Dynasty Warriors và gương mặt tiềm năng cho dòng game Musou – P.1 - PC/Console

Trong những tựa game chặt chém mà chúng ta từng biết đến, hiển nhiên cái tên Dynasty Warriors luôn để lại ấn tượng sâu đậm nhất.

Thương hiệu Dynasty Warriors và những bản spin-off chưa hoàn hảo

Sở hữu cốt truyện không quá nổi bật thế nhưng Dynasty (Musou) Warriors vẫn sở hữu một lượng fan hâm mộ đáng kinh ngạc bởi nếu xét thuần túy về mặt giải trí còn gì chất chơi hơn cảnh tượng một nhát kiếm của nhân vật chính được vung lên sau đó hàng chục kẻ thù sẽ đổ rạp xuống đất như những thân chuối bị đốn ngang gốc. Trong khi các bản gốc của dòng game Musou vốn chỉ xoay quanh đề tài về lịch sử như Tam Quốc Diễn Nghĩa tại Trung Hoa hay Sengoku tại Nhật Bản thì những spin-off của nó lại tỏ ra đa dạng và thú vị hơn rất nhiều.

Khởi đầu cho ý tưởng Musou ngoại truyện này chính là màn hợp thể cross-over của hai tựa game nổi tiếng Dynasty WarriorsSamurai Warriors. Khi đó những kẻ sinh sống ở hai thời kỳ lịch sử khác nhau gồm các chiến binh thời Tam Quốc lẫn Sengoku sẽ cùng lưu lạc vào một thời không vô định và phải tiêu diệt quỷ vương Orichi (Bát Xà) để trở về thế giới nguyên bản. Nghe có vẻ kỳ dị nhưng bất ngờ trò chơi thập cẩm mang tên Warriors Orochi này lại thành công vượt mức mong đợi và trong vài phần tiếp theo không chỉ có Tam Quốc, Sengoku thậm chí những nhân vật hư cấu khác từ thần thoại Hy Lạp, truyền thuyết phương Đông lẫn cặp bài trùng Taira và Yoshitsune thời Genpei cũng được được vào để làm phong phú thêm danh sách nhân vật.

Dynasty Warriors và gương mặt tiềm năng cho dòng game Musou – P.1

Chưa hài lòng với sự thành công mà Warriors Orochi mang lại cũng như cảm thấy mở rộng thời không của dòng Dynasty Warriors là một ý tưởng rất khả dĩ. Sau một phép thử khá “chắc tay” với dòng Dynasty Warriors: Gundam (2007), đội ngũ sản xuất tại Koei Tecmo bắt đầu thương lượng hợp tác bản quyền với các tên tuổi lớn khác trong ngành game. Mở đầu chính là dòng One Piece: Pirate Warriors (2012) nhưng cú chơi lớn nhất của họ lại là thương hiệu The Legend of Zelda với tựa game chặt chém Hyrule Warriors (2014), game không đạt doanh số lớn như cả hai phía mong đợi nhưng vẫn gọi là có lãi khi một năm sau đó đến phiên Dragon Quest Heroes ra đời. Nhưng đây là một sự thất bại khi các game thủ kỳ cựu của Dấu Ấn Rồng Thiêng có vẻ thích đánh nhau kiểu nhập vai theo lượt hơn chặt chém loạn xạ như Dynasty Warriors. Vẫn không nản lòng, đến năm 2017, Koei Tecmo lại cho ra lò Fire Emblem Warriors và mới đây nhất chính là thông tin về Persona 5 Scramble: The Phantom Strikers, một sự kết hợp hoàn hảo giữa P5 và Dynasty Warriors.

Tất nhiên không phải fan hâm mộ nào cũng hào hứng khi tựa game trong trí nhớ của mình bị thay đổi hoàn toàn cốt truyện lẫn lối chơi chỉ vì NSX muốn bào thêm chút tiền từ các phiên bản ngoại truyện. Điển hình như người hâm mộ của The Legend of Zelda đánh giá cao sự “sáng tạo” của Koei Tecmo nhưng họ vẫn bảo lưu quan điểm rằng Link là một kẻ phiêu lưu chứ không phải một chiến binh dạng hoành tảo thiên quân như Lã Bố. Hình ảnh trong Hyrule Warriors rất ấn tượng và các bản nhạc heavy metal làm nền cũng rất bắt tai nhưng chung quy người ta vẫn thích cái kiểu phiêu lưu khám phá đầy tự sự và sâu lắng như Breath of the Wild hơn là chặt chém dồn dập méo cần biết cốt truyện ra làm sao theo style Musou Warriors. Thương hiệu Zelda có vẻ không quá phù hợp để chuyển thể thành một game hack n slash, vậy những yếu tố nào để một game có thể hoàn mỹ gia nhập thế giới Dynasty Warriors?

Yếu tố nào quyết định trò chơi có thể gia nhập thế giới Musou?

Thoạt nhìn có vẻ những cú flop của các thương hiệu game nổi tiếng khi gia nhập thế giới Dynasty Warriors nói riêng hay dòng game Musou nói chung là ngẫu nhiên nhưng thực tế chúng đều có quy luật rõ ràng. Nhìn chung một thương hiệu trông có vẻ phù hợp nhưng nếu không đạt được những yếu tố dưới đây thì có cưỡng ép dung hợp cách mấy kết quả thu được cũng vẫn là bốn chữ “ôm nhau cùng chết”!

