Thế hệ console tiếp theo đã chính thức có ngày ra mắt, với sự xuất hiện của Playstation 5 vào cuối năm sau, thì Microsoft cũng có Xbox đời tiếp theo mang mã số “X” để đấu lại đối thủ. Nhưng có một điều mà ai cũng biết mấy năm qua, đó là có vẻ như Microsoft đã quá đuối so với Sony trong cuộc chiến console, khi mà các tựa game độc quyền của giữa Xbox One và Playstation 4 có sự khác biệt quá lớn.
Chẳng biết Microsoft có rút được kinh nghiệm hay không, mà tựa game độc quyền họ giới thiệu cho Xbox thời gian tới lại là Senua’s Saga: Hellblade II – một lựa chọn có vẻ không được tốt cho lắm, đặc biệt với lối chơi siêu kén người chơi của nó. Kể cả là vài ngày trước Microsoft cũng nói rằng sẽ đưa Hellblade lên cả PC, thì rõ ràng nó vẫn phải là thứ lôi kéo game thủ sang chiếc Xbox mới.
Là phần tiếp theo của Hellblade: Senua’s Sacrifice từng nổi đình nổi đám ra mắt cách đây 2 năm, với lối chơi được quảng cáo tưng bừng lúc đó là mô phỏng tâm lý của một bệnh nhân tâm thần. Nhân vật chính Senua vốn bị một chứng bệnh kì lạ, nó liên quan tới cả tâm thần phân liệt và hoang tưởng, dẫn đến cốt truyện của tựa game này cực kỳ khó hiểu. Có thể coi Hellblade: Senua’s Sacrifice như một phiên bản “ít nổi tiếng hơn” của Death Stranding, khi chúng đều có lối chơi theo dạng hành động phiêu lưu, đi cùng cái cốt truyện rối rắm của nó.
Nhưng thực tế thì Hellblade: Senua’s Sacrifice không phải là tựa game phổ biến, nó nổi tiếng phần nhiều vì những yếu tố bên lề như việc nhóm phát triển quan sát những bệnh nhân tâm thần, hay lợi nhuận của game sẽ được ủng hộ cho Rethink Mental Illness – tổ chức từ thiện giúp đỡ những ai có vấn đề về tâm lý. Đánh giá của Hellblade: Senua’s Sacrifice đa số là tích cực, nhưng nó không phải là thứ đảm bảo cho Senua’s Saga: Hellblade II sẽ thành công.
Vấn đề của một game độc quyền, là nó phải làm sao tiếp cận được với nhiều người chơi nhất hoặc có danh tiếng thực sự nổi tiếng, đủ để bắt game thủ phải mở hầu bao ra mà mua. Đáng buồn là Senua’s Saga: Hellblade II có vẻ không hội tụ được hai yếu tố này, vì nó là game thiên nhiều về phiêu lưu hơn là hành động, chưa kể cái cốt truyện được giới thiệu qua trailer khi Senua có phần còn điên khùng nhiều hơn, đã cho thấy cái game này sẽ tha hồ mà xoắn não.
Bản thân phần một của Senua’s Saga: Hellblade II khi ra mắt cũng gặp rất nhiều vấn đề, khi đội ngũ phát triển cũng thừa nhận việc làm game theo kiểu này là một sự mạo hiểm. Doanh số của phần một tính đến tháng 6/2018 trên cả 3 hệ máy là khoảng 1 triệu bản, nói chung cũng không tệ nhưng chừng đó chưa đủ tầm so với một game độc quyền – so sánh với God of War mới là 10 triệu hoặc Red Dead Redemption 2 là tới 26 triệu, một con số chênh lệch thực sự.
Đó là chưa nói tới việc độ nổi tiếng của Senua’s Saga: Hellblade II còn xa mới bằng Death Stranding, vì mặc dù cũng có đánh giá khen chê rất trái chiều, nhưng chỉ cần cái tên Hideo Kojima cũng là đủ để bắt fan phải mua thử xem nó có vị gì rồi. Làm phép so sánh nhỏ thì việc bạn đưa ra một tựa game kén người chơi ngay ở buổi đầu ra mắt hệ console mới, có lẽ không phải nước đi khôn ngoan cho lắm.
Tất nhiên cho tới giờ phút này thì các tựa game độc quyền trên cả hai hệ máy vẫn còn đang rất mơ hồ, cho nên việc Microsoft công bố Senua’s Saga: Hellblade II có thể coi như một đòn mào đầu dư luận trước. Nhưng cần phải nhớ là cái hồn của Xbox chính là các tựa game hỗ trợ online, PvP và bắn súng… chứ không phải là dạng nhập vai phiêu lưu có phần quá khó tiếp cận như Senua’s Saga: Hellblade II. Mọi người luôn nhắc tới Playstation về game “offline” và Xbox là “online”, nên rõ ràng Senua’s Saga: Hellblade II không phải là sự lựa chọn hấp dẫn cho lắm.
Đó là chưa kể doanh số phần một của Hellblade: Senua’s Sacrifice là cực kì khiêm tốn nếu chỉ tính trên Xbox – chỉ nhõn hơn 100 ngàn bản, tức là chiếm chưa được 15% tổng doanh thu của nó. Điều này là một điềm báo không hề tốt lành gì cho phần hai của tựa game này, nó cho thấy Hellblade không phải là “gu” của các game thủ Xbox và rõ ràng việc ra mắt trailer phần 2 cũng chưa tạo được quá nhiều hiệu ứng truyền thông cho lắm.
Doanh số luôn là thước đo để đánh giá mức độ thành công của một tựa game – đặc biệt là độc quyền. Việc phần một không thành công trên Xbox tất nhiên không đồng nghĩa Senua’s Saga: Hellblade II cũng như vậy, nhưng rõ ràng là cái thương hiệu này chưa đủ lớn tới mức có thể một mình “gánh” cả hệ máy được.
Tình cảnh của Microsoft với Xbox (X) khá phức tạp, khi bọn họ lựa chọn Senua’s Saga: Hellblade II là tựa game độc quyền đầu tiên để công bố. Điều này khá bất ngờ vì rõ ràng người ta mong đợi ở những cái tên khác hay ho hơn, với việc không thể có được những game độc quyền ra hồn suốt những năm qua rồi bị Playstation 4 vượt mặt, chắc chắn chẳng ai muốn chuyện này sẽ lặp lại cả.
Nhưng với việc lấy Senua’s Saga: Hellblade II làm game độc quyền đầu tiên, không thể không nghi ngờ về việc Microsoft khả năng cao lại sai lầm một lần nữa trong thời gian đầu ra mắt, rồi họ sẽ phải mất rất nhiều thời gian để đuổi kịp hoặc bị đối thủ vượt mặt như thường lệ.