, cần được giúp đỡ trên khắp hệ hành tinh Halcyon, luôn sẵn sàng trừ gian diệt ác, cứu khốn phò nguy và là niềm hi vọng mới của nhân loại. Tóm lại, nhân vật mà Mọt điều khiển là người hùng của chính nghĩa, hệt như thời Mọt mới được học rằng cave là một cái hang.

Một thế giới hắc ám

Bạn ơi, Mọt tui nhận ra mình đã thất bại trong việc trở thành người hùng chỉ sau vài phút đầu tiên, khi hạ cánh xuống Terra 2, bước chân vào phi thuyền của thuyền trưởng Hawkthorne xấu số và bị con AI của nó thuyết phục rằng mình là Hawkthorne chỉ để chiếm quyền điều khiển chiếc phi thuyền. Bởi đã được “huấn luyện” qua hàng chục, hoặc hàng trăm tựa RPG khác nhau, Bookgrinder mà tác giả điều khiển không ngừng thò tay vào tài sản cá nhân của người khác, “nẫng” mọi thứ từ mấy đồng Bit lẻ, lon đồ hộp đến khẩu súng máy mới cứng 100% nằm trong tủ đồ của họ. Anh ta còn phải vật lộn với những lựa chọn khác nhau, chẳng hạn giao một hộp thuốc cho một ông già bị hội chứng lo sợ cho sức khỏe (hypochrondiac) tự dùng hay cho một người khác hứa rằng sẽ dùng thuốc đó trị cho nhiều người bệnh hơn. Những lựa chọn khiến bạn không thể biết được đâu là đúng, đâu là sai như thế này tồn tại đầy rẫy trong game, khiến mục tiêu trở thành người hùng chỉ làm điều đúng đắn của Mọt tan vỡ.

Đánh giá The Outer Worlds: Kẻ kế thừa đen tối và hài hước của Mass Effect

Những lời thoại trong The Outer Worlds có thể rất cay đắng, nhưng cũng rất hài hước.

Và những quyết định đó càng tỏ ra nặng nề hơn trong bối cảnh của game. Bạn có nhớ Mọt từng nói rằng Hope là một truyền thuyết mà cư dân Halcyon chỉ tán gẫu lúc trà dư tửu hậu? Thật ra điều đó sai lè. Đại đa số những con người trong The Outer Worlds không bao giờ có thể “trà dư tửu hậu” mà luôn sống trong cảnh làm hôm nay, lo ngại cho tính mạng của mình ngày mai. Obisidian đã tạo nên một thế giới không hề có chính phủ hay luật pháp, mà chỉ có các tập đoàn và quy định mà họ đặt ra. Quá già yếu ốm đau khiến năng suất công việc suy giảm? Hãy nằm chờ chết. Không tạo ra đủ giá trị cho tập đoàn? Hãy nằm chờ chết. Thiếu thốn thuốc men? Hãy nằm chờ chết. Nhưng khoan – trước khi được chết, họ còn phải trả… phí thuê nơi yên nghỉ của mình!

Đánh giá The Outer Worlds: Kẻ kế thừa đen tối và hài hước của Mass Effect

“Trà dư tửu hậu” chỉ dành cho đại gia.

Chính nghĩa nửa mùa?

Thế giới tương lai mà The Outer Worlds vẽ ra cho chúng ta hắc ám là vậy, nhưng bầu không khí của trò chơi lại không quá nặng nề. Nhờ vào sự châm chọc mỉa mai được sử dụng một cách tràn lan trong game, các câu chuyện nặng nề và u ám mà Obisidian viết ra cho The Outer Worlds trở nên nhẹ nhàng và hài hước hơn hẳn. Ngay cả khi bức tranh tổng thể mà những câu chuyện đó vẽ ra chỉ ra rằng toàn bộ hệ hành tinh Halcyon đang dần sụp đổ bởi các tập đoàn kinh tế không ngừng ngáng chân nhau, nó sẽ vẫn khiến bạn phì cười bởi sự kỳ quặc và lố bịch của những tình tiết đang diễn ra trong game.

Đánh giá The Outer Worlds: Kẻ kế thừa đen tối và hài hước của Mass Effect

Kẻ địch trong game quá ngu xuẩn nên bắn súng không thật vui.

