Half-Life: Alyx – Con quái thú thôi động ngành công nghiệp game của Valve - PC/Console

Trong bài viết này, Mọt muốn trình bày cùng các bạn sức mạnh thôi động ngành công nghiệp game mà Half-Life: Alyx sẽ thể hiện khi chính thức phát hành.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, một ma trận những lời đồn đại về một dự án Half-Life mới đã được dệt nên từ rất nhiều tin đồn đến từ đủ mọi nguồn, đủ mọi góc độ. Chúng ta khó mà phân biệt được đâu là thật đâu là giả trong mớ bòng bong hỗn loạn này, nhưng ít nhất giờ đây chúng ta đã biết được một điều: tựa game đó thực sự tồn tại.

Trailer công bố Half-Life: Alyx

Dù không phải là một Half-Life với nhân vật chính là nhà khoa học trầm mặc Gordon Freeman mà game thủ trông chờ, Half-Life: Alyx mà Valve vừa công bố rạng sáng ngày 22/11 (theo giờ Việt Nam) thực sự đã gây bất ngờ cho Mọt. Trò chơi có nền đồ họa đẹp và chân thực đáng kinh ngạc, và những đoạn gameplay ngắn ngủi được đưa vào trailer cũng thừa sức làm Mọt tui muốn chi tiền mua một chiếc kính VR. Nhưng đó chưa phải là tất cả sức mạnh của Half-Life: Alyx, bởi khi nghĩ kỹ hơn về tựa game này, Mọt nhận ra rằng nó có tiềm năng để thực sự thôi động ngành công nghiệp game không phải bằng nội dung, mà bằng sự tồn tại của nó.

Engine Source 2

Cho đến thời điểm này, danh sách những tựa game sử dụng engine Source 2 của Valve vẫn còn rất ngắn. Chúng ta chỉ có Dota 2, Dota Underlords, Artifact và The Lab là sử dụng Source 2. Ngay cả Apex Legends vừa được ra mắt hồi đầu năm nay cũng chỉ được xây dựng trên nền tảng engine Source cũ. Lý do của điều này không phải là do các nhà phát triển không muốn dùng Source 2, mà đơn giản là vì Valve… chưa tung nó ra thị trường.

Half-Life: Alyx, con quái thú ngủ vùi của Valve

Phân cảnh ngắn này đã thể hiện sức mạnh vật lý của engine Source 2.

Khác với những engine khủng khác, Valve và Source nổi tiếng là tạo ra những tựa game hết sức thân thiện với cấu hình. The Lab, tựa game VR miễn phí mà Valve tung ra hồi năm 2016 luôn chạy mượt mà ở tốc độ khung hình 60+ nhờ công nghệ tự điều chỉnh thiết lập đồ họa, có khả năng tự động nâng – hạ phần hình ảnh nhằm đảm bảo tốc độ khung hình ổn định và đồ họa đẹp hết mức có thể.

Mọt cho rằng sau khi Half-Life: Alyx được chính thức ra mắt, sức mạnh đáng nể của nó sẽ khiến các nhà phát triển game hứng thú hơn với engine này, sẵn lòng đến với Valve và Steam để sử dụng Source 2 tương tự như Unreal thu hút các nhà phát triển đến với Epic Games Store.

Không phải game Star Wars "chất" nào cũng thấy được ánh mặt trời - P.1
Trong vũ trụ game Star Wars không chỉ có những KOTOR hay Battlefront mà còn rất nhiều game khác rất chất nhưng không may chúng đã chết yểu vì nhiều lý do.

Cho game thủ làm quen với VR

Half-Life là một trong những thương hiệu có cộng đồng fan đông đảo và trung thành hàng đầu trong ngành công nghiệp game, ngay cả khi Valve đã im hơi lặng tiếng suốt hơn một thập kỷ. Việc Half-Life: Alyx không phải là một tựa game chuột – phím hay controller truyền thống chắc chắn sẽ khiến không ít game thủ buồn lòng vì không thể thưởng thức trò chơi ngay khi nó phát hành, nhưng sẽ có không ít game thủ “đập nồi bán sắt” mua một chiếc kính VR.

