Sau một thời gian rất lâu chờ đợi, cuối cùng tựa game mới nhất của huyền thoại Hideo Kojima – Death Stranding cũng chính thức ra mắt. Có lẽ không cần phải nói về mức độ hào hứng cũng như mong chờ của cộng đồng game thủ về siêu phẩm này, kể cả trước khi nó ra mắt thì các trang tin cũng đánh gía Death Stranding sẽ tạo nên một cơn địa chấn mới. Tuy vậy trải nghiệm của Kênh Tin Game với Death Stranding lại khá phức tạp, khi nó giống như một chuyến “Giao Hàng hậu tận thế”, với hàng đống đoạn cắt cảnh dài lê thê. Bài viết này không mang tính đánh giá, chỉ mang tính thể hiện trải nghiệm của team nhà Mọt.
Cốt truyện phức tạp – cắt cảnh nhiều vô số
Cốt truyện của Death Stranding lấy đề tài hậu tận thế tại miền Đông nước Mỹ, nơi đang chịu sự hủy hoại của một thứ dịch bệnh gọi là “Death Stranding” khiến cho người bị nhiễm phải thổ ra máu đen, điều nguy hiểm hơn là sau khi họ chết đi thì những kẻ này sẽ biến thành BT – một loại quái vật kì bí vô hình. BT lang thang trên những vùng đất hoang khắp nước Mỹ, chúng sẽ “kéo” những kẻ xấu số vào một vùng không gian vô định, với mức độ kinh khủng còn hơn cả cái chết.
Cùng với sự xuất hiện BT thì thế giới còn phải chịu gánh chịu “Time Fall” – những cơn mưa thời gian khiến cho tất cả sinh vật chạm phải già đi chỉ trong vài giây. Chính vì 2 đại dịch này mà con người gần như đã bị quét sạch, họ phải sống trong những khu căn cứ biệt lập gọi là KNOT, nhưng vẫn còn rất nhiều người mơ về một cuộc sống sau thảm họa, về một nước Mỹ sẽ hồi sinh lại như cũ. Do việc đi lại khó khăn, nên trách nhiệm liên lạc và chuyển giao hàng hóa giữa các KNOT thường được những nhân viên đặc biệt đảm nhiệm.
Nhân vật chính Sam Porter Bridges cũng là một người chuyển hàng như vậy, nhưng anh còn có một thân phận đặc biệt đó là con trai của vị tổng thống Mỹ cuối cùng, nhưng đã bỏ nhà đi từ bé vì một lý do nào đó không rõ. Sau khi chứng kiến cái chết của mẹ mình và nghe được ước mơ muốn xây dựng lại đất nước, Sam đã đồng ý giúp đỡ bằng việc sẽ lên đường sửa chữa lại hệ thống liên lạc giữa các KNOT, nhằm kết nối mọi người dưới một lý tưởng mới.
Đứa trẻ mà Sam mang trước ngực chúng ta thấy qua các đoạn trailer thực ra là một thiết bị sinh học có tên là BB, nhiệm vụ của nó là cảnh báo cho người chơi biết sự hiện diện của những con BT xung quanh. Trong Death Stranding thì có vẻ như BB của Sam là một trường hợp đặc biệt, khi anh ta cảm thấy mối liên kết giữa bản thân với đứa bé này rất mạnh mẽ, có lẽ nó sẽ đóng vai trò rất quan trọng về sau.
Đặc sản rõ nét nhất của Kojima đó chính là chiều sâu cốt truyện và các đoạn cắt cảnh, ngay từ khi mới bắt đầu Death Stranding đã nhồi nhét một lượng thông tin khổng lồ cũng như các thuật ngữ khó hiểu vào đầu người chơi, tới mức bạn sẽ khó lòng mà tiêu hóa được hết cũng như cực kỳ khó hiểu. Mọt nghĩ nếu ai chỉ biết skip cắt cảnh và đối thoại thì vào 15 phút đầu sẽ phải tắt máy chơi lại với câu hỏi “Bố ơi, mình đi đâu thế?”. Số lượng câu thoại và lore trong game cũng nhiều tới mức gần như hư cấu, gần như bất kì thứ gì bạn gặp trên đường cũng sẽ có hẳn một tờ lý lịch dài như sớ A4 để đọc.
