Game sắp ra mắt có nguy cơ thành “bom xịt” – P.2 - PC/Console

Sau đoạn trailer cùng lời mời gọi pre-order game, rốt cục người ta vẫn chưa thể mường tượng chính xác Death Stranding sẽ theo phong cách gì.

Death Stranding

Cuối cùng có ai đó làm ơn có thể nói cho tui biết đây là một game như thế nào không vậy? Kojima chắc chắn không hé miệng cho đến ngày trò chơi ra mắt, Mads Mikkelsen cởi mở hơn nhưng ông nội này sau khi được Kojima giải thích cặn kẽ vẫn chỉ hiểu khá mù mờ về trò chơi mình cho mượn mặt. Norman Reedus thì khỏi phải nói, ngay từ đầu đã xác định thuộc phái Kojima và muốn biết hay dở thế nào cứ mua game về chơi ắt biết.

Game sắp ra mắt, ai sẽ là cái tên gây thất vọng cho fan hâm mộ – P.2

Ngay từ khi công bố, trò chơi luôn là một chủ đề thú vị để thiên hạ đồn đoán theo mọi lý lẽ mà họ có thể nghĩ ra. Norman Reedus chiến đấu với bọn quỷ? Đám trẻ con anh ta bảo vệ là ai? Die-Hardman đóng vai trò gì trong toàn bộ cốt truyện? Đó là những câu hỏi thường trực và chẳng bao giờ có lời giải mỗi khi có một ai đó hứng chí lập chủ đề thảo luận về Death Stranding, thậm chí khi trailer gây sốt dài tận 9 phút được tung ra, người vẫn khá mơ hồ khi chẳng biết rốt cục Kojima muốn kể câu chuyện gì với trò chơi này.

Game sắp ra mắt có nguy cơ thành "bom xịt" – P.1
Dự đoán chưa bao giờ là công việc dễ dàng, nhất là trong những ngày mà xã hội đang bị quay cuồng bởi loạt thông tin sai lệch từ giới truyền thông.

Vậy chính xác vấn đề của Death Stranding là gì? Đây là sản phẩm “khởi nghiệp” đầu tiên của Kojima sau khi chia tay Konami thế nên Death Stranding nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng game thủ kể từ khi chính thức được giới thiệu vào năm 2016 nhưng đến nay chẳng ai có thể định danh chính xác nó thuộc thể loại gì hay ít nhất cũng là một bối cảnh sơ bộ về cốt truyện của game, đó chính là vấn đề. Liệu sau cú sốc P.T. khiến mọi người tiếc nuối cùng ông chủ cũ liệu nhà sản xuất tài ba cùng bộ sậu tại Kojima Production có bí quá hóa liều mà cho ra lò thứ gì đó hơi quái đản không? Câu trả lời chỉ có thể được giải đáp vào ngày game ra mắt và hy vọng nội dung của nó dễ tiếp cận hơn so với những gì đã trình diễn trong suốt giai đoạn marketing.

Wolfenstein: Youngblood

Phiên bản mới nhất của dòng game bắn súng lâu đời có thể là một phi vụ truyền cảm hứng khá hấp dẫn khi dịch chuyển trọng tâm từ các tay chiến binh cục súc sang các nhân vật nữ dù quyến rũ nhưng vẫn không kém phần chết chóc, biết đâu nó cũng sẽ mở ra một đường hướng mới trong phong cách kể chuyện của thương hiệu game này. Thật không ngờ trong đoạn trailer đầu tiên thứ mà người ta có thể cảm nhân chỉ là sự lạ lẫm, ít nhất là trong cơ chế chiến đấu. Những thứ khiến người ta từng yêu mến và say mê Wolfenstein không còn được nhìn thấy trong khi Youngblood lại tỏ ra quá thiếu hấp dẫn.

Game sắp ra mắt có nguy cơ thành “bom xịt” – P.2

Với tận hai nữ nhân vật chính, cặp chị em sinh đôi này là con gái của BJ Blazkowitz, người hùng từng nhẵn mặt qua các phiên bản trước. Có thể thấy Youngblood tập trung khá nhiều thời gian vào mục chơi co-op bởi nếu không có phần chơi này họ chẳng việc gì phải tạo ra đến hai nhân vật chính cho mất công. Tuy nhiên với việc đã quen với chuyện xách súng đi giải cứu thế giới một mình, có bao nhiêu game thủ kỳ cựu sẽ cảm thấy hứng thú với kiểu chơi mới?