Half-Life: Alyx - Con quái thú thôi động ngành công nghiệp game của Valve

Chiến thuật dùng Half-Life: Alyx để thúc đẩy sự phát triển của VR cũng được thể hiện rõ qua việc Valve cho phép game thủ dùng nhiều loại kính VR khác nhau để chơi game: ngoài Valve Index, HTC Vive, Oculus (Rift, Quest), bạn còn có thể dùng bất kỳ loại kính nào hỗ trợ chuẩn Windows MR do Microsoft định ra để chơi tựa game này. Giá cả của kính cũng đầy đủ thượng vàng hạ cám: từ 1000 USD của Index đến 200-300 USD của các loại kính Windows MR (thật ra giá của chúng cao hơn rất nhiều tại thị trường Việt Nam), giúp mở rộng đối tượng có thể thưởng thức Half-Life: Alyx lên đến mức tối đa.

Một hiểu lầm khác mà game thủ thường có khi nghe đến thực tế ảo là việc những trò chơi này đòi hỏi cấu hình rất cao. Không hề – rất nhiều tựa game VR có cấu hình rất mềm và có thể chạy được trên cả một laptop cũ. Trong trường hợp của Half-Life: Alyx, bạn có thể chiến đấu với lũ combine chỉ bằng một chiếc card đồ họa GTX 1060 6GB, hiện đang được bán trên các chợ second hand với giá từ 2-4 triệu đồng tùy thời hạn bảo hành.

Half-Life: Alyx - Con quái thú thôi động ngành công nghiệp game của Valve

Sức cuốn hút của Half-Life: Alyx đã được thể hiện ngay sau khi trailer của game được công bố: nó làm cho chiếc kính Valve Index VR… cháy hàng ngay lập tức, và Mọt cùng nhiều người quen đang suy xét chuyện gom tiền mua VR về chiến Half-Life: Alyx trong năm sau. Nếu Half-Life: Alyx mở được cánh cửa của thị trường VR, chúng ta sẽ được chứng kiến sự bùng phát của game VR trong tương lai.

Cộng đồng mod

Có thể bạn đã biết: Half-Life không chỉ có sức ảnh hưởng sâu rộng bởi chàng Gordon Freeman tìm cách giải cứu thế giới, mà còn vì cộng đồng mod của nó. Những cái tên như Counter-Strike, Garry’s Mod trực tiếp đến từ một bản mod của Half-Life, trong khi Portal, Left 4 Dead không ít thì nhiều đều có dính líu đến Half Life. Trong trường hợp của Left 4 Dead, trò chơi này tồn tại là vì các nhà sáng lập studio Turtle Rock thích bắn Counter-Strike chống lại bot chỉ cầm dao. Portal ban đầu được gọi là Narbacular Drop, một dự án của vài cậu sinh viên nhưng “thánh Gaben” bất ngờ xuất hiện và thuê họ về làm việc cho Valve, yêu cầu họ thực hiện một bản mod Half-Life 2 bằng ý tưởng của mình để chứng minh tính khả thi trước khi trở thành một sản phẩm thương mại.

Half-Life: Alyx, con quái thú ngủ vùi của Valve

Portal.

Valve biết rõ sức ảnh hưởng của cái tên Half-Life, và tận dụng điều này bằng cách tung ra một bộ công cụ hỗ trợ modder kèm theo Half-Life: Alyx. Khác với việc tung ra một engine, những công cụ hỗ trợ này dễ dùng và dễ tiếp cận hơn đối với những game thủ bình thường nhưng ôm ấp những ý tưởng có thể được biến thành những huyền thoại mới. Điều này có thể sẽ khởi đầu cho những Counter-Strike, Garry’s Mod hay VRChat mới, chưa kể đến vô vàn chế độ chơi hấp dẫn hiện có như Zombie Panic, The Hidden, Zombie Master, Half-Life 2: Deathmatch… có thể được chuyển thể từ màn hình phẳng vào môi trường thực tế ảo. Chỉ mới tưởng tượng thôi mà Mọt đã rùng mình vì viễn cảnh bỏ ra hàng trăm đến hàng ngàn giờ chơi vào những bản mod và game mà Half-Life: Alyx góp phần tạo ra trong tương lai.

Một tương lai tươi sáng đang chờ đón chúng ta

Mọt tui mượn tạm câu nói của bộ ba phản diện trong Pokémon để bày tỏ những kỳ vọng mà mình có về ngành công nghiệp game sau khi Half-Life: Alyx ra đời, để thể hiện sự hào hứng với tựa game mà mình chưa chắc sẽ được chơi từ Valve. Mọt tui sẽ tiếp tục thực hiện một bài viết khác về Half-Life: Alyx, nên nếu bạn có hứng thú tìm hiểu sâu hơn về mặt nội dung của trò chơi này, đừng quên trở lại với Kênh Tin Game nhé.