Đánh giá WWE 2K20: Cái thứ quái đản này không phải là đô vật Mỹ - PC/Console

Từ ngày THQ phá sản, dòng game đô vật Mỹ đã xuống dốc lắm rồi nhưng ai mà ngờ WWE 2K20 lại phá vỡ mọi chuẩn mực của định nghĩa về game lởm.

Từ ngày THQ phá sản, dòng game đô vật Mỹ đã xuống dốc lắm rồi nhưng ai mà ngờ WWE 2K20 lại phá vỡ mọi chuẩn mực của định nghĩa về game lởm.

Đô vật Mỹ (đô vật biểu diễn) là cái chi chi rứa?

Đô vật Mỹ hay đô vật biểu diễn đúng như tên gọi chính là một hình thức biểu diễn nhưng thay vì múa hát, các võ sĩ đô vật sẽ lao vào đánh nhau (theo kịch bản dàn dựng từ trước) để mua vui cho khán giả xem trực tiếp lẫn người người theo dõi qua màn ảnh nhỏ. Khác với những môn thi đấu mang tính cạnh tranh, trong đấu vật chuyên nghiệp chuyện thắng hay thua hoàn toàn không quan trọng, bởi vì thắng thua là do người viết kịch bản quyết định. Sau khi nghiên cứu kỹ kịch bản, những đô vật được lên danh sách sẽ tự tập luyện những chi tiết với nhau trong vòng một tuần và khi ra đấu sẽ diễn lại những gì đã tập luyện trước đó. Trong lúc những môn đối kháng như đấm bốc hay MMA những vận động viên tập luyện kĩ năng để gây sát thương cho nhau nhưng đô vật Mỹ thì khác, họ luyện kỹ năng để giúp đỡ và bảo vệ nhau trong lúc biểu diễn để giảm thiểu chấn thương cho đôi bên.

Đánh giá WWE 2K20: Cái thứ quái đản này không phải là đô vật Mỹ

Những đòn đánh của các võ sĩ đô vật Mỹ thoạt nhìn thường có vẻ ghê gớm, nhưng thực tế khi va chạm trên sàn đấu các đô vật sẽ sử dụng nhiều tiểu xảo để bảo vệ đối thủ lẫn bản thân khỏi bị chấn thương. Khi một đô vật chuyên nghiệp giả vờ tỏ ra đau đớn sau khi bị đánh thì gọi là sell a move. Trong đấu vật chuyên nghiệp có thể nói là không có đô vật, chỉ có nhân vật, mỗi nhân vật cố tạo ngoại hình, tính cách khác biệt cũng như những đòn đánh khác nhau để tránh trùng lặp. Trong lúc những môn như quyền anh, những vận động viên tập luyện kĩ năng để gây sát thương cho nhau, thì những đô vật Mỹ chuyên nghiệp lại rèn luyện kỹ năng để giúp đỡ lẫn nhau, và bảo vệ nhau trong lúc biểu diễn để tránh chấn thương.

Do một kĩ năng quan trọng của đô vật Mỹ chuyên nghiệp là diễn xuất nên một số người đã được mời đi đóng phim, như Hulk Hogan, The Rock, Stone Cold, HHH, John Cena… Tuy vậy dù có luyện tập đến đâu thì những tai nạn đáng tiếc cũng vẫn có thể xảy ví dụ như tai nạn của Owen Hart năm 1999 làm anh thiệt mạng trong lúc di chuyển ra sân đấu. Những đô vật Mỹ ký hợp đồng với một công ty sẽ có những câu chuyện để họ xung đột (rivals) với nhau. Thông thường một cuộc xung đột giữa hai đối thủ sẽ kéo dài trong trong thời gian vài tuần, nếu được khán giả hâm mộ, các biên kịch sẽ thêm thắt chi tiết để show diễn được kéo dài thêm. Thường trong những buổi diễn bình thường, họ dùng lúc này để xây dựng vụ xung đột cho thêm gây cấn, sau đó sẽ có trận đấu ở các buổi diễn lớn gọi là Pay Per View.

