Death Stranding Director’s Cut: “A Hideo Kojima Game”

Đúng như tên gọi, Death Stranding Director’s Cut là phần bổ sung đắt giá mà các fan của Kojima cần phải trải nghiệm để khám phá thêm các ý tưởng “điên rồ” của vị đạo diễn tài năng.

Trước khi đến với Death Stranding Director’s Cut, chúng ta hãy quay lại quá khứ một chút để biết rằng trò chơi được phát hành vào năm 2019 có lẽ là sản phẩm được mong đợi bậc nhất trong suốt sự nghiệp lẫy lừng của Hideo Kojima, về mặt nào đó tầm quan trọng của nó cũng không kém gì số với thương hiệu Metal Gear lừng danh.

Nói như thế không phải là có ý xem nhẹ thương hiệu đã làm nên tên tuổi cho nhà sản xuất game tài năng mà bởi vì Death Stranding là cột mốc quan trọng, đánh dấu giai đoạn sự nghiệp hoàn toàn mới của Kojima sau gần 30 năm công tác tại Konami. Rất nhiều người quan tâm đến trò chơi ngay từ lúc trailer đầu tiên ra mắt và sự tò mò càng tăng lên gấp bội khi chẳng ai hiểu cái game này muốn nói lên điều gì ngoại trừ sự xuất hiện chắc chắn của Norman Reedus.

Death Stranding Director’s Cut

Rõ ràng đây là một tựa game kỳ lạ với bầu trời không quá tối tăm nhưng vẫn mang lại cảm giác cực kỳ bức bối và u ám, đám cua biển nằm chết la liệt với những dấu tay đầy hắc ín cứ xuất hiện tuần tự như một sinh vật vô hình đang di chuyển. Xung quanh là xác của những con cá voi mắc cạn được tô điểm bằng đám cá chết đầy dị dạng và để chốt hạ cho cái sự khó hiểu của trailer là cảnh Norman Reedus trần truồng khóc lóc thảm thiết với một thai nhi được kết nối với anh ta thông qua cuống rốn.

Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, khi đã hiểu quá rõ cái sự “khác người” của Kojima thông qua những sản phẩm trong quá khứ nhưng nhiều game thủ vẫn cảm thấy đoạn giới thiệu đầu tiên của Death Stranding là quá sức chịu đựng. Nhìn chung trailer khá hữu ích trong việc phân loại game thủ sẽ tiếp cận trò chơi vì những người cảm thấy nó quá quái gở đã bỏ chạy ngay từ giây phút đầu tiên rồi.

Death Stranding Director’s Cut vẫn đậm chất Kojima

Với những người đã dành hàng chục tiếng đi bộ trong game để kết nối nước Mỹ sẵn tiện ngắm cảnh và nghe nhạc thì Death Stranding Director’s Cut chẳng khác gì món quà thượng đế dành tặng họ trong lúc đang bị giam chân tại nhà vì dịch bệnh quái ác mang tên Covid. Với các fan tháng 8 của trò chơi thì bản Director’s Cut này cũng có thể mang lại cho họ vài thứ mới mẻ bởi vì đây là một kiểu rất khác nếu với Ghost of Tsushima Director’s Cut, phiên bản được đánh giá cao nhờ các nội dung mới trên đảo Iki. Thậm chí bản thân Kojima cũng không tán thành với tên gọi của phiên bản này. Trong một bài đăng gần đây trên Twitter, vị đạo diễn tài ba đã không ngần ngại phát biểu rằng “Director’s Plus” mới là cái tên thích hợp hơn.

Dẫu sao đi nữa thì không thể phủ nhận Death Stranding là một trò chơi rất khó để thấu cảm, đơn giản vì nó đậm chất… Kojima. Có thể nói trong phần lớn thời gian, Death Stranding vẫn giống như tựa game gốc phát hành vào năm 2019. Đó vẫn là một cuộc phiêu lưu lặng lẽ trong thời kỳ hậu tận thế với mục đích kết nối lại các thành phố khác nhau của nước Mỹ thông qua hoạt động giao hàng.

