Microtransactions trong trò chơi điện không còn là khái niệm xa lạ gì với game thủ. Hiện nay, hầu hết mọi người đều chấp nhận một số thể loại game bắt buộc phải có các giao dịch bằng tiền. Một mặt tăng lợi nhuận cho hãng game, mặt khác phần nào đó giúp người chơi muốn gắn bó lâu hơn bởi họ đã phải bỏ tiền thật ra. Tuy nhiên, mức độ microtransactions trong Diablo Immortal khiến cộng đồng game thủ không thể nào chấp nhận được.
Được biết, một game thủ đã chấp nhận nạp vào tận 4.000 USD để vạch mặt cái sự hút không thể tin được của Diablo Immortal. Tuy nhiên, dù đã bỏ ra số tiền lớn như vậy nhưng anh vẫn không nhận lại được gì. Ban đầu, người chơi tưởng rằng để sở hữu 6 viên ngọc 5 sao Legendary Gem, họ phải bỏ ra khoảng 100.000 USD (Khoảng 2,3 tỷ VNĐ).
Nhưng thực chất, sau đó game còn mở ra thêm nhiều chỗ trống nữa, yêu cầu game thủ phải tiếp tục nạp vào nếu muốn đạt max level. Tức là số tiền người chơi phải bỏ ra sẽ rơi vào 540.000 USD (Khoảng 12,5 tỷ VNĐ). Việc bỏ ra số tiền ngang với cả một căn nhà hiện đại rõ ràng là khó chấp nhận được ngay cả với những người có dư dả tài chính. Dù trải nghiệm game được đánh giá ở mức tốt, nhưng Diablo Immortal chưa đem lại giá trị xứng đáng với số tiền khổng lồ như vậy.
Để rõ hơn microtransactions trong Diablo Immortal tệ cỡ nào, chúng ta cùng so sánh qua với một số game cũng nổi tiếng với các giao dịch tiền thật khác.
The Elder Scrolls: Blades trả tiền để mở rương vật phẩm
Trò chơi này mang lại một trải nghiệm cực kỳ tệ hại khi bắt người chơi phải trả tiền mới có thể mở rương lấy chiến lợi phẩm ngay lập tức. Còn nếu không muốn bỏ tiền ra, bạn bắt buộc phải đợi cả tiếng đồng hồ. Bên cạnh đó, người chơi chỉ được mở một rương duy nhất tại thời điểm đó. The Elder Scrolls: Blades đánh thẳng vào tâm lý tò mò của game thủ, hoặc là chờ đợi để rồi nhận lại thất vọng tốn thời gian; hoặc là bạn bỏ tiền ra để biết được ngay lập tức trong rương có gì.
Tuy nhiên, nếu so sánh với Diablo Immortal, microtransactions của The Elder Scrolls: Blades vẫn còn khá dễ chịu. Tức là dù bạn bỏ tiền hay không thì vật phẩm vốn dĩ nằm trong rương là không thay đổi. Hơn nữa số tiền bỏ ra cho một lần mở rương không quá lớn. Hoặc người chơi có thể mở rương xong để máy đó, tranh thủ làm việc khác trong lúc chờ đợi. Còn Diablo Immortal, cho dù bạn có bỏ ra số tiền khổng lồ thì bạn vẫn chẳng nhận được cái gì quý giá cả.
Trả tiền để mua lượt chơi trong các game mobile
Với đa phần các trò chơi trên nền tảng di động, một cơ chế cực kỳ gây ức chế với nhiều game thủ, đó là trả tiền để mua lượt chơi. Ví dụ điển hình cho cơ chế này chính là game Angry Birds 2. Người chơi sẽ có tối đa 5 mạng chơi liên tiếp. Khi hết 5 mạng này, người chơi phải chờ một khoảng thời gian khá lâu mới có thể chơi tiếp, hoặc bạn có thể bỏ tiền ra để mua thêm 5 lần chơi nữa. Với mức độ khó của Angry Birds, sẽ có rất nhiều màn chơi, đặc biệt là khi đánh boss, bạn không thể vượt qua chỉ với 5 lần chơi được.
