Game về ngỗng và vịt để giải trí mùa Cô Vy: Goose Goose Duck chỉ xếp thứ 2?

Nếu như chó, mèo đã xuất hiện rất nhiều trong game thì các loại gia cầm như ngỗng và vịt lại có tần suất lộ mặt thấp đến đáng thương cảm.

Chỉ nói riêng về chó, chúng ta có một danh sách game vô cùng hoành tráng từ vai chính như Okami đến các vai phụ như Far Cry 5, Final Fantasy VII, Dark Souls, Borderlands 3 hay Metal Gear Solid V. Thế nhưng nếu thử đổi chó thành vịt (hay ngỗng) thì hẳn não bộ của game thủ thủ sẽ chỉ loay hoay xung quanh vài cái tên cũ kỹ như ông chú Scrooge McDuck keo kiệt trong DuckTales hay con chó mất dạy trong Duck Hunt năm nào. Vì sao lại có sự khiêm tốn đến đáng thương như vậy? Ngoại trừ một số ít huynh đệ có thú vui nuôi ngỗng để giữ nhà ra thì rất ít ai nuôi vịt hay ngỗng để làm kiểng cả (hẳn là cũng có một số tay lập dị nhưng không đáng kể) và nếu người ta làm game về một con vịt hay ngỗng thì bạn có sẵn sàng để bỏ tiền mua hay không? Đây quả là:

Một câu hỏi lớn không lời đáp

Cho đến bây giờ mặt vẫn chau

Chính vì lẽ đó nếu nhắc tới các thể loại muôn thú như chó, mèo, chim, chuột thì chúng ta có hàng tá nhưng vịt hay ngỗng thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng ở cái mùa Cô Vy chết tiệt này thì những thứ kỳ lạ vẫn có tiềm năng để trở thành đặc sản thế nên sao không thử nhìn lại một số tựa game cho nhân vật là vịt hay ngỗng đáng để trải nghiệm trong lúc chờ hết giãn cách xã hội nhỉ? Tui cảm thấy lo lắng cho bản thân quá vì hình như tôi sắp nói chuyện được với cái máy tính ở nhà rồi các anh em ạ. Thôi thì giờ chúng ta bắt đầu khám phá nào!!!

Từ những bậc tiền bối lão thành như series DuckTales và Duck Hunt

Về cơ bản DuckTales là một bộ phim hoạt nhiều tập do Disney sản xuất, được giới thiệu lần đầu vào tháng 9 năm 1987. Series phim hoạt hình này có tổng cộng 100 tập trong bốn mùa, với tập cuối phát sóng vào tháng 11 năm 1990. Câu chuyện bắt đầu khi chú vịt Donald quyết định gia nhập lực lượng Hải quân Hoa Kỳ, để đảm bảo cuộc sống cho 3 nhóc vịt Huey, Dewey và Louie, anh ta đã nhờ ông chú keo kiệt của mình là Scrooge McDuck chăm sóc bọn trẻ cho đến khi mình quay về. Từ đó các cuộc phiêu lưu kỳ thú và mang phong cách vui nhộn của Scrooge cùng những đứa trẻ bắt đầu diễn ra trong DuckTales.

Hầu hết các câu chuyện trong DuckTales đều xoay quanh ba chủ đề phổ biến gồm: ngăn chặn bọn trộm đánh cắp kho tiền cũng như đồng xu may mắn Dime Number One của Scrooge, cuộc đua thám hiểm của nhà vịt đến một kho báu cổ xưa nào đó, cuối cùng là những câu chuyện có liên quan trực tiếp đến Scrooge, 3 nhóc vịt, Launchpad McQuack hay Gyro Gearloose. Một số nội dung kịch bản trong phim được lấy trực tiếp từ bộ truyện tranh Donal của tác giả Carl Barks tuy nhiên không ít tập phim lại được lấy cảm hứng từ các câu chuyện hoặc truyền thuyết cổ điển. Nội dung được đội ngũ biên kịch của DuckTales tham khảo khá rộng lớn, trải dài từ thần thoại Hy Lạp, cho đến những thứ hiện đại hơn như  Shakespeare, Jack the Ripper và không thể không kể đến các biểu tượng văn hóa đại chúng như James Bond, Indiana Jones và Sherlock Holmes.

