Làm lại game cũ (remaster, remake) là một trong những xu thế nổi trội nhất của làng game trong nhiều năm gần đây. Các nhà phát triển – phát hành lớn liên tục công bố những dự án game mới, kéo dài từ đông sang tây, từ chiến thuật đến nhập vai, từ jrpg đến bắn súng. Đó là còn chưa kể đến “hiện tượng hoài cổ” khi nhiều nhà phát triển bắt tay vào việc làm ra những tựa game mang tiếng là kẻ kế vị tinh thần của những sản phẩm hot ngày xưa, như Bloodstained (Castlevania), Mighty No.9 (Rockman), Road Redemption (Road Rash), The Evil Within (Resident Evil)…
Với sự bùng phát của xu thế làm lại game, nhiều người cho rằng đây là một bước lùi của ngành công nghiệp game, khi nhà phát triển không còn khả năng sáng tạo mà phải sử dụng hào quang quá khứ để kiếm tiền. Trong khi đó, số khác bênh vực rằng việc làm lại game cũ chẳng có gì sai, bởi nó đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, từ game thủ đến nhà phát triển. Ai đúng ai sai? Hãy cùng Mọt tui nhảy vào cuộc tranh cãi này nhé.
Tại sao được ủng hộ?
Đầu tiên, phải nói rằng việc làm lại game không xấu. Ngành công nghiệp game đã có hàng chục năm lịch sử, và nếu không tính những tựa game đầu tiên quá sơ khai hay những thể loại không còn được yêu thích vì đã lỗi thời, có rất nhiều tựa game kinh điển đáng chơi nhưng chìm vào quên lãng vì nhiều yếu tố. Có thể lối chơi của chúng không còn phù hợp với những tiến bộ của ngành game, bị bỏ qua vì phần hình ảnh không đủ sức hấp dẫn, hoặc đơn thuần là không tương thích với các cỗ PC hiện đại. Dù vậy, về bản chất thì đây vẫn là những tựa game rất hấp dẫn, và khi được nâng cấp lên cho phù hợp với thời đại mới, chúng hoàn toàn có thể chinh phục cả những người đã từng chinh chiến qua phiên bản đầu lẫn những người chỉ mới được nghe về danh tiếng của trò chơi.
Đó là còn chưa kể đến những lợi thế của việc làm lại game. Bởi đã có một bộ khung thành công, nhà phát triển không cần phải bỏ quá nhiều thời gian vào việc thiết kế một tựa game mới từ con số không, mà chỉ cần nâng cấp những gì cần thiết. Resident Evil 2 giữ lại cốt truyện, các khu vực trong game nhưng dùng hình ảnh 3D hiện đại; Black Mesa giữ nguyên cốt truyện nhưng thay đổi thiết kế màn chơi và hình ảnh, Đế Chế 2 giữ nguyên mọi thứ trừ đồ họa và cải tiến chút ít gameplay, Final Fantasy 7 giữ nguyên các nhân vật và cốt truyện nhưng “bơm” cho thời lượng game dài ra gấp nhiều lần…
Việc giữ lại nhiều yếu tố cũ như thế này giúp cắt giảm chi phí làm game một cách đáng kể, trong khi giữ nguyên “cái hồn” của trò chơi nếu nhà phát triển mát tay. Khi những trò chơi như thế này được phát hành, chúng gần như chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ từ các fan gạo cội, đem về lợi nhuận khủng cho nhà làm game. Các fan đã có tuổi đặc biệt yêu thích sự xuất hiện của những tựa game này, bởi chúng đem lại cho họ cơ hội sống lại ký ức tuổi thơ, trong khi các game thủ mới được dịp thỏa trí tò mò “game này có gì hot mà mấy đại ca tóc bạc của mình cứ nhớ mãi?” Chưa hết, nếu bản game làm lại đủ thành công, có thể nhà phát triển sẽ “bật đèn xanh” cho việc làm ra những tựa game mới cùng mang thương hiệu đó.
Bởi là một tình huống win-win-win như vậy, xu thế làm lại game xuất hiện như “một phần tất yếu của cuộc sống.” Nhà phát triển được tiền, fan gạo cội được gặp lại các nhân vật mình yêu thích và game thủ trẻ được một tựa game đáng chơi. Làm sao lại có người phản đối?