Tuy nhiên, ít nhất, các giao dịch tiền thật trong những trò chơi mobile đều mang lại giá trị và mức giá của nó không phải quá đắt. Bạn sẽ nhận được khá nhiều item hỗ trợ cho việc qua màn. Tôi khẳng định mặc dù ức chế, nhưng việc bỏ chút tiền ra cho game mobile chất lượng vẫn mang lại cảm giác rất lôi cuốn.
Còn so sánh với Diablo Immortal thì sao? Trò chơi này cũng có mặt trên nền tảng mobile nhưng số tiền giao dịch quá lớn khiến trò chơi mất đi giá trị của nó.
Các tựa game với đủ chiêu mời gọi mua skin
Bây giờ chúng ta tiếp tục so sánh Diablo Immortal với các trò chơi có giao dịch tiền thật chỉ để mua skin trang trí. Có những tựa game yêu cầu người chơi phải bỏ tiền thật ra mua những skin trang trí mà không mang lại bất cứ lợi thế nào trong game và một số trò có thể tăng damage, tăng kỹ năng khi bạn mua đồ trang trí.
Tuy nhiên, hãng game lại cho phép người chơi có thể trao đổi buôn bán các skin này trong cộng đồng. Tức nó mang lại giá trị ngoài đời thực cho người chơi. Tôi biết rất nhiều game thủ đã tận dụng tính năng này để kiếm thêm một chút thu nhập. Có người thậm chí biến nó thành công việc chính của mình và thu lợi đều đặn.
So sánh điều này với giao dịch microtransaction của Diablo Immortal. Người chơi đã phải bỏ ra tận 4.000 USD mà không nhận lại được gì giá trị. Còn với việc mua skin, tuy không có giá trị gì trong game nhưng người chơi có thể từ 4.000 USD đó kiếm về lợi nhuận đáng kể từ việc mua và bán (nếu trò chơi đó cho phép giao dịch).
Vấn đề của Diablo Immortal là gì?
Trên thực tế, các game thủ đánh giá chất lượng của Diablo Immortal không hề tệ, đặc biệt là ở nửa đầu trò chơi. Tuy nhiên, nếu bạn muốn cày lên max level lại cực kỳ khó, chứ chưa nói với nâng cấp toàn bộ trang bị. Chính nhà làm game đã thiết kế để chặn người chơi cày chay lên level cao hơn với mục đích “làm tiền”.
Tôi không đánh giá xấu việc yêu cầu người chơi bỏ tiền để nâng cấp nhưng khi số tiền nằm ngoài sức tưởng tượng của game thủ thì đó lại là vấn đề. Ngoài ra với một lượng lớn dân cày chay, hãng game ít nhất cũng nên có một biện pháp nào đó để thỏa mãn những đối tượng này. Giống như các game mobile khác, người chơi không nạp tiền vẫn có thể có cách khác để trải nghiệm game, có điều không thoải mái bằng dân nạp nhiều mà thôi.
Vậy vấn đề duy nhất của Diablo Immortal chính là trò chơi “hút máu” lộ liễu và quá đáng. Chính yếu tố này đã phá hỏng toàn bộ trải nghiệm của người chơi. Điều này thực sự không đáng có với một game được đánh giá tốt như thế này. Tôi không rõ liệu hãng game có chỉnh sửa để giảm bớt tính năng yêu cầu người chơi phải bỏ ra quá nhiều tiền như vậy hay không. Nhưng với việc thu về tận 24 triệu USD chỉ trong 2 tuần đầu phát hành, tôi nghĩ điều đó sẽ rất khó xảy ra.
Dĩ nhiên người chơi hoàn toàn có thể chơi cho biết mà không cần nạp bất cứ một đồng nào. Phải chăng hãng game cũng tính tới việc game thủ cày chay sẽ không đủ kiên nhẫn chơi hết game nên mới quyết định đưa vào đó các giao dịch tiền thật để hướng đến người có thể chơi được hết những gì mà hãng đem lại?
Bạn hãy theo dõi trang chủ của Kênh Tin Game thường xuyên để cập nhật thông tin mới nhất nhé. Nếu bạn muốn cũng có thể xem những video mới nhất tại trang youtube của Mọt mobile nhé.