Khi trò chơi bắt game thủ… tự làm game rồi tự chơi - PC/Console

Ngày nay, chúng ta có rất nhiều trò chơi không bó buộc trải nghiệm của bạn vào những gì nhà phát triển tạo ra, mà để bạn tự định hình trải nghiệm đó.

Đại đa số trò chơi điện tử ngày nay được tạo ra với mục đích đem lại cho game thủ một trải nghiệm được định hướng và dẫn dắt bởi nhà phát triển. Dù trải nghiệm đó được thể hiện dưới hình thức nào đi nữa – dù là những phần chơi cốt truyện, trải nghiệm co-op, thế giới mở rộng lớn, hệ thống nhiệm vụ… chúng đều là phương thức chơi game “truyền thống” khi nhà phát triển ấn định sẵn game thủ có thể làm gì và thấy gì.

Lại có những trò chơi để bạn làm vui người khác. Ngày xửa ngày xưa, những tựa game đi theo xu hướng này luôn có các bộ công cụ tạo màn chơi cực kỳ mạnh mẽ, không chỉ cho phép game thủ tạo ra địa hình hay cảnh vật mà còn cho họ đặt ra luật chơi riêng của mình. Mọt vẫn còn nhớ việc mình bỏ ra nhiều giờ trong các editor của Heroes 3, Warcraft 3, Command & Conquer: Generals,… để tạo bản đồ mới rồi chơi cùng bạn bè, hoặc tải những bản đồ được tạo sẵn và thưởng thức những màn chơi mà bản thân nhà phát triển không nghĩ ra.

Khi trò chơi bắt game thủ... tự làm game rồi tự chơi

Map Editor của Heroes of Might and Magic 3.

Tạo ra giấc mơ

Từ những tựa game này, một số nhà phát triển hoặc modder nảy ra ý tưởng: tại sao lại không cắt bỏ hẳn phần việc tạo sẵn nội dung cho game thủ, và để game thủ tự tìm kiếm rồi tạo nên trải nghiệm của họ từ A đến Z dựa trên những công cụ được cung cấp sẵn? Số lượng game thuộc thể loại này có thể không nhiều, nhưng tất cả đều có được những thành công rực rỡ và mở đường cho hàng loạt kẻ đến sau tìm cách ăn theo. Minecraft, Garry’s Mod, Roblox là những cái tên tiên phong, và chúng đã khai sinh ra vô vàn phương thức chơi game mới.

Khi trò chơi bắt game thủ... tự làm game rồi tự chơi

Roblox đơn giản nhưng không đơn điệu.

Thật vậy, những tựa game này đang lôi cuốn một phần rất lớn của cộng đồng game thủ. Nhờ Garry’s Mod, chúng ta có thể chơi Prop Hunt, Trouble in Terrorist Town (một dạng “Ma Sói,” Murder (trốn tìm), Deathrun… Nhờ Minecraft, hàng trăm triệu game thủ ở đủ mọi lứa tuổi trên toàn cầu tìm được một môi trường mới thỏa sức sáng tạo và chia sẻ, nơi họ có thể tham gia vào đủ thứ trò vui nhộn lẫn phá phách. Nhờ Roblox, những game thủ nhỏ tuổi có cơ hội kích thích trí tưởng tượng của mình, tạo ra những trò chơi riêng mà không cần phải biết đến những kỹ năng lập trình hay dựng hình phức tạp.

Không ít nhà phát triển từ nhỏ đến lớn đã cố gắng ăn theo các tựa game này, dù chẳng mấy người thấy được thành công. Với kinh nghiệm thử qua nhiều tựa game ăn theo như vậy, Mọt tui nhận ra một điểm chung mà các tựa game thất bại thường có: chúng cố gắng đặt ra nhiều điều luật mới để tạo ra sự khác biệt giữa mình với những người đi trước nhằm tránh mang tai tiếng “ăn theo.” Đó là một sai lầm: những kẻ đi trước thành công không phải vì đồ họa đẹp (thật ra chúng còn xấu mù), sự chăm chút của nhà phát triển (dù điều này cũng có vai trò khá quan trọng) hay được quảng bá mạnh mẽ, mà thành công vì sự tự do mà những tựa game đó đem lại cho người chơi.

“Vũ trụ” của game là một thứ quá mong manh
Không phải khoảng không gian bao la chứa đầy các thiên hà, mà là khái niệm trừu tượng bao quát toàn bộ các sự kiện trước, trong và sau một trò chơi.

Khuôn khổ không gò bó trí tưởng tượng

Vậy thì đâu là những tựa game thành công lớn trong mảng game này? Cái tên đáng nhắc đến nhất trong thời gian gần đây là Dreams của Media Molecule phát hành trên PS4. Đây chính là tựa game khiến Mọt tui nảy ra ý tưởng cho bài viết này.

