Thời còn đi học, tôi luôn có suy nghĩ rằng: sau này ra trường, mình sẽ phải chơi game thỏa thích để bù vào những chuỗi ngày tháng cực khổ vì học hành. Lên tới đại học, tôi vẫn giữ vững đam mê của mình là video game, tuy nhiên, thời gian chơi chẳng được nhiều như mình mong muốn bởi lịch học và làm thêm gần như đã chiếm trọn quỹ thời gian trong một ngày. Nhưng ít nhất, tôi hễ có khoảng thời gian rảnh là lại chơi game bởi thời điểm còn trong trường đại học, các mối quan hệ vẫn chỉ xoay quanh bạn bè là chính, mà lũ bạn thời đó cũng toàn game thủ với nhau thôi.
Khi bắt đầu bước chân vào năm cuối đại học, tôi cũng như bao sinh viên khác bắt đầu trở nên bận rộn hơn với lịch làm thêm, thực tập hay các đồ án cuối năm. Lúc này, thời gian chơi game gần như chẳng còn nữa khi cứ rảnh rỗi lại phải đi làm hoặc thực tập. Tôi chợt nhận ra kể từ khi không có thời gian mua game và chơi game, số tiền trong tài khoản của mình có chút dư dả hơn so với hồi trước.
Sau 4 trời miệt mài, cuối cùng tôi cũng đã tốt nghiệp, tìm được cho mình một công việc với thời gian hành chính. Tôi mừng thầm và nghĩ cuối cùng mình cũng có thể được chơi game thỏa thích vào buổi tối. Nhưng khi bắt đầu bị cuốn vào vòng xoáy cuộc đời, tôi hiểu rằng mình đang dần có sự lưỡng lự, phân vân nhiều hơn trong việc dành tiền mua game hay sắm đồ đạc, chăm chút cho bản thân.
Dần dần, mỗi khi có tiền, trong đầu tôi hiện ra nhiều câu hỏi như: “với số tiền này, mình mua game hay mua quần áo sẽ tốt hơn?”, hay “mình sẽ mua game hay để dành đi ra ngoài tụ tập, mở rộng mối quan hệ thì tốt hơn?”. Thậm chí, khi nhìn thấy tôi bỏ ra cả triệu bạc mua game, rất nhiều người xung quanh (hầu hết là người thân quen) lên tiếng chỉ trích, hoặc nhắc nhở rằng sao không dùng tiền đó mà ăn mà lo cho sức khỏe. Cuối cùng, tôi tự hỏi: “Liệu video game có còn quá quan trọng nữa không?”
Lớn rồi, chúng ta nên dùng tiền mua game hay chăm chút bản thân?
Có một thực tế trớ trêu như thế này luôn tồn tại trong cuộc đời: Nếu bạn có đủ thời gian chơi game, số tiền bạn kiếm được sẽ chỉ đủ để bạn chăm chút, chi tiêu cho bản thân hoặc mua game. Ngược lại, nếu bạn thừa khả năng kiếm tiền chi tiêu cho tất cả mọi nhu cầu cao trong cuộc sống thì quỹ thời gian chơi game lại chẳng có, dù cho bạn có đam mê tới đâu đi chăng nữa.
Trong cuộc sống, chúng ta chẳng thể nào có được sự lựa chọn hoàn mỹ nhất mà luôn phải đánh đổi một điều gì đó. Tôi chắc chắn rằng hồi đi học, ai cũng có suy nghĩ sau khi ra trường, sẽ kiếm tiền và có thời gian chơi game thoải mái mà không phải lo nghĩ gì. Cuối cùng, tất cả chúng ta đều vỡ mộng khi trở thành người lớn.
Nhận thức của bạn trong việc tiêu tiền cho điều gì dần thay đổi bởi chính bạn hoặc bởi những người xung quanh. Có những người kiếm ra được rất nhiều tiền nhưng lại chẳng dám mua game bởi sợ những người xung quanh (bố mẹ, vợ,…) chỉ trích tốn tiền cho những thứ không đâu. Nhưng cũng có người lại biết cách chi tiêu, họ để dành đợi Gabe Newell đi “tàn sát” ví của game thủ, đợi các đợt sale lớn trong năm và vài tháng mới mua 1 game mình thích.
Tiền chúng ta nên để dành mua game hay để chăm chút bản thân sẽ hợp lý hơn? Câu hỏi này phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố. Đặc biệt là nhận thức của bạn với hoàn cảnh xung quanh. Nhưng dù có là gì thì bạn vẫn là người có quyền quyết định với số tiền mình kiếm ra được. Bạn là người kiểm soát cuộc sống của mình, và hiểu rằng việc nào đáng tiêu tiền hơn. Điều quan trọng là bạn phải có một lập trường vững vàng.
