Nguồn gốc của game: Black Mesa, dự án làm lại Half-Life từ game thủ – Phần cuối - PC/Console

Sau 15 năm đằng đẵng, đội ngũ Crowbar đã hoàn thành Black Mesa và không làm thất vọng những fan hâm mộ đã không ngừng động viên họ suốt quá trình làm game.

Thiện chí từ Valve

Như bạn đã biết trong phần đầu của bài viết này, ban đầu Black Mesa chỉ được phát triển trong vị thế là một bản mod do fan thực hiện và không được phép bán kiếm tiền, nhưng điều đó thay đổi sau khi phiên bản chơi được đầu tiên ra đời vào năm 2012. Bị thuyết phục bởi chất lượng của bản mod này, Valve chính thức cho phép Crowbar phát hành Black Mesa như một tựa game thu phí ngay trên Steam vào khoảng tháng 11/2013. “Đây là một vinh dự vô cùng lớn lao, một điều mà chúng tôi chưa từng ngờ đến,” theo lời của Crowbar Interactive trên trang Steam Community của mình.

Nguồn gốc của game: Black Mesa, dự án làm lại Half-Life từ game thủ - Phần cuối

Đến các fan cũng phải bất ngờ vì Valve hoàn toàn “ok” với việc Half-Life được fan làm lại.

Đây là một bước ngoặt cho đội ngũ phát triển Black Mesa, bởi khoản tiền kiếm được từ việc bán game trên Steam cho phép họ cải thiện engine Source và bổ sung các tính năng mới, trong khi một phiên bản miễn phí của Black Mesa vẫn được phát hành rộng rãi. “Khoản kinh phí đó cho phép chúng tôi đứng ra thuê người và có được những tài năng mà lẽ ra chúng tôi không thể có,” trưởng nhóm Crowbar Collective là Adam Engels cho biết.

Việc cho phép Crowbar bán Black Mesa trên Steam cũng không phải là sự nâng đỡ duy nhất mà Valve dành cho Crowbar Collective. Dù Crowbar chưa từng gặp rắc rối pháp lý nào với Valve trong quá khứ (ngoài lời đề nghị đổi tên để tránh nhầm lẫn), họ cũng không thể ngờ rằng Valve lại ủng hộ dự án của mình đến mức chủ động tìm đến hỏi xem Crowbar có muốn dùng phiên bản Source chính thức hay không. Điều này xảy ra vào năm 2013 và chính là lý do khiến Crowbar đổi sang dùng phiên bản Source 2013 mà Mọt đã nhắc đến trong phần đầu của loạt bài viết này. Đến tháng 11/2015, Valve lại một lần nữa thể hiện thiện chí khi mời đội ngũ Crowbar đến tham quan tổng hành dinh của hãng tại Bellevue, Washington. Theo lời Adam, nhiều thành viên trong nhóm đã thu xếp được cho chuyến đi này, và đó là một trải nghiệm tuyệt vời cho họ.

Dĩ nhiên dù nhận được sự giúp đỡ của Valve, vẫn có những thử thách mà đội ngũ phát triển phải tự giải quyết. Việc chuyển đổi từ một nhóm làm game tình nguyện thành một nhóm làm game Early Access cũng không hề dễ dàng. Điều này biến việc làm Black Mesa vì sở thích thành công việc và trách nhiệm, bởi họ phải tạo ra một tựa game xứng đáng với lòng tin của những game thủ đã bỏ tiền ủng hộ dù Black Mesa chỉ mới Early Access trên Steam. Đó là còn chưa kể đến việc không có nhiều người giỏi và có kinh nghiệm với engine Source, khiến việc tuyển dụng nhân sự khó khăn hơn hẳn. Những vấn đề như chênh lệch múi giờ hay công việc của các thành viên trong nhóm cũng là những trở ngại mà họ cần phải vượt qua.

Đâu là mục đích thực sự của Valve khi tung ra Half-Life: Alyx?
Với Half-Life: Alyx, Valve và Gabe Newell đang nuôi những tham vọng lớn hơn nhiều so với mục đích bán game hay bán kính VR để kiếm tiền kiểu cổ điển.

Những cải tiến đáng kể

Trong quá trình làm Black Mesa, đội ngũ phát triển đã bổ sung khá nhiều cải tiến và thay đổi so với phiên bản gốc của Valve. Trong Half-Life gốc, phần On The Rail rất dài dòng và được sử dụng nhằm mục đích giới thiệu qua về bối cảnh của game cũng như các nhân sự tham gia thực hiện trò chơi bằng giọng nói trên loa và chữ trên màn hình, khiến không ít game thủ ngáp ngắn ngáp dài vì chờ đợi. Black Mesa giữ nguyên đoạn này, nhưng một modder có nick TextFAMGUY1 đã tạo một bản mod cắt ngắn On The Rail trong Black Mesa nhằm giảm bớt thời gian chờ cho game thủ.

