Ở thời điểm hiện tại thì gần như các LAN Game đã là thứ gì đó hoàn toàn thừa thãi, nhưng cách đây hơn một thập kỉ thì chúng chính là nguồn sống cho toàn bộ cộng đồng, ở cái thời “đồ đá” nơi mà internet là thứ vô cùng xa xỉ thì gần như tất cả các game hỗ trợ nhiều người chơi đều có hỗ trợ kết nối LAN. Đối với game thủ Việt Nam thì nó còn là thứ hoài niệm cực kỳ, vì đã có một thế hệ đúng nghĩa là lớn lên và già đi cùng với nó, bất chấp điều kiện cản trở vô cùng nhiều.
Vừa qua thì nền tảng hỗ trợ LAN Game quen thuộc nhất với game thủ Việt Nam là Garena cũng ra thông báo, theo đó Garena LAN Game sẽ dừng hoạt động vào ngày 13/01/2020, chấm dứt di sản hơn một thập kỉ tuổi thơ của rất nhiều game thủ.
Nói tới LAN Game là nói tới một thời kì nhà nhà người người đổ nhau ra tiệm net (hay chính xác lúc đó gọi là tiệm điện tử thì đúng hơn), thực tế thì với điều kiện mạng mẽo cách đây gần hai thập kỉ thì việc bạn ngồi nhà và bật steam hay Playstation Network lên để online là điều gần như không tưởng. Tất cả các máy PC tại các tiệm điện tử đều có các cọng dây LAN để kết nối cho mọi người, cụm từ ON Lan hay đánh Lan cũng từ đây mà ra.
Tất cả các tựa game có thể cài đặt ở cái tiệm điện tử đều phải đáp ứng hai điều, hỗ trợ nhiều người chơi cùng lúc và có LAN. Kể tới những LAN Game thời đó thì nhiều vô kể nhưng nổi bật nhất vẫn là: Counter-Strike, Age of Empires (đế chế, miền Bắc chơi bản 1 còn miền Nam chơi phần 2), Red Alert (Báo động đỏ), StarCraft và sau đó là Warcraft 3 – DDay – Dota.
Kí ức vui vẻ về các LAN Game luôn là việc bạn phải gọi đồng bọn vào host của mình hoặc xin người khác để slot cho, do tất cả mọi người đều ngồi chung một chỗ nên các màn “set up bằng mồm” là chủ yếu. Cho nên tại sao thiên hạ đều thích tót ra quán chơi mặc dù ở nhà có máy là vì thế, không khí sôi động chiến thắng tất cả.
Các LAN Game còn mở ra một văn hóa không biết là có lành mạnh hay không là văn hóa “đánh độ”, với việc mạng lưới game thủ hồi đó không rộng như bây giờ, việc mọi người chỉ lanh quanh ở vài tiệm gần nhà dẫn tới nhẵn hết mặt nhau, từ đó rất nhiều đại hiệp bị ảo tưởng sức mạnh. Thành ra hồi xưa có một thứ rất vui là lâu lâu lại có một cao nhân từ xa đi lại… gạ kèo, nhanh nhất là trả tiền giờ hoặc trả tiền nước, cái này nhiều khi kiếm dễ tới mức nhiều người nghiện luôn.
Cộng đồng DDay và Age of Empires chắc là đầu têu vụ đánh độ này sôi nổi nhất, tuy vậy thì do hạn chế về kết nối nên mỗi lần set kèo rất là mệt mỏi, phải chạy lên tận chỗ nào đấy xa lắc rồi mới bắt đầu ngồi vào máy được. Nhưng một thứ đã cứu cánh tất cả đó là các phần mềm hỗ trợ LAN Game, với khởi nguồn hay ho nhất chính là Hamachi.
Thực ra từ trước khi có Hamachi thì cũng có khá nhiều phần mềm hỗ trợ khác, đặc biệt như Battle.net nhưng nó gặp vấn đề lớn về ping. Những ai đã từng chơi Warcraft 3 hẳn còn nhớ việc phải vào các server Battle.net “lậu” với ping cao lòi tói, tới mức chỉ những ai làm host mới có thể chơi thoải mái được, đó là chưa nói tới chuyện phải mở port để host, nhưng với Hamachi thì mọi việc đều được giải quyết.
