Tuy nhiên, mọi chuyện lại không đơn giản như thế. Bạn không thể cứ thế mà lấy linh kiện cũ gắn chung với các linh kiện mới rồi mong chúng hoạt động một cách ổn định với nhau được. Bạn cần phải nắm rõ một số đặc điểm và lưu ý về độ tương thích giữa các linh kiện để biết linh kiện nào nên giữ, linh kiện nào nên mua mới để tránh việc mua hớ hoặc mua về rồi gắn vào không chạy hoặc bị lỗi.
Trong bài viết này, mình sẽ liệt kê ra các linh kiện chính trong một bộ PC được sắp xếp theo thứ tự có khả năng tái sử dụng cao nhất cho đến ít khả năng tái sử dụng nhất, cũng như nêu ra một số cân nhắc cho từng linh kiện để các bạn có thể tham khảo, từ đó có quyết định hợp lý hơn khi đi mua sắm nhé.
Các ứng cử viên hàng đầu mà bạn chắc chắn giữ
Những linh kiện trong danh sách này là những linh kiện mà bạn nên giữ lại để dùng cho bộ PC mới của mình. Một số linh kiện có thể bạn sẽ thấy nó quá căn bản, tuy nhiên, đôi khi mua mới các linh kiện này cũng sẽ ngốn một khoảng tiền kha khá nếu như bạn có số tiền tiết kiệm khiêm tốn đấy.
Case và quạt
Có thể nói trong tất cả các linh kiện có thể tài sử dụng thì Case là một ứng cử viên hàng đầu. Nếu case máy tính của bạn vẫn còn giữ được nguyên hình, không tới nỗi móp méo, rỉ sét.v.v. nói chung là còn tốt chán thì không có lý do gì bạn phải bỏ tiền ra mua một cái case mới cả (trừ khi bạn muốn một cái case khác đẹp và lập lòe hơn :)).
Tuy nhiên, nếu bạn đang sở hữu những chiếc case hồi xưa như hình ví dụ bên dưới thì bạn cũng nên cân nhắc chuyển sang một chiếc case mới rộng rãi, thoáng mát và chất lượng hơn. Bởi các case cũ không thật sự được thiết kế thân thiện với người dùng, đặc biệt là các game thủ hiện nay cho lắm. Hầu như các bạn bây giờ ít nhiều đều muốn sở hữu cho mình một chiếc case khoe được các phần cứng bên trong hơn là những chiếc case cục mịch, cứ nhét hết tất cả linh kiện vào bên trong rồi đóng nắp lại là xong. Đó là còn chưa kể đôi lúc một số case xưa cũ còn không có kích thước bo mạch chủ tiêu chuẩn, và đây cũng chính là yếu tố quan trọng mà bạn cần cân nhắc.
Về mặt khác thì các case hiện đại ngày nay được thiết kế để gắn các linh kiện bên trong một cách dễ dàng hơn, tối ưu luồng gió tốt hơn và thậm chí là quản lý cách đi dây cũng dễ hơn nữa.
Nếu như bạn đã có một chiếc case đáp ứng được tất cả các yếu tố trên thì cũng không có lý do gì khiến bạn phải bỏ tiền ra để mua thêm một cái case mới cả. Trừ khi bạn chiếc case đó có thiệt hại đổ bể gì hoặc do bạn muốn nâng lên một case mới bự hơn, có đèn LED, full mặt kính, hay có thêm cổng kết nối Type-C chẳng hạn.
Nguồn máy tính
PSU hay nguồn máy tính có lẽ là linh kiện đáng giữ lại nhất khi đi mua bộ PC mới, đương nhiên là vẫn tùy vào một số trường hợp nhất định. Trường hợp đầu tiên đó là bộ nguồn của bạn vẫn còn thời gian bảo hành. Thông thường, một bộ nguồn sẽ có thời gian bảo hành đâu đó tới tận 10 năm, con số này chứng tỏ là bạn có thể tái sử dụng nó qua nhiều bộ PC khác nhau mà không cần phải suy nghĩ nhiều.
