Làng game đã bị “dọa chết khiếp” như thế nào – P.1 - PC/Console

Game kinh dị là một trong những thể loại được phát triển sớm nhất trong ngành công nghiệp trò chơi. Hành trình bắt đầu và phát triển của thể loại game này cũng nhiều điều thú vị.

Trong ngành công nghiệp game hiện nay, việc biến tấu các trò chơi, thay đổi cơ chế gameplay theo thị hiếu của cộng đồng là điều đang ngày một phổ biến hơn. Một trò chơi có thể được pha trộn giữa 2 hay nhiều thể loại hoặc phong cách chơi khác nhau, miễn sao việc pha trộn đó khiến người chơi hài lòng. Đối với cộng đồng game thủ, cơ chế gameplay gần như là yếu tố quyết định việc họ có muốn trải nghiệm một trò chơi lâu dài hay không. Và yếu tố này hoàn toàn có thể chạy theo xu thế từng thời điểm.

Nguồn gốc của game kinh dị: Hành trình nỗi sợ hãi xâm chiếm ngành công nghiệp trò chơi (Phần 1)

Tuy nhiên, có một thể loại game có lẽ đi ngược lại với điều tôi vừa nói ở trên, đó là game kinh dị. Bản chất của dòng game này là đem lại nỗi sợ cho người trải nghiệm. Các game kinh dị không được định nghĩa bởi gameplay mà là sự u tối của bối cảnh, các plot twist gây ám ảnh, khả năng đặt người chơi vào sự căng thẳng liên tục cũng như việc tạo ra một vài khoảnh khắc khiến game thủ khóc thét. Những điều này lại phụ thuộc vào triết lý thiết kế của từng nhà phát triển game.

Bản chất của kinh dị là nỗi sợ, và nỗi sợ đối với mỗi người lại khác nhau. Chính nó đã tạo nên một thể loại game độc đáo, nhiều sáng tạo đặc sắc. Lịch sử phát triển của thể loại này cũng vô cùng thú vị. Trên thực tế, kinh dị là dòng game được tạo ra từ rất sớm.

Những phát súng đầu tiên cho thể loại game kinh dị

Trong quá khứ, thể loại kinh dị có 2 trường phái khác nhau. Một bên đi theo hướng phát triển hoàn toàn dựa trên sự sáng tạo của nhà làm game, từ bối cảnh cho tới cốt truyện và gameplay. Trường phái còn lại là game kinh dị được làm dựa trên việc cố gắng mô phỏng hoặc tái tạo lại các diễn biến của một bộ phim hoặc tiểu thuyết kinh dị, hay chúng ta còn gọi là mô phỏng kinh dị. Tuy nhiên về sau, triết lý thiết kế 2 trường phái này không rõ ràng nữa. Dần dần người hâm mộ hay các nhà làm game không còn phân biệt mà gom chung lại thành game kinh dị.

Nguồn gốc của game kinh dị: Hành trình nỗi sợ hãi xâm chiếm ngành công nghiệp trò chơi (Phần 1)

Haunted House trên máy Atari 2600

Vào năm 1982, Haunted House trên máy Atari 2600 là một trong những phát súng khởi đầu cho thành công to lớn của game kinh dị. Trò chơi này đưa game thủ vào một khu đất ma ám, có nhiệm vụ trốn thoát khỏi một hồn ma. Nếu hồn ma đó đánh được bạn 9 lần, bạn sẽ thất bại. Bản chất của trò chơi này là một phép thử cho thể loại kinh dị sinh tồn, thể loại yêu cầu người chơi phải chạy trốn thay vì đối đầu trực diện với kẻ thù. Vào thời điểm đó, Haunted House là một cách tiếp cận mới lạ, đem lại trải nghiệm không giống với bất cứ thể loại game nào trước đó.

Cũng trong năm đó, một trò chơi được phát hành cho hệ Sinclair ZX81 thậm chí còn hấp dẫn hơn và ném người chơi vào một nỗi sợ kinh hoàng hơn Haunted House, đó là 3D Monster Maze – nơi người chơi phải đối đầu với khủng long Tyrannosaurus (hay còn gọi Khủng long bạo chúa). Đây là một trường hợp khác nữa của thể loại kinh dị sinh tồn.

Làng game đã bị

Sweet Home trên hệ máy Famicon

Tuy nhiên, tiền thân thực sự của survival horror phải kể tới trò chơi Sweet Home, phát hành vào năm 1989. Trò chơi được phát triển và phát hành bởi chính Capcom, được xây dựng để khuyến khích người chơi chạy trốn khỏi kẻ thù, nhưng vẫn cung cấp tùy chọn để chiến đấu. Trò chơi này cũng có một phần là nguồn cảm hứng cho chính Resident Evil năm 1996.

Bắt đầu gây nên những tranh cãi

Từ năm 1992 trở đi, thể loại game kinh dị được mở rộng ra mọi hướng có thể, mức độ sáng tạo trở nên đa dạng và thú vị hơn bao giờ hết. Wolfenstein 3D nói về việc tiêu diệt Đức Quốc Xã nhưng lại được thiết kế ở một cấp độ kinh dị chưa từng thấy trong các trò chơi trước đây. Alone in the Dark thực sự đã khởi động lại thể loại kinh dị kết hợp phiêu lưu góc nhìn thứ ba trước cả Resident Evil. Lúc này, nhân vật chính của game kinh dị bắt đầu phải chiến đấu với nhiều thế lực huyền bí hơn, trong đó có cả zombie.