Chắc chắn xung quanh bạn sẽ có những người luôn có hiềm khích với video game, thấy bạn mua game sẽ lên tiếng “khuyên răn” rằng nó rất lãng phí, khuyên bạn nên dùng tiền để tập trung nhiều hơn cho cuộc sống tốt hơn. Thực tế lời họ nói không hoàn toàn sai. Việc bạn đầu tư chăm chút cho bản thân, để dành tiền cho việc ăn uống tập luyện, nâng cao sức khỏe, ngoại hình khỏe khoắn và năng động. Nhưng nhu cầu của một con người không dừng lại ở đó.
Hãy nghĩ tới game khi bạn thoả mãn được đầy đủ các nhu cầu cơ bản
Chiếu theo Tháp nhu cầu của Maslow, việc bạn dùng tiền để chăm chút cho bản thân sẽ thỏa mãn tầng thứ nhất và thứ hai, tức thỏa mãn nhu cầu về thể chất và sự an tâm về sức khỏe của bản thân. Chỉ khi 2 tầng nhu cầu cơ bản nhất được đáp ứng, chúng ta mới nên nghĩ tới các tầng tiếp theo – nhu cầu được thỏa mãn về mặt tinh thần. Video game chính là một trong những hình thức giải trí, giúp một con người được đáp ứng từ tầng thứ ba tới tầng thứ năm của Tháp nhu cầu.
Điều này có nghĩa bạn không thể “nhảy cóc” những mong muốn của bản thân. Bạn cũng không thể bỏ qua bất cứ nhu cầu nào của chính mình. Bắt buộc, bạn phải lo đủ cho sức khỏe cũng như thể chất trước rồi mới nghĩ tới việc chơi game. Tuy nhiên, theo tôi thấy có rất nhiều người dường như bị cuốn vào nhu cầu về mặt tinh thần mà bỏ qua những mong muốn cơ bản nhất của bản thân, đó là ăn uống và sức khỏe.
Việc bạn tiết kiệm tiền mua game là không sai. Việc bạn tranh thủ từng phút đồng hồ rảnh rỗi để chơi game cũng không sai. Nhưng khi bạn cắt giảm tiền chi tiêu ăn uống của bản thân xuống mức thấp nhất, khiến cơ thể không được nạp đủ chất dinh dưỡng, sau đó dành tiền đó phục vụ cho việc chơi game là quá sai. Ngay cả bản thân tôi cũng đã có một thời như vậy, tôi cày game quên ăn quên ngủ, để rồi mãi sau mới nhận ra rằng mình đang phí hoài quá nhiều thời gian, sức khỏe vào việc chơi game.
Ngay cả những game thủ chuyên nghiệp, dành toàn bộ thời gian một ngày để tập luyện đi thi đấu cũng phải chú ý tới vấn đề ăn uống và nghỉ ngơi. Đằng này, hầu hết game thủ đều đang phải học hoặc làm nhiều công việc khác nhau trong một ngày, nếu không đủ sức khỏe thì bệnh tật là điều khó tránh khỏi. Đó còn chưa kể việc thiếu ăn, thiếu ngủ còn gây ra nhiều biến chứng khác nữa về mặt tâm lý.
Do đó, nếu có người khuyên bạn hay có phần nào chỉ trích việc bạn mua game/chơi game, đó cũng là bởi họ đã nhìn thấy những hậu quả khôn lường từ việc nghiện game quá độ. Họ có khuyên bạn như vậy vì không trực tiếp chứng kiến bạn sinh hoạt hàng ngày ra sao, sống như thế nào. Chúng ta chẳng thể nào trách được bởi đó là những lời khuyên thể hiện bản thân chúng ta được những người xung quanh quan tâm.
Chúng ta đừng nên quên rằng còn nhiều điều thú vị khác bên cạnh video game
Thực ra, nếu có ai nhắc nhở hoặc chỉ trích bạn rằng việc bỏ tiền triệu ra mua game thì phung phí thì cũng đừng nên phản ứng tiêu cực lại, bởi điều đó chỉ khiến bạn càng “trẻ trâu” hơn trong mắt họ thôi, đặc biệt khi đó là người thân của bạn. Chẳng ai dạy bạn cách tiêu tiền cả, họ chỉ đang quan tâm tới bạn mà thôi. Tất cả có thể do chúng ta đã phải nghe quá nhiều những tác hại của game, còn mặt tốt thì lại chẳng mấy ai nhăc tới.
Suy cho cùng, đó vẫn chỉ là những lời nhắc nhở, cuộc sống của bạn, đam mê của bạn vẫn do chính bạn quyết định. Bạn có khả năng tự lo được cho bản thân mình, thì bạn có mua bao nhiêu game đi chăng nữa cũng không ai nói gì. Bạn biết cách sống khoa học thì bạn ngồi chơi game thoải mái cũng chẳng ai quở trách gì.
Tôi công nhận với game thủ chúng ta, trò chơi điện tử là một phần không thể tách rời trong cuộc sống. Nhưng không vì thế mà chúng ta quên ăn quên ngủ, quên luôn cả những điều khác cũng đang hiện hữu bên cạnh video game. Nếu làm như vậy, bạn chẳng khác nào mấy con zombie trong game, chúng vẫn có khả năng nhìn, di chuyển nhưng không phải đang sống.
–
Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e