Thật ra Dreams không phải là một tựa game, hay ít nhất không phải là một trò chơi theo nghĩa truyền thống của nó. Dreams là một bộ công cụ tiện dụng đem lại cho chúng ta khả năng xây dựng những trò chơi nhỏ của riêng mình, nên bạn không cần phải biết về lập trình và cũng không cần bỏ ra nhiều năm trời để xây dựng một trò chơi trong Dreams. Nó không giống những engine làm game truyền thống và thậm chí không giống cả RPG Maker, bộ công cụ làm game rất nổi tiếng mà game thủ từng biết đến. Nhờ vào các tính năng mạnh mẽ và mức độ dễ dùng, Dreams đang được đánh giá là có thể trở thành Minecraft của thập kỷ mới bởi khả năng khơi gợi trí tưởng tượng và sức sáng tạo của game thủ. Trò chơi vẫn còn xa mới đạt được thành tích này, nhưng tiềm năng mạnh mẽ của nó là không thể tranh cãi.

Minecraft được tái tạo trong Dreams

Một số trò chơi khác có bối cảnh phần nào hạn hẹp hơn, nhưng vẫn cho phép game thủ thể hiện khả năng sáng tạo và vì thế chúng thành công. Gần 20 năm trước đây, Mọt tui từng mê mẩn Robot Arena 2 bởi trò chơi này để Mọt tui tự thiết kế ra những con robot nho nhỏ, lắp cho chúng đủ thứ động cơ, pin, bánh xe, chày, búa, khoan, đục… và dán các tấm decal màu sắc trước khi thả vào đấu trường với robot của bạn bè. Trò chơi có đồ họa bình thường và gameplay đơn giản, nhưng nó đã ngốn của Mọt tui có lẽ phải đến cả trăm giờ mò mẫm và thử nghiệm với mục tiêu tạo ra những con robot “bá đạo” nhất quán game!

Tương tự như vậy, Super Mario Maker chỉ cho phép game thủ tạo màn chơi trong thế giới Mario, nhưng nó đã đem lại cho các fan của Mario cơ hội sáng tạo ra hàng chục ngàn màn chơi mới và chia sẻ nó đến với cộng đồng. Trong số này, có những màn chơi thực sự thử thách lẫn những thiết kế “không bấm nút cũng qua màn,” thể hiện sức sáng tạo diệu kỳ của game thủ. Hay Besiege, tựa game vừa được phát hành chính thức sau 5 năm Early Access cho game thủ tạo ra những cỗ máy kỳ quặc đủ kiểu bằng các loại linh kiện được cung cấp sẵn, đánh bại những thử thách không kém phần kỳ dị, chiến đấu trong môi trường PvP hoặc co-op.. Besiege thậm chí còn hỗ trợ mod để game thủ góp phần mở rộng nội dung của trò chơi và nâng cao giá trị chơi lại của mình. Kerbal Space Program cũng nằm trong nhóm này, bởi người chơi có thể thỏa sức sáng tạo những loại phi thuyền, tên lửa kỳ dị nhất, chỉ cần thỏa mãn yêu cầu mà game đặt ra.

Khi trò chơi bắt game thủ... tự làm game rồi tự chơi

Besiege.

Thế nhưng cũng có những nhà phát triển lầm đường và thay vì làm game để trao quyền năng sáng tạo vào tay game thủ, họ lại làm game để đánh cắp sức sáng tạo đó. Mọt muốn nói tới Blizzard và điều khoản sử dụng “tất cả những gì được tạo ra trong World Editor của Warcraft 3: Reforged đều thuộc về Blizzard” đầy tai tiếng gần đây.

Tại sao Blizzard lại đặt ra quy định này? Đó là vì họ không muốn bỏ lỡ thêm một DotA nào nữa. Một nhà phát triển – phát hành game như Blizzard tìm kiếm lợi nhuận là điều hoàn toàn bình thường, nhưng cách mà họ tìm kiếm lợi nhuận với điều khoản này là hết sức không hay. Nếu Blizzard chủ động tìm đến tác giả của những bản đồ hay và đưa ra những lời đề nghị hấp dẫn, hẳn sẽ không ai từ chối việc trao bản quyền sử dụng chế độ chơi đó cho nhà phát triển game yêu thích của mình. Thay vào đó, vì tiếc một khoản tiền bản quyền nho nhỏ, Blizzard lại chọn hướng đi độc tài và bắt chẹt game thủ. Phương thức “độc tài” cộng thêm chất lượng của Warcraft 3: Reforged và những tai tiếng xảy ra trong khoảng hơn một năm vừa qua đã phá hỏng hình ảnh của một công ty từng có thời được xem là tấm gương cho tất cả các nhà làm game.

Khi trò chơi bắt game thủ... tự làm game rồi tự chơi

Đây có lẽ là phản ứng của game thủ khi biết về chính sách của Blizzard cho custom map.

Lời kết

Với những tựa game đi theo phương hướng trao quyền năng sáng tạo vào tay game thủ, khả năng kích thích óc sáng tạo là điều kiện tiên quyết để thành công. Những tựa game đó có thể không đẹp 10/10, không hoàn toàn tự do, nhưng chúng cho phép game thủ hiện thực hóa trí tưởng tượng của mình theo phương thức riêng của chúng. Và đó chính là mục đích cuối cùng của mọi tựa game.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e