Có một thời gian trong ngành công nghiệp game, bạn chỉ cần trả tiền một lần là đã có được những trải nghiệm đầy đủ, không cần phải mất thêm đồng phí nào nữa. Theo thời gian, các nhà làm game đã nghĩ ra một phương án kinh doanh mới để có nguồn vốn dồi dào hơn trong việc duy trì và phát triển, đó là microtransaction hay còn gọi là giao dịch vi mô.
Khái niệm về các giao dịch vi mô này xuất hiện từ năm 2001, trong trò chơi mạng xã hội có tên Habbo Hotel. Tới cuối năm 2005 – đầu năm 2006, Microsoft giới thiệu một hệ thống giao dịch của riêng họ có tên là Microsoft Points, nơi người dùng có thể chi tiền thật vào các mặt hàng kỹ thuật số. Kể từ đó, microtransaction dần trở nên phổ biến hơn trong ngành công nghiệp game.
Với mỗi tựa game, có thể các giao dịch vi mô và giá cả sẽ được đưa vào với hình thức khác nhau, nhưng bản chất của nó thì không thay đổi. Có thể coi đây là một mô hình kinh doanh cần thiết cho những trò chơi được phát hành dưới dạng miễn phí, giúp cho các nhà làm game có được nguồn thu nhập ổn định cho các dự án về sau.
Tuy nhiên, theo thời gian, micrortransaction lại trở thành một mô hình cho các nhà làm game “tận thu” ví tiền của game thủ và bằng nhiều cách khác nhau. Có những hình thức giao dịch vi mô trở nên tiêu cực tới mức, một số quốc gia trên thế giới này buộc phải đưa nó vào danh sách cấm.
Mở rộng nội dung
Đây là một dạng microtransaction mà qua đó, các nhà phát triển hay phát hành quy đổi tiền thật của game thủ thành nội dung bổ sung cho trò chơi gốc, hay chúng ta có thể gọi chung lại là một bản DLC. Thông thường các bản DLC này có thể được bán riêng biệt hoặc gộp chung với bản game gốc (dĩ nhiên là với giá đắt đỏ hơn). Một số nhánh con của bản mở rộng nội dung bao gồm:
- Mở rộng chiến dịch
- Mở rộng độc lập
- DLC Multiplayer
Phần mở rộng chiến dịch và mở rộng độc lập có điểm chung là cung cấp một trải nghiệm khác biệt với thế giới, tuyến nhân vật, cốt truyện mới. Mở rộng độc lập là cách các nhà phát triển có thể tập trung hơn vào một số nhân vật nổi bật trong phần game gốc, bên cạnh nhân vật chính. Ví dụ như The Last of Us: Left Behind nói rõ hơn về quá khứ của Ellie, Uncharted: The Lost Legacy nói về Chloe Frazer cùng Nadine Ross,…
Mặt khác, mở rộng chiến dịch là nội dung được phát hành dựa trên cốt truyện của game gốc. Đó đôi khi là một vùng đất mới được mở ra trên bản đồ, một ý tưởng nào đó bổ sung và gắn kết với cốt truyện chính, nhân vật chính cũng được giữ nguyên. Ví dụ như Grand Theft Auto IV: The Lost and Damned, The Witcher III: Wild Hunt – Blood and Wine hay Bloodborne: The Old Hunters.
Battle Pass
Từ năm 2017, thể loại game Battle Royale nổi lên như một thế lực mạnh mẽ trong cộng đồng game thủ. Nó có ảnh hưởng quá nhiều tới sự phát triển của ngành công nghiệp game. Tuy nhiên, điểm yếu của Battle Royale chính là khó đổi mới. Các trò chơi chủ yếu diễn ra trên một bản đồ rộng, nơi người chơi được tự do làm bất cứ điều gì nhưng cướp xe, cướp súng, hạ gục những người chơi khác để trở thành người sống sót cuối cùng. Có thể mỗi trò chơi sẽ có ít nhiều sự đổi khác, nhưng vẫn phải theo những gì cơ bản nhất của Battle Royale.
Theo thời gian, sự lặp đi lặp lại của thể loại này dẫn tới việc nhàm chán. Đó là lúc Battle Pass bước vào, khiến cho Battle Royale trở nên thú vị hơn. Hình thức microtransaction này yêu cầu game thủ trả một số tiền nho nhỏ để đổi lấy các nhiệm vụ có phần thưởng, đôi khi là tiền thật hoặc tiền tệ, item trong game. Người chơi muốn nhận thưởng bắt buộc phải hoàn thành những nhiệm vụ hay hoạt động mà Battle Pass yêu cầu.
Sau khi hoàn thành, Battle Pass mùa tiếp theo sẽ đổi mới, đưa ra nhiệm vụ cũng như các phần thưởng khác nhau. Điều này giúp cho người chơi luôn cảm thấy mới lạ mặc dù cơ chế gameplay chẳng cần phải thay đổi gì. Giá của Battle Pass thường rơi vào khoảng 10 USD trở lên cho mỗi mùa.
Skin làm đẹp
Đây là một hình thức microtransaction được các hãng game đánh vào tâm lý muốn nổi bật của người chơi. Trong các game online hay phần chơi Multiplayer, đa số chúng ta đều muốn nhân vật của mình mang dáng vẻ độc đáo so với phần còn lại. Do đó, hãng game đã phát triển các mặt hàng làm đẹp để các game thủ có thể mua nó, làm mới cho nhân vật mình, thông qua cửa hàng trong game.