Trường hợp thứ 2 đó chính là khả năng cấp điện. Nếu bộ nguồn cũ của bạn không đủ khả năng cấp điện để gồng gánh con quái vật PC mới của bạn thì bạn nên đổi sang một bộ nguồn có công suất cao hơn để đảm bảo cho các linh kiện phần cứng có thể chạy hết hiệu năng của mình nhé.
Trường hợp cuối cùng mà bạn nên lưu ý đó là kiểm tra xem bộ nguồn bạn đang dùng là Fully modular, Semi modular hay Non modular. Nếu như bạn đang dùng nguồn non modular thì có thể cân nhắc chuyển sang loại nguồn khác.
Nguồn Fully modular và Semi modular cho phép bạn thoải mái và tự do chọn các loại dây phù hợp để đi bên trong case, từ đó giúp giảm thiểu mức độ lộn xộn và khiến cho việc đi dây trở nên dễ dàng hơn, dễ quản lý hơn.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm về các loại nguồn Fully modular, Semi modular và Non modular và các ưu nhược điểm của chúng tại đây.
Các ứng cử viên mà bạn có thể giữ
Sau khi lướt qua các ứng cử viên sáng giá trong làng "nên giữ lại" thì bây giờ chúng ta sẽ điểm mặt các ứng cử viên trong làng "có lẽ nên giữ lại" nhé. Các bạn cũng cần lưu ý là khi giữ lại các linh kiện sau đây thì… nó vẫn hoạt động tốt thôi, chỉ có điều là nó có thể không buff hiệu năng PC lên như bạn mong muốn ở các bộ PC mới.
Card đồ họa
Có thể nói, card đồ họa có lẽ là linh kiện mà bạn dễ quyết định xem có nên giữ lại hay mua mới nhất. Nếu như bạn chơi những tựa game thiên về CPU nhiều hơn GPU ví dụ như Civilization VI chẳng hạn thì bạn có thể thoải mái giữ lại và tiếp tục xài card đồ họa hiện tại miễn sao nó vẫn có thể giữ cho game của bạn hoạt động tốt.
Ngược lại, nếu bạn muốn chơi các tựa game ăn GPU nhiều thì tốt nhất bạn nên kiểm tra cấu hình máy tối thiểu của tựa game đó để biết được rằng bạn còn bao nhiêu thời gian nữa trước khi phải thật sự lên đời một chiếc card đồ họa mới. Sau khi cấu hình tối thiểu của các tựa game AAA đã vượt qua con số model của card đồ họa của bạn thì đã đến lúc bạn nên sắm một chiếc card đồ họa mới. Tuy nhiên, bạn có thể chống cự thêm một hai đợt cập nhật nữa của tựa game nếu như bạn vẫn còn đang gặp khó khăn trong vấn đề kinh tế.
Ổ cứng
Bạn có thể tái sử dụng ổ cứng từ PC cũ sang PC mới bởi đây chính là linh kiện dễ chuyển đổi nhất giữa 2 máy tính. Tuy nhiên, nó sẽ có một vài vấn đề mà bạn cần phải cân nhắc nên mình không liệt kê ổ cứng vào danh sách "nên giữ lại".
Loại ổ cứng mà bạn không nên tiếp tục sử dụng chính là ổ cứng mà bạn dùng để boot win chính, bởi nó phải làm việc liên tục và có nguy cơ lỗi nhiều nhất. Bên cạnh đó thì các ổ cứng SSD hiện nay cũng đã khá là rẻ rồi nên bạn cũng có thể dễ dàng lựa được 1 ổ SSD tốt để cài Win với một mức giá hợp lý. Còn nếu ổ cứng thứ 2 của bạn vẫn hoạt động tốt thì đây có thể là ứng cử viên sáng giá để bạn tái sử dụng cho bộ PC mới của mình.
RAM
Bạn hoàn toàn có thể tái sử dụng RAM bởi vì đây là linh kiện ổn định không thay đổi nhiều. Hay nói cụ thể hơn là chuẩn RAM không thay đổi xoành xoạch như các thế hệ CPU hay GPU. Chỉ có điều là khi bạn giữ lại RAM thì bạn nên kiểm tra xem chuẩn RAM cũ có tương thích với bo mạch chủ mới hay không. Ví dụ như một thanh RAM chuẩn DDR3 chắc chắn sẽ không chạy nếu như bạn gắn nó vào bo mạch chủ sử dụng chuẩn DDR4.