Điểm danh top 10 tựa game đô vật Mỹ hay nhất mọi thời đại – P.1
Điểm danh top 10 tựa game đô vật Mỹ hay nhất mọi thời đại – P.1
Ngày nay dân mê đô vật Mỹ tại Việt Nam chỉ còn cách ngóng trông từng bản WWE được 2K cho ra lò hàng năm để thỏa mãn cơn ghiền thế nhưng cách đây hai thập niên ngoài WWE2K vẫn còn nhiều gương mặt nổi bật khác.

Để dễ viết những câu chuyện, các đô vật Mỹ được chia làm 2 phe: vai tốt và vai xấu. Một rivals thường diễn ra giữa một vai tốt và một vai xấu. Vai tốt luôn tỏ ra mạnh mẽ và hay giúp đỡ kẻ yếu trên sàn đấu và ở phía đối diện vai xấu buộc phải tỏ ra hèn nhát hoặc tìm cách ăn gian để chiến thắng dù ngoài đời tính cách của họ không giống như vậy. Ở WWE những ngôi sao thường xuyên đổi từ vai tốt sang vai xấu và ngược lại để khán giả bớt nhàm chán. Ví dụ như Randy Orton khi xung đột với Triple H ở năm 2003 thì là vai tốt nhưng vào năm 2007 lúc gây hấn với John Cena lại đóng vai xấu. Khi khán giả đi xem đấu vật, họ sẽ cổ vũ cho nhân vật tốt, và chế giễu nhân vật xấu, như nhiều khán giả hâm mộ Randy Orton nhưng họ vẫn sẽ chế giễu anh ta khi đô vật này đóng vai xấu theo kịch bản.

Từ sàn đấu trở thành một trò chơi được ưa thích

Với những người có chút hứng thú với điện ảnh mỗi khi nhắc tới những cái tên diễn viên The Rock, John Cena, Hulk Hogan… các bạn đã quá quen thuộc trong màn ảnh rộng. Nhưng các bạn có biết trước khi trở thành các siêu sao màn ảnh, những ông thần đô con này từng là võ sĩ đô vật nổi tiếng tại WWE. Vậy WWE là gì? WWE là từ viết tắt của công ty World Wrestling Entertainment. Có nghĩa là công ty đấu vật giải trí thế giới. Tiền thân của nó là công ty Titan Sports được thành lập ngày 21/02/1980 bởi Vincent K. McMahon. Công ty WWE hoạt động trong các lĩnh vực giải trí, thể thao và truyền thông đại chúng. Hoạt động chủ yếu của nó là tập trung vào mảng truyền hình, internet và thi đấu các giải trực tiếp.

Đánh giá WWE 2K20: Cái thứ quái đản này không phải là đô vật Mỹ

Ngày trước khi mạng internet còn chưa được phổ biến tại Việt Nam, những fan hâm mộ của show giải trí này chỉ có thể tiếp cận đô vật Mỹ thông qua những kênh truyền hình của Thái Lan như TrueSports 2 hay Super Sports của Singapore. Do show diễn đã bị thay đổi thành ngôn ngữ bản địa khi phát lại do đó khán giả Việt sẽ chẳng hiểu được kịch bản của trận đánh – phần hấp dẫn chẳng kém gì những màn so tài trên võ đài, và chủ yếu chỉ thưởng thức các trận đấu cũng ủng hộ những đô vật nào mà họ thích. Do WWE là một công ty tại Mỹ cũng như có mức độ phủ sóng phổ biến nhất vì vậy đến hiện tại nhiều khán giả vẫn quen miệng gọi show diễn này là đô vật Mỹ hay Smackdown thay cho tên gọi chính thức WWE.