Hamachi đúng nghĩa là giả lập mạng lưới LAN Game cho nên nó đỡ hẳn phần kết nối, mặc dù Hamachi cũng có khá nhiều thứ phiền hà thí dụ như chỉ cho tối đa 30 người một room, phải biết tên và pass của room… thành ra hồi đó đồng bào luôn luôn thủ sẵn cho mình một danh sách các room “xịn” nhất rồi tranh nhau mà vào. Vấn nạn afk hồi đó còn khổ sở hơn nhiều, vì slot đã ít mà nhiều ông tranh vào trước xong không bao giờ chịu ra, thành ra chủ room phải luôn để ý để kick ra cho rộng chỗ.
Thời gian vàng của Hamachi tồn tại rất lâu, nhất là khi Dota và Dday bắt đầu trở thành lựa chọn số một cho các LAN Game, nhà nhà người người đổ xô vào chơi món này nhiều tới mức số lượng room Hamachi khi ấy lên tới con số hàng trăm, chưa kể một số room “Vip” chỉ dành cho dân “pro” vào chơi.
Nhưng Hamachi cũng sớm bị lép vế khi Garena (hay lúc đó gọi là GG Client – Global Arena), nó cũng hỗ trợ LAN Game như Hamachi nhưng toàn diện hơn về mọi mặt. Thứ hay nhất của Garena là một room của nó có thể lên tới tối đa hơn 200 người, tức là gấp gần 10 lần và nó không yêu cầu bất cứ thứ gì hỗ trợ, người chơi chỉ việc bật game lên mà chiến thôi.
Garena lúc đó mở ra thời kì rực rỡ nhất cho Dota nói riêng cũng như các custom của Warcraft 3 nói chung, chưa kể với việc hỗ trợ LAN Game thì đây cũng là mảnh đất thánh cho rất nhiều game khác. Kết nối của Garena tùy thuộc vào đường truyền người chơi, nhưng người viết đã từng có những trận đấu Battle Realms với bạn bè tít tận bên Mỹ hoặc Châu Âu, tất nhiên là với ping có lúc phóng lên tận 200+ nhưng đó vẫn là trải nghiệm tuyệt vời.
Các kỉ niệm vui buồn của Garena thì vô vàn, đầu tiên là màn full room không vào được phải đứng chực chờ nhấn điên cuồng để mong có ai đó bị “kick” ra ngoài. Số lượng room của Garena lớn tới mức về sau nó bắt đầu được phân cấp, đặc biệt là Dota thì những room từ 1 tới 5 được gọi là “hight level” trong đó room 4 dành riêng cho Clanwar và các thanh niên bonus. Những room ở phía dưới thì “hạ cấp” hơn và thường không được coi trọng cho lắm, thành ra một thời gian dài Gold Member Garena là món hàng cực kỳ có giá.
Các LAN Game trên Garena thống trị làng game Việt một thời gian rất dài, kể cả khi Dota 2 ra mắt thì trong thời gian đầu gần như chẳng ai quan tâm, tất cả đều mê mẩn với Dota 1 trong các room Garena. Hơn nữa một điều khiến nó sống dai hơn nữa là các custom map, đủ các thể loại và về sau có thêm Dota skill pick nữa, khiến cho LAN Game sống khỏe sống dai cực kỳ mà không kiếm ra đối thủ.
Tất nhiên khi internet và hạ tầng mạng phát triển, cộng thêm sự xuất hiện của Steam và các chế độ online cho phép người chơi có thể kết nối cùng nhau bất cứ lúc nào, thì LAN Game dần dần biết mất. Hiện tại để kiếm ra một game hiện đại có hỗ trợ LAN có lẽ chỉ kiếm trên đầu ngón tay, nó trở thành một di sản mãi mãi, tuổi thơ của nhiều thế hệ game thủ lúc nào cũng “ON LAN” liên tục.