The Witcher: Phim của Netflix và game của CD Projekt Red khác nhau như thế nào? - PC/Console

Sau khi xem phim The Witcher, Mọt tui "ngứa tay" muốn viết bài này để chia sẻ với các bạn về sự khác biệt giữa phim và game dựa trên cùng một tiểu thuyết.

Vốn là một series chỉ nổi bật tại Ba Lan, bộ tiểu thuyết The Witcher và nhân vật chính Geralt xứ Rivia đã trở thành một hiện tượng văn hóa sau ba bản game của CD Projekt Red, trong đó công lớn nhất thuộc về The Witcher 3 và cái kết viên mãn mà hai bản mở rộng Hearts of Stone, Blood & Wine đem lại. Chớp lấy tiếng tăm mà CD Projekt Red tạo ra cho thương hiệu này, nhiều công ty lập tức nhảy vào khai thác thương hiệu The Witcher: bộ tiểu thuyết gốc được dịch thành tiếng Anh và phát hành lần lượt từ 2008 đến 2017, còn Netflix ra tay thực hiện bộ phim truyền hình The Witcher vừa được công chiếu vào ngày 20/12 vừa qua.

Nếu là fan của The Witcher và theo dõi sát sao các thông tin về bộ phim truyền hình mà Netflix thực hiện, hẳn bạn đã biết rằng giữa phim và game có nhiều điểm khác biệt. Điều này là dễ hiểu bởi dù cùng chung nguồn gốc, chúng lại là các định dạng giải trí khác nhau và được thực hiện dựa trên trí tưởng tượng của những người làm ra chúng. Vì vậy, trong bài viết này Mọt tui sẽ so sánh sự khác biệt giữa phim với game nhằm giúp các fan của series khỏi bất ngờ về những điều “không giống game” mà bạn thấy trong phim.

Nội dung

Đầu tiên, bạn cần biết về thứ tự thời gian của các tiểu thuyết The Witcher, vì đây là một điều khá rối rắm, chẳng hạn quyển The Last Wish phát hành sau nhưng lại là tiền truyện của quyển tiểu thuyết The Witcher đầu tiên. Thứ tự thời gian của các sự kiện trong thế giới The Witcher như sau:

  • The Last Wish (tuyển tập truyện ngắn)
  • Season of Storms (tuyển tập truyện ngắn, diễn ra cùng lúc với The Last Wish)
  • Blood of Elves (khởi đầu series The Witcher)
  • Time of Contempt
  • Baptism of Fire
  • The Tower of the Swallow
  • The Lady of the Lake.

The Witcher: Phim của Netflix và game của CD Projekt Red khác nhau như thế nào?

Điều quan trọng nhất mà bạn cần biết là nội dung của game lấy bối cảnh 5 năm sau những sự kiện xảy ra trong quyển tiểu thuyết cuối cùng của series là The Lady of the Lake, và kết thúc với việc Geralt có được một gia đình đầm ấm trong bản mở rộng Blood & Wine. Trong khi đó, mùa 1 của bộ phim The Witcher do Netflix thực hiện sẽ chỉ có nội dung bao quát một phần trong quyển tiểu thuyết đầu tiên Blood of Elves, theo lời của nhà sản xuất Tomek Baginski.

Vì vậy, bạn sẽ không gặp bất kỳ sự kiện quen thuộc nào trong game khi xem bộ phim của Netflix. Đây cũng chính là lý do tại sao các nhân vật trong phim có tuổi đời trẻ hơn so với trong game – Mọt không dám nói rằng họ có vẻ ngoài trẻ hơn khi nhìn vào Triss và Yennefer phiên bản Netflix. Tác giả Andrej Sapkowski tham gia vào việc chế tác phim trong vai trò cố vấn nhằm đảm bảo nội dung tiểu thuyết (chứ không phải game) sẽ được chuyển thể một cách chính xác lên màn ảnh.

“Nghệ thuật làm game dở” có vẻ đã thất truyền
“Nghệ thuật làm game dở” có vẻ đã thất truyền
Dù cũng là game dở như nhau, nhưng game dở ngày xưa... hay hơn ngày nay. Không phải vì game xưa được điểm tô bởi hồi ức, mà vì chúng... ít dở hơn thật!