Khi bộ phim được chuyển thể thành hai phần game DuckTales và DuckTales 2 trên hệ máy NES, các yếu tố thần thoại này đều được giữ lại để tạo ra những cuộc phiêu lưu đến vùng đất xa xôi vô cùng kỳ thú của ông bác Scrooge McDuck. Trong phần đầu tiên game thủ được được khám phá những vùng đất như rừng Amazon, lâu đài Transylvania, hầm mỏ tại Mỹ, dãy Himalaya và… mặt trăng thì đến DuckTales 2 các địa điểm này còn huyền thoại hơn như thác Niagara, tam giác quỷ Bermuda, lục địa bí ẩn Mu và kim tự tháp Ai Cập. Nhìn chung trò chơi không được đánh giá cao về gameplay và cốt truyện tuy nhiên với sức hút quá lớn từ truyện tranh và phim ảnh, DuckTales vẫn có được doanh số kha khá tuy nhiên khi trở lại vào năm 2013 với phiên bản DuckTales: Remastered, Capcom đã thất bại.

Một tựa game khác về vịt cũng rất nổi tiếng trên NES là Duck Hunt hay bắn vịt với con chó vô cùng mất dạy thích cười nhạo chủ của nó sau mỗi lần thất bại. Khi nhắc về hệ máy NES, nhiều người đều cho rằng Super Mario Bros. mới là game NES nguyên gốc, còn Duck Hunt chỉ là hàng ăn theo băng Mario. Thực tế khi Nintendo lần đầu tiên giới thiệu NES vào năm 1985 thì không có sự xuất hiện của Mario. Thay vào đó là hai tựa game Duck Hunt và Gyromite. Điều này đồng nghĩa với việc Duck Hunt được bán chung với nhiều máy NES hơn Mario đấy. Nhưng suy cho cùng Duck Hunt trên NES cũng chỉ là hàng làm lại bởi thực tế trò chơi được ra mắt lần đầu vào năm 1976. Mang tên Beam Gun: Duck Hunt, bộ trò chơi này bao gồm máy chiếu nhỏ được dùng trong phòng tối và cây súng mang hình dáng tương tự NES Zapper. Cơ chế hoạt động cũng không khác nhiều với Duck Hunt về sau, khi người chơi sẽ cố gắng bắn hạ các đốm sáng có hình dáng giống con vịt bay đang tứ tán trước mắt. Ý tưởng của trò chơi này thành công đến mức đến mức Nintendo quyết định hồi sinh lại nó vào 8 năm sau đó.

Cho đến kẻ thừa kế như Untitled Goose Game và Goose Goose Duck

Bẵng đi một thời gian rất dài, người ta không còn nghe thấy điều gì về vịt hay ngỗng trong các tựa game bom tấn. Cho đến một ngày đẹp trời vào 20 tháng 9, 2019 cả thế giới sửng sốt với một trò chơi thiếu nghiêm túc đến mức ngay cả cái tên cũng thể hiện ra điều đó: “Trò chơi không tên về con ngỗng”. Nếu có ai đó được hỏi rằng tựa game nào kỳ quặc và khôi hài nhất được ra mắt vào năm 2019, gần như chắc chắn câu trả lời đó là Untitled Goose Game. Tựa game tưởng như là một trò đùa vui nhảm nhí này đã thành công theo cách khó tin khi đạt được những đánh giá tích cực từ giới chuyên môn, doanh số ấn tượng trên các nền tảng và quan trọng hơn hết là trở thành một hiện tượng có sức ảnh hưởng cực lớn trên mạng internet.

ngỗng

Trở lại với NSX của Untitled Goose Game là House House thì đây là một studio không chuyên nghiệp cho lắm. Thậm chí thành viên sáng lập là Jacob Strasser còn nói đùa rằng, sau 3 năm thành lập, cho đến khi thực hiện Untitled Goose Game, họ đã chuyên nghiệp hơn rất nhiều vì bây giờ không ai trong nhóm còn phải lo lắng về bài tập trên giảng đường nữa. Vì sao lại như vậy? Vì House House được thành lập bởi bốn sinh viên đại học gồm Nico Disseldorp, Stuart Gillespie-Cook, Jacob Strasser và Michael McMaster, sản phẩm đầu tay của House House là một game 2D khá bựa mang tên Push Me Pull You, trò chơi được cả nhóm thực hiện vào thời gian rảnh rỗi, sau công việc hay trong lúc nghỉ giải lao sau giờ học.

Dù không quá trông mong vào thành tích của Push Me Pull You nhưng cả nhóm vẫn đồng ý gửi bản demo game đến Sony để thử vận may. Chả hiểu vì lý do gì hay cũng có thể do đây là game… miễn phí chỉ ăn chia theo hình thức hoa hồng trên doanh số nên trò chơi tưởng chừng rất nhảm nhí đó cuối cùng được ông lớn đồng ý nhận và phát hành trên PlayStation Store. Dù không nhận được ngay xu nào từ Push Me Pull You nhưng House House đã được cộng đồng game thủ chú ý cũng như chính phủ Úc hỗ trợ cho chút tiền khởi nghiệp để chạy quảng cáo. Họ chạy xong chiến dịch quảng cáo và nhận về lợi nhuận ít đến nỗi theo lời nhóm phát triển thôi thì giữ lấy uống trà sữa chứ đừng chia nhau làm gì cho thêm nhục. Tuy nhiên House House vẫn rất vui vì cuối cùng đã làm ra tựa game cả nhóm đều thấy hài lòng với nó và được tiếp thêm động lực để sáng tạo dự án mới.