Nhưng điều tuyệt vời nhất mà những câu chuyện này đem lại cho Mọt tui là một cái cớ cho những hành vi không-được-tốt-đẹp-cho-lắm của mình. Bởi “mục đích biện minh cho phương tiện,” để phục vụ mục tiêu đá đít hết đám tập đoàn đang cai trị Halcyon và đem lại cho cư dân nơi đây một cuộc sống tốt đẹp hơn, việc lỡ tay mượn tạm vài (trăm ngàn) đồng Bit hay vài (tấn) vũ khí, mấy (triệu) viên đạn có gì to tát? Vì vậy tui quyết định rằng mình sẽ “nới lỏng” các quy tắc ràng buộc nhân vật Bookgrinder, cho phép anh ta làm mọi điều có lợi cho bản thân trừ chuyện giết chóc người vô tội. Mọt không phản bội những người nhờ vả mình chỉ vì một ai đó trả giá cao hơn (chẳng hạn ông chú tội nghiệp nhờ Mọt đi tìm thuốc ở đầu bài), không hại những người tốt với mình – hoặc ít ra là những người chưa làm hại mình, và chỉ thế mà thôi.

Tuy nhiên trong quá trình chơi, Mọt tui cũng nhận ra rằng The Outer Worlds đem lại cho bạn vô số cơ hội để chơi game theo cách của mình, chứ không phải theo cách mà các NPC trong game yêu cầu. Bạn có thể phản bội các NPC giao nhiệm vụ để sử dụng vật phẩm họ cần cho lợi ích của mình, gia nhập hoặc phản bội bất kỳ tổ chức nào mình muốn, và hoàn toàn đứng trên (hoặc đứng ngoài) các quy tắc mà những tập đoàn thống trị Halcyon đặt ra cho nhân viên của họ.

Đánh giá The Outer Worlds: Kẻ kế thừa đen tối và hài hước của Mass Effect

Dù combat khá chán, đồ họa của game lại tuyệt vời.

Gameplay

Với phong cách hình ảnh retro-futuristic (tương lai theo trí tưởng tượng của người xưa) tương tự Fallout, thật dễ dàng để so sánh The Outer Worlds với Fallout, đặc biệt là khi Obsidian cũng làm ra Fallout: New Vegas ngày nào. Tuy nhiên khi thực sự thưởng thức trò chơi, Mọt nhận ra rằng dù game có nhiều nét tương đồng với Fallout, trò chơi lại gần giống với Mass Effect hơn, thể hiện qua phương thức chiến đấu, cách điều khiển các nhân vật phụ, hệ thống nhiệm vụ riêng cho từng nhân vật và mối quan hệ của bạn với các nhân vật đó. Điều đáng tiếc duy nhất có lẽ là game không cho phép bạn “tình thương mến thương” với các đồng đội của mình. Theo lời Obisdian, họ đã xem xét đưa yếu tố này vào game nhưng rồi lại thôi, có lẽ là do thời gian hữu hạn.

Đánh giá The Outer Worlds: Kẻ kế thừa đen tối và hài hước của Mass Effect

Giá mà Mọt được cưa cẩm Ellie, nàng Medic thẳng tính của team…

Một điểm khác biệt nữa giữa Fallout với The Outer Worlds nằm ở chỗ The Outer Worlds không phải là một tựa game thế giới mở AAA. Nó là một tựa RPG tầm AA được xây dựng quanh một “hub” chính là chiếc phi thuyền của game thủ, trong khi các “hành tinh” trong game thường chỉ là một khu vực có kích cỡ vừa phải, đủ để chứa vài thị trấn hoặc công trình nhỏ. Các khu vực này được phủ đầy bởi đủ loại cây cỏ nhiều màu sắc, các tảng đá có hình dáng lạ lùng hoặc những công trình, vật thể mang đậm chất viễn tưởng mà bạn có thể dễ dàng bắt gặp trong các bộ phim sci-fi thời thập niên 80. Sau đó, chúng được hoàn thiện bằng một hệ thống nhiệm vụ nhỏ nhưng chặt chẽ và đem lại cho game thủ rất nhiều lựa chọn. Tuy nhiên hầu như mọi hoạt động mà bạn làm trong The Outer Worlds đều xoay quanh các nhiệm vụ và các waypoint được nhiệm vụ đặt ra, bởi bản đồ của game chỉ có tính năng rương đồ bí mật là đáng để game thủ khám phá.

