Vào những năm 2000, “ông lớn” LucasArts đã phải phụ thuộc vào việc phát hành game của các studio khác để tồn tại, đây là một sự thật khó có thể chấp nhận được khi LucasArts từng là công ty làm ra hàng loạt các tuyệt phẩm game trong những thập niên 80, 90.
Vào tháng 6 năm 2011, Paul Meegan, tổng giám đốc lúc bấy giờ của LucasArts đã thông báo về kế hoạch để đưa công ty trở lại thời kỳ hoàng kim.
“Trong những năm gần đây, LucasArts đã đánh mất đi phương hướng,” ông nói. “Chúng ta đáng lẽ nên làm ra những tựa game xứng đáng với cái tên LucasArts, những trò chơi chất lượng nhất trên thị trường nhưng chúng ta đã không làm vậy. Điều này cần phải thay đổi.”
Dù Meegan đã rất quyết tâm trong việc phục hưng LucasArts nhưng lúc đó thì mọi việc đã quá trễ.
Tháng 11 năm 2012, George Lucas quyết định bán toàn bộ công ty Lucasfilm cho “chú chuột” Disney, trong đó bao gồm thương hiệu Star Wars, Indiana Jones và cả LucasArts.
Vào một ngày đầu hè tháng 4 năm 2013, Disney đã đặt dấu chấm hết cho LucasArts, công ty game nổi danh một thời với những tựa game phiêu lưu huyền thoại và đã phát hàng hàng loạt trò chơi Star Wars đã chính thức đi vào dĩ vãng. Dù cái tên LucasArts vẫn tiếp tục tồn tại với mục đích cấp phép, công ty game LucasArts đã không còn tồn tại nữa.
Hai dự án game đầy hứa hẹn của LucasArts lúc bấy giờ là Star Wars: First Assault và Star Wars 1313 đã bị huỷ bỏ, nhân viên mỗi người một nơi. Thương hiệu game Star War khi đó được EA tiếp quản để phát triển những bản remake của loạt game Battlefront.
Chúng ta chỉ biết tới những gì được Lucasfilm và Disney thông báo. Tuy nhiên sự thật là LucasArts đã gặp phải rất nhiều vấn đề nội bộ nghiêm trọng từ trước khi Disney mua lại Lucasfilm.
Sự thật đằng sau sự sụp đổ của huyền thoại LucasArts
Có một câu nói khá thú vị trong ngành game như thế này: “Làm game cũng giống như chèo thuyền trên sông vậy, thỉnh thoảng bạn sẽ gặp phải một vài nơi có dòng nước chảy xiết.” Tuy nhiên theo Mọt thấy thì việc làm game ở LucasArts lại giống như đang phải liên tục chèo thuyền trong xoáy nước hơn.
Ly do dễ thấy nhất cho sự sụp đổ của LucasArts là việc thay đổi tổng giám đốc liên tục, tận 3 người trong khoảng thời gian 4 năm từ 2008 tới 2012. Cứ mỗi lần có tổng giám đốc mới nghĩa là sẽ có nhiều nhân viên phải ra đi, các dự án game bị huỷ bỏ và phương hướng phát triển của LucasArts cũng thay đổi. Như vậy thì làm sao nhân viên có thể tập trung vào việc làm game được cơ chứ?
Một số cựu nhân viên của LucasArts đổ lỗi cho tổng giám đốc. Một vài người khác thì chỉ trích LucasFilm vì đã không chấp nhận những rủi ro để có thể làm ra những tựa game xứng đáng với thương hiệu Star Wars. Còn có một vài người khác thì cho rằng Micheline Chau, tổng giám đốc của Lucasfilm vào thời điểm đó là nguyên nhân chính dẫn tới sự sụp đổ của LucasArts cũng như việc thay đổi tổng giám đốc thường xuyên.
Theo những cựu nhân viên ở LucasArts thì Micheline đã kiểm soát chặt chẽ lịch trình của George Lucas. Thêm vào đó, các nhân viên sẽ phải gặp bà ấy trước khi được phép gặp George, họ sẽ chỉ được nói những gì mà Micheline cho phép.
