Nhưng sau 15 năm trời thì cuối cùng những thành công đó cũng không bền lâu được mãi bởi sự hiện diện của người chị em của thành công: Sai lầm và thất bại. Đúng rồi đó, ngay cả người khổng lồ của thể loại FPS cũng có lúc sa chân, lầm lỡ; và tính đến giờ, nó đã sa chân khá là nhiều lần rồi đó. Một số thì được giấu đi tương đối kín kẽ trước con mắt công chúng, một số còn lại thì quá là lõa lồ, khó có thể quên nổi.
Và dưới đây, chúng ta sẽ cùng nhìn vào mặt tối của một huyền thoại để xem làm sao mà dù đã sai lạc quá nhiều lần rồi mà Activision vẫn đi đến được một bản Call of Duty Black Ops IIII bị dân tình chửi như lên đồng như vậy.
1/ Call of Duty: Ghost – Một tựa game hay cần nhiều hơn là một cái tên “kêu”
Infinity Ward là cái tên đã mang đến cho chúng ta Call of Duty suốt từ những năm 2003, là studio đã tái định hình lại thị trường game FPS với tuyệt phẩm bắn súng chủ đề hiện đại Modern Warfare mang đến những cải tiến đáng nhớ như kết hợp chất nhập vai RPG vào phần chơi mạng, mang sự đương đại vào đồ họa game. Vậy nên khi họ tuyên bố rằng sẽ bỏ lại đứa con cưng của mình để bắn tay vào theo đuổi một cái tên khác, các fan lập tức đong đầy hi vọng, mong chờ vào sự ra đời của một huyền thoại khác.
Nhưng rất tiếc, chuyện đó không xảy ra, kể về một câu chuyện mới trong một thế giới mới của sự bội phản, sự sinh tồn, trong cái thế giới mà nước Mỹ phải chật vật chống lại toàn bộ phần còn lại của Châu Mỹ. Nhiều cái “mới” thế thôi chứ thực ra cũng chẳng “mới” gì nhiều cho lắm nếu mà so với những phần game trước có cốt truyện xuất sắc hơn nhiều và cũng đã khai thác khía cạnh “bội phản”, lòng trung thành… quá nhiều rồi. Sự xuất hiện của một chú chó đáng yêu kề cận cũng không cứu vãn nổi kịch bản xơ cứng và các nhiệm vụ, phần chơi mạng bị thiết kế lặp lại, thiếu đột phá được.
Như một lời kết luận chính xác, tờ Polygon nhận xét rằng Call of Duty Ghost đã “Thể hiện sự thiếu thiện chí trong việc mang đến sự cách tân và mang đến một màn trình diễn thực sự nghèo nàn, thiếu hụt của những ý tưởng mới.”
Chỉ 6 năm sau sự ra đời của huyền thoại Modern Warfare, Infinity Ward đã mang đến một cú flop thảm hại. Nếu hầu hết các phiên bản Call of Duty đều có cho mình một hậu bản riêng với một phong cách, thế giới và cốt truyện đặc trưng. Thì Ghost bị ném vào sọt rác của sự lãng quên không hề thương tiếc.
2/ Call of Duty: Infinite Warfare – Sự cách tân tệ hại
Lấy lại tinh thần sau thất bại tê tái của Ghost dù, do là một tựa game Call of Duty, vẫn làm ra cả đống tiền. Infinity Ward nhận ra rằng cốt truyện yếu kém, lối chơi thiếu đổi thay, xơ cứng đã làm phương hại cho tên tuổi của game. Nên trong phiên bản này, studio đã thuê hẳn một cựu binh kì cựu của studio Naughty Dog (nổi tiếng với những tựa game có cốt truyện, phong cách tuyệt vời như Uncharted, The Last of Us…), Taylor Kurosaki. Chưa hết, họ còn mang đến một sự thay đổi to lớn khi đưa bối cảnh game từ hiện đại sang hẳn tương lai với những màn bắn nhau trên… vũ trụ luôn.
Qủa thực, cốt truyện game đã được cải tiến rất nhiều với một câu chuyện cảm động về bản chất của sự hi sinh. Qủa thật, game đã tự cách tân, thay đổi mình rất nhiều.
Ấy thế nhưng thất bại này còn tồi tệ hơn cả thất bại trước; bởi lẽ đối lập với sự xơ cứng, không chịu đổi thay của lần trước. Infinite Warfare thay đổi nhiều tới mức đánh mất cái “chất riêng” xưa của mình với một phần chơi mạng đầy hỗn loạn nơi người chơi nhảy nhót tứ tung trên các bức tường còn bản đồ thì quá mở đến mức chẳng ở đâu là thực sự an toàn cả. Nó quá lạ lẫm với các cựu game thủ COD, quá hỗn loạn để mang tới sự cạnh tranh thật sự.
Chưa kể, quan trọng nhất, các fan đã phát ốm với chủ đề hiện đại, tương lai… kể từ bản Ghost, rồi rõ rệt hơn trong bản Advanced Warfare rồi, nhưng họ đâu có được lắng nghe.
3/ Sa thải những “người làm ra huyền thoại”
Nếu bạn đang băn khoăn rằng làm sao studio Infinity Ward nói riêng và Activision nói chung lại có thể biến series game lớn nhất thế giới game thành những phiên bản bị mọi người chế giễu, phê bình rồi chửi lên chửi xuống thì việc đó liên quan tới một trong những sai lầm lớn nhất, nổi tiếng nhất lịch sử ngành công nghiệp game. Đó là việc Activision sa thải Jason West và Vince Zampella, hai người cha đẻ của Call of Duty.
