Một điều khá thú vị là dù cho thập niên 90 là khoảng thời gian bùng nổ của thương hiệu game Star Wars nhưng phần lớn những tựa game tuyệt vời nhất của LucasArts trong thời kỳ này lại thuộc về thể loại game phiêu lưu giải đố.
Loom (1990)
Chúng ta hãy bắt đầu từ tháng 1 năm 1990 với sự phát hành của Loom, cuộc phiêu lưu giữa một thế giới tràn ngập phép màu.
Loom có một cơ chế gameplay mới toanh cho phép người chơi sử dụng nhiều câu thần chú đa dạng với những nốt nhạc để giải quyết các câu đố, khác biệt hoàn toàn so với những tựa game phiêu lưu trước đây của LucasArts khi người chơi cần phải tương tác với môi trường, vật phẩm hay các nhân vật để qua màn.
Loom được khen ngợi về cốt truyện cuốn hút, đồ họa tuyệt đẹp cũng như gameplay mới mẻ. Vào năm 2011, tựa game này dành được vị trí thứ 61 trong danh sách những trò chơi phiêu lưu hay nhất từng được phát hành. Đáng tiếc là dù nhận được rất nhiều lời khen ngợi nhưng doanh thu của Loom lại chẳng đủ để khiến LucasArts suy nghĩ về việc phát triển phần 2.
Series game Monkey Island
Cũng trong năm 1990, LucasArts đã ra mắt The Secret of Monkey Island, thành viên đầu tiên trong series Monkey Island đình đám. Dù những tựa game phiêu lưu trước đây của LucasArts đã có những thành công nhất định, thế nhưng The Secret of Monkey Island lại vượt trội hơn hẳn, hay tới mức mà bản “tân trang” của tựa game này vào năm 2009 vẫn được các game thủ khen ngợi hết lời.
Trong The Secret of Monkey Island, người chơi sẽ nhập vai vào anh chàng Guybrush Threepwood với giấc mơ làm cướp biển, chúng ta sẽ phiêu lưu trong một thế giới đậm chất “cướp biển vùng Carribean” và gặp phải những tình huống cười đau cả bụng, thêm vào đó là những câu đố hay tuyệt. Bạn còn có thể yêu cầu gì hơn từ một trò chơi phiêu lưu giải đố cơ chứ?
Vào năm 1991, LucasArts ra mắt Monkey Island 2: LeChuck’s Revenge, tựa game này đã kế thừa và phát huy những ưu điểm của Monkey Island 1 như lối chơi, cách thiết kế các câu đố và những tình huống gây cười. Vì vậy, tất nhiên là Monkey Island 2 cũng có cho riêng mình một bản “tân trang” vào năm 2010 rồi.
The Curse of Monkey Island, phần ba của loạt game Monkey Island được ra mắt vào năm 1997 và là trò chơi phiêu lưu point ‘n click cuối cùng của LucasArts. Chẳng bao lâu sau khi tựa game này được phát hành, thể loại game phiêu lưu point ‘n click nhanh chóng hết thời khi những tựa game 3D như Super Mario 64 hay Quake bắt đầu xuất hiện.
Cả 3 phần trong loạt game Monkey Island đều thành công về mặt đánh giá lẫn doanh thu. Cho dù hiện nay các tựa game phiêu lưu point ‘n click đã không còn được nhiều người yêu thích nhưng cả 3 tựa game này vẫn thường xuyên được gọi tên trong hàng loạt các danh sách game phiêu lưu hay nhất mọi thời đại.
Series Monkey Island vẫn được LucasArt phát triển thêm ở những năm sau đó, tuy nhiên yếu tố point ‘n click đã bị gỡ bỏ và khá mờ nhạt trong gameplay.
Maniac Mansion: Day of the Tentacle (1993)
Dù Mọt thực sự rất yêu thích cảm giác tập làm cướp biển trong series Monkey Island nhưng thật ra thì Day of the Tentacle cũng hay không kém.
