Mùa hè và những cột mốc khó quên của một gã game thủ 8X - PC/Console

Mùa hè tha hồ chơi game thì ai chẳng thích nhưng bài toán cơm, gạo vẫn cứ trĩu nặng trên vai mỗi ngày như cái giá của việc trưởng thành thì tính sao?

Là một game thủ 8X đời đầu hiển nhiên vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước Mọt tui đã có đủ nhận thức để phân biệt game nào thuộc gu ưa thích của bản thân. Cơ mà khoan hình như trong mắt của một thằng nhóc 5,6 tuổi thì có game nào mà nó không ưa thích đâu nhỉ, tất nhiên là trừ mấy game quá cùi bắp thì không cần phải tính tới làm gì cho mệt óc.

Những ngày hè trốn ngủ bắn Contra của thập niên 80

Những ngày hè đầu thập niên 90, người dân tổ dân phố 5 phường 11 khu China Town thường chứng kiến một thằng nhóc sau giờ cơm trưa thường không đi ngủ mà ba chân bốn cẳng vọt ra ngay tiệm điện tử gần nhà để hóng các anh lớn chơi game bất chấp tiếng gào thét kinh khủng của mẹ nó sau lưng. Ngày đó không có danh từ chuyên môn là chơi game mà phải gọi chính xác là chơi trò chơi điện tử, cái thú giải trí mà thanh niên lẫn thiếu niên đều mê mệt này không biết tự lúc nào được du nhập vô Việt Nam, chỉ biết rằng sau khi nó xuất hiện một thời gian ngắn, các trò cũ như bắn bi, đá cầu, đánh bông vụ, tạt lon… đã có một đối thủ cạnh tranh vô cùng mạnh mẽ.

Game thủ

Và thế là ngày nào Mọt tui cũng bị la vì tội bỏ ngủ đi ngồi đồng ở tiệm điện tử, có lẽ cảm thấy quá tuyệt vọng sau khi sử dụng mọi biện pháp từ nhẹ đến nặng để ngăn cản tui đi chơi nhưng không thành công nên từ đó mẹ tui cũng không còn ý kiến hay rầy la vụ trốn ngủ đi chơi game (nếu có tiền) hoặc coi người ta chơi (khi rỗng túi) nữa. Thậm chí nhưng khi tui tỏ ra ngoan ngoãn, được điểm cao hay cao hứng vì hôm đó buôn may bán đắt, bà còn nhét tiền để tui dằn túi mặc dù biết 9/10 là tui sẽ đem cúng cho ông chủ tiệm trò chơi điện tử mà thôi.

Để xem nào, ngày đó game cũng đơn sơ thôi, bây giờ đọc lại lịch sử của ngành công nghiệp game thì ai cũng biết SNES với vô số các trò sau này làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam sau này như Đua xe chuột, Batman, Cao bồi, Đặt bom… đã ra mắt hồi năm 1991. Thế nhưng thực tế đến tận năm 95 nhiều game thủ Việt (trong đó có Mọt tui) vẫn còn đang say mê bấm điện tử trên hệ máy NES cơ. Nguyên do thì có nhiều, cả khách quan lẫn chủ quan cũng như một vài nguyên nhân thật sự không tiện nhắc đến. Chỉ biết rằng vào những buổi trưa hè chói chang của thập niên 90, kỷ niệm của một số người có thể là hoa phượng, là bắn bi, là nhảy lò cò hay trèo cây câu cá nhưng với tui trong ký ức mơ hồ ngày đó chỉ là hai gã đô con bận quần màu xanh đỏ sẵng sàng thổi tung mọi thứ cản đường của bọn họ trong tựa game Contra.

Trà đá làng game: Tuổi tác có tỉ lệ nghịch với tình yêu dành cho game?
Trà đá game thủ: Tuổi tác có tỉ lệ nghịch với tình yêu dành cho game?
Có một thực tế đáng buồn là khi lý trí ngày một thành thục, dường như đám game thủ lại đánh mất đi tình yêu vô điều kiện với trò chơi mà mình yêu thích như những ngày xưa thân ái.

Vì sao lại là Contra mà không phải Mario, Tetris hay bất kỳ tựa game chơi đơn kinh điển nào khác trên NES? Câu trả lời đơn thuần là vì lý do kinh tế. Ngày đó tuy nhà có chút khá giả nhưng căn bản không phải là đại gia như ai kia nên khi đi bấm điện tử trả tiền giờ, lựa chọn khôn ngoan và kinh tế nhất vẫn là chơi game nào đó hai người co-op và tiền giờ sẽ được chia đôi để hai thằng nhóc có thể chơi được lâu hơn thay vì chọn 1 trò chơi đơn. Có thể nhiều người sẽ hỏi tiếp vì sao chơi co-op lại chọn Contra chứ không phải Battle City, Double Dragon hay Chip ‘n Dale Rescue Rangers? Vẫn là một đáp án đơn giản, chủ tiệm mua băng cartridge gì thì khách hàng chơi game đó, miễn yêu cầu, miễn đòi hỏi và cũng chẳng biết lúc đó có game gì để mà nói ông chủ mua về nữa.