Đầu tiên nó phải là một game đề cao khả năng cận chiến, sẽ như thế nào nếu một nhân vật trong Dynasty Warriors lại đứng phía ngoài cầm cung tên để bắn tỉa kẻ địch? Nghe thật hoang đường bởi kể từ ngày chính thức nổi tiếng – không kể đến phiên bản đầu tiên đi theo hướng đối kháng, nhắc đến Dynasty Warriors người ta luôn hình dung đến cảnh nhất tướng trảm thiên quân. Thậm chí các nhân vật được sử dụng vũ khi dài như trường đao, trường thương trong game cũng có xu hướng sử dụng những đòn Charge Attack hay Musou Attack tầm gần để thổi tung kẻ địch.

Kiếm Vương Truyền Kỳ: Nữ giới than khóc vì Nga My có vẻ quái lạ
Bất kỳ nơi nào, Nga My luôn là phái được ưu ái với hàng loạt tính năng thiên về trị liệu, là linh hồn cho cả tổ đội… Nhưng ở Kiếm Vương Truyền Kỳ lại khác.

Yếu tố quan trọng thứ hai để một thương hiệu có thể thuận lợi gia nhập băng nhóm Dynasty Warriors chính là phải sở hữu hệ thống phân cấp kẻ thù. Điểm thú vị của một game DW là gì? Là vung vũ khí và hàng chục, thậm chí là hàng trăm kẻ thù phải gục ngã, nó khiến cho lượng adrenaline trong máu tăng cao giúp chúng ta cảm thấy vô cùng hưng phấn. Bên cạnh đó những binh chủng khác nhau được phân cấp cũng khiến người ta cảm thấy đạt được thành tựu nào đó trong quá trình chơi. Ví dụ ban đầu khi chưa luyện cấp đủ bạn chỉ có thể dễ dàng tiêu diệt lũ lính nhép nhưng đám Captain và Commander sẽ dai máu và gây khó khăn rất nhiều nhưng về sau khi đã max mọi chỉ số của các tướng thì trừ khi chỉnh Chaos Mode còn bằng không thì đứa nào cũng như đứa đấy, đều sẽ hạ gục nhanh tiêu diệt gọn hết.

336x280

Yếu tố thứ ba chính là những con trùm khó xơi, không phải khó xơi kiểu tuyệt vọng như Dark Souls hay Bloodborne mà chỉ cần có chút đặc sắc, có chút dai máu nhưng AI hơi ngu một chút, nói chung là vừa đủ để người chơi trổ tài combo là được. Bên cạnh ba yếu tố trên, cốt truyện mang đậm chất sử thi là điều kiện bắt buộc nếu một thương hiệu nào đó muốn gia nhập thế giới chặt chém của Dynasty Warriors. Đối với yêu cầu này cả Hyrule Warriors lẫn Fire Emblem Warriors đều đáp ứng rất tốt khi kẻ trước xây dựng chế độ chơi mang tên History Mode, trong khi người sau cũng có thứ tương tự với danh xưng Adventure Mode, những thứ giúp tôn vinh các di sản của thương hiệu gốc đồng hỗ trợ những fan Musou chân chánh có thêm sự hiểu biết về giá trị cốt lõi của những tựa game xa lạ kia.

Dynasty Warriors và gương mặt tiềm năng cho dòng game Musou – P.1

Cuối cùng thứ mà bất cứ game Musou hay một thương hiệu muốn thực hiện một bản spin-off dạng Musou nào cũng cần có chính là số lượng lớn nhân vật được yêu thích để game thủ có thể sử dụng ngay hoặc mở khóa trong quá trình trải nghiệm trò chơi. Điểm mạnh của Dynasty Warriors và các tựa game Musou khác chính là gì? Là cảm giác sảng khoái, đã tay và cực kỳ giải trí khi chặt chém kẻ địch. Còn điểm yếu? là cốt truyện kém linh hoạt cùng sự nhàm chán trong lối chơi. Chặt chém một ngàn tên lính, một ngàn con boss mới đầu rất vui vẻ nhưng thử nghĩ phải làm lại việc đó 1000 lần xem, bạn sẽ thấy ngán đến tận cổ ngay ấy mà. Lúc đó thứ giữ chân người chơi tiếp tục chính là những nhân vật yêu thích nhưng chưa được mở khóa. Một ví dụ không thể cụ thể hơn chính là Fire Emblem Warriors khi tính luôn cả DLC thì trò chơi này có đến 30 nhân vật ẩn cần người chơi mở khóa sau khi cày hết những nhân vật có sẵn và thế là hành trình cày trong cực nhọc bắt đầu.

Ở phần kế tiếp chúng ta sẽ điểm qua danh sách các thương hiệu vô cùng phù hợp để tham gia đại gia đình Dynaty Warriors nhé!

(Còn tiếp)

Bấm liền tay – Nhận ngay quà tặng từ văn phòng phẩm Hồng Hà cho mùa tựu trường: http://bit.ly/2KivZKo

Đây là bài viết nằm trong loạt bài về Những gương mặt tiềm năng cho dòng game Musou
  1. Dynasty Warriors và gương mặt tiềm năng cho dòng game Musou – P.1