Tính năng game và những hành vi ngớ ngẩn mà một trò chơi có thể làm ra – P.2 - PC/Console

Không tự đi tìm chết ắt không bao giờ phải chết, câu nói này có thể không áp dụng được với các tựa game vào ngày nay bởi NSX có quá nhiều yêu cầu vô lý và ngớ ngẩn yêu cầu người ta phải thực hiện.

Game hành động lén lút chỉ hay khi nó xảy ra đúng nơi đúng lúc

Đừng hiểu lầm, hành động lén lút rất hấp dẫn và hầu hết người ta chơi Stealth Action không phải vì kết quả bởi quá trình lén lút đã là sự hưởng thụ rất lớn rồi. Tuy nhiên khi một tựa game không thuộc thể loại hành động lén lút lại cố gắng “nhập khẩu” thêm yếu tố này cho phong phú lối chơi thì đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Đang bắn giết đùng đùng bỗng dưng game yêu cầu bạn phải đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên? Oke, lâu lâu làm tí đổi gió cũng không có gì không ổn. Sự việc chỉ trở nên khó chịu khi bạn bạn bị kẻ địch phát hiện và game over. Cảm giác lúc này là, này tôi đang chơi một game hành động đỉnh cao, tôi có thể thổi tung mọi kẻ thù với vũ khí của mình và bây giờ tôi bị game over chỉ vì mấy thằng nhãi nhép phát hiện. Đùa kiểu gì thế?

Tính năng game và những hành vi ngớ ngẩn mà một trò chơi có thể làm ra – P.2

Đó là cách mà các NSX của Castlevania: Lords of Shadow 2 tiêu diệt cảm xúc của người chơi. Rõ ràng từ đầu đã xác định đây sẽ là một game chặt chém cuồng bạo và nó vẫn đúng như thế cho đến khi người ta bất chợt bước vào một cảnh cần Stealth Action và tạch chỉ vì lỡ giẫm lên một chiếc lá. Game càng bị ghét hơn khi chứng kiến sự chỉ trích quá nhiều, giám đốc dự án còn lớn tiếng chửi bới kiểu thằng nào chê game của tao thì một là mù hai bị ngu. Bỏ qua vụ chửi bởi của tay giám đốc đó thì những điều người ta than phiền về LoS2 là hoàn toàn có thật. Thậm chí cả những game như Marvel’s Spider-Man cũng khiến người ta cảm thấy thật ngớ ngẩn khi điều khiển Mary Jane hoặc Miles Morales trong các nhiệm vụ lén lút. Nhàm chán, mệt mỏi và thấy bản thân thật ngu ngốc chính là cảm giác khi buộc phải chơi với phong cách lén lút trong một game hành động thuần túy.

Phải cày cuốc thêm hàng chục giờ để xem bí mật chung cực

Thu thập chiến tích là thứ đã được mã hóa vào AND của trò chơi điện tử ngay từ những ngày còn sơ khai bởi các tay lập trình viên đầy tinh quái, có thể coi đó là một trò tiêu khiển trong tiêu khiển vậy. Ví dụ như các ngôi sao trong Super mario 64, thu thập chúng không chỉ thú vị mà nó còn là một điều kiện quan trọng giúp giải cứu công chúa Bitch Peach. Kết quả tương tự cũng xảy ra với các Gym Badge trong Pokémon bởi chúng giống như giấy chứng nhận giúp nhân vật chính lên đường bình an. Có thể nói khi việc sưu tập thành tích được kết hợp hoàn hảo vào diễn biến của cốt truyện chính, hiệu ứng tích cực sẽ gia tăng theo cấp số nhân nhưng nếu lật lại vấn đề thì hậu quả sẽ khá nghiêm trọng nếu người ta không làm theo hướng dẫn. Điển hình là vụ thu thập để mở khóa true ending đôi khi khiến người ta không cảm thấy đó là một phần thưởng mà giống như gánh nặng thì đúng hơn.

Tính năng game và những hành vi ngớ ngẩn mà một trò chơi có thể làm ra – P.2

Nhiều người chơi game để giải trí và muốn nghỉ ngơi sau khi hoàn thành nó. Thật không công bằng khi phải ngồi hàng giờ và làm đủ trò chỉ để nhận về cái kết đẹp nhất, thứ đã bị các NSX ẩn giấu đi. Đâu phải ai cũng thích hoàn thành mọi thứ trong viên mãn, với một số game thủ, chỉ cần về nước một lần là đủ sảng khoái rồi, họ không nghĩ sẽ cày đi cày lại chỉ để mở khóa một kết thúc hoàn mỹ. Các NSX của Sonic the Hedgehog lại không nghĩ vậy và họ quyết định chỉ những ai thu thập đủ các viên Chaos Emerald mới đủ tư cách xem true ending. Batman: Arkham Knight cũng gặp vấn đề tương tự với những câu đố của Riddler cùng hàng trăm vật phẩm cần thu thập khác. Trò chơi chỉ vui khi nào người ta tự nguyện, khi sự ép buộc bắt đầu xuất hiện thì xin lỗi, cuộc vui đã tàn rồi.