Quá trình lâng lâng vui sướng từ việc ra lò game bựa Push Me Pull You đã trở thành cảm hứng để nhóm tiếp tục ra mắt thêm một game cũng bựa không kém mang tên “Trò chơi không tên về con ngỗng” hay Untitled Goose Game. Đây là trò chơi thuộc dạng mô phỏng, hành động và cả chiến thuật lén lút… chỉ có điều thay vì một người lính hay điệp viên thì bạn lại phải vào vai một con ngỗng. Trong cái hình hài lạ lùng đó, những công việc cần làm trong tasklist chính là đi tới thị trấn của con người, tìm mọi cách để phá hoại tất cả những gì mình gặp trên đường, biến cuộc sống của những cư dân lương thiện thành địa ngục và chờ xem hệ thống chấm điểm sẽ đánh giá mức độ phá hoại của bạn thành công đến mức nào. Nghe có vẻ đơn giản nhưng cuối cùng Untitled Goose Game trở thành cú hit, đặc biệt trên nền tảng Nintendo Switch khi dẫn đầu doanh số bán lẻ ở nhiều khu vực khác nhau. Trò chơi trở thành một hiện tượng mạng khi nhiều nhiều streamer, youtuber chơi và đánh giá về nó cùng các meme hài hước cứ liên tục phủ sóng MXH.

Cũng phải đến hai năm rồi chúng ta không được thấy thêm trò chơi nào về ngỗng hay vịt để có cái mà bỏ vào bài viết này, rất may Gaggle Studio đã có mặt và mang đến Goose Goose Duck, một tựa game lấy cảm hứng từ đủ thứ như boardgame Ma Sói, yếu tố hành động lén lút, khả năng bốc phét của kẻ thủ ác trong cuộc thảo luận công khai và dĩ nhiên là một chút may mắn để làm thịt cả phi hành đoàn trên tàu vũ trụ mà không bị phát hiện… Nghe mô tả tả sơ sơ thì cảm giác cái game này có khác gì so với Among us đâu nhỉ? Đúng rồi vì trò chơi này ăn theo tựa game của Marcus Bromander hoàn toàn ngoại trừ việc các NSX đã cố gắng thêm vào một số vai trò mới để chứng tỏ đây không phải là thứ đồ sao y bản chính mà có công sức sáng tạo đàng hoàng.

Đối với người Việt Nam thì cái tên Goose Goose Duck sẽ không có ấn tượng gì cho lắm nhưng nếu Nhật Bản có Kagome Kagome, nước ta có “bịt mắt bắt dê” thì đám trẻ lục địa già lại có Duck Duck Goose. Đây là một trò chơi truyền thống của trẻ em phương Tây thường được phổ biến lần đầu tiên cho các bé ở trường mầm non hoặc mẫu giáo. Trò chơi này cũng có thể được nâng cấp để đám học sinh tiểu học có cái mà vận động trên sân chơi dành cho chúng. Mục tiêu của Duck Duck Goose yêu cầu người chơi ngồi thành vòng tròn, quay mặt vào nhau. Một người được chọn làm “người chơi” và đi vòng sau lưng những người khác, vỗ vào vai từng người và gọi “vịt”, “vịt” cho đến khi quyết định gọi ai đó là “ngỗng”. Lúc này, “ngỗng” sẽ đứng dậy và đuổi theo “người chơi” trong khi “người chơi” sẽ cố gắng chạy thật nhanh để chiếm chỗ ngồi khi nãy của “ngỗng”. Nếu “người chơi” thành công, “ngỗng” sẽ thua và trở thành “người chơi” để bắt đầu trò chơi từ đầu. Nếu “người chơi” bị “ngỗng” chạm vào, thì “ngỗng” sẽ trở về chỗ ngồi của mình và “người chơi” lại tiếp tục làm lại từ đầu.

