Chuột, thứ động vật gặm nhắm đáng ghét trừ một số loại hữu ích như chuột bạch, chuột lang nước hay hamster, đám còn lại chỉ giỏi cắn phá đồ đạc hoặc lây truyền những bệnh nguy hiểm như dại, dịch hạch, sốt chuột cắn, nhiễm khuẩn Salmonella. Trong thế giới game, động vật bốn chân này cũng không có nhiều đại diện tích cực, thậm chí chúng còn khiến những game thủ chơi Dishonored hay A Plague Tale: Innocence phải kêu trời vì sự phiền toái kinh khủng. Đây là bài viết năm Canh Tý nói chuyện chuột, dĩ nhiên vẫn sẽ nói về chú thử nhưng đầu năm đầu tháng không ai nói linh vật của năm là dịch bệnh hay truyền nhiễm, chúng ta sẽ thử tìm xem ngoài ăn tàn phá hại, chuột còn có những vai trò gì trong thế giới ảo.
Boo – Baldur’s Gate
Baldur’s Gate, cái tên mà có lẽ bất cứ ai yêu thích thể loại nhập vai truyền thống hẳn đều đã từng biết tới hoặc chí ít cũng có nghe qua mỗi khi trà dư tửu hậu. Chỉ với 3 phần game chính và 8 phần mở rộng cùng ngoại truyện, các NSX như BioWare, Black Isle, Beamdog và Larian đã mở ra một thế hoành tráng, đậm chất sử thi, nơi người chơi có thể tự mình viết lên những thiên anh hùng ca hào hùng của họ. Ra mắt lần đầu vào mùa giáng sinh năm 1998, trong mắt những game thủ thuộc thế hệ 8x, hiển nhiên Baldur’s Gate xứng đáng là một biểu tượng bất diệt không thể xóa nhòa của thể loại nhập vai nói riêng hay ngành công nghiệp game nói chung.
Năm nay là Tết Canh Tý, tất nhiên Mọt tui cũng không quá lạc đề vào những thứ ít quan trong game mà chủ yếu sẽ nói về Boo, thú cưng siêu cấp của cung thủ Minsc. Có một sự thật khá buồn cười là dù được đánh giá rất cao bằng những lời hoa mỹ như cung thủ xuất sắc, bạn đồng hành tiềm năng nhưng ấn tượng sâu sắc nhất khi người ta nhớ về Minsc là thanh niên này có nuôi Boo, chú chuột hang có biệt danh “Miniature Giant Space Hamster”. Đây không đơn thuần là một thú cưng bởi Boo thật sự có khả năng giao tiếp cùng Minsc đồng thời thường xuyên được nhắc đến trong các đoạn hội thoại có tay cung thủ tham gia. Điển hình là trong Baldur’s Gate II, Imoen thường nói cô ta mong muốn có một chú hamster thông minh làm sủng vật. Jan Jansen muốn làm vui lòng người đẹp nên cố gắng trộm Boo vài lần nhưng chưa bao giờ thành công.
Không chỉ xuất hiện trong series Baldur’s Gate, sau này Boo còn được nhắc đến theo cách trực tiếp lẫn gián tiếp trong các tựa game khác do bioWare sản xuất. Vì dụ như trong Mass Effect 2, Shepard có thể mua được một con hamster không gian trong cửa hàng thú cưng. Hay ở Torment: Tides of Numenera, người cho sẽ gặp một thương nhân tên Madelia Glittering, người có 3 quả cầu luôn xoay quanh mình theo một quỹ đạo cố định giống Invoker của Dota 2. Tuy nhiên tay phù thủy siêu đẳng có 3 quả cầu từ 3 thuộc tính Quas, Wex và Exort thì 3 quả cầu của Madelia lại chứa 3 chú hamster có tên Bei, Bu và Bao. Ngoài ra một số nhân vật khác trong Baldur’s Gate cũng có thể vô tình nhắc tới Boo dù Minsc có xuất hiện trong hoạt cảnh đó hay không.
Wrecking Ball – Overwatch
Wrecking Ball không phải là tên của chú chuột này mà là tên của một cỗ máy chiến đấu do chú ta điều khiển, tên thật của chú hamster đột biến này là Hammond hay mẫu thử nghiệm số 8. Trong nhiều thí nghiệm được thực hiện tại khu vực Horizon Lunar Colony, nhiều chủng loại động vật đã được tiến hành liệu pháp biến đổi gen để tăng sự thích nghi với môi trường mới trên mặt trăng. Dù có kết quả khá khả quan, tuy nhiên tác dụng phụ của liệu pháp này khiến những vật chủ tại đây phát triển vượt bậc về kích cỡ và trí thông minh. Mặc dù phần lớn vật thí nghiệm đáng chú ý đều là gorilla hoặc vài động vật linh trưởng nhưng đôi khi bất ngờ vẫn có thể xảy ra như trường hợp của Hammond (Mẫu thử nghiệm số 8) chẳng hạn.
