Cùng với việc Death Stranding ra mắt, game thủ lại xôn xao về câu chuyện cũ: Liệu game thành công thì Konami có thấy tiếc không? Nếu game thất bại thì Kojima sẽ ra sao?
Nhìn chung thì những lời bàn tán đó chẳng thể giải quyết được gì vì sự thật thì sự ra đi của thánh Kojima rời khỏi Konami lý giải về mặt kinh doanh là hợp lý. Chỉ là cách làm quá quyết liệt của Konami khiến người ta cảm thấy quá tàn nhẫn sinh ra ghét vậy thôi. Nhưng để hiểu rõ về ý nghĩa của việc ra đi và hợp tác cùng Sony của Kojima, chúng ta hãy xem qua chất “nghệ thuật” của Death Stranding và Kojima.
Lưu ý: Đây là lời bàn dựa trên quan điểm cá nhân của tác giả, tác giả không có ý áp đặt đó là quan điểm của cộng đồng nào hay nhóm người cụ thể nào cả.
Death Stranding là một tác phẩm nghệ thuật
Không phải đến bây giờ những game của Kojima mới được nhìn là “nghệ”, nhưng Death Stranding một lần nữa cho thấy Kojima quyết tâm theo đuổi kiểu làm game thiên về nghệ thuật hơn là loại game thị trường (bán thật nhiều chỉ để kiếm tiền đơn thuần). Nếu thế giới mở của Red Dead Redemption 2 được khen là một thế giới đầy sự sống và đầy chi tiết thì Kojima đã đưa ra một định nghĩa khác về thế giới mở của riêng ông ta.
Thế giới mở của Kojima trong Death Stranding trái ngược hẳn, nó hoang sơ và trống vắng – một thế giới “chết”. Cái hay của Kojima chính là làm ngược lại quy trình, tạo ra một thế giới mở trống toang hoác và chính người chơi sẽ gầy dựng lại mọi thứ. Nói cách khác nếu các lập trình viên của Red Dead Redemption 2 phải thêm thắt sự sống vào bản đồ thì trong Death Stranding mỗi người chơi sẽ tự làm điều đó.
Tất nhiên không phải 1 người, chính cái tùy chỉnh để lại dấu vết đã nâng tầm bản đồ mở của Death Stranding lên thành nghệ thuật. Nó không chỉ là một bối cảnh trong game mà nó còn kích thích người chơi tái thiết một thế giới đổ nát thành một nền văn minh hiện đại, đúng y như di nguyện của bà tổng thống trong cốt truyện. Mỗi người sẽ góp 1 viên gạch xây lại nền văn minh nhân loại trên chính bản đồ game này. Từ những chiếc thang, móc trèo vách núi cho đến từng cây cầu bắc qua sông và sau đó là đường sá, cáp treo, các biển báo khoanh vùng nguy hiểm… Tất cả đều từ bàn tay của những người chơi gom góp vào. Nó giống như một bản đồ multiplayer của Minecraft và mỗi người góp một chút sức xây nên một thế giới rực rỡ.
Đó chính là cái hay và cái nghệ thuật của Kojima, chẳng cần phải chờ đến tận thế thật, người ta vẫn có thể trải nghiệm cảm giác đoàn kết và giúp nhau xây dựng lại nhân loại chính trong Death Stranding. Tính nghệ thuật đó mang lại cho Kojima sự kính trọng, danh tiếng, và một vé nghỉ việc của Konami.
Nghệ thuật đói ăn
Như đã nói trong những bài viết trước, Konami đã định hướng rằng họ phải làm game để tăng lợi nhuận. Vì vậy họ tăng cường làm game mobile vì tốn ít nhân sự mà dễ thu tiền hơn, các dự án ngốn quá nhiều tiền sẽ bị cho thất sủng. Kojima là một trong những tay làm game như vậy, chính vì việc tồn tại một người như Kojima khiến định hướng của Konami bị cản trở.
Nhưng tại sao một người làm game nghệ thuật như Kojima lại thành hòn đá cản đường? Đầu tiên là lợi ích kinh doanh, một game dài hơi thu hút hàng trăm nhân viên làm suốt 3 – 5 năm trời là một cái hố đen hút tiền khổng lồ. Trong tình hình làng game hiện tại khi mà game bị ép phải ra mắt ngày càng gấp và áp lực doanh thu ngày càng tăng, việc làm một game kiểu Kojima hầu như từ hòa vốn tới lỗ. Nhưng nếu không dùng thì để một ông thiên tài như Kojima trong công ty làm bủ nhìn thì càng không thể, không ai có thể giữ chân được thiên tài và nhất là ông ta đang có định hướng đối lập với định hướng mới.