Anh chàng shipper của chúng ta vẫn là một gã lầm lì, cục súc tên Samuel “Sam” Porter Bridges, ngoài việc vận chuyển hàng hóa anh ta còn phải đối mặt với đám cướp cạn, sự cô đơn và dĩ nhiên là những bóng ma BTs theo nghĩa đen hoặc những thứ đại diện cho sự mục ruỗng của xã hội Hoa Kỳ đương đại nếu người ta thích hiểu theo ý nghĩa đấy.

Death Stranding Director’s Cut

Hơn hết thảy đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bao gồm vai trò của chính trị trong cuộc sống của mỗi cá nhân, chủ nghĩa hư vô cố hữu của tư duy chính thống, các mối liên hệ ràng buộc giữa người và người trong xã hội đang dần mai một hay thậm chí là những điều sâu xa hơn mà chỉ Kojima mới biết được.

Tất cả những tầng lớp ngữ nghĩa đầy ẩn dụ này được tái hiện qua chặng đường giao hàng bằng đường bộ vừa cô đơn vừa u sầu, cảm giác uất ức xen lẫn với sự trầm mặc xuyên suốt toàn bộ hai bờ nước Mỹ. Về cơ bản Death Stranding Director’s Cut sẽ thỏa mãn các fan kỳ cựu của Kojima vì các yếu tố từng làm nên tên tuổi của Metal Gear – thứ đã bị tiết chế khá nhiều trong bản Death Stranding gốc, sẽ xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn.

Death Stranding Director’s Cut

Có thể nói giờ đây cách chơi sẽ phần nào tự do, sáng tạo và dễ dàng hơn xưa dù khí chất của Kojima vẫn cứ ngập tràn trong từng ngõ ngách. Khi đó người có thể cho Sam tạm dừng việc trốn chạy khỏi đám quái vật có dây rốn vặn vẹo để xây những con dốc siêu to khổng lồ nhằm phục vụ cho các cuộc đua xe bạt mạng để giải trí.

Hay kích thích hơn là biến máy phóng hàng hóa (Cargo Catapult) thành một khẩu súng cối điều khiển từ xa để nã vào đầu cái đám đầu trộm đuôi cướp suốt ngày cứ canh me mấy kiện hàng của Sam trong bản gốc. Thử làm nhẹ một bài toán với khối lượng của các kiện hàng, cộng với gia tốc từ Cargo Catapult thì cái lũ MULE chắc chắn sẽ khó thoát kiếp số trở thành bánh mì kẹp thịt người. Rất bạo lực, kỳ quặc và có chút phản xã hội nhưng bạn biết đấy, đó cũng chỉ là điều bình thường nếu trò chơi được gắn mác “A Hideo Kojima Game”.

Death Stranding Director’s Cut

Tất nhiên NSX cũng phải quan tâm đến cảm thụ của người chơi mới nếu muốn bảo toàn lợi ích kinh tế, chính vì thế đã có một số thể loại phương tiện vận chuyển mới xuất hiện trong game. Những tay chơi không quan tâm lắm đến các nội dung đầy tính ẩn dụ mà ngài Kojima cài cắm, giờ đây vẫn có thể tự tìm cách giải trí cho mình trong Death Stranding Director’s Cut thông qua những cuộc dạo chơi trong hành trình ship hàng xuyên nước Mỹ.

Các nội dung mới cũng sẽ gắn liền với việc Sam phát hiện một nhà máy/cơ sở nghiên cứu khoa học, từ đây người chơi có thể lựa chọn hướng đi theo kiểu cũ tức là kết nối lại nước Mỹ để tìm hiểu câu chuyện đã xảy ra với quốc gia này, người dân của đất nước đã mất đi điều gì và cách tốt nhất để phục hồi lại điều đó. Còn nếu không thích thì chỉ việc chơi theo cách bạn mong muốn như đã nói ở trên hoặc tận dụng cơ sở nghiên cứu khoa học để giải trí cùng những thứ mới lạ như Maser Gun, Cargo Catapult hay Buddy Bots.

Death Stranding mới có thật sự “ngon” hơn bản cũ?

