Bạn có biết tựa game nào đánh dấu lần đầu tiên sử dụng cắt cảnh chuyển động không? Hay bạn có biết đâu là trò chơi đầu tiên thay đổi thói quen người dùng từ di chuyển bằng phím mũi tên sang phím WASD? Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của ngành game, nếu như không có những trò chơi đóng vai trò khởi đầu, tiên phong thì có lẽ toàn bộ video game mà chúng ta biết sẽ rẽ theo một hướng phát triển khác hoàn toàn hiện tại.
Pac-Man (1980) – Trò chơi đầu tiên sử dụng cắt cảnh chuyển động
Tất cả chúng ta đều biết tới Pac-Man, một trong những huyền thoại video game lâu đời nhất. Có lẽ khi được hỏi về Pac-Man, ai cũng sẽ có một câu trả lời tương tự nhau rằng: “Pac-Man đã đem lại một cuộc cách mạng lớn cho ngành game”. Thế nhưng rất ít người biết chính xác trò chơi này đã cách mạng điều gì. Pac-Man là tựa game đầu tiên có các animated cutscene, tức là các đoạn phim cắt cảnh chuyển động. Nhiều người vốn cho rằng Donkey Kong của ông Shigeru Miyamoto vào năm 1981 mới là game có cắt cảnh chuyển động đầu tiên, nhưng thực tế nó đã có trên Pac-Man từ năm 1980 rồi.
Trong Pac-Man, các đoạn cắt cảnh này vốn được sử dụng để ghép các màn chơi lại với nhau, mang lại sự hài hước để thu hút người chơi ở lại máy arcade lâu hơn, cũng như tạo ra một khoảng nghỉ tay cho game thủ giữa giờ. Nhiều người khi đó rất thích các đoạn cắt cảnh của Pac-Man bởi nó đem lại tiếng cười sảng khoái. Và ngay lập tức, các hãng game về sau đã “bắt trend” ngay lập tức. Pac-Man đã mở đường cho một tính năng được hàng chục triệu con người trên thế giới này yêu thích.
Cho tới ngày nay, các đoạn cutscene trở thành tinh hoa cho toàn bộ cốt truyện của một trò chơi. Nó không chỉ đóng vai trò cầu nối mạch truyện, cho người chơi khoảng thời gian thư giãn tay, mà nó còn là thứ giúp phát triển các tuyến nhân vật, đẩy mạnh cảm xúc của game thủ trong trò chơi hay thậm chí trở thành một trong những nghệ thuật của ngành game. Nhưng đáng buồn là có nhiều hãng game lại quá tận dụng cutscene, biến nó trở thành một trong những lối thiết kế gameplay gây tranh cãi.
Jurassic Park: Trespasser (1998) – Trò chơi đầu tiên áp dụng “ragdoll physics”
Dựa trên bộ phim về khủng long cùng tên năm 1993 và phần tiếp theo năm 1997, Jurassic Park: Trespasser đã được ra mắt trên Windows vào năm 1998 để bắt kịp thành công của series phim. Đây là trò chơi đầu tiên sử dụng “ragdoll physics”, một trong những công nghệ hoàn toàn mới vào thời điểm bấy giờ.
Ragdoll physics là công nghệ cải thiện lại tính thực tế trong chuyển động nhỏ của nhân vật trong game. Nói nôm na là trước khi ragdoll physics ra đời, những cái chết của nhân vật game thường được thiết kế rất dập khuôn và cứng nhắc, nhưng ragdoll physics ra đời đã cải thiện lại tình trạng này. Khi các nhân vật chết, tay chân hay các bộ phận trên cơ thể họ sẽ có khớp nối, khiến cho những cái chết trông giống thật hơn, tạo cho người chơi cảm giác nhân vật trong game giống người hơn.
Jurassic Park: Trespasser là trò chơi tiên phong trong việc thay thế các animated physics cũ bằng cơ chế vật lý mới. Ngày nay, bạn có thể thấy ragdoll physics hoạt động và phát triển mạnh mẽ hơn, như trong các game Call of Duty, FlatOut hay Red Dead Redemption. Các cái chết của nhân vật được làm chân thực và đa dạng, giúp trải nghiệm nhập vai của người chơi được tốt hơn.