Tùy vào game mà hình thức “làm đẹp” này được phát triển khác nhau. Có trò chơi cho phép các skin tăng chỉ số sức mạnh, nhưng cũng có những game phát hành skin chỉ có duy nhất chức năng làm đẹp. Ngay cả khi không có tác dụng gì đối với một trận đấu, thị trường skin vẫn là mô hình kiếm tiền tương đối ổn định của các hãng. Nổi tiếng nhất phải kể đến Counter-Strike: Global Offensive (CS: GO) hay Team Fortress 2.
Với loại hình microtransaction này, người chơi sẽ không chỉ được làm đẹp cho vũ khí mà còn cả ngoại hình nhân vật của mình nữa. Epic Games đã vượt trội lên trong khoản này với trò chơi Fortnite. Chỉ riêng năm 2018, hãng đã kiếm được 2,4 tỷ USD chỉ nhờ vào việc bán các skin làm đẹp. Số tiền này cho phép họ đạt được những thỏa thuận quan trọng, mở rộng ra các skin có bản quyền từ phim ảnh hay truyện tranh.
Quy đổi tiền kỹ thuật số trong game
Một hình thức microtransaction nữa cũng cực kỳ phổ biến hiện nay, đó là quy đổi tiền thật thành tiền trong game. Mỗi trò chơi sẽ có cách gọi và cách quy đổi từ tiền thật sang tiền kỹ thuật số khác nhau. Ví dụ như Fortnite gọi là V-buck, Clash of Clans sẽ gọi là Gems hay gọi là Points như trong FIFA. Loại tiền kỹ thuật số này được người chơi sử dụng để mua bán các vật phẩm hay bất cứ giao dịch vi mô nào trong một trò chơi.
Đây là cơ chế microtransaction gây ra rất nhiều tranh cãi trong cộng đồng game thủ. Nó phân chia quá rõ rệt game thủ giàu và game thủ nghèo. Người nào nạp càng nhiều tiền sẽ trở nên mạnh hơn, nhiều đồ vip hơn và những người chơi miễn phí sẽ không bao giờ có thể đuổi kịp, dẫu cho có cày game cả đời.
Bên cạnh đó, cũng có trò chơi cho phép quy đổi sang tiền kỹ thuật số chỉ để mua các skin làm đẹp. Chúng không có ảnh hưởng gì tới trình độ và sự công bằng trong mỗi trận đấu. Có những trò chơi mobile chỉ đơn giản là nạp tiền thật, quy đổi sang tiền in-game để loại bỏ quảng cáo.
Tiết kiệm thời gian
Nếu thường xuyên chơi điện tử trên điện thoại, chắc chẳn bạn sẽ không thấy xa lạ gì với việc phải chờ đợi thời gian mới nhận được phần thưởng hay đợi thời gian hồi phục năng lượng chơi. Đây là một cách để các nhà phát triển game muốn hướng bạn sang một phương pháp microtransaction, đó là nạp tiền mua thời gian. Trên thực tế, cách thức này có khá nhiều tranh cãi liên quan.
Về cơ bản thì nó không có ảnh hưởng tới sự công bằng trong các trận đấu hay công bằng giữa những game thủ với nhau. Việc nạp tiền cho phép game thủ rút ngắn thời gian chờ đợi lại, có thể truy cập ngay lập tức vào các gói nội dung đang chờ unlock của nhà phát hành. Vậy điều đó là tốt hay xấu? Việc này rất khó để xác định khi nhiều game thủ phàn nàn rằng trò chơi của họ bị giới hạn năng lượng, nên không thể cày game quá lâu, cuối cùng họ lại phải bỏ tiền ra để mua năng lượng chơi. Họ thấy thật lố bịch khi mình phải mua lượt chơi cho một tựa game mình đã bỏ cả đống tiền ra ủng hộ rồi.
Dẫu sao nếu bạn là người ngại phải chờ đợi, nhà phát hành game đã mở cơ hội cho bạn trải nghiệm nhanh hơn, tiết kiệm thời gian hơn bằng cách…chi tiền.
Loot Box
Có lẽ tất cả chúng ta đều quen thuộc với Loot Box, đây chính là tâm điểm tranh cãi của cộng đồng game thủ cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Về cơ bản thì nhiều người coi đây là một loại hình cờ bạc trá hình. Người chơi sẽ nạp một số tiền thật, sau đó quy đổi thành tiền kỹ thuật số để mua Loot Box, cuối cùng là bạn sẽ phải ngồi hi vọng mình mở được món đồ gì đó ngon nghẻ. Tuy nhiên, hầu hết những chiếc Loot Box này đều đem lại cho người chơi những sự ức chế và bực mình vì toàn ra item lởm.
Việc mở Loot Box có thực sự phụ thuộc vào may mắn hay không thì không ai biết. Nhưng nó đã làm dấy lên rất nhiều những chỉ trích khi nhiều trò chơi cố tình dựa vào Loot Box, ép game thủ nạp tiền để mở đồ lấy trang bị nâng cấp.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận được mô hình kinh doanh Loot Box đem lại rất nhiều tiền. Blizzard từng tiết lộ các giao dịch Loot Box đã giúp họ thu về tới 1 tỷ USD doanh thu. Điều này giúp họ có nguồn vốn dồi dào để tái đầu tư và phát triển các trò chơi. Do đó, ý kiến về việc Loot Box có phải là một hình thức microtransaction cần phải loại bỏ không cho tới giờ vẫn chưa được giải quyết rõ ràng.