Đầu tiên nếu chưa biết gì về trò chơi thì bạn cũng vẫn có thể yên tâm trải nghiệm vì Death Stranding Director’s Cut cơ bản có thể được gói gọn lại trong mô tả đây là một sáng tạo có phần điên rồ của thiên tài Kojima cùng đám bằng hữu cũng tài năng không kém gì ông ta. Ngoài Norman Reedus, trò chơi còn một danh sách các cameo nổi tiếng mà chỉ nhìn tên thôi là đã thấy khiếp và cũng may là bạn bè ủng hộ nên chắc chi phí cho phần trà nước cũng không đến nỗi quá cao.

Chúng ta những diễn viên lẫn đạo diễn mà Kojima quen biết như diễn viên Mads Mikkelsen (Hannibal, Casino Royale), Lea Seydoux (Blue is the Warmest Colour, Spectre), đạo diễn Guillermo Del Toro (Pan’s Labyrinth, The Shape of Water), Nicolas Winding Refn (Drive, Drive , Only God Forgives).

Death Stranding Director’s Cut

Đó chỉ là những vai có cốt truyện, có lời thoại ảnh hưởng đến nội dung game, còn một số người nổi tiếng khác chỉ xuất hiện theo kiểu đúng nghĩa thoáng qua như đạo diễn Jordan Vogt-Roberts (Kong: Skull Island), Geoff Keighley, Junji Ito, Hirokazu Hamamura (biên tập viên của tờ Famitsu Weekly) hay Sam Lake (giám đốc sáng tạo tại Remedy Entertainment, tác giả kịch bản Max Payne và Alan Wake).

Sau khi đã no nê với các nhân vật nổi tiếng thì những người chơi mới cũng sẽ bắt đầu chuyến hành trình kết nối lại nước Mỹ bằng những chuyến ship hàng không hồi kết của anh Sam. Thật may vì nếu đang trải nghiệm tựa game này vào năm 2019, đó sẽ là một hành trình đau khổ với những chuyến cuốc bộ đường dài vất vả để băng qua núi cao, vực sâu, đường sá ban đầu thì gập ghềnh khó đi và chỉ với sức chịu đựng tự nhiên của một con người thì đó đúng là ác mộng.

Chưa cảm thấy như thế là đủ hành hạ người ta, ngài Kojima còn “khéo léo” đưa vào hệ thống cân bằng trọng lượng hàng hóa cho nó thực tế. Điều này đồng nghĩa với việc người ta sẽ té sấp mặt nếu những thùng hàng quá nặng khiến shipper mất trọng tâm khi di chuyển. Cuối cùng để cho cuộc chơi thêm phần bi kịch thì hàng hóa có thể hỏng nếu rơi rớt hoặc va đập quá nhiều, đó là chưa kể mấy cơn mưa acid quái quỷ cứ bào mòn thùng hàng theo gian (về sau có thuốc xịt phục hồi nên cũng đỡ khổ).

Nhìn chung Kojima luôn có sở trường trong việc hành hạ các fan hâm mộ, dù các hệ thống do ông ta tạo ra rất xuất chúng và hấp dẫn nhưng không thể phủ nhận nó vẫn khiến người ta bị ám ảnh theo cách nào đó. Mắn mắn cho những người chơi mới khi Death Stranding Director’s Cut sẽ làm mọi thứ thoải mái hơn một chút để phù hợp với gu thưởng thức của đại chúng. À thì nhiều người cũ sẽ kêu làm cho mọi thứ dễ quá thì hơi mất chất Kojima nhưng chính bản thân của ông ấy còn không hài lòng với cái tên Director’s Cut nữa là.

Lúc trước sợ bị đám MULE cướp hàng? Giờ đã có Maser Gun. Nó sẽ phóng plasma ở tầm trung và khiến mấy thằng khốn muốn cướp hàng của Sam bất tỉnh cho tới chết. Điểm hay là Maser Gun được cho phép sử dụng còn sớm hơn khẩu bắn dây bola trong bản gốc và thậm chí nó còn cho phép người chơi mở khóa một sân tập bắn gợi lại khá nhiều ký ức về Metal Gear Solid của ngày xưa. Khả năng tay bo với kẻ địch của Sam cũng được nâng cấp dù điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa dễ hư hại hơn bình thường nếu bạn cứ thích đấm nhau với kẻ địch.