Làng game đã bị

Trong khi đó, sức hút của thể loại kinh dị đã ảnh hưởng tới các nhà phát triển game phiêu lưu hành động. Các dự án của họ được cân nhắc chuyển hướng sang hơi hướng kinh dị nhiều hơn. Lúc này, bản chất kinh dị dần gây ra nhiều tranh cãi hơn trong cộng đồng. The 7th Guest được phát hành vào năm 1993 đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn do nội dung người lớn, nhưng cũng không ngăn trò chơi bán được tới 2 triệu bản.

Hãng Sierra On-Line cũng thử sức mình với trò chơi Phantasmagoria vào năm 1995, có lối chơi point-n-click. Trò chơi có sự đầu tư rất mạnh tay với tổng số vốn là 4,5 triệu USD, có sự tham gia của 25 diễn viên trước khoảng 1000 phông nền xanh. Các hiệu ứng đồ họa của game được làm bởi bàn tay của một chuyên gia tới từ Hollywood. Âm nhạc trong game cũng được lồng bởi một dàn hợp xướng 135 người. Với nội dung người lớn, và đặc biệt có phân cảnh “hấp diêm”, Sierra khẳng định rằng trò chơi của họ hướng tới đối tượng người trưởng thành và đã xin kiểm duyệt. Tuy nhiên, các tổ chức tôn giáo, chính trị gia cũng như một vài quốc gia vẫn lên án và cấm tiệt trò chơi này.

Nguồn gốc của game kinh dị: Hành trình nỗi sợ hãi xâm chiếm ngành công nghiệp trò chơi (Phần 1)

Tựa game Phantasmagoria gây tranh cãi

Nhưng điều khôi hài ở chỗ, rất nhiều người lên án trò chơi Phantasmagoria nhưng lại hoàn toàn bỏ qua cho hãng The Dream Guild khi phát hành game I Have No Mouth, and I Must Scream trên MS-DOS, cũng vào năm 1995. Trò chơi được phát triển dựa trên hướng kinh dị tâm lý, thể hiện được mức độ điên rồ trong tâm trí cũng như giới hạn chịu đựng của con người thông qua những phân cảnh tra tấn đầy tàn bạo.

Những game tởm nhất mọi thời đại (p.3): I have no mouth and I must scream.
Tạm gác qua những máu me thông thường, I have no mouth and I must scream sẽ khiến ta phải suy xét về ý nghĩa của sự tồn tại và công nghệ máy móc.

Những tượng đài game bắt đầu được sinh ra

Trong một bước ngoặt khá thú vị, Human Entertainment có trụ sở tại Nhật Bản đã mang tới Clock Tower cho hệ Super Famicon vào năm 1995. Trò chơi nhanh chóng được biết tới nhờ vào bầu không khí căng thẳng và gã Scissorman, cùng cây kéo biểu tượng, kẻ truy sát nhân vật chính trong toàn bộ thời lượng game. Clock Tower chưa bao giờ chính thức phát hành bên ngoài thị trường Nhật, mặc dù nó có một phiên bản nâng cấp vào năm 1997 cho PC và PlayStation.

Làng game đã bị

Quay trở lại vào năm 1994, một dự án thú vị khác được hình thành. Looking Glass Studio cùng với Warren Spector đã phát triển System Shock. Đây có thể coi là một cuộc cách mạng của ngành công nghiệp game. Trò chơi là sự pha trộn tuyệt vời giữa game RPG và game bắn súng FPS, cùng với đó là bầu không khí đáng sợ khiến bất cứ ai cũng phải lạnh gáy khi chơi. Cho tới nay, System Shock vẫn được nhắc tới như một biểu tượng của ngành game và rất nhiều game thủ mong muốn những bản remake hay remastered của tựa game này.

Vào năm 1996, huyền thoại Resident Evil cuối cùng cũng được phát hành. Vào thời điểm đó, Resident Evil không mang lại một điều gì mới lạ trong thể loại kinh dị, nhưng từng yếu tố được chăm chút và kết hợp lại với nhau đã giúp cho trò chơi trở thành một tượng đài. Điểm nhấn của R.E nằm ở góc camera cố định, khi người chơi bước sang căn phòng khác, camera cũng đổi góc theo. Điều này làm cho người chơi không thể phán đoán được mình đang phải đối mặt với cái gì. Bên cạnh đó, các câu đố Resident Evil khiến game càng chơi càng sợ nhưng lại càng hấp dẫn và gây nghiện. Hai năm sau, năm 1998, Capcom nhanh chóng tung ra Resident Evil 2 với chất lượng hình ảnh thậm chí còn tốt hơn, cũng như một cốt truyện tuyệt vời với hàng tấn bí mật cho người chơi khám phá.

Nguồn gốc của game kinh dị: Hành trình nỗi sợ hãi xâm chiếm ngành công nghiệp trò chơi (Phần 1)

Tới năm 1999, Konami tung Silent Hill vào sân chơi game kinh dị. Các yếu tố hấp dẫn mà Silent Hill đem lại rất đơn giản: những bản nhạc tuyệt vời vang lên trong bối cảnh những căn phòng tối cùng một chiếc đèn pin bị hỏng. Đơn giản nhưng đầy hiệu quả, Silent Hill đánh trúng vào tâm lý sợ hãi từ tận trong sâu thẳm của mỗi người. Trong suốt thời lượng game, Silent Hill bắt người chơi phải sống trong những phút giây lo lắng và căng thẳng tột độ.

Và kể từ đó, Silent Hill cùng Resident Evil được coi là 2 trụ cột lớn nhất của dòng game kinh dị, có ảnh hưởng rất lớn tới nhiều trò chơi cùng thể loại sau này.

(Còn tiếp)

Đây là bài viết nằm trong loạt bài về Lịch sử dòng game kinh dị
  1. Làng game đã bị “dọa chết khiếp” như thế nào – P.1