Trong Day of the Tentacle, bạn có thể chuyển đổi giữa 3 nhân vật khác nhau, đặc biệt hơn cả là 3 nhân vật này lại ở trong các chiều thời gian khác nhau. Vì vậy, có những câu đố yêu cầu người chơi phải làm một điều gì đó ở quá khứ (giấu một chai rượu ở đâu đó) để ảnh hưởng tới tương lai (rượu sau khoảng thời gian dài đã chuyển thành giấm). Chỉ nghe vậy thôi thì chúng ta đã biết rằng tựa game này có yêu cầu người chơi phải động não nhiều như thế nào rồi.
Có khá nhiều người phàn nàn rằng Day of the Tentacle có thời lượng quá ngắn nhưng Mọt thà chơi một tựa game hay nhưng ngắn còn hơn là phải chơi một game vừa dài lại dở.
Dù nhận được rất nhiều lời khen ngợi cũng như đề cử nhưng sự thật là doanh thu của Day of the Tentacle lại chẳng được như mong đợi với chỉ hơn 80 nghìn bản được bán ra.
Indiana Jones and the Fate of Atlantis (1992)
Dù có tới 5 tựa game Indiana Jones được LucasArts phát hành trong thập niên 90 nhưng đáng tiếc chỉ có duy nhất Indiana Jones and the Fate of Atlantis là được tính vào hàng ngũ huyền thoại.
Indiana Jones and the Fate of Atlantis mang tới những trải nghiệm đậm chất Indiana Jones thực sự. Bạn sẽ có cơ hội giải mã những bí mật trong khi đi du lịch khắp nơi trên những phương tiện cũng đậm chất Indiana Jones như tàu ngầm của phát xít Đức, khinh khí cầu hay tàu điện ngầm dưới lòng đất của người Atlantis. Còn tựa game nào tuyệt vời hơn cho những tâm hồn yêu thích sự tự do và khám phá cơ chứ.
Đây cũng là trò chơi phiêu lưu point ‘n click có doanh thu cao nhất của LucasArts với hơn 1 triệu bản được bán ra, được IGN trao giải “tựa game phiêu lưu hay nhất năm” và được nhiều người coi là tựa game hay nhất của LucasArts từ trước tới nay.
Thương hiệu game Star Wars
Có lẽ phương châm của LucasArts khi phát triển game Star Wars trong thập niên 90 là: “Lấy số lượng bù chất lượng.” Với hơn 20 tựa game được phát hành trong thập niên 90 nhưng lại chẳng có mấy game được đánh giá cao. Dù vậy nhưng một tựa game chỉ cần mang nhãn hiệu Star Wars thì dù có dở tới mấy thì cũng có thể bán được nhiều hơn so với những thương hiệu game mới toanh.
Một trong số những tựa game nổi bật nhất là Star Wars: Dark Force, tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất được ra mắt vào năm 1995. Trong game, bạn sẽ phải đối đầu với hàng loạt nhân vật từ vũ trụ Star Wars để vượt qua những thử thách và hoàn thành các nhiệm vụ.
Dù là game Star Wars đàng hoàng nhưng vào thời điểm đó, Dark Forces lại thường được gọi là “bản sao của Doom” trong khi tựa game này chỉ “kế thừa và phát triển” thêm những ưu điểm của Doom mà thôi, nghe có tức không chứ?
Thôi thì kệ miệng đời hiểm ác, Dark Forces vẫn tẩu tán được gần 1 triệu bản game tại thị trường Mỹ chỉ trong vòng 4 năm. Ngoài ra, Dark Forces cung là phần đầu tiên của loạt game lừng danh Star Wars: Jedi Knight.
Chúng ta cũng không thể bỏ qua game bắn máy bay X Wing, Rogue Squadron và Rebel Assault, những trò chơi có thể thỏa mãn ước mơ điều khiển phi thuyền của game thủ. Mà bởi vì thỏa mãn ước mơ của game thủ nên tất nhiên những tựa game này đều được chào đón nhiệt liệt rồi.
Nhìn lại thập niên 90 của LucasArts, chúng ta có thể thấy được rằng phần lớn các trò chơi hay đều được phát hành khá sớm. Vì vậy, có nhiều người cho rằng LucasArts đã đạt tới đỉnh cao của mình trong những năm đầu tiên của thập niên 90 và kể từ đó thì hãng game đã dần cạn kiệt ý tưởng, chẳng còn có thể làm ra tựa game tuyệt vời nào nữa.
Còn tiếp…