Cũng như những động vật khác, trí thông minh của Hammond không ngừng phát triển và đặc biệt xuất sắc ở những kĩ năng giải quyết vấn đề, thích nghi với hoàn cảnh và trí tò mò về thế giới xung quanh của mình tương tự như Winston. Tác dụng phụ của lòng đam mê khám phá đó là Hammond liên tục tìm đường lẻn ra khỏi khu vực của mình và thám hiểm khắp nơi tại Colony đến mức các nhà nghiên cứu chẳng thể xác định được vị trí của chú. Dù biến mất nhiều ngày liền mới về lại chỗ cũ, chẳng ai dám nghĩ rằng Hammond đã tự lẻn đi để học cho mình nhiều kĩ năng mới hơn như cơ khí và lắp ráp robot. Trước khi Horizon Lunar Colony bị sụp đổ, Hammond đã kịp trốn thoát khỏi lồng của mình. Dù có nhận ra, tuy nhiên các nhà nghiên cứu đều không có thời gian chú ý vì cuộc bạo loạn của đám gorilla đang thu hút mọi sự chú ý.
Hammond không quan tâm thứ gì cả, chú nhanh tay ráp cho mình một chiếc thuyền thoát hiểm, bí mật nối dây của thuyền mình với tàu thoát hiểm của Winston, nhờ đó trốn thoát đến Trái Đất. Khi vào bầu khí quyển, áp suất khiến dây nối giữa 2 thuyền bị đứt khiến Winston rơi xuống Watchpoint: Gibraltar, trong khi Hammond rớt xuống khu hoang dã Outback tại Úc, gần với Junkertown. Hammond nhanh chóng phát hiện nơi này là vùng đất tôn sùng sức mạnh với đạo lý nắm đấm ai to kẻ đó đúng. Để yên thân sống tại Junkertown, Hammond chỉnh sửa con thuyền thoát hiểm của mình thành robot chiến đấu đặc biệt để xưng bá tại đấu trường Scrapyard. Chiến thắng tất cả mọi đối thủ, cỗ máy được đặt tên là Wrecking Ball trở thành một chiến binh bất bại trong thời gian dài, dù chẳng ai biết mặt người điều khiển nó. Qua mỗi chiến thắng, Hammond thu thập đủ tiền và nguyên liệu để nâng cấp robot của mình có thể sống sót trước mọi biến động của khu vực Outback bên ngoài Junkertown.
Hanpan – Wild Arms
Nhắc tới Wild Arms hầu hết những game thủ có chút đam mê với văn hóa viễn Tây đều nhớ đến hình ảnh một trò chơi nhập vai với những nhân vật chính chuyên sử dụng súng chớ không phải là kiếm kiểu các RPG phổ thông như FF hay Tales. Ra mắt lần đầu vào năm 1996, bản Wild Arms đầu tiên khiến thiên hạ tròn mắt bởi sự phá cách đến từ Media.Vision, một hãng tầm trung trước đó chỉ nổi tiếng với các game bắn súng như Crime Crackers hay Rapid Reload. Chuyên làm game bắn súng nay chuyển sang thể loại nhập vai, tưởng chừng Media.Vision sẽ nhanh chóng chìm nghỉm hay ít nhất cũng lạc lối trong lĩnh vực không phải sở trường. Thế nhưng dưới bàn tay tài hoa của Akifumi Kaneko và Takashi Fukushima, thiên hạ đã phát sốt với một game nhập vai truyền thống được kết hợp các yếu tố văn hóa viễn Tây thú vị cùng cơ chế chiến đấu được mô tả hoàn hảo bằng nền tảng đồ họa 3D của máy PlayStation.
Garrett Stampede hay Jack Van Burace là một kiếm sĩ kiêm thợ săn kho báu lừng danh bởi kỹ năng chiến đấu của mình trong các phiên bản Wild Arms, Wild Arms Alter Code: F và Wild Arms 5. Cuộc đời của thằng cha kiếm sĩ này cũng khá là bi tình thương tâm lãng mạng đúng kiểu lore ngôn lù của mấy game nhập vai Nhật Bổn cổ xưa từ hồi thế kỷ trước. Yêu người đẹp, chiến đấu với quỷ thất bại rồi được người đẹp hy sinh để bảo vệ tính mạng từ đó đâm ra hận đời đen bạc nên thích làm lãng khách lang thang mọi nơi làm vui, đại khái theo cốt truyện là thế. Song điều khiến dân tình chú ý về Garrett là khứa kiếm sĩ này có “người” bạn đồng hành siêu cấp dễ thương và thanh lịch vô địch khắp vũ trụ tên Hanpan, một chú chuột với bộ lông màu xanh da trời mướt rượt cùng đôi tai dài quá khổ lúc nào cũng xù lông.
