Vào vai người hùng giải cứu công chúa hay thậm chí là giải cứu cả thế giới có lẽ đã là kịch bản quá quen thuộc với rất nhiều tựa game, thế nhưng một số tựa game khác lại khai thác một đề tài khá thú vị đó là đưa người chơi vào vai những kẻ được cho là người xấu trong mắt mọi người. Hãy cùng chúng tôi điểm qua một vài tựa game như thế nhé.
1. Dòng game God of War
Các vị thần luôn xuất hiện trong hầu hết mọi nền văn minh trên thế giới, và họ luôn được tôn thờ và kính trọng bởi những kẻ người trần mắt thịt. Hình ảnh các vị thần trong văn hóa loài người đa số đều mang hơi hướng tích cực và đều mang những sức mạnh phi thường để cứu giúp những con người khốn khổ nơi hạ giới. Thế nhưng, các vị thần trong dòng game chặt chém nổi tiếng God of War lại là một ngoại lệ khi mà nhân vật chính Kratos của chúng ta là một kẻ “không sợ trời, không sợ đất” khi đã tiêu diệt toàn bộ các vị thần trên đỉnh Olympus và sau đó còn lấn sân sang cả Bắc Âu để “tẩn nhau” với các vị thần ở đây. Dù thế nào đi nữa thì Kratos chắc chắn sẽ bị đánh giá là kẻ xấu trong mắt nhiều người.
2. Dòng game GTA
Dòng game nổi tiếng cũng như đầy tai tiếng của Rockstar sở hữu lượng fan hâm mộ đông đảo trên toàn thế giới, và ở Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Cõ lẽ cái tên này cũng đã nói lên phần nào nội dung của dòng game, khi mà tựa game cho phép chúng ta quậy tưng bừng trong một bản đồ rộng lớn. Những nhân vật trong game không những phạm tội mà còn là những tội phạm đặc biệt nguy hiểm.
3. Dungeon Keeper
Một tựa game nhập vai không quá nổi tiếng của EA. Trò chơi được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1997 cho hệ điều hành Windows 95. Nội dung của trò chơi cũng không quá phức tạp khi mà người chơi sẽ phải bảo về một nhà ngục khỏi bàn tay của những người hùng, những người hùng đích thực ấy. Bởi trong nhà ngục này là những con quái vật sẽ giúp bạn xâm chiếm cả trái đất và đây cũng chính là mục tiêu của bạn.
4. Manhunt
Manhunt - tựa game gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử được phát triển bởi Rockstar – hãng game đã quá nổi tiếng khi nắm giữ rất nhiều cái tên mang chất bạo lực nhất thì thế giới giải trí tương tác. Không như các sản phẩm đi theo lối hành động thuần túy ở trên, Manhunt là dòng game lấy phong cách “hành động lén lút kết hợp kinh dị tâm lý”. Manhunt mang người chơi tới một môi trường đen tối và ám ảnh, nơi nhân vật điều khiển dùng mọi cách, mọi thứ để có thể tiêu diệt kẻ địch. Phần thưởng cho game thủ là mức thang đánh giá từ 1 tới 5 sao dựa trên cách thức thực hiện và tốc độ hoàn thành của người chơi. Nghe qua có vẻ nhân vật chính của chúng ta không được tốt cho lắm nhỉ.
5. Overlord
Cái tên của tựa game đã nói lên tất cả khi bạn sẽ vào vai chúa quỷ chỉ huy binh đoàn quái vật của mình xâm lăng thế giới. Một ví dụ rất điển hình cho vai người xấu trong Video game.
6. Black & White
Một tựa game khá thú vị khi cho phép người chơi lựa chọn trở thành người tốt hoặc kẻ xấu. Nếu bạn lựa chọn trở thành người tốt thì trò chơi vẫn sẽ có bối cảnh rất thông thường với mô-tuýp anh hùng cứu giúp mọi người. Thế nhưng trò chơi sẽ trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều nếu bạn lựa chọn trở thành kẻ xấu, bởi bạn biết đấy, đôi khi phá phách một chút khác với bình thường sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.
7. Prototype
Trong Prototype, người chơi sẽ vào vai Alex Mercer, người đã phát tán một loại virus ở New York, và trong quá trình đó chúng đã đem lại cho hắn ta sức mạnh phi thường. Vì khao khát trả thù và năng lực mới làm cho mù quáng, Alex đi đập phá, gây hỗn loạn tại bất cứ nơi nào hắn đặt chân tới, nhằm tìm hiểu sự thật. Thực tế là Alex không phải là một kẻ dễ ưa. Hắn giết người bừa bãi vì mục đích của bản thân. Tệ hơn nữa, hắn “hấp thụ” người ta chỉ để có một chút kiến thức. Bản thân trò chơi đã mô tả hắn như một kẻ tâm thần, một loại “kẻ điên rồ căm ghét người khác tới mức mù quáng, vì chứng rối loạn tự kỷ ám thị mà nhìn đời qua con mắt bệnh hoạn”.