Và tại sao bị chê bai?
Nhưng những người nói rằng việc các nhà phát triển – phát hành chuyển sang làm lại game là một bước lùi, và điều này cũng không sai. Lý do của việc người ta đổ xô đi làm lại game chưa hẳn là vì họ “bí ý tưởng” đến mức phải quay về tìm lại hào quang quá khứ, mà là vì trong thời buổi này, làm game quá mức rủi ro. Các công ty game lớn luôn chịu áp lực làm hài lòng các nhà đầu tư của mình hàng quý hoặc hàng năm, và nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ có thể không làm được điều đó, cổ phiếu của họ sẽ tuột dốc khiến hầu bao của các ông chủ và cổ đông xẹp xuống trong khi tình hình tài chính của công ty cũng bị ảnh hưởng. Những khoản chi phí hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD đổ vào việc nghiên cứu, phát triển game mới hoàn toàn có thể đổ xuống sông xuống biển nếu tựa game không đủ hấp dẫn, không đáp ứng được trông đợi của người chơi. Anthem, Ghost Recon: Breakpoint là những ví dụ rõ ràng cho trường hợp này.
Thật ra ngay cả những tựa game hấp dẫn cũng chưa chắc sẽ thành công nếu đã có một kẻ nào đó nhanh chân chiếm trước thị trường. Không ai biết rõ về sự cay đắng này hơn Respawn Entertainment. Tựa game Apex Legends của họ đã có một dịp ra mắt không thể tuyệt vời hơn vào đầu năm 2019, nhưng bởi chính sách của studio và nhiều lý do khách quan khác, nó đã không thể giữ vững những “miếng đất” mình đã giành được trước đối thủ lớn Fortnite. Titanfall 2 cũng tương tự: ngày phát hành của trò chơi bị nhét vào giữa hai gã khổng lồ Call of Duty và Battlefield nên game thủ chỉ chăm chăm dành tiền mua 2 tựa game này, khiến doanh số của Titanfall không được thành công như mong đợi.
Vì những lý do trên, các nhà làm game lớn bỗng trở nên e ngại đổi mới. Giữa chi một cục tiền bự cho một dự án chưa biết sẽ ra sao với chi một cục tiền nhỏ hơn cho một dự án đã được chứng minh là sẽ thành công, chẳng ai dại dột chọn cái trước. Ngành công nghiệp game không thiếu ý tưởng – bạn vẫn thấy những ý tưởng mới xuất hiện liên tục trên mặt trận indie và nhận được những lời khen ngợi nhiệt tình từ game thủ. Không phải các nhà làm game lớn không nghĩ ra được những ý tưởng tương tự, mà chỉ là vì họ không dám (hoặc không được phép) biến nó thành hiện thực mà thôi.
Nhưng game thủ không cần biết điều đó. Họ muốn được chơi những tựa game mình thích với cốt truyện xuất sắc và lối chơi sáng tạo, chứ không nhất thiết phải có đồ họa đẹp, âm thanh đỉnh cao, có sự xuất hiện của các diễn viên nổi tiếng, và càng thiếu thiện cảm với microtransaction. Với những game thủ thuộc nhóm này, việc các nhà phát triển đủ tiền bạc và kinh nghiệm để làm những tựa game thỏa mãn các yêu cầu trên cứ “nhai đi nhai lại” các thương hiệu cũ và không chịu đổi mới về gameplay là một điều xứng đáng để chỉ trích. Điều này là một trong những nhân tố mở đường cho sự phát triển của game indie với gameplay mới mẻ, và chỉ khi một tựa game indie thành công, ý tưởng mà nó đề ra mới có cơ hội được “hô biến” thành game AAA đắt giá.
Lời kết
Như vậy, có thể nói rằng sự tồn tại của những tựa game được làm lại là một xu thế không thể thay đổi, và sẽ xuất hiện đều đặn khi nào game thủ chúng ta còn thích hoài cổ – các nhà phát triển tạo ra chúng một phần để thỏa mãn nhu cầu của game thủ, một phần để né tránh rủi ro và đảm bảo mình có thể tồn tại lâu dài. Nếu bạn cần những tựa game có lối chơi mới mẻ hay đơn thuần là những cái tên mới, indie mới là “cứu cánh” mà bạn cần tìm đến trong thời buổi ngày nay.