Chiếc mề đay hình sói

Chiếc mề đay (medallion) mà Geralt mang trước ngực cũng là một điểm thường bị game thủ chỉ trích. Trong tiểu thuyết, tác giả Andrej nói rằng nó là dấu hiệu đặc trưng của các Witcher và chỉ ra rằng Witcher đó thuộc trường phái nào, nên có vai trò khá quan trọng trong bối cảnh của game. Như Mọt được biết, trong quyển tiểu thuyết The Lady of the Lake có ba tấm mề đay khác nhau xuất hiện: một hình mèo, một hình sói và một hình sư tử đầu chim (griffin). Tấm hình sói thuộc về tên thợ săn tiền thưởng Leo Bonhart và bị Ciri lấy đi rồi cho Geralt để thay thế cho những mề đay cũ của anh đã bị phá hủy trước đó.

The Witcher: Phim của Netflix và game của CD Projekt Red khác nhau như thế nào?

Hình dạng đầu sói trong game (trái) và tronrg phim (phải)

Chiếc đầu sói này được gọi là “Gwynbleidd”, một từ cổ đồng nghĩa với “sói trắng” (hoặc sói xám, tùy bản dịch). Trong game, chiếc mề đay mà Geralt đeo có ngoại hình ngầu ngụa, đầy góc cạnh và thể hiện góc nhìn chính diện vào mặt một con sói. Nó được mô tả là công cụ cho phép một witcher phát hiện ra các nguồn ma thuật quanh mình, dù là ảo ảnh, phép thuật hay sinh vật kỳ bí, có khả năng cảnh báo người đeo về các hiểm họa xung quanh (dù nó không phát hiện được một số loại quái vật như vampire, doppler).

Thế nhưng trong phim chúng ta lại thấy Geralt của Henry Cavill đeo một mề đay hình tròn, với đầu sói nhìn từ bên hông. Điều này là nguyên nhân khiến nhiều game thủ chỉ trích Netflix đã không tôn trọng nguyên tác, nhưng thật ra thì ở đây cả phim lẫn game đều sai. Theo mô tả trong tiểu thuyết, chiếc mề đay này được mô tả là hình tròn, với một đầu sói nhe nanh nhìn thẳng. Hình tròn là một hình dạng thực tế và khả thi hơn với công nghệ thời Trung cổ, đồng thời cũng không có những góc cạnh sắc nhọn có thể làm bị thương Geralt trong những pha chiến đấu lăn lê bò trườn. Một số hình minh họa chiếc mề đay này đã xuất hiện trên bìa tiểu thuyết:

The Witcher: Phim của Netflix và game của CD Projekt Red khác nhau như thế nào?

Cây kiếm bạc ở đâu?

Trong các tựa game của CD Projekt, Geralt luôn luôn mang theo hai thanh kiếm sau lưng mình: một kiếm thép cho các sinh vật bình thường và một kiếm bạc cho các loại quái vật. Trong phim, bạn chỉ thấy Geralt cầm theo một thanh kiếm và điều này khiến game thủ thắc mắc phải chăng Geralt đã… đem cầm thanh kiếm bạc của mình.

The Witcher: Phim của Netflix và game của CD Projekt Red khác nhau như thế nào?

Geralt của Henry Cavill thường chỉ mang theo thanh kiếm thép.

Thực ra thì không – Netflix đã làm đúng theo mô tả trong tiểu thuyết, khi Geralt chỉ cầm kiếm thép theo mình và để thanh kiếm bạc lại trên lưng chú ngựa Roach. Điều này là nhằm bảo vệ thanh kiếm bởi bạc rất mềm nhưng lại đắt giá, có thể thu hút ánh mắt của lũ trộm cướp – điều mà Geralt không muốn khi đang phải choảng nhau với đủ kiểu quái vật trong thế giới của The Witcher.

Nhân vật

Chuyện vẻ ngoài của Triss và Yennefer khác biệt với game ra sao thì ai cũng đã biết, nên Mọt muốn nói tới một vài điểm thú vị khác trong