Được phát triển bởi Ubisoft, "Assassin's Creed" là dòng game bom tấn mà nếu muốn tận hưởng nó, bạn sẽ phải bỏ ra 400 USD mua về một chiếc máy console hoặc sắm một dàn máy tính chuyên game cấu hình khủng. ProjectStream tìm cách xoá bỏ rào cản này, khi yêu cầu duy nhất của nó là một đường truyền Internet tốc độ 25 mbps trở lên, và nếu bạn có tay cầm chơi game thì càng tốt.
Phóng viên Kevin Webb của trang tin Business Insider đã từng được chơi "Assassin's Creed: Odyssey" trên PlayStation 4, do đó anh khá hoài nghi về chất lượng của ProjectStream khi so với trải nghiệm có được trên console. Bởi xét cho cùng, ProjectStream không phải là dịch vụ stream video game nền tảng đám mây đầu tiên trên thế giới, và công nghệ mà nó ứng dụng cũng không phải là một cái gì đó có thể tạo nên bất ngờ. Đối với các dịch vụ chơi game trên nền đám mây trước đây, bạn phải lựa chọn hi sinh chất lượng đồ hoạ hoặc tốc độ phản hồi trong các thao tác điều khiển, chưa kể hiệu năng của dịch vụ này còn dao động rất lớn tuỳ thuộc vào tựa game. "Odyssey" là một game hoàn toàn mới với một thế giới mở rộng lớn, ProjectStream liệu có đáp ứng nổi hay không?
ProjectStream xử lý các trận đánh quy mô lớn trong "Odyssey" mà không gặp vấn đề gì đáng kể
Lần đầu chơi trên MacBook Pro, Webb nhanh chóng cảm thấy hào hứng. Phiên bản "Odyssey" dành cho ProjectStream mang lại cảm giác tương đồng như chơi trên PlayStation. Tựa game này ngay lập tức nhận ra tay cầm điều khiển PlayStation 4 mà anh kết nối qua Bluetooth và hiển thị chính xác các biểu tượng nút bấm trên màn hình. Thao tác điều khiển không gặp phải tình trạng delay (chậm trễ) đáng chú ý, và đồ hoạ nhìn chung không khác gì PS4, khi mà "Odyssey" hỗ trợ 4K lẫn HDR trên cả console và PC.
Webb đã thử ProjectStream với 3 máy tính khác nhau, trên 3 mạng Internet khác nhau: một chiếc MacBook Pro 2017 với Wifi 250 mbps, một chiếc laptop hybrid của HP với Wifi 50 mbps, và dàn PC chơi game có card đồ hoạ 970 GTX với đường truyền 1 gbps. Trải nghiệm giữa 3 máy tính hầu như tương đồng nhau, khiến anh cảm thấy sự khác biệt trong sức mạnh xử lý của chúng chẳng còn là vấn đề nữa.
Khi chơi trên đường truyền Internet chậm nhất, chiếc laptop HP thực ra gặp phải một số khoảnh khắc bất ổn, với hình ảnh bị vỡ hạt và thao tác điều khiển dường như bị đóng băng, nhưng chỉ sau vài giây, game đã trở lại bình thường. Trên dàn PC chơi game và MacBook, ProjectStream hoạt động hoàn hảo không chê vào đâu được.
Sử dụng một tựa game hoàn toàn mới như "Odyssey" quả là một bài test hoàn hảo cho ProjectStream
Tính nhất quán là yếu tố hấp dẫn nhất của ProjectStream. Việc biết được rằng trải nghiệm chơi game qua trình duyệt Chrome có thể sánh ngang với gameplay trên console, dù đang sử dụng máy tính ra sao, miễn là đường truyền Internet đủ nhanh, là động lực rất lớn khiến Webb nghĩ đến việc để phiên bản game cho PlayStation lại đằng sau. ProjectStream còn tự động mang các trạng thái lưu game để bạn thoải mái tiếp tục chơi ở bất kỳ đâu, dù là tại nơi làm việc, ở nhà bạn hay nhà bạn bè... Không may là ProjectStream không hoạt động trên smartphone hay tablet, nhưng chắc chắn Google sẽ tìm ra cách nào đó để đưa dịch vụ này lên các thiết bị Android của chính họ.