Rõ ràng các NSX của Goose Goose Duck đã chơi chữ khi lật ngược lại tên một trò chơi thiếu nhi, đồng thời trong game họ cũng cho một bầy ngỗng đang tìm cách sửa tàu vũ trụ nhưng bị mấy con vịt âm binh chướng khí lẫn vào đó để tìm cách làm thịt cả bầy ngỗng. Tất nhiên như đã nói ở trên, dù ăn theo Among us nhưng Gaggle lại không thích bị người ta nói không làm mà hưởng nên họ đã chế tạo ra thêm 20 vai trò khác nhau cho kẻ giấu mặt lẫn phi hành đoàn, đủ để khiến người chơi bị rối não nếu lỡ tham gia vào Goose Goose Duck. Hiện tại các streamer đa số vẫn chỉ chọn lối chơi cơ bản tương tự Among us để khán giả dễ tiếp thu nhưng biết đâu về sau nếu game đủ hot họ sẽ làm thêm các video về những vai trò mới. Bên dưới là 20 vai trò khác ngoài Vịt và Ngỗng trong Goose Goose Duck:

Duck role

Assassin Duck – Vịt sát thủ: Đoán đúng được giết người trong cuộc họp, đoán sai thì chết.

Cannibal Duck – Vịt ăn thịt: Được phép ăn xác chết một lần trong game để phi tang.

Lover Duck – Vịt tình nhân: Cặp đôi vịt sống sót cuối cùng sẽ thắng.

Morphling Duck – Vịt biến hình: Có thể cải trang thành kẻ khác.

Professional Duck – Vịt chuyên nghiệp: Có thể giết mà không bị ai phát hiện. Ngỗng cũng sẽ không thể report bạn, trừ khi chúng đến gần cái xác 

Silencer Duck – Vịt câm mồm: Buộc một người chơi phải câm mồm khi tổ chức hội nghị.

Spy Duck – Vịt gián điệp: Nếu chỉ có mình bạn bỏ phiếu cho ai đó, bạn sẽ biết vai trò của kẻ đó.

Goose role

Birdwatcher Goose – Ngỗng quan sát: Có thể nhìn xuyên tường nhưng tầm nhìn gần rất kém.

Canadian Goose – Ngỗng Canada: Thằng vịt nào dám giết bạn nó sẽ bị phát hiện cùng cái xác.

Detective Goose – Ngỗng thám tử: Kiểm tra một đồng bọn bất kỳ một lần trong game xem nó có phải là vịt không.

Gravy Goose – Ngỗng mập địt: Hoàn thành nhiệm vụ tasklist sẽ có thêm tiền nhưng chết là mất hết.

Lover Goose – Ngỗng bán “cơm tró”: Cặp đôi ngỗng sống sót cuối cùng sẽ thắng.

Mechanic Goose – Ngỗng thợ sửa ống nước: Có thể sử dụng đường ống thông hơi để di chuyển.

Medium Goose – Ngỗng thầy đồng: Có thể phát hiện nhiều bóng ma (còn nhớ tựa game The Medium của Bloober Team chứ?)

Mimic Goose – Ngỗng cải trang: Vịt sẽ nhìn thấy bạn là một con vịt khác.

Sheriff Goose – Ngỗng cảnh sát trưởng: Có thể giết bất cứ kẻ nào nhưng hễ cứ giết một con ngỗng thì tự động thua.

Snoop Goose – Ngỗng ăn trộm: Có thể ẩn nấp phía sau các góc khuất.

Technician Goose – Ngỗng kỹ thuật: Phát hiện nơi mà bọn vịt ấn nút “phá hoại tàu”

Vigilante Goose –  Ngỗng cảnh giác: Có thể giết một người chơi mà không để lại bất cứ hậu quả gì.

Special Role 

Dodo –  Chim dodo: Bị vote kick khỏi tàu là auto win.

Falcon –  Chim ưng: Miễn nhiễm với vote. Chỉ thua nếu bị vịt giết hoặc ngỗng hoàn thành sửa tàu.

Pigeon –  Bồ câu: Truyền nhiễm Covid-19 cho mọi người trước khi ai đó kịp mở hội nghị là chiến thắng.

Vulture –  Kền kền: Ăn được xác ba con ngỗng bị giết để giành chiến thắng.

Tạm thời là như thế khi nào có các game mới về ngỗng và vịt thì sẽ tính tiếp nhưng e rằng ngày ấy sẽ còn lâu bởi nói cho cùng thì đàn gia cầm vốn không phải là đối tượng ưu tiên của các NSX game cho lắm. Đó cũng là lý do vì sao nói Goose Goose Duck chỉ xếp thứ hai vì tìm mỏi mắt cũng chỉ có hai tựa game tương đối mới nếu không xếp thứ hai thì muốn thứ mấy bây giờ? 

UPDATE NGAY lịch đăng video mới của Youtube Kênh Tin Game vào 19h30 thứ 3 - 5- 7 - Chủ Nhật hằng tuần nhé!!!!
Fanpage Kênh Tin Game Esports - khu vườn địa đàng với hàng ngàn tin tức Esports và 7749 loại meme/video.. vui tính hơn cả crush của bạn. LIKE NGAY ĐỂ CẢM NHẬN!
Bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?