Làm quen SNES nhưng chung tình với PS1 vào những năm 90

Như đã nói ở phần trên, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan mà ở Việt Nam chỉ có hội con nhà giàu mới được trải nghiệm game đúng đời máy, còn bình dân bá tánh thì xin lỗi lúc dân Nhật nó đã chán chê SNES chuẩn bị đón PS1 thì chúng ta vẫn cày NES ầm ầm, không có gì phải ngại cả. Cũng chính vì toàn chơi ở tiệm và cái tiệm đó cũng không thuộc hàng nổi tiếng gì cho lắm nên đến tận mùa hè năm 95, lần đầu tiên Mọt tui mới được rớ vào các siêu phẩm của SNES như Đua xe chuột, Batman, Cao bồi, Đặt bom… Nhìn chung thì ông chủ tiệm cũng khá là có lương tâm, sau vài năm hút máu tụi nhỏ ổng cũng chịu bán đi dàn NES cổ lổ sĩ để thay bằng 5 cái SNES mới toanh với đầu đọc UFO gắn đĩa “mê-tư” xịn sò chớ không thèm xài băng như thiên hạ luôn.

Hệ máy SNES và những tựa game kỷ niệm

Cái vụ máy SNES mà lại gắn thêm đầu UFO để đọc đĩa mềm hình như nhiều người đã viết trên Kênh Tin Game, có thể tìm lại các bài cũ còn nếu không có thì xem tạm Wiki sẵn tiện rèn luyện tiếng Anh cũng tốt mà. Trở lại với vụ SNES thì tui cũng khá là ghiền nó cho đến vài năm sau, lúc này mức sống của người dân cũng được nâng cao kha khá rồi nên may mắn chỉ chậm hơn dân Nhựt Bổn có 3 năm, những chiếc máy PS1 đã có mặt tại thị trường Việt Nam theo đường tiểu ngạch vào mùa hè năm 98 để sẵn sàng phục vụ cộng đồng game thủ. Lúc mới du nhập vào nước mình, chỉ có hội con nhà giàu mới được cái vinh dự một mình, một phòng, một máy tại tư gia, còn đám dân đen thì a lê hấp cứ phải chui vào tiệm mà 2,3 thằng gom tiền mới đủ chơi một giờ vì giá cả đắt đỏ.

Nếu trí nhớ tồi tàn không bán đứng bản thân thì Mọt tui đồ rằng ngày mới xuất hiện giá tiền một giờ chơi Playstation 1 hình như là 3000đ thì phải. Đây không phải là món tiền nhỏ và khi nghỉ hè một thằng nhóc đang học phổ thông cơ sở không làm gì để kiếm được khoản tiền đó một cách thường xuyên cả nên vẫn đường xưa mà tiến thôi, chơi game co-op và kiếm ai đó share tiền. Lần này do số tiền hơi lớn nên game đối với đám nhóc ngày ấy cũng phải là một thí sinh phù hợp, khi ai thua cuộc phải nhường tay cầm cho kẻ đang chờ và cứ thế luân phiên xoay vòng, kỹ năng tốt và thắng càng nhiều, bạn càng được chơi nhiều hơn so với số tiền góp vốn. Chẳng biết có gosu đối kháng nào của Việt Nam từng rèn luyện tay nghề thuở ấu thơ trong các quán PS1 như thế này không? Thế nhưng ngoài các địa điểm kinh doanh máy game thùng có lẽ đây là nơi tập trung nhiều người chơi đối kháng nhất.

Trà đá làng game: Tuổi tác có tỉ lệ nghịch với tình yêu dành cho game?

Khi bạn đang xem phim trên TV màu CRT cổ xưa và ai đó ném vào mặt bạn một chiếc UHD 4K cảm giác sẽ như thế nào? Choáng, sốc hay sướng phát rồ? Mỗi người sẽ có một trải nghiệm riêng nhưng từ hình ảnh 16-bit của SNES được nâng cấp lên 3D của PS1 thì cảm giác của tui giống hệt như gặp được người yêu trọn kiếp vậy đó. Cũng từ ngày đó đến thời điểm hiện tại, dù có lúc ngừng chơi game console để phiêu lưu trong thế giới ảo trên mạng cùng game online nhưng chưa bao giờ Mọt tui quên đi cảm giác sung sướng tột độ khi lần đầu được trải nghiệm một tựa game có đồ họa 3D trên PS1 vào những ngày hè năm 98 cả.

