Dragon Ball và binh đoàn game ăn theo đơn điệu của nó - PC/Console

Dù chỉ còn thiếu 1 game nữa là đạt mốc 100 game ăn theo, điều bất ngờ là thương hiệu Dragon Ball lại thiếu vắng nhiều thể loại game dang hot hiện tại.

Kể từ khi chương đầu tiên của bộ manga Dragon Ball được tác giả Akira Toriyama cho ra mắt vào năm 1984, cái tên Dragon Ball đã dần trở thành một trong những thương hiệu giải trí có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Với 519 chương được tập hợp trong 42 tập (tankoubon) xuất bản từ 1984 đến 1995, Dragon Ball đã xuất hiện trên khắp thế giới dưới dạng manga, chưa tính đến nhiều bộ phim hoạt hình (anime), nhiều bộ truyện ăn theo, hơn 20 phim điện ảnh và những sản phẩm khác.

Dragon Ball và binh đoàn game ăn theo đơn điệu của nó

Với sức lan tỏa mạnh mẽ như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi các studio Nhật không ngừng khai thác thương hiệu Dragon Ball để làm thành game, khởi đầu với tựa game Dragon Ball: Dragon Daihikyo do Bandai phát hành năm 1986. Kể từ đó đến nay, không một năm nào làng game lại không chứng kiến sự ra đời của những tựa game Dragon Ball mới, và tính đến thời điểm hiện tại chúng ta đã có… 99 tựa game Dragon Ball khác nhau – chỉ còn thiếu đúng một game nữa là tròn 100. Những tựa game này đem lại cho các nhà phát hành hàng tỉ USD ngay cả khi chất lượng của chúng không thực sự xứng đáng, điều cho thấy sức hút của thương hiệu Dragon Ball trong lòng game thủ.

Nhiều nhưng đơn điệu…

Dù có số lượng game hoành tráng là vậy, Dragon Ball lại không thực sự đa dạng về thể loại. Đại đa số các tựa game Dragon Ball đều thuộc thể loại đối kháng với một vài biến tấu và chỉnh sửa về lối chơi, chẳng hạn từ 2D sang 2,5D rồi 3D, bổ sung tính năng bay nhảy, thêm các cấp độ Super Saiyan mới,… Thỉnh thoảng có một vài tựa RPG chen chân được vào danh sách này như hai game thuộc series “Goku RPG” ra mắt hồi 1994-1995, các tựa Xenoverse mới hơn vừa ra mắt gần đây, và Dragon Ball Z: Kakarot dự kiến ra mắt trong năm 2020 cho PC, Xbox One, PS4. Ngoài ra còn có MMORPG Dragon Ball Online ra mắt năm 2010 và “chết” vào năm 2013 sau một thời gian vận hành tại Hàn Quốc, Đài Loan và Hong Kong. Trò chơi chưa từng có phiên bản tiếng Anh.

Đôi khi một vài tựa game không-phải-đối-kháng xuất hiện nhưng nhanh chóng bị nhấn chìm giữa một rừng game đối kháng Dragon Ball, một phần bởi đa số chúng là những game “mì ăn liền” bám theo các xu thế hot không đòi hỏi nhiều công sức, chẳng hạn một số là card game (DBZ: Collectible Card Game, Super Dragon Ball Heroes World Mission…). Những thể loại đòi hỏi sự đầu tư về gameplay như chiến thuật gần như không tồn tại trong series này: như Mọt được biết, tựa game chiến thuật duy nhất mang tên Dragon Ball là Dragon Ball Z: Legendary Super Warriors đã ra mắt từ tận năm 2002 và nó cũng chỉ là một tựa game turn-based chứ không phải là real-time.

Theo Mọt, đây là một điều khá đáng tiếc bởi dù “nguyên liệu” mà tác giả Arika Toriyama tạo ra thuần túy là về những pha đấm đá, tung chưởng của các nhân vật, các nhà làm game hoàn toàn có thể dùng trí tưởng tượng của mình để làm nhiều hơn thế. Thay vì tự trói tay mình bằng những nội dung được mô tả trong manga và chăm chăm vào việc khai thác các fan vừa thích Dragon Ball vừa thích đối kháng, tại sao lại không nhắm tới những thị trường mới chưa được khai thác, lớn hơn và không thiếu fan Dragon Ball?

Dragon Ball và binh đoàn game ăn theo đơn điệu của nó

Sao không có game hẹn hò Goku x Chichi?

Họ có thể cho bạn vào vai tướng lĩnh dưới trướng Frieza mang quân đi xâm lược các hành tinh trong một tựa game chiến thuật truyền thống, và một tên lính quèn trong đội quân đó có thể trở thành nhân vật chính của game bắn súng (dĩ nhiên bạn dùng các loại súng ống ngoài hành tinh để bắn những tên lính quèn khác). Nếu thích phá cách hoặc ăn theo, bạn có thể làm They Are Billions nhưng thay thế con người bằng dân Namek và zombie bằng lính Frieza. Ngay cả những nội dung thời Goku còn là một cậu nhóc trên trái đất cũng có thể được làm thành hàng loạt game, từ galgame (hẹn hò với Chichi) đến open world (săn tìm ngọc rồng) và hơn thế nữa.