Cắt cảnh cũng là thứ khiến Death Stranding đặc biệt, trong lần trải nghiệm đầu tiên của Kênh Tin Game, gần như 70% thời lượng chơi là các đoạn phim cắt cảnh. Thậm chí là mặc dù đã chơi được hơn 4 tiếng nhưng tôi còn chưa thể chạm vào vũ khí một lần nào, khi mà phim cắt cảnh nó chiếm gần như toàn bộ sự chú ý rồi. Điều này khiến cho nhịp độ của Death Stranding cực kỳ chậm, tới mức độ có cảm giác đây là game Visual Novel chứ không phải phiêu lưu thế giới mở nữa.
Lối chơi “mô phỏng giao hàng”
Chúng ta có thể gọi Sam giống như một anh chàng shipper công nghệ cao hậu tận thế, vì công việc của anh ta chủ yếu là nhận và giao các món hàng theo hợp đồng. Nhiệm vụ chủ yếu của Sam sẽ là lấy các món hàng rồi đi từ điểm A tới điểm B để giao nhận chúng, làm sao để hoàn thành trong thời gian ngắn nhất cũng như không bị hư hỏng. Có thể nói toàn bộ thân hình của Sam được phục vụ cho việc giao hàng, khi anh ta có các thiết bị nâng đỡ giảm tải gắn từ đầu xuống chân, đủ chất hàng cùng đồ chơi hỗ trợ tận răng.
Chuyển động và tốc độ của Sam sẽ được quyết định bởi khối lượng mà anh ta đeo trên người, nếu đồ vật càng nặng và cồng kềnh thì việc di chuyển sẽ trở nên khó khăn hơn, cũng như không thể chạy nhanh được. Death Stranding đã tạo ra một cơ chế gọi là “giữ thăng bằng”, tức là trong quá trình di chuyển Sam sẽ lâu lâu bị niểng qua một bên bởi sức nặng món hàng mà mình đang đeo, người chơi sẽ phải điều khiển bằng nút R2 + L2 để giúp anh ta lấy lại trọng tâm, nếu không muốn nhân vật của mình ngã bổ chửng như một thằng ngố. Đây là một điểm có thể cho là “sáng tạo” hoặc cũng có thể cho là “tối tạo” của Kojima khi mà nó mô phỏng việc cân bằng khá giống thực tế, khiến người chơi phải bấm liên lục phím R2 hoặc L2 để nhân vật có thể đi lại một cách bình thường. Cái này làm phiền người chơi như thế nào thì Mọt chưa biết, chứ mà hư tay cầm sau khi chơi con game này là điều sẽ xảy ra rồi đó.
Thế giới trong Death Stranding bao gồm rất nhiều dãy núi và mỏm đá cao ngất, do đó ngoài việc đi bộ Sam cũng có thêm rất nhiều đồ chơi hỗ trợ khác như thang cuốn, dây thừng leo núi hay cọc giữ thăng bằng… Vấn đề thể lực cũng rất quan trọng, vì hàng càng nặng thì Sam càng mau mệt và cần thời gian lâu hơn để lấy lại sức (có thể giải quyết bằng việc uống nước tăng lực). Nhìn chung Death Stranding đã rất bỏ tâm huyết vào vụ “mô phỏng chuyển đồ” này, vì bạn sẽ cảm nhận rõ rệt việc vác nặng ảnh hưởng tới con người thế nào.
Các con BT sẽ xuất hiện ngẫu nhiên trong quá trình chơi, chúng hoàn toàn là vô hình và người chơi chỉ có thể phát hiện bằng việc xem radar của mình chĩa theo hướng nào. Lũ BT thực tế gần như bị mù, nhưng chúng có thể cảm nhận được hơi thở của sinh vật để mò tới, do đó Sam sẽ phải nín thở nếu muốn thoát khỏi chúng.
Đáng tiếc là Kênh Tin Game chưa có dịp trải nghiệm phần chiến đấu với người của Death Stranding, vì phần nội dung của nó hơi bị quá dài, nên có thể thấy game sẽ có phần craft vũ khí, nâng cấp áo giáp cũng như nhiều thứ lặt vặt khác để phục vụ cho việc sinh tồn về sau.
Nhìn chung rất khó để nói Death Stranding thực sự là một game siêu hay hoặc không, vì phong cách dẫn truyện của nó quá chậm và có thể sẽ không phù hợp cho những ai là fan của thể loại hành động nhưng sẽ rất đúng “gu” của các fan thích thưởng thức cốt truyện cực sâu như một bộ phim nghệ thuật. Kênh Tin Game sẽ tiếp tục đưa tới các bạn các bài viết và hướng dẫn của Death Stranding trong thời gian tới.
–
Siêu phẩm kiếm hiệp hot nhất cuối năm 2019 – Bấm liền tay nhận ngay quà tân thủ: https://go.onelink.me/WOzv/MotGame