Thế giới muôn màu trên mạng cùng game online những năm 2000

Game thủ vốn là những kẻ không ngại khám phá những điều mới mẻ, đặc biệt là khi game thủ đó vừa chạm ngưỡng tuổi 20. Sau những ngày cấp 3 vất vả cùng kỳ thi tốt nghiệp đầy thử thách, Mọt tui quyết định xả stress trong mùa hè đầu tiên không cần phải đi học hè và thú vui lúc đó bao gồm cả những giờ lên mạng game gủng chat chit ở một điểm truy cập công cộng.

Vì sao không phải là PS2 đang nổi đình đám với những siêu phẩm như Final Fantasy X hay PS1 lúc đó dù đang bắt đầu giai đoạn cuối của dòng đời nhưng vẫn còn đầy những trò chơi hấp dẫn? Đó là bởi vì trên không gian mạng Mọt tui tìm thấy những thứ mà console với điều kiện lúc đó của Việt Nam chưa thể làm được, đó là cộng đồng mạng.

Mùa hè và những cột mốc khó quên của một gã game thủ 8X

Này thì Yahoo chat với những người bạn ở đâu đó tận nước Mỹ xa xôi nhưng cứ như hai huynh đệ từ kiếp trước khi nói chuyện với nhau lại hợp cạ vô cùng. Các diễn đàn cũng theo sự truyền bá của internet ADSL mà mọc lên như nấm với nhiều đề tài thảo luận và không quá ngạc nhiên khi Veno và GameVN là những forum mà Mọt tui không ngần ngại đăng ký tham gia. Các trò chơi giờ đây không còn theo kiểu đơn độc từ đầu đến cuối, song đấu đối kháng với bằng hữu hay thay phiên chuyền tay cầm để chơi nữa. Giờ đây là những máy chủ có sức chứa đến vài trăm người cùng một lúc.

Điều kiện hạ tầng máy chủ qame năm 2000 – 2002 không như bây giờ nên đừng thắc mắc vì sao ít như vậy và bây giờ con số đó có thể chẳng đáng là gì nhưng vào những năm ấy lại là một sự tiến bộ đầy mê hoặc. Nào là Gunbound, MU Online, Priston Tale, Lineage II… tất cả đã khiến cho thế giới quan về game của Mọt từ xưa đến nay bị thay đổi hoàn toàn. Từ dạo ấy tui mới hiểu trong game không chỉ bao gồm hình ảnh, đồ họa hay âm thanh mà còn một yếu tố quan trọng khác là cộng đồng người chơi, yếu tố sống còn của bất kỳ game online nào.

Mùa hè của một nhân viên văn phòng

Từ 2010 trở lại đây Mọt tui đã không còn chơi game nhiều nữa, lý do thì đủ thể loại nhưng chung quy vẫn nằm ở hai chữ thời gian. Khi còn trẻ con, bạn cứ mong mình chóng lớn để đi làm kiếm tiền lúc đó tha hồ mà mua game, chơi game và không cần phải ngửa tay xin tiền ba mẹ nữa. Lớn lên rốt cục mọi chuyện cũng được như mong muốn, đi làm công ăn lương có ít tiền rồi thì muốn mua game thì mua, thích chơi game gì thì chơi không còn ai ngăn cản nữa.

Trà đá làng game: Tuổi tác có tỉ lệ nghịch với tình yêu dành cho game?

Lý thuyết là như vậy nhưng thực tế thì bạn không thể nào mua bất cứ tựa game nào mình thích bởi tiền lương còn là để đóng các loại hóa đơn điện, nước, mạng internet. Tiền lương còn là để ăn cơm mỗi ngày, đổ xăng đi làm, mua quần áo mới; tiền lương còn là để gửi biếu bố mẹ nếu bản thân ở riêng hay góp vào tiền sinh hoạt chung của gia đình. Tiền lương còn phải ngắt ra một khoảng để dành phòng những khi ốm đau hay mất việc. Đó là các chi tiêu cũng như mối quan tâm mà bạn không thể nào phớt lờ chỉ vì các trò chơi yêu thích một khi bạn đã trưởng thành.

Và sau một ngày mệt nhoài với công việc, hôm nào khỏe lắm thì vào chơi được một hai giờ cho thư giãn đầu óc, hôm nào công việc thật sự hỏng bét thì đừng nói chơi game, cơm còn không muốn ăn nữa là. Cuối cùng khi đã trưởng thành thành game thủ không cần đợi đến mùa hè để được nghỉ học đi chơi điện tử nữa mà thích nghỉ lúc nào thì cứ nghỉ thôi chẳng ai quản được cả nhưng liệu chúng ta có dám nghỉ hay không? Khi mà bài toán cơm, áo, gạo, tiền vẫn cứ trĩu nặng trên vai mỗi ngày như cái giá của việc trưởng thành?