Lý do thì cũng hết sức là đơn giản, họ – những bộ óc thiên tài đã làm ra huyền thoại – muốn có thêm sự kiểm soát về mặt sáng tạo với đứa con tinh thần của mình. Họ trình lên Activision mong họ kí cam kết về vấn đề đó.
Nhưng vấn đề ở chỗ: Nếu hai người họ bị sa thải thì toàn bộ quyền kiểm soát sẽ nằm lại về tay Activision. Và Activision đã tận dụng ngay lập tức lỗ hổng pháp lý đó để dành trọn vẹn quyền kiểm soát con gà đẻ trứng vàng Call of Duty về tay mình. Dù sau đó, cặp đôi Jason West và Vince Zampella đã khởi kiện Activision vì sa thải trái pháp luật; trả thiếu tiền lương, bản quyền cho nhân viên với kết quả thắng kiện, buộc Activision phải bồi thường; hàng loạt nhân viên cốt cán theo chân hai người sang studio mới, Respawn Entertainment đầu quân cho chủ cũ EA. Nhưng Call of Duty thì không bao giờ còn như xưa nữa mà lận đà lận đận chỉ dựa vào Black Ops làm người dẫn đường (nhưng gần đây cũng không còn dẫn được tốt nữa rồi).
4/ Bỏ lỡ cơ hội đổi thay với một bản Call of Duty góc nhìn người thứ 3
Nếu ngẫm lại thì lí do nhiều nhất mà mọi người đề cập đến khi lên án Call of Duty, khi chỉ trích Call of Duty, đó là chuyện liên tục nhân bản vô tính các phiên bản game của mình để bán ra cho người chơi mà không chịu (không dám) thực sự đổi mới gì hết. Kể từ Modern Warfare 2 là cứ năm nào cũng như năm nào, Call of Duty lại ra mắt một phiên bản mới với vẫn cái phần chơi chiến dịch ngắn ngủn nhưng giàu nội dung (gần đây thường không giàu lắm, thậm chí tính bỏ hẳn) đấy, cũng vẫn phần chơi mạng với Class, Perk và Killstreak đấy, và rồi chút Zombie nữa. Như thể game thể thao vậy, ra mát thường niên như một sự kiện với chút update nhưng giá thì căng đét như mới.
Nhưng kể ra thì cũng có một lần, Activision tính đổi thay một chút. Cụ thể là họ giao cho Sledgehammer Games tạo ra một bản Call of Duty với góc nhìn người thứ ba, bối cảnh chiến tranh Việt Nam nhưng đi sâu hơn vào chiến trường Campuchia bạo lực, máu lửa nơi Hoa Kỳ tiến hành một cuộc chiến biệt kích không chính thức nhưng không kém phần khốc liệt. Chưa hết, tựa game này sẽ còn có những yếu tố kinh dị lấy cảm hứng từ Dead Space trong đó các binh sĩ Hoa Kỳ phải dò dẫm trong các khu địa đạo tối tăm đầy sự kinh hoàng của bẫy, máu, cái chết và bóng tối.
Vậy đấy, góc nhìn người thứ ba, bối cảnh mới lạ, yếu tố kinh dị… ai bảo Call of Duty không thể đột phá cơ chứ? Nếu ai đó bảo thì họ đã đúng rồi đấy bởi sau đó Activision hủy dự án này để Sledhammer rảnh tay đi làm Advanced Warfare với đầy đủ các yếu tố nhân bản vô tính như đã nói ở trên.
5/ Có đạo diễn danh tiếng để chuyển thể game lên màn ảnh rộng nhưng lại… hủy dự án
Việc Call of Duty lên màn ảnh rộng đã được đồn đại bàn tán từ rất lâu, nhiều người cho rằng chuyện đó là điều không thể tránh khỏi. Nhưng thực tế, cơ hội cho chuyện đó xảy ra có vẻ hơi bị khó, bởi trước đây, Activision đã từng có kế hoạch cụ thể cho việc tạo ra một series phim ngắn dạng Webseries, đạo diễn bởi cặp đôi đạo diễn huyền thoại Ridley Scott và Tony Scott, chuyên trị làm phim về đề tài quân sự với hàng loạt các tuyệt phẩm hàng đầy như Top Gun, G.I Joe, Black Hawk Down…
Tiếc là bộ phim này không vẫn mãi chỉ nằm ở mức “kế hoạch”, kể ra thì ở Hollywood, chuyện một dự án lớn được công bố với hàng loạt cái tên lớn liên can rồi lặng lẽ biến mất cũng không phải là một chuyện gì lạ lùng cho lắm. Nhưng Activision đâu có lạ lẫm gì với Hollywood lắm đâu, bởi họ đã chính thức công bố series này như một phần những gì game thủ nhận được khi mua với Service Perk của Call of Duty Elite rồi mà. Vậy nên nếu ai mua gói Service Perk đó để được xem phim của anh em nhà Scott thì rất tiếc là họ đã… bị lừa mất rồi.
Kết lại một câu, cái chết của dự án đó là một mất mát lớn cho Activision bởi Call of Duty là một thương hiệu game khổng lồ đầy tiềm năng điện ảnh với cốt truyện giàu nội dung, cảm xúc; và anh em nhà Scott là lựa chọn hoàn hảo để đưa thương hiệu này lấn sân sang mảng phim ảnh. Không ai rõ được lí do vì sao dự án Webseries đó đổ bể nhưng nếu nó trở thành hiện thực và thành công thì rất có thể chúng ta sẽ có được một bộ phim điện ảnh chiếu rạp hẳn hoi, thậm chí một series phim truyền hình thực thụ của Call of Duty chẳng hạn?
Rất tiếc, những điều đó không trở thành hiện thực; thay vào đó chúng ta sắp có một bản Call of Duty mới bị lấy mất đi phần chơi cốt truyện và thêm vào chế độ… Battle Royale.