Không phải game thủ nào cũng may mắn được bố mẹ thấu hiểu và ủng hộ niềm đam mê của mình, đặc biệt là đam mê về trò chơi điện tử. Tôi đã gặp nhiều trường hợp dù đã có công ăn việc làm ổn định hẳn hoi, nhưng cứ hễ mở máy lên chơi game là y như rằng bị bố mẹ càm ràm. Có những người thậm chí phải chơi một cách lén lút, không muốn bị phụ huynh bắt gặp bởi nếu bị tóm cổ, chắc chắn cả ngày hôm đó sẽ ăn cơm chan nước mắt (dù đã lớn tướng rồi chứ không còn trẻ con nhưng vẫn sợ bố mẹ thôi).
Ngay cả bản thân tôi cũng vậy, luôn muốn được chia sẻ và mong muốn bố mẹ hiểu cho đam mê của mình. Nhưng ngay cả khi chúng ta đã cố gắng sống tự lập, tu chí học tập, làm việc thì vẫn có những điều về trò chơi điện tử không khiến nhị vị phụ huynh hiểu và thấy vừa mắt được.
Không phải game nào cũng có thể tạm dừng
Một tình huống trớ trêu mà chắc chắn bất cứ game thủ nào cũng đã từng trải qua, đó là bố mẹ luôn gọi có việc đúng lúc chúng ta đang combat online. Lúc này bố mẹ luôn nói rằng “mày tạm dừng, xuống đây một lúc thì chết à”.
Lúc này tôi luôn cố gắng giải thích cho phụ huynh là game online tôi đang chơi không thể tạm dừng được và xin phép cố thêm nốt một vài phút cho xong kẻo ảnh hưởng tới đồng đội của mình. Nhưng câu trả lời của mẹ tôi lúc đó thường là cái bạt tai, hay đôi khi là cán chổi, hoặc đúng hôm mẹ bực mình thì tôi còn phải nhịn cơm. Lúc này tôi chỉ biết thở dài và mong bố mẹ hiểu rằng trò chơi trực tuyến đâu phải muốn tạm dừng là được đâu.
Có lẽ đây là tình huống mà bạn chẳng thể nào phản kháng lại, bởi người lớn gọi thì chắc chắn mình phải có mặt ngay, nhỡ đâu có chuyện quan trọng. Sau nhiều lần thì có lẽ bạn sẽ nhận ra bị đồng đội chửi trên mạng cũng không gay gắt bằng việc bị ăn đòn trực tiếp từ mẹ.
Con chơi game để giải trí thôi mà
Mục đích khi trò chơi điện tử được sinh ra rõ ràng là giúp cho con người ta giải trí. Sau một ngày làm việc cực căng thẳng đầu óc, tôi chỉ muốn có được một buổi tối thư giãn đầu óc khi chơi game cùng bạn bè mình, chứ không phải tôi nghiện tới mức bỏ bê cuộc sống thực. Tuy nhiên, có vẻ như nhị vị phụ huynh thì lại không nghĩ như vậy, bất cứ khi nào thấy con mình (kể cả khi đã đủ tuổi trưởng thành và đã đi làm) ngồi vào máy chơi game là họ sẽ lại ca bài ca “mày suốt ngày chơi game thế này là hỏng mắt, hỏng cả cuộc đời đấy con”. Trong khi một ngày chúng ta đã phải bỏ ra ít nhất 8 tiếng để đi học hoặc đi làm.
Dĩ nhiên chúng ta chẳng thể trách được khi bố mẹ có suy nghĩ như vậy. Chỉ vài năm trở lại đây, trò chơi điện tử mới dần thay đổi cái nhìn của xã hội, đặc biệt là ở Việt Nam, khi nhiều cái tên mang lại vinh dự cho tổ quốc trên đấu trường quốc tế. Nhưng do khoảng cách thế hệ giữa chúng ta là bố mẹ quá lớn, họ đã trải qua thời kỳ game từng là một vấn nạn xấu và nan giải của xã hội. Và để thay đổi được tư duy “game là xấu” của người lớn rất khó.
Tôi cũng như bạn đọc ở đây chắc hẳn luôn mong bố mẹ hiểu rằng mình chỉ có thời gian 1 tới 2 tiếng chơi game giải trí cùng bạn bè của mình mà thôi. Thời gian còn lại chúng ta đã phải dành cho công danh sự nghiệp hết cả rồi. Tôi lúc nào cũng muốn nói với bố mẹ rằng chơi game chưa đầy 2 tiếng một ngày không khiến mắt chúng ta bị tật khúc xạ, mà công việc ngồi nhìn máy tính 10 tiếng một ngày trên công ty mới là nguyên nhân chính.