Bên cạnh đó những người từng có dịp trải nghiệm bản beta giới hạn của Wolfenstein: Youngblood cũng nhận xét rằng game tăng thêm một phần casual trong khi bớt đi sự tuyến tính trong cốt truyện. Đây là một nhận xét khiến người ta cảm thấy lo lắng bởi khi cả thế giới đang bắt đầu cảm thấy bội thực với thế giới mở thì trò chơi lại lựa chọn lúc này để nhảy vào. Và nói theo một cách khác thì những ai chưa biết gì về Wolfenstein liệu có cảm thấy nó quá phổ thông trong khi fan hâm mộ kỳ cựu sẽ có cảm giác gì với một Youngblood quá tươi sáng. Tất cả phải chờ đến ngày 26 tháng 7 để chúng ta có thể tìm ra câu trả lời.

Blair Witch

Blair Witch Project trở thành một bộ phim hot chủ yếu nhờ công nghệ marketing và cơ duyên may rủi bởi nội dung lẫn chất lượng tồi tệ của nó. Do một ý tưởng làm ra một game kinh dị sinh tồn dựa trên các yếu tố trong Blair Witch thường bị coi là mạo hiểm thậm chí là ngớ ngẩn. Thực tế trước khi dự án game mới nhất được trình làng, đầu những năm 2000 đã có tận 3 trò chơi ăn theo bộ phim được ra mắt. Do cố bám sát nội dung cốt truyện của bộ phim mà Blair Witch thì, chà bạn biết đó, không khác gì một đống hổ lốn thế nên chất lượng của các trò ăn theo là có thể hình dung sơ bộ được.

Game sắp ra mắt, ai sẽ là cái tên gây thất vọng cho fan hâm mộ – P.2

Phần đầu tiên dù không có doanh thu ấn tượng nhưng ít ra cũng tương đối dễ nhìn do lấy các truyền thuyết về Blair Witch nhưng lại là hậu truyện của game kinh dị Nocturne thế nên dù có hơi dở thì ít ra nó cũng dễ hiểu về mặt nội dung. Hai phần còn lại thì thất bại thảm hại khi cố gắng sử dụng các yếu tố nguyên bản và đơn giản là người ta chẳng hiểu nội dung game muốn nói về cái gì chưa kể đến chất lượng trò chơi cũng khá tồi.

Có lẽ người ta không cảm thấy sợ hãi về phù thủy Blair cũng như khả năng tựa game sẽ lỗ chỏng vó nên tiếp tục có một trò chơi ăn theo sắp sửa ra mắt vào ngày 30 tháng 8 năm nay. Đoạn trailer trông có vẻ hứa hẹn nhưng thứ khiến game thủ băn khoăn là phong cách found footage khi làm phim liệu có phù hợp để biến thành một trò chơi hay không. Thêm vào đó việc trò chơi được giới thiệu chỉ cách thời điểm chính thức ra mắt có hai tháng lại càng dấy lên những tin đồn về việc hốt cú chót trước khi thương hiệu Blair Witch nát đến không thể nát hơn. Dù sao đi nữa cũng mong game Blair Witch không bước theo con đường “thú vị” của người bạn cùng tên ở mặt trận điện ảnh.

Found footage là một thể loại làm phim, đặc biệt hay được sử dụng trong mảng phim kinh dị. Đặc trưng của thể loại này là trong hầu hết thời lượng của bộ phim, phần quay phim được trình chiếu dưới dạng các đoạn phim được tìm thấy hoặc là các đoạn video đang ghi hình bằng nhiều thiết bị khác nhau như máy quay cầm tay hoặc máy quay an ninh từ các nhân vật chính bị mất tích hoặc đã chết. Các sự kiện diễn ra trên màn hình cũng được một trong các nhân vật có liên quan nhìn thấy, người thường xuyên chỉ được nghe giọng mà không xuất hiện. Việc ghi hình có thể được thực hiện bởi chính diễn viên khi họ vừa đọc lời thoại, cộng với việc sử dụng hiệu ứng rung máy quay và diễn xuất một cách tự nhiên. Các tác phẩm tiêu biểu gồm The Blair Witch Project (1999), Paranormal Activity (2007), REC (2007), Quarantine (2008), Cloverfield (2008) và Chronicle (2012).