Quay trở lại vấn đề game đô vật thì kể thì năm 2010 sau khi THQ bị thâu tóm bởi Nordic Games, thương hiệu game đô vật đã được sang nhượng lại cho 2K, studio rất nổi tiếng với thương hiệu game thể thao NBA 2K. Tuy nhiên phong độ của hãng làm game trực thuộc Take Two Interactive lại tỏ ra khá thất thường khi có những bản WWE 2K được đánh giá rất cao như 2K14 lại có những bản bị fan đô vật chửi bới không tiếc lời như 2K18. Tuy nhiên dù phải nhận rất nhiều phản ứng trái chiều thì với những tay trót mê môn thể thao giải trí có nhiều mồ hôi và cơ bắp, mỗi phiên bản WWE 2K ra mắt hàng năm lại là dịp để họ ôn lại những kỷ niệm thời thơ bé.

Điểm danh top 10 tựa game đô vật Mỹ hay nhất mọi thời đại – P.1

Như Mọt tui chẳng hạn, ngày còn nhỏ khi còn xem đài của thái phát WWE, tui thích nhất là nhân vật Triple H cùng nhóm Degeneration X do anh ta cùng Shawn Micheal và Rick Rude sáng lập nên. Đến thời điểm hiện tại dù không còn ưa thích đô vật Mỹ đến mức cuồng nhiệt như ngày xưa, hàng năm tui vẫn tranh thủ mua một đĩa WWE2K mỗi khi trò chơi chính thức ra mắt. Có thể xem đó là hoài niệm, cũng có thể đó chỉ là những nuối tiếc đầy thú tính từ thuở ấu thơ mà gã đàn ông trưởng thành ngày nay muốn bù đắp không biết chừng nhưng tình hình ngày một xấu đi bởi sự tham lam vô độ cùng sức sáng tạo ngày một thui chột của đội ngũ làm game 2K.

Sao họ dám cho một thứ rác rưởi như WWE 2K20 ra mắt?

Lưu ý: Mọt tui rất ít khi nặng lời khi nói về những sản phẩm game, kể cả những game do các công ty mà tui không ưa sản xuất, trừ khi nó quá sức tệ hại và lần này WWE 2K20 đã làm mọi chuyện tệ đến mức tui phải lên tiếng mạt sát cả tựa game lẫn bộ sậu làm ra nó.

Như đã nói ở trên, đô vật Mỹ là một phần trong tuổi thơ của rất nhiều game thủ 8X, có người vẫn yêu thích nó đến tận bây giờ, có người chỉ đơn thuần là hoài niệm. Có người vẫn chờ mong từng phiên bản mỗi năm để cùng khóc cười với võ sĩ mà mình yêu thích trong Story Mode. Có người chỉ là nhín chút tiền để mua lại cảm giác thân thương ngày xưa dù bản thân họ không đào đâu ra được thời gian để mà chơi một game cho ra hồn. Kể từ ngày rời THQ, WWE2K trở thành một thương hiệu cực kỳ kém ổn định nhưng dù có bị chỉ trích thế nào thì mỗi năm vẫn có không ít người bỏ tiền mua bản mới vì những lý do như trên.

Đánh giá WWE 2K20: Cái thứ quái đản này không phải là đô vật Mỹ

Không kỳ vọng sẽ không có thất vọng, kỳ vọng về một bản WWE2K có lẽ đã chết từ cách đây 7 hay 8 năm về trước nhưng lần này WWE 2K20 đã đi quá xa và lạc đường luôn rồi. Tất nhiên cái gì cũng có nguyên nhân của nó, khi chia tay THQ ít nhất thương hiệu này vẫn còn sự phục vụ của NSX Yuke’s cho đến cuối năm ngoái. Từ năm nay, sau khi đã quá chán nản với việc bị bêu danh cùng một kẻ không biết gì về game wrestling, NSX Nhật Bản có trụ sở tại Osaka quyết tâm kết thúc hợp đồng với 2K để phát triển một tựa game đô vật của riêng họ. Không chịu để mất con át chủ bài dễ dàng (WWE2K có thể bị chửi rất nhiều nhưng nó vẫn bán được không ít đĩa) bộ sâu tại công ty quyết định vời Visual Concepts – đơn vị trước nay chỉ quen thực hiện dòng bóng rổ NBA, đến tiếp quản và cuối cùng một thứ hổ lốn quái đản đã ra đời mang tên WWE 2K20.