Theo giải thích của cốt truyện Wild Arms, Hanpan thuộc chủng tộc chuột gió (Wind Mice), có khả năng sống rất lâu cũng như học hỏi kinh nghiệm từ những người bạn đồng hành mà chúng tiếp xúc. Theo nhưng gì đã xảy ra trong các bản Wild Arms có thể coi nhận định này là chính xác bởi Hanpan đôi khi xử lý còn trầm ổn hơn Garrett rất nhiều. Trong chiến đấu Hanpan cũng là một “công cụ” đắc lực mà Garrett có thể sử dụng khi muốn tiếp cận nhanh với những vật phẩm ngoài tầm tay. Ngoài ra chuột ta còn có khả năng bị động giúp tăng cường sát thương cho kỹ thuật Fast Draw của bạn đồng hành. Nổi tiếng vì moe và đắc lực khi hỗ trợ chiến đấu thế nhưng Hanpan lại rất ít tiết lộ về bản thân dù có rất nhiều đoạn hội thoại. Ví dụ như ai cũng biết chắc chắn chuột ta đã sống hơn trăm năm nhưng chính xác bao nhiêu thì hỏi cách mấy Hanpan cũng không bao giờ đề cập.
Dàn chuột của Biker Mice from Mars
Biker Mice from Mars hay Đua xe Hẹc-lây (Harley) là tựa game đua xe chiến đấu dựa trên bộ phim hoạt hình cùng tên được Konami phát triển và sản xuất vào năm 1994. Không như các game ăn theo phim hiện nay một số game dựa trên hoạt hình thời bấy giờ lại rất chi là tuyệt cú mèo, đặc biệt là những game do Capcom hay Konami sản xuất như Duck Tales, Mickey and Donald, Chip’n’ Dale, Ninja Turtle… Đây cũng là một trường hợp đặc biệt khi bản thân là một game đua xe nhưng lại thu hút cả những tay vốn không khoái tốc độ bởi những chế độ chơi đầy nhiệt huyết từ dễ đến khó như Battle Race hay VS Race.
Lý do game thủ Việt thời đó gọi gọi Biker Mice from Mars là Đua xe Hẹc-lây chính bởi vì do các xe motor phân khối lớn trong game đều được thiết kế phần nào rất giống các xe motor do hãng Harley – Davidson sản xuất. Trên thực tế, Biker Mice from Mars là trò chơi được sản xuất dựa trên bộ phim hoạt hình cùng tên của Mỹ do Konami phát triển. Cốt truyện game không có nhiều phức tạp khi nói về câu chuyện đào vong đến trái đất của ba gã chuột gồm Throttle, Modo và Vinnie. Quê hương sao Hỏa của bộ tộc chuột bị lũ người mặt cá Plutarkians tấn công và phá hủy khiến Throttle, Modo và Vinnie phải đến trái đất và lánh nạn tại Chicago. Tuy nhiên Limbuger, thủ lĩnh của bộ lạc Plutarkians lại tiếp tục xuất hiện ở đây với âm mưu tiếp tục thực hiện những gì hắn đã làm ở sao Hỏa. Cùng hợp sức với nhau Throttle, Modo và Vinnie quyết không để bi kịch trong quá khứ xảy ra thêm lần nữa thông qua những cuộc đua xe đường phố.
Vào đường đua, bạn sẽ chọn một trong 6 nhân vật, các nhân vật còn lại sẽ do máy điều khiển và toàn bộ game chỉ có 6 nhân vật này thi đấu. Mỗi nhân vật lại có một style riêng độc đáo như Modo (chuột đen) cực mạnh trong phần “giết người” với những cú đâm đầy chết chóc, Throttle (chuột vàng) là lãnh đạo của đội chuột Biker Mice, sở trường của hắn ta là bắn ra những ngôi sao màu vàng cực nhanh. Người cuối cùng của băng đua xe chuột là Vinne đòi hỏi game thủ phải có chút kỹ năng bởi thoạt đầu trông anh ta khá chậm nhưng về sau lại là tay đua có tốc độ “bàn thờ” bậc nhất trong trò chơi. Ba nhân vật còn lại cần có những pha xử lý phù hợp để giành lợi thế ví dụ như gã tiến sĩ Nhện Karbuncle, bạn phải biết cách dùng móc câu khéo léo ở các khúc cua để đẩy nhanh tốc độ của mình.
- Năm Tý nói chuyện chuột và những cái tên nổi tiếng trong game – P.1