Đi, đi nữa, đi mãi nhưng không thể ra khỏi khu vực chỉ định

Không có thù oán cá nhân gì với Red Dead Redemption 2 nhưng chẳng hiểu vì sao các ví dụ về mặt trái của trò chơi điên tử lại xuất hiện quá nhiều trong tựa game này. Về cơ bản RDRII là là một trò chơi nhập vai thế giới mở vô cùng hấp dẫn, nơi bạn có thể làm mọi điều mình thích bởi vì bản thân là một kẻ ngoài vòng pháp luật chính hiệu con nai vàng ngơ ngác. Cỡi ngựa băng ngang qua vùng viễn tây và tiếp cận với những mục tiêu tùy theo cách thức mà bản thân mong muốn. Lén lút đột nhập hay làm điều đó thật ồn ào cùng với khẩu Remington là lựa chọn của riêng mỗi người. Tuy nhiên trong game có một quy tắc bất di bất dịch, đó là cấm chạy khi bước vào trại hoặc khu dân cư. Cũng bởi vì trò chơi muốn như thế nên người ta sẽ phải lê bước chậm chạp mỗi khi bước vào khu vực này, thật là kỳ lạ.

Tính năng game và những hành vi ngớ ngẩn mà một trò chơi có thể làm ra – P.2

Câu chuyện tương tự sẽ được lặp lại trong Pokémon khi nhân vật chính thường xuyên bị những NPC có thẩm quyền yêu cầu “phải đi đâu đó” tại một số khu vực nhất định với phương tiện hai cẳng. Xe đạp cùng giày tăng tốc không được phép sử dụng trong trường hợp này. Chắc chắn những sự bó buộc này đều mang ý nghĩa nào đó hoặc đơn thuần chỉ là những ý tưởng ác ôn của đám NSX. Không thể biết rõ về ý nghĩa thật sự của chuyện đó nhưng nói gì thì nói rất nhiều khi đang phiêu theo cốt truyện của trò chơi bỗng nhiên bị ép buộc bước đi khoan thai từ tốn và lễ độ như một quý ông cũng khiếm đám game thủ rất ư là mất hứng.

Bảng xếp hạng cho những ổ bánh mì trong game
Game nào có miếng bánh mì ngon nhất, đâu là ổ bánh mì dở nhất, và đâu là thứ bánh mì bạn thậm chí còn không muốn nhắc đến chứ đừng nói tới ăn?

Cảm ứng chuyển động rất ngầu nhưng nhìn kỹ thì chưa chắc

The Legend of Zelda: Breath of the Wild có những câu đố cần giải trong các điện thờ rất thú vị. Một số hoàn toàn bình thường dựa trên logic hoặc bộ kỹ năng pháp thuật của thím tai nhọn. Số khác hoàn toàn bất quy tắc và yêu cầu người chơi phải nắm vững kỹ thuật điều khiển Joy-Con để có những cử động chính xác nhất để giải đố. Vì không theo một logic nào mà chỉ dựa trên cảm ứng chuyển động, một số yêu cầu trở nên hơi bị khó nhằn nếu người ta không quen kiểu nhúc nhích hay vung vẩy chiếc tay cầm đầy màu sắc của chiếc máy Nintendo Switch theo một quỹ đạo chính xác mà trò chơi yêu cầu.

Tính năng game và những hành vi ngớ ngẩn mà một trò chơi có thể làm ra – P.2

Khi vụ cảm ứng chuyển động này được làm tốt, chúng ta có những màn giải đố đầy thú vị khi người chơi có thể kết hợp vụ gạt cần nhấn nút với đong đưa chiếc điều khiển như trong Heavy Rain chẳng hạn. Thế nhưng đó cũng có thể là cơn ác mộng tồi tệ nhất khi bạn méo làm cách nào mà di chuyển chính xác theo yêu cầu của trò chơi được. Vụ án đẫm máu này xuất hiện rất nhiều lần trong game kinh dị Until Dawn, khi nó yêu cầu ta phải giữ yên tĩnh, không được nhúc nhích tay cầm. Bằng cách nào đó những lần thử chơi đầu tiên đều kết thúc trong thất bại như ngồi không ngay ngắn với màn hình, tay bị mỏi khi giữ quá lâu, thậm chí chức năng rung của tay cầm cũng là thủ phạm khiến game thủ không ít lần phải load lại trò chơi hoặc mất đi nhân vật vĩnh viễn. Không có gì tê hại và ngu ngốc bằng việc cứ phải trầy trật với một hệ thống cảm ứng chuyển động quá nhạy cảm.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e

Đây là bài viết nằm trong loạt bài về Những tính năng ngớ ngẩn trong game
  1. Tính năng game và những hành vi ngớ ngẩn mà một trò chơi có thể làm ra – P.1
  2. Tính năng game và những hành vi ngớ ngẩn mà một trò chơi có thể làm ra – P.2