Watch Dogs: Legion

Watch Dogs: Legion không mang lại nhiều nghi ngại về một cú flop mà người ta quan ngại rằng game lại bị thổi lên tới trời trong khi sở hữu chất lượng không tương xứng. Đây là quan ngại có cơ sở vững chắc khi cả hai phần đầu tiên luôn được kỳ vọng lẫn đánh giá quá mức cường điệu thông qua các trailer giới thiệu, để rồi khi ra mắt người ta lại chia rẽ ý kiến vì chất lượng không như mong đợi. Công bằng mà nói cả hai phần Watch Dogs đều là các tựa game thế giới mở có chất lượng tương đối khá cùng lối chơi nhập vai trở thành hacker điều khiển mọi thứ trong thành phố rất có sức tưởng tượng.

Game sắp ra mắt, ai sẽ là cái tên gây thất vọng cho fan hâm mộ – P.2

Nhưng khi chính thức ra mắt cả hai đều có những thiếu sót khiến người ta không cảm thấy thoải mái. ở Watch Dogs 1 là AI yếu kém cùng đồ họa bị hạ cấp khi phát hành chính thức trong khi phần hai bị chê là còn nhiều thứ chưa hoàn chỉnh cũng như bị dán nhãn hứa lèo khi không mang đến những tính năng từng quảng cáo (chủ yếu trong phần multiplayer). Cùng với những gì từng nổ banh chành lúc được công bố trên trailer, thứ game thủ được tiếp xúc sau cùng thật sự có vẻ quá sức hụt hẫng. Thế là các tranh cãi cứ nổ ra thôi, phe bênh hay phe chửi đều có lý của họ và vô hình trung trò chơi của Ubisoft càng ngày càng hot, dù xét về chất lượng nó không nên bán được nhiều như thế.

Tất cả những điều đó khiến cho sự tiếp cận của đại chúng với cái tên Watch Dogs: Legion khá phức tạp với 3 phần hoài nghi, 6 phần mong đợi cùng một phần hy vọng. Những người được mời thử nghiệm beta từng khiến các fan hâm mộ thương hiệu này lo sốt vó khi lấp lửng rằng “nó không hấp dẫn như những gì trình diễn tại E3 2019”. Bóng ma của việc dẫm phải vết xe đổ lại lởn vởn đâu đây và nhiều game thủ nghi ngờ rằng các ý tưởng qua sức cấp tiến của đội ngũ sản xuất khó lòng được truyền tải hoàn hảo vào game, đúng y như vấn đề mà hai phần trước từng mắc phải.

Battletoads

Có quá nhiều lý do để người hâm mộ hào hứng với sự trở lại một game Battletoads mới, đặc biệt là khi các fan kỳ cựu đã phải chờ hơn 20 năm kể từ khi phiên bản gần nhất ra mắt. Tuy nhiên với bề dày kinh nghiệm từ việc ăn thịt lừa khi các NSX muốn hồi sinh thứ gì đó từ ngày xưa để kiếm tiền thông qua tâm lý hoài cổ, tốt nhất hãy tiếp cận với trò chơi này một cách thận trọng để tránh tình trạng “hứa thật nhiều rồi lại thất hứa cũng thật nhiều”.

Game sắp ra mắt, ai sẽ là cái tên gây thất vọng cho fan hâm mộ – P.2

Trong những đánh giá đến từ các người chơi được mời thử nghiệm, hầu hết đều cho rằng game sở hữu độ khó tương đồng với các phiên bản cũ. Đây là một nhận xét tích cực nhưng với những người chơi mới liệu họ có biết rằng Battletoads được đánh giá là một trong 10 tựa game khó nhất mọi thời đại trên hệ máy NES hay không? Bỏ qua vấn đề đó phần đông đánh giá về Battletoads sau khi chơi thử chính là “ổn” nhưng liệu có thật sự ổn hay không khi phải chờ đợi chính xác là 25 năm để mua về một trò chơi với nhận xét theo kiểu ừ thì chơi cũng được đó?

Thông qua bản remake Battletoads Mọt tui lại nhớ đến một nỗ lực đáng hổ thẹn trong việc hồi sinh một thương hiệu beat em’ up nổi tiếng khác là Double Dragon vào năm 2017. Do quá trung thành với nguyên tác trên NES vì thế các nhà sản xuất mang đến cho game thủ một sản phẩm phong cách cũ kỹ lại không sở hữu bất cứ điểm đột phá mới mẻ nào. Hy vọng Battletoads không bước theo con đường không lối về năm ấy của bản làm lại Double Dragon.

Đây là bài viết nằm trong loạt bài về Game sắp ra mắt có nguy cơ thành “bom xịt”
  1. Game sắp ra mắt có nguy cơ thành “bom xịt” – P.1
  2. Game sắp ra mắt có nguy cơ thành “bom xịt” – P.2