ProjectStream là một cú nhảy vọt đầy thuyết phục trong công nghệ chơi game trên nền tảng đám mây trong bối cảnh các game thủ đang thắc mắc liệu thế hệ tiếp theo của các máy chơi game console có ưu tiên stream các nội dung hơn sử dụng đĩa truyền thống hay không. ProjectStream tận dụng ưu thế của cơ sở hạ tầng máy chủ và tài nguyên phát triển khổng lồ của Google, từ đó biểu diễn một sản phẩm beta mà các game thủ có thể cảm nhận và tin tưởng được. Nhưng ngay cả khi công nghệ có thể cạnh tranh được với trải nghiệm của một chiếc Xbox hay PlayStation, bước quan trọng tiếp theo sẽ là tìm ra cách để mang đến cho người dùng toàn bộ những tựa game cả mới lẫn cũ với một mức giá hợp lý.
PlayStation Now đã cung cấp dịch vụ chơi game qua đám mây từ nhiều năm nay, nhưng lại không có các tựa game mới nhất
Google cũng sẽ phải cạnh tranh trực diện với các nhãn hiệu video game đình đám khi bước chân vào lĩnh vực stream game. Đến nay, các nền tảng chơi game qua đám mây đầy đủ chức năng nhất có thể kể đến PlayStation Now của Sony và GeForce Now của Nvidia, nhưng cả hai dịch vụ này đều không mang lại cảm giác thay thế được cho việc phải mua một chiếc máy console hoặc một dàn PC đắt tiền. PlayStation Now cung cấp một thư viện gồm hàng trăm tựa game với mức phí 20 USD/tháng cho PS4 và PC, nhưng các tựa game mới hơn lại không có. GeForce Now cho người chơi truy cập các tựa game nhất định mà họ đã bỏ tiền ra mua trước đó cho PC, và thu thêm phí 25 USD/20 giờ stream. Như vậy, "Assassin's Creed: Odyssey" có giá 60 USD và phải mất 30 giờ mới hoàn tất, tương đương với khoản phí 37,5 USD.
Một thời gian ngắn sau khi ProjectStream beta ra mắt, Microsoft cũng công bố nền tảng chơi game qua đám mây của riêng họ, Project xCloud. Project xCloud sẽ stream các game lên cả PC lẫn di động, ngày ra mắt dự kiện vào năm 2019. Microsoft cũng đã trình diễn khả năng điều khiển trên màn hình cảm ứng và các phụ kiện để dùng tay cầm Xbox với smartphone. Microsoft từng có một dịch vụ chơi game trả phí riêng là Xbox Game Pass, hiện cho phép người dùng tải các tựa game đầy đủ về PC và Xbox One thay vì stream chúng.
Microsoft dự định mang dịch vụ chơi game qua đám mây lên di động
Trong buổi giới thiệu vào năm 2018, lãnh đạo Microsoft, Phil Spencer, đã tiết lộ rằng các thiết bị Xbox mới cũng sẽ sử dụng dịch vụ chơi game qua đám mây. Spencer nói rằng mục tiêu của công ty với Project xCloud là đạt được con số 2 tỷ người chơi game trên toàn thế giới, bất kể loại hình phần cứng họ dùng để chơi game là gì.
Sẽ mất kha khá thời gian để các hãng phát hành game và các nền tảng chơi game có thể khuấy động thị trường stream game, nhưng ProjectStream đã cho thấy tương lai của chơi game sẽ không phụ thuộc vào việc bán má console; những tựa game khủng có thể được chơi ngay trên trình duyệt web. Đợt beta test của ProjectStream đang chấp nhận người chơi mới đăng ký tham gia và sẽ diễn ra cho đến tháng 1/2019. Bạn có thể đăng ký tại đây
Theo: VNReview