Cuối cùng thứ khiến nước mắt không rơi, cuộc chơi không kết trong phiên bản Death Stranding Director’s Cut chính là bộ xương cơ khí hỗ trợ di chuyển và mang vác (exoskeleton) sẽ xuất hiện cực kỳ sớm chứ không mãi về sau mới có như game gốc, giúp anh Sam có thể chạy như ngựa dù đang phải cuốc bộ bằng hai chân, trong khi lượng hàng mang theo sẽ nhiều gấp mấy lần bình thường.

Death Stranding Director’s Cut

Nếu từng chơi qua bản gốc, bạn sẽ nhận thấy phần lớn trải nghiệm của người chơi thông qua Sam chính là việc tương tác với môi trường và việc bản Director’s Cut đặt chân lên PS5 với tính năng phản hồi xúc giác (haptic feedback) được tay cầm DualSense hỗ trợ sẽ biến chuyện này trở thành một trải nghiệm rất tuyệt. Từng cơn rung động của chiếc tay cầm có thể sẵn sàng để kể cho bạn nghe về một câu chuyện mà Sam đang trải qua. Việc nhấc thùng hàng lên từ mặt đất sẽ tạo ra một cơn rung động nhẹ nhàng dễ chịu để nhắc nhở, nhưng đổi lại nếu đó là kiện hàng tầm 100kg thì chiếc tay cầm khốn khổ bắt đầu gào lên phản đối dữ dội bằng từng cơn rung giật lẩy bẩy như kẻ nào đó đang bị động kinh.

Chưa hết nếu Sam mất trọng tâm và kiện hàng khổng lồ bắt đầu nghiêng về bên trái (hoặc phải) thì hướng đó của tay cầm cũng sẽ run rẩy theo như để nhắc nhở, hàng sắp đổ rồi kìa ông ơi. Bạn sẽ thấy màn haptic feedback này có nhiều đất diễn hơn tưởng tượng, đi thong thả trên đường không bằng phẳng, chạy nước rút trên đường nhựa phẳng phiu hay leo núi với đất đá gồ ghề đều tạo thành những tần suất rung động khác nhau trên tay cầm.

Kết

Tóm lại Death Stranding Director’s Cut vẫn xứng đáng với danh hiệu “A Hideo Kojima Game”. Những thiết lập lạ lùng, lối chơi kỳ quặc và phá cách vẫn ở nguyên nơi ấy, dù cho nhiều thứ tiện lợi hơn đã được thêm vào để dễ bề tiếp cận với game thủ đại chúng (nhằm tăng doanh số bán đĩa). Nhiều người sau khi trải nghiệm qua bản gốc năm 2019 đã từng đánh giá nếu trút bỏ lớp vỏ “A Hideo Kojima Game” thì toàn bộ Death Stranding chẳng khác gì một game giao nhận hàng khổng lồ với một vài con trùm được thêm vào cho có vị.

Thế nhưng việc bỏ qua lớp vỏ đó là hoàn toàn không hợp lý bởi nó chính là thứ làm nên sự hấp dẫn của trò chơi. Từ khung cảnh tuyệt đẹp đến những bài nhạc nền du dương cao vút, những dòng suối nhỏ róc rách bên chân Sam đến những ngọn núi khổng lồ ở xa xa, từ tính năng kết nối kỳ lạ mang tên “Social Strand System” đến những thiết lập rối rắm, từ bước chân chập chững của Sam đến những đại lộ thênh thang mà hàng ngàn game thủ cùng chung tay xây dựng, tất cả đều là một phần của Death Stranding, một tựa game độc đáo và đáng chơi dù có phần khó hiểu hoặc kén khách.

UPDATE NGAY lịch đăng video mới của Youtube Kênh Tin Game vào 19h30 thứ 3 - 5- 7 - Chủ Nhật hằng tuần nhé!!!!
Fanpage Kênh Tin Game Esports - khu vườn địa đàng với hàng ngàn tin tức Esports và 7749 loại meme/video.. vui tính hơn cả crush của bạn. LIKE NGAY ĐỂ CẢM NHẬN!
Bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?