Sự đơn điệu trong thể loại này có lẽ là lý do mà các fan của Dragon Ball nhưng không chơi thể loại đối kháng đã tỏ ra rất hào hứng khi được biết rằng Dragon Ball Z: Kakarot sẽ là một tựa game nhập vai.

Dragon Ball và binh đoàn game ăn theo đơn điệu của nó

LOTR: Battle for Middle-earth 2.

Thật ra, đây có vẻ là nhược điểm chung của những dòng game ăn theo các series truyện tranh shounen Nhật Bản. One Piece có hơn 50 game (vì còn “trẻ tuổi” hơn nhiều so với Dragon Ball) nhưng đại đa số chúng cũng là game đối kháng, một số là game mobile. Bạn có thể thấy sự hạn chế của các dòng game này khi so sánh với Lord of the Rings: game ăn theo bộ tiểu thuyết của Tolkkien dù có số lượng ít hơn nhưng lại đa dạng về thể loại và rất nhiều game trong số đó thuộc loại bom tấn. Chiến thuật có Battle for Middle-earth, War of the Ring; hành động chặt chém có Return of the King, War in the North; open world có Shadow of War và Shadow of Mordor; đối kháng có… ừ… không có game đối kháng Lord of the Rings nào cả!

Escape from Tarkov – một hiện tượng nhất thời hay 2 năm phát triển vô vọng?
Mặc dù thống trị về lượt người xem trên Twitch, nhưng liệu Escape from Tarkov có giữ vững được phong độ hay chỉ là hiện tượng nhất thời?

Những tựa game nổi bật

Bù lại cho nhược điểm về sự thiếu đa dạng của game Dragon Ball, chúng ta có nhiều tựa game hấp dẫn. Legacy of Goku 2 cho Gameboy Advance là một tựa game RPG 2D có phần tương tự Pokemon với gameplay rất đơn giản, chỉ bao gồm vài chiêu thức cận chiến, khí công và tuyệt chiêu, nhưng lại có phần chơi cốt truyện khá thú vị cho phép bạn điều khiển một trong 6 nhân vật khác nhau và nâng cấp các chiêu thức của họ. Nội dung của game bao quát toàn bộ arc Android và Cell trong bộ truyện Dragon Ball và không dành quá nhiều thời gian vào trận chiến cuối cùng giữa các nhân vật chính với Cell, đem lại cho game thủ một góc nhìn mới thú vị về câu chuyện này. Tuy nhiên game đã quá cũ và giờ đây cách để bạn có thể chơi nó là dùng giả lập (emulator).

Dragon Ball và binh đoàn game ăn theo đơn điệu của nó

Dragon Ball Z: Legacy of Goku 2.

Dragon Ball Z Supersonic Warrior cũng cần được nhắc đến. Trò chơi đem lại cho game thủ nhiều câu chuyện riêng (hoàn toàn không nằm trong manga) nhưng vẫn nhắc đến các nhân vật quen thuộc như Frieza, các Android và Buu. Để làm được điều này, game thay đổi một chút nội dung câu chuyện cho phù hợp, chẳng hạn trong phần cốt truyện của Krillin, anh chàng trái đất này mới là người dùng Spirit Bomb để tiêu diệt Cell.

Xenoverse 1 và 2 là những tựa game xuất sắc và mới hơn dành cho những game thủ thích thưởng thức đồ họa. Chúng đem lại cho game thủ rất nhiều nhiệm vụ thú vị chứ không chỉ là đánh boss A, boss B, boss C rồi… hết, chẳng hạn bạn có thể bảo vệ hành tinh Namek, cho Buu ăn kẹo,… Ngoài ra, Xenoverse 2 có những nhiệm vụ cho phép game thủ co-op cùng tối đa 5 đồng đội nữa để tiêu diệt những đối thủ siêu khó. Nếu có thể tìm được một nhóm bạn để chơi cùng, các nhiệm vụ này đem lại rất nhiều niềm vui.

Dragon Ball và binh đoàn game ăn theo đơn điệu của nó

Xenoverse 2.

Bạn có nhớ Mọt từng vài lần nhắc tới chuyện tìm ngọc rồng trong phần đầu bài viết? Nếu bạn cũng thích tham gia vào hoạt động giải trí này, Budokai 3 sẽ thỏa mãn điều đó. Nội dung game kể về những gì đã xảy ra trong Dragon Ball Z, và câu chuyện mà bạn trải nghiệm sẽ thay đổi tùy vào việc bạn chọn ai trong số 11 nhân vật chính của game. Một ví dụ đơn giản: bạn sẽ không bao giờ thấy “Thên Xin Ăn” (Tien Shinhan)  xuất hiện trên hành tinh Namek trong game bởi anh chàng không lên Namek trong anime. Với rất nhiều fan, Budokai 3 là tựa game Dragon Ball hoàn hảo cho họ.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e