Elite (1984) – Trò chơi đầu tiên khai thác tối đa công nghệ tự tạo màn bằng thuật toán
Procedural generation là cụm từ đề cập tới quá trình tạo nội dung game thông qua thuật toán, thay vì chế tạo mọi thứ một cách thủ công. Những trò chơi khi áp dụng Procedural generation thường sẽ mang lại những trải nghiệm khác nhau sau mỗi lần chơi. Ví dụ dễ thấy nhất là Left 4 Dead. Trò chơi này tuy số lượng bản đồ chỉ như vậy nhưng chỉ cần game thủ thoát ra vào lại là toàn bộ vị trí của item, zombie sẽ ngay lập tức thay đổi. Và trò chơi đầu tiên sử dụng Procedural generation trong lịch sử chính là Elite, phát hành năm 1984.
Elite là tựa game mô phỏng thế giới mở và chiến đấu lấy bối cảnh ngoài vũ trụ. Mặc dù về mặt kỹ thuật, Elite không phải phiên bản Procedural generation đầu tiên, công nghệ này đã được giới thiệu vài năm trước đó trong tựa game Beneath Apple Manor; nhưng đó lại là trò chơi đầu tiên khai thác được tối đa tiềm năng, tạo ra một vũ trụ rộng lớn và liên tục có những vùng đất mới cho game thủ khám phá.
Ghosts ‘n Goblins (1985) – Trò chơi đầu tiên có New Game Plus
Ngày nay, một trong những chế độ game được những người yêu thể loại “khổ dâm” ưa thích, đó là NG+ (New Game Plus). Chế độ này cho phép game thủ liên tục thử thách giới hạn kỹ năng của bản thân và cực kỳ được ưa chuộng trong Dark Souls series. Tuy nhiên, có vẻ như cộng đồng game thủ đã có chút nhầm lẫn khi cho rằng trò chơi đầu tiên có NG+ là Chrono Trigger, một game nhập vai năm 1995. Nhưng thực tế, sự tuyệt vời của NG+ đã có mặt trên Ghosts ‘n Goblin, một trò chơi ra mắt từ 10 năm trước đó, năm 1985.
Đây là một trong những trò chơi đầu tiên sử dụng tính năng gần như New Game Plus. Sau khi hoàn thành Ghosts ‘n Goblin lần đầu tiên, hoá ra tất cả kết thúc trong game chỉ là ảo ảnh và người chơi buộc phải bắt đầu lại từ đầu. Và lần thứ hai, trò chơi có độ khó tới mức kinh hồn để kiểm tra kỹ năng cũng như sức chịu đựng của game thủ. Về cơ bản, Ghosts ‘n Goblin yêu cầu người chơi phải hoàn thành 2 lần mới kết thúc được game, điều mà người hâm mộ coi như bước đầu tiên của New Game Plus – chế độ game “bán hành” nhất lịch sử.
Quake II (1997) – Trò chơi đầu tiên đưa WASD làm nút di chuyển chính thức
Với game thủ, các phím di chuyển không phải là các phím mũi tên trái phải lên xuống, mà đó là WASD. Và trò chơi đầu tiên sử dụng WASD để di chuyển chính là Quake II, phát hành năm 1997. Mặc dù trước đó cũng có game cho phép sử dụng WASD thay vì mũi tên, nhưng nó chỉ năm ở phần cài đặt và rất ít người để ý. Phải tới khi Quake II ra mắt, id Software mới đưa tính năng này trở thành tính năng di chuyển chính thức. Nó đã mở ra một phong cách chơi game không bao giờ có thể thay đổi được cho những người sử dụng bàn phím.
Trên thực tế WASD khi đã làm quen sẽ dễ chơi game hơn nhiều so với mũi tên bởi sức rướn của ngón tay có thể với được tới tất cả các phím chức năng khác nhưng chạy nhanh, ngồi, thay đạn, ném bom, đổi súng. Với phím mũi tên, đó là cách di chuyển cơ bản mà tôi dùng khi thuở đầu tiên chơi Counter Strike trong quán net, mặc dù di chuyển rất khó nhầm lẫn, nhưng trong nhiều trường hợp combat cần kết hợp nhiều kỹ năng, phím mũi tên không thể làm tốt được như WASD. Quake II đã mở ra một chuẩn mực mới cho điều khiển nhân vật game, và tôi tin nó sẽ không bao giờ bị thay đổi.
- Game mobile có phải“thiên đường” để hồi sinh các tựa game 8 bit ngày xưa?
- Top 10 trò chơi đóng vai trò cách mạng trong lịch sử ngành game – Phần cuối