Hơn nữa, cái Konami cần là tiền, không phải nghệ thuật. Việc bỏ ra một núi tiền chỉ để làm một game mang đậm chất nghệ thuật, khai phá lại các định nghĩa về game nhưng lại… bỏ vốn quá lớn khó thu lại đủ lãi rõ ràng không phải là cái Konami hướng tới. Chỉ tính riêng việc trả lương cho dàn hàng trăm người làm dự án suốt 3 – 5 năm cũng đủ khiến người ta kinh hãi. Và Konami có vẻ đã kinh hãi thật với Metal Gear Solid 5.
Việc ra mắt phần tiền truyện Ground Zeroes với thời lượng chơi ngắn và làm tiền đề cho Phantom Pain được dư luận đánh giá là có sức ép của Konami. Đơn giản là vì thời gian phát triển quá lâu, fan đang xuống tinh thần, cần phải có gì đó đã giữ họ tiếp tục hy vọng. Việc ép “đẻ non” này dường như khoét sâu thêm bất đồng giữa Konami và cha đẻ của game – Kojima. Chả ai muốn đứa con tinh thần của mình phải đẻ non 1 khúc riêng như thế. Và nó là bản bán lấy tiền, hoàn toàn khác với đoạn trailer chơi thử miễn phí kiểu demo của Silent Hill P.T sau này.
Nhưng cái nghệ thuật mà Konami muốn chối bỏ đó lại là cái Sony đang cần
Khi tài năng có đất dụng võ
Sony lại là một câu chuyện hoàn toàn khác Konami, vì Sony sản xuất máy chơi game. Sony, hay nói chính xác là nền tảng console PlayStation rất cần những người như Kojima. Mảng game độc quyền của Sony cần những game đầy chất nghệ thuật và giá trị mang tính khai phá như Death Stranding. Căn bản vì họ không đặt quá nặng việc thu lãi thật cao như các công ty làm game đơn thuần, cái Sony cần là những tựa game tô đậm thêm giá trị của nền tảng PlayStation.
Như chúng ta từng bông đùa khi nhắc đến kết quả The Game Award năm trước rằng “Game hay chưa chắc đã bán chạy hơn con game thiết kế để chiều lòng game thủ”. Một game mang chất lượng nghệ thuật cao cũng có những đối tượng riêng của nó chứ không phải là tất cả, như Mọt từng nhắc trong bài viết trước. Death Stranding được các nhà phê bình đánh giá cao về nghệ thuật lẫn ý nghĩa nhưng user score lại khá thấp vì người chơi không phải ai cũng cảm nhận được cái hay của nó.
Nếu Sony mà tập trung bán game để sống tất nhiên họ sẽ nổi giận với kết quả này, nhưng ở đây Sony không chỉ có bán game mà họ bán cả một hệ sinh thái PlayStation. Chính vì thế, Death Stranding đóng vai trò như một bức danh họa treo trong phòng khách. Nó đắt tiền nhưng đem bán thì không phải ai cũng muốn mua, khi treo lên thì giá trị cả cái ngôi nhà PlayStation sẽ tăng cao hơn nữa. Giá trị của Kojima mà Sony nhìn ra chính là nằm ở chỗ đó.
Ngoài PC là một hệ máy “cha chung” ra thì các hệ console đều muốn có những tác phẩm như vậy trong kho game độc quyền của mình. Và nếu bạn để ý thì hiện tại game gần như độc quyền trên PlayStation, chỉ có một bản khác là PC (nền tảng vốn chẳng có hãng nào sở hữu) nhưng cũng phải chờ đến giữa năm tới, nó có ý đồ cả đấy!
Bonus: Death Stranding liệu có phải là những gì còn lại của Silent Hill?
Nhân bàn về Kojima và Death Stranding, theo quan điểm cá nhân của Mọt thì giữa 2 dự án game này có khá nhiều trùng hợp. Có 3 vị trí chủ chốt của 2 game này được nắm giữ bởi cùng 1 người, đó là: Game Design: Hideo Kojima, đạo diễn: Guillermo del Toro, vai chính: Norman Reedus.
Mặc dù Kojima thông báo rằng phiên bản Silent Hill đã bị hủy bỏ và Death Stranding là dự án thứ 2 ông hợp tác với 2 tên tuổi: Guillermo del Toro, Norman Reedus và vai trò của Guillermo del Toro trong game sau không rõ ràng lắm ngoài việc sử dụng khuôn mặt của ông vào 1 NPC, nhưng chúng ta không thể không đặt câu hỏi. Liệu thiết kế bản đồ và cách chơi của Death Stranding vốn là làm cho Silent Hill và sau đó họ không thể dùng thương hiệu do Konami sở hữu nữa nên đã chỉnh sửa lại bối cảnh, cốt truyện và biến nó thành… Death Stranding?
Thử tưởng tượng 1 game Silent Hill có cách chơi và bản đồ mở như Death Stranding hiện nay… thật là “mind blown” đúng không nào?
Tuy nhiên những lời bàn trên cũng chỉ là phỏng đoán kiểu “thuyết âm mưu” của Mọt, sự thật thế nào thì chỉ có Kojima biết mà thôi.
–
Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e