Chơi game điều độ tốt cho sức khỏe
Có một điều tôi không thể hiểu nổi là cứ xảy ra bất cứ vấn đề gì về sức khỏe là các bậc phụ huynh đều có thể đổ lỗi cho video game. Ví dụ như bạn đau tay, đau chân, đau bụng, hay thậm chí cả đau răng,… bố mẹ bạn cũng có thể chẩn đoán chỉ bằng một câu: “Ai bảo mày chơi game cho lắm vào”.
Tôi thực sự mong muốn bố mẹ mình hiểu rằng trò chơi điện tử, nếu được chơi một cách điều độ, bố trí thời gian hợp lý sẽ rất tốt cho sức khỏe. Bên cạnh giải tỏa tâm lý, video game còn giúp người chơi luyện phản xạ, rèn luyện mắt, khả năng phán đoán tình huống, hay cả cách đối mặt với những nỗi sợ hãi. Thậm chí trên thị trường còn có những trò chơi thực tế ảo giúp người chơi được vận động nhiều hơn, có lợi cho sức khỏe hơn. Đó là những điều không phải những người chơi game tự nghĩ ra mà rất nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu rồi cho ra kết luận.
Dĩ nhiên, tôi chẳng thể nào phủ nhận được những mặt tối của trò chơi điện tử trong xã hội ngày nay. Báo đài, truyền thông vẫn đưa tin đều đặn nên chắc chắn bố mẹ tôi sẽ tin vào những gì họ được nghe trên thời sự hơn là những gì mà anh em game thủ nói rồi.
Cách để gắn kết thành viên gia đình
Có thể điều này tương đối lạ ở Việt Nam, bởi một phần người lớn luôn có cái nhìn không thiện cảm với trò chơi điện tử. Tuy nhiên, rất nhiều trò chơi gia đình lại thực sự mang lại sự gắn kết cho các thành viên. Khi cùng nhau chơi game, mọi người đều có thể cùng nhau chia sẻ để gia đình được hiểu nhau nhiều hơn.
Lúc này, một chiếc máy Nintendo với các trò chơi nhẹ nhàng sẽ giúp ngày cuối tuần của bạn cùng gia đình mình vui vẻ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, điều này chỉ phù hợp nếu bạn chơi các game không mang tính bạo lực gì. Còn nếu bạn mua dạng trò chơi như Grand Theft Auto hay Bloodborne rồi mời bố mẹ ngồi xem để hiểu hơn về game thì khả năng cao đó sẽ là lần cuối cùng bạn được chơi điện tử trong cuộc đời của mình.
Hãy đặt mình vào địa vị của bố mẹ
Dù tôi phải công nhận đôi lúc mình cũng thấy hơi khó chịu vì góc nhìn thiếu thiện cảm của bố mẹ với đam mê của bản thân. Tuy nhiên, khi nghĩ kỹ lại thì cũng do bố mẹ luôn lo nghĩ cho mình mà thôi. Nếu bạn đặt bản thân vào địa vị của phụ huynh, liên tục thấy báo đài nói về tác hại của trò chơi điện tử thì dĩ nhiên người đầu tiên họ lo lắng chính là đứa con của mình rồi.
Vậy nên việc duy nhất chúng ta có thể làm là sống thật tốt, phân định rõ ràng giữa đam mê và công việc. Nếu game không phải sự nghiệp bạn theo đuổi thì nó mãi mãi chỉ là một thứ gì đó phù phiếm trong mắt người khác, đặc biệt là bố mẹ mình mà thôi. Muốn được phụ huynh thấu hiểu đam mê của bản thân thì rõ ràng bạn phải thấu hiểu bố mẹ mình trước. Họ là những người sinh ra và lớn lên ở một thời kỳ khác, đã phải chứng kiến biết bao sự việc đáng tiếc mà nguồn cơn do trò chơi điện tử, cũng như phải chịu sự tác động của báo đài và truyền thông.
Bản thân tôi cũng luôn mong phụ huynh thấu hiểu được niềm đam mê của bản thân, cũng như hàng ngày phải cố gắng ổn định, ít nhất là lo được cho chính mình. Rồi về sau, bạn mới có thể ngồi nói chuyện được với người lớn về những gì mà bản thân đam mê.