“Dù George hiểu được bản chất của trò chơi điện tử nhưng chúng tôi đã không có đủ thời gian để nói chuyện với ông ấy,” một cựu nhân viên của LucasArts nói.
“Tôi cảm thấy Lucasfilm không quan tâm tới việc làm ra những tựa game hay,” một cựu nhân viên khác chia sẻ. “Có rất nhiều dự án game đầy hứa hẹn đã không được phát triển bởi vì ‘nó không kiếm được đủ tiền đâu.’”
Ví dụ như Star War 1313, một tựa game đầy tham vọng. Ban đầu, nhóm phát triển 1313 đã mơ về sự kết hợp giữa Star Wars và GTA, bối cảnh được đặt ở hành tình Coruscant đầy rẫy nhưng tên thợ săn tiền thưởng và tổ chức tội phạm.
Tuy nhiên, để làm ra một trò chơi như thế thì nhóm phát triển cần thêm hàng trăm thành viên và sẽ tiêu tốn hàng triệu đô. Đó là những rủi ro quá lớn mà Lucasfilm đã không chịu chấp nhận.
Clint Hocking, nhà thiết kế tựa game Far Cry 2 cũng đã gặp phải tình trạng tương tự khi gia nhập vào LucasArts vào năm 2010. Sau khi Clint dành 1 năm rưỡi để thiết kế một tựa game thế giới mở phức tạp với nhiều sự lựa chọn và hệ quả khác nhau thì ông nhận được tin là dự án của ông đã bị huỷ bỏ. Clint Hocking rời khỏi LucasArts vào giữa năm 2012.
Ngoài ra, việc hoạt động dưới trướng của một công ty làm phim cũng có vấn đề. George Lucas thường xuyên thay đổi ý kiến của mình mà không biết rằng việc thay đổi một tựa game phức tạp hơn việc quay lại một vài cảnh phim rất nhiều. Ví dụ như trong quá trình phát triển 1313, George đã nhiều lần yêu cầu nhóm phát triển game phải làm lại tựa game theo ý kiến của mình.
Thêm vào đó, việc George thỉnh thoảng cứ tới thăm LucasArts cũng khiến nội bộ công ty vốn đã loạn còn trở nên loạn hơn.
“Cứ một vài năm thì George Lucas lại quan tâm tới việc làm game một lần,” một cựu nhân viên của LucasArts kể lại. “Khi đó toàn bộ công ty sẽ xoay quanh những ý tưởng của Geroge để rồi sau đó những ý tưởng này lại tan thành mây khói.”
Nội bộ công ty quá hỗn loạn, Lucasfilm lại chẳng hứng thú mấy với việc làm game. Sự sụp đổ của LucasArts đã là một việc hiển nhiên.
Những điều tốt đẹp còn sót lại
LucasArts đã cho ra đời hàng loạt những trò chơi tuyệt vời và đã góp phần mang game tới với rất nhiều người trên thế giới.
Loạt game Indiana Jones và Monkey Island thực sự đã thay đổi cách mà người ta làm game phiêu lưu, nhờ đó mà bây giờ chúng ta mới có được những tựa game như Fallout 4, The Wakling Dead, The Wolf Among Us, Little Nightmares…. Thương hiệu Star Wars đã, đang và sẽ tiếp tục là một trong những thương hiệu game được game thủ yêu quý hết mực.
LucasArts không chỉ là một công ty làm game, nó đã trở thành một dấu ấn khó phai mờ trong trái tim của hàng triệu game thủ trên khắp thế giới. Mọt tin chắc rằng những trò chơi mà LucasArts làm ra vẫn sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng cũng như mục tiêu cho những rất nhiều game trong tương lai.
Trong một diễn biến khác thì vào tháng 1 vừa qua, Disney đã khiến cộng đồng game thủ “dậy sóng” khi hồi sinh lại cái tên Lucasfilm Games. Chúng ta vẫn chưa biết Disney đang có kế hoạch gì nhưng Mọt mong là họ có thể khiến cái tên Lucasfilm Games một lần nữa toả sáng.
Hết.