Mọt tui từng chỉ trích WWE2K19 vì sự dở dở ương ương của nó nhưng ít ra trò chơi còn mang đến chút hy vọng vì sự dám nghĩ dám làm của Yuke’s thế nhưng 2K20 hoàn toàn là một bước lùi đúng nghĩa khi không mang lại thứ gì mới mà còn kéo thụt lùi những thứ vốn được đánh giá tích cực hồi năm ngoái trong phần MyCareer và Showcase. Cơ chế điều khiển thay đổi một chút nhưng không nhiều và nếu bỏ cái logo 2K20 kèm cái poster mới đi, chẳng ai có thể phân biệt đâu là bản năm ngoái và đâu là bản năm nay. Trơ trẽn đến thế là cùng 2K ạ. Bên cạnh đó hệ thống xác định mục tiêu thực sự là một trải nghiệm kinh khủng khi các pha đấm đá hay vật đối thủ không cách nào chính xác, trong khi cơ chế phản đòn vẫn cứ tồi tệ nhưng những năm vừa qua. Vẫn biết là WWE2K nó tệ nhưng tệ đến mức này thì có lẽ thương hiệu nên chết luôn đi để các bên đỡ khó xử với nhau.

Hình ảnh không cải tiến, trải nghiệm lối chơi cực kỳ tồi tệ, dường như Visual Concepts cho rằng bằng ấy là chưa đủ để một trò chơi có thể đạt điểm dưới trung bình nên họ cho thêm vào vài món gia vị khủng khiếp như AI ngu học kèm một trăm chín mươi ngàn lỗi để người ta từ từ khám phá. Một số lỗi nặng đã được đăng tải trên các kênh YouiTube để nhạo báng 2K Games trong khi nhiều lỗi lặt vặt sẽ xuất hiện ngẫu nhiên để ám ảnh người chơi trong lúc ngủ.

Từ gương mặt nhân vật bị vặn vẹo hay mất nửa thân người cứ thể như bọn họ vừa tham gia đóng một tập chưa được phát hành của The Conjuring, đến pha tàng hình vô cùng ảo diệu trong đoạn cắt cảnh như cách Harry Houdini làm công chúng há hốc mồm hồi đầu thế kỷ 20. Tất cả tạo nên một kịch bản khủng khiếp không thua gì phim kinh dị khi người ta phải trả tới 60$ (giá khi vừa ra mắt) để rước cái của nợ này về nhà. Công lý ở đâu? Đạo nghĩa ở đâu? Lương tâm đám 2K Games chắc bị chó gặm mất rồi mới dám đem một con game sida tới vậy ra bán.

Tóm lại, dù từng một thời rất mê đô vật Mỹ và hiến máu định kỳ mỗi năm một lần cho các bản game nhưng lần này WWE2K đã đi quá xa và lạc lối luôn rồi. Người hâm mộ có thể thông cảm cho một sản phẩm không như kỳ vọng nhưng chẳng ai thông cảm cho nỗ lực vớt tiền đáng khinh với một tựa game cho không chưa chắc người ta thèm lấy như WWE 2K20.

Phát hành: 2K Games

Phát triển: Visual Concepts

Ra mắt: 22 tháng 10 năm 2019

Đánh giá trên: PS4

Nền tảng khác: Xbox One, PC

Đánh giá WWE 2K20: Cái thứ quái đản này không phải là đô vật Mỹ

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e