Bù lại, phần kịch bản cho các nhiệm vụ trong The Outer Worlds phải nói là siêu đẳng. Các tình tiết và lời thoại cho mỗi nhiệm vụ đều đậm đặc sự hài hước và chế nhạo cay độc, và góp phần vào việc xây dựng nên một thế giới đáng tin, chân thực và gắn kết, khiến bạn tin và đồng cảm với những khó khăn mà các NPC đang gặp phải. Tác dụng của các nhiệm vụ này cũng rất đa dạng, từ đẩy nhanh tình tiết trong cốt truyện, trao cho game thủ tài nguyên cần thiết đến giải trí đơn thuần. Tuy nhiên sau một thời gian chơi The Outer Worlds, phần hành động của các nhiệm vụ này dần tỏ ra trùng lặp và nhàm chán, dù lời thoại và kịch bản của chúng vẫn rất tuyệt vời: đến chỗ này, giết mục tiêu nọ, nhặt vật phẩm kia, và trở về nhận thưởng, chấm hết. Đây là một điều đáng tiếc bởi hệ thống nhiệm vụ này hẳn sẽ thú vị hơn rất nhiều nếu Obsidian tạo ra được nhiều biến thể hơn.

Đừng để cơn giận dữ từ thế giới ảo trong game làm ảnh hưởng cuộc sống thực
Hội chứng "Rage quit" và thuốc chữa cho game thủ
Thất vọng và tức giận là cảm xúc quá đỗi bình thường khi chúng ta chơi game. Tuy nhiên, nếu bạn không kiềm chế được sự bực bội, nóng giận, cuộc sống thực bên ngoài sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Dĩ nhiên là game vẫn có nhiều điểm giống với Fallout, bởi xét cho cùng nó vẫn được tạo ra bởi những người đã làm nên Fallout và Fallout: New Vegas. Bạn thường xuyên gặp đối thủ đi thành một nhóm, với những điểm yếu khác nhau cần bị bắn trúng, chém trúng hoặc nổ trúng. Bạn còn có được kỹ năng “giãn nở thời gian” tương tự VATS trong Fallout, cho phép nhân vật ngắm vào các phần trên cơ thể mục tiêu và phá hủy chúng một cách có hệ thống. Bạn cũng được sử dụng các loại súng laser, đạn, vũ khí cận chiến mà mình vớ được trên đường, với một chút gia vị Borderlands được Obsidian thêm vào thông qua các loại vũ khí “dị” (được gọi chung là Science Weapon) và sự khắc chế kiểu kéo – búa – bao trong trò chơi. Tuy nhiên Mọt không thích sự tồn tại của độ bền trong trò chơi này, bởi nó không phục vụ cho một tính năng quan trọng nào ngoài việc bắt game thủ phải thường xuyên thay thế vũ khí và làm chậm quá trình tích lũy tài nguyên của người chơi.

Đánh giá The Outer Worlds: Kẻ kế thừa đen tối và hài hước của Mass Effect

Về mảng chiến đấu, phần bắn súng của The Outer Worlds không thực sự đỉnh, đặc biệt là khi Mọt vẫn đang cày cuốc Borderlands 3, một tựa game có mảng bắn súng tốt hơn rất nhiều. Các loại súng trong game tỏ ra khá thiếu uy lực trong khi kẻ địch lề mề, chậm chạp không phải là mối đe dọa trong các pha đọ súng. Vì vậy, anh chàng Bookgrinder của Mọt được tập trung build theo hướng cận chiến + lời thoại, khiến các pha đụng độ hào hứng hơn đôi chút khi Mọt đuổi theo kẻ địch và khiến chúng “tung tóe” trước khi lần mò trở lại tìm từng cái xác một để nhặt đồ. Nếu phải đánh giá, Mọt nghĩ rằng mảng chiến đấu này chỉ vừa đủ để đóng vai trò… lấp đầy khoảng trống giữa các cuộc hội thoại giữa party của Mọt với các NPC tội nghiệp mà thôi.

Lời kết

Nói tóm lại, The Outer Worlds không phải là Fallout và cũng không nên bị so sánh với Fallout – nó là một trải nghiệm nhỏ hơn, chặt chẽ hơn, nhẹ nhàng hơn dù không kém phần hấp dẫn. Game có giá trị chơi lại khá cao do các nhiệm vụ có nhiều phương thức để hoàn thành, cộng thêm nhiều kết cục khác nhau vào cuối game tùy vào một vài (không phải tất cả) lựa chọn của bạn trong quá trình chơi. Tuy nhiên với Mọt, một lần chơi là đã quá đủ vì The Outer Worlds không đủ sâu sắc và lôi cuốn để tạo ra một Bookgrinder thứ hai.

Dù phần bắn súng trong The Outer Worlds không thực sự hấp dẫn, có thể bạn sẽ vẫn muốn tìm hiểu xem súng ống trong game nói chung hoạt động như thế nào. Hãy ghé qua loạt bài này của Mọt để tìm hiểu thêm nhé!

Siêu phẩm kiếm hiệp hot nhất cuối năm 2019 – Bấm liền tay nhận ngay quà tân thủ: https://go.onelink.me/WOzv/MotGame