Nhân vật này cũng kéo dài chương Surface Tension để bổ sung thêm khoảng 1 giờ vào thời lượng của trò chơi, điều rất được các fan hoan nghênh. Những đóng góp này giúp TextFAMGUY1 được Crowbar hấp thu luôn vào đội ngũ để làm lại phần Surface Tension, bản cắt giảm của On The Rail do anh phát triển trở thành nội dung chính thức của game, trong khi phiên bản gốc “không cắt” do được tung lên Steam Workshop như một bản mod.

Nguồn gốc của game: Black Mesa, dự án làm lại Half-Life khởi nguồn từ đam mê - Phần đầu

Black Mesa cũng sẵn sàng bỏ qua những điều mà Half-Life làm chưa tốt để cải tiến gameplay ngoài hai mục On The Rail và Surface Tension đã được nhắc đến ở trên. Một trong những cải tiến đó là việc Gordon Freeman sẽ tự động cúi người khi nhảy, thay vì chờ game thủ bấm hai phím Ctrl + Space như trong phiên bản gốc. Điều này làm trò chơi có cảm giác hiện đại hơn, bởi theo lời của Adam, “nhảy + ngồi là điều mới mẻ hồi năm 1998, nhưng giờ đây nó chỉ đem lại cảm giác phức tạp không cần thiết.”

Hành tinh Xen lạ lẫm

Như Mọt đã nói ở đầu bài viết này, tất cả các phiên bản Black Mesa ra mắt trước tháng 12/2019 đều có một điểm chung là chúng không có phần chơi trên hành tinh Xen. Lý do của điều này là bởi Xen là thử thách lớn cho đội ngũ phát triển vì vài lý do khác nhau. Thứ nhất, “Xen” chỉ là cách gọi ngắn gọn và không thể hiện rõ quy mô của phần chơi này, bởi thật ra thứ chúng ta gọi là Xen bao gồm 5 chương khác nhau là Xen, Gonarch’s Lair, Interloper, Nihilanth và Endgame. Thứ hai, Crowbar muốn thiết kế lại hoàn toàn phần nội dung trên Xen, bởi game thủ đánh giá thấp khu vực này trong tựa game gốc. Thứ ba, trong khi các màn chơi trên Trái Đất rất dễ dàng nâng cấp vì nhà cửa, bao cát, băng chuyền… đều rất quen thuộc, Xen là một thế giới hoàn toàn xa lạ và đội ngũ phát triển lúc nào cũng phải suy đoán xem Valve muốn các màn chơi đó trông như thế nào, và game thủ nghĩ về chúng như thế nào.

Trailer của Xen vừa được công bố một tháng trước.

Khi phát triển phần chơi Xen cho Black Mesa, Crowbar muốn phiên bản Xen của mình thực sự làm game thủ cảm thấy nó thuộc về Half-Life, từ cơ chế, sự gắn kết và tiến độ, nhưng đồng thời cũng phải khai phá bối cảnh độc đáo và khác biệt này, nhằm tạo ra một trải nghiệm vừa mới lạ vừa quen thuộc cho những game thủ bất kể họ có từng làm quen với Half-Life hay chưa. Khi nói về quá trình phát triển Xen, trưởng nhóm phát triển Adam đã nói rằng “thử thách lớn nhất cho chúng tôi là thiết kế công nghệ của các sinh vật trên hành tinh này. Chúng vừa là máy móc vừa là sinh vật nên rất khó để cân đối. Các thành viên của Crowbar đều tài giỏi, nhưng việc nâng cấp hành lang khác xa với việc tạo ra một thế giới ngoài hành tinh từ con số không.”

Vì những thử thách nêu trên, ngày ra mắt của phần chơi trên Xen đã bị trì hoãn vài lần: kế hoạch ban đầu là tháng 12/2017, sau đó là quý 2/2019, nhưng như bạn đã biết, phải đến quý 4/2019 nó mới được hoàn thành và bản beta hoàn chỉnh của Black Mesa được tung ra vào ngày 6/12/2019 vừa qua.

Nguồn gốc của game: Black Mesa, dự án làm lại Half-Life khởi nguồn từ đam mê - Phần đầu

Lời kết

Sau 15 năm không ngừng cố gắng, Black Mesa cuối cùng cũng đã hoàn thành. Dù quá trình phát triển trò chơi trải qua nhiều chông gai nhưng với sự giúp đỡ của Valve, nguồn tài chính từ việc bán game trên Steam, sự đam mê của các thành viên Crowbar và lời động viên từ game thủ, Black Mesa đã trở thành một tựa game không kém cạnh gì so với Half-Life, và là một tựa game bắn súng mà bạn không thể bỏ qua dù đã từng chinh chiến qua phiên bản gốc hay chưa từng chạm đến nó.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e