Bạn cũng nên lưu ý rằng giá RAM hiện giờ cũng đã ổn định, nếu như bạn đang tính tiết kiệm tiền bằng cách sử dụng lại các linh kiện khác thì bạn nên cân nhắc nâng cấp RAM.
Tản nhiệt CPU
Tản nhiệt CPU khá là đắt, nếu như tản nhiệt cũ vẫn còn sử dụng tốt thì bạn cũng không cần phải mua một bộ tản nhiệt mới mà cứ thế sử dụng lại. Tuy nhiên, các bạn cũng cần lưu ý là bộ tản nhiệt cũ đó phải đáp ứng được 2 điều kiện đó là đủ hiệu năng làm mát cho CPU mới và vừa với socket của bo mạch chủ mới.
Một điều quan trọng nữa mà bạn cần nhớ đó là trong số tất cả các linh kiện thì tản nhiệt là thứ bạn không muốn bị hỏng nhất. Bởi vì một khi mà tản nhiệt đã hư đột xuất thì khả năng cao là nó sẽ kéo theo con CPU mới toanh của bạn hỏng theo. Chính vì thế, một chiếc tản nhiệt mới có lẽ sẽ đáng tin cậy hơn cho công việc này.
Các ứng cử viên mà bạn không nên giữ: CPU và bo mạch chủBây giờ, chúng ta sẽ đi đến phần của những linh kiện mà bạn nên thay thế đó chính là CPU và bo mạch chủ, mặc dù hiện tại chúng có đang hoạt động tốt đi nữa.
Dù nói vậy nhưng không có nghĩa là bạn không thể dùng CPU và bo mạch chủ cũ này cho một bộ máy thứ 2 cùng với các linh kiện thay thế khác. Vậy tại sao chúng ta lại không nên giữ lại CPU và bo mạch chủ để tiết kiệm tiền khi đi mua một bộ máy mới? Đó là bởi CPU là một trong những chìa khóa quyết định hiệu năng của PC, và đây cũng chính là lý do mà bạn quyết định đi mua PC mới ngay từ lúc đầu, tất cả là về câu chuyện "tăng hiệu năng".
Bên cạnh đó, nếu như bạn giữ lại CPU thì chắc chắn bạn cũng sẽ giữ lại bo mạch chủ bởi sẽ chẳng có lý do gì khi phải bỏ thêm tiền mua một bo mạch chủ mới trong khi bo mạch chủ cũ vẫn gánh tốt con CPU đó. Thêm nữa đó là khi bạn giữ lại CPU và bo mạch chủ thì nó sẽ giống như bạn nâng cấp bộ PC hiện tại hơn là đi mua một bộ PC mới.
Đương nhiên là cũng có ngoại lệ, ví dụ như bộ PC cũ của bạn đang sử dụng một con CPU cao cấp như Ryzen 9 3900X thì sẽ chẳng có gì là lạ khi bạn muốn tái sử dụng lại CPU này cho bộ PC mới.
Nâng cấp VS mua PC mớiCó rất nhiều linh kiện mà bạn có thể cân nhắc để tái sử dụng cho một chiếc máy tính mới. Tuy nhiên, bạn chỉ cần nhớ rằng nó có một ranh giới nhỏ giữa việc nâng cấp và mua mới hoàn toàn khi sử dụng lại các linh kiện cũ.
Bạn có thể thay toàn bộ "bộ đồ lòng" để build một PC mới hoàn toàn dù cho nó có hơi tốn tiền hoặc bạn có thể tận dụng lại các linh kiện cũ để giảm bớt chi phí, hoặc bạn cũng có thể đơn giản chỉ là nâng cấp nhẹ bộ PC hiện tại. Dù cho bạn có chọn cách gì thì cũng chẳng có vấn đề gì cả, bạn chỉ cần lưu ý một điều đó là nếu bạn giữ lại quá nhiều linh kiện cũ thì hiệu năng của bộ PC sẽ không tăng lên như mong đợi của bạn muốn ở một chiếc PC mới.
Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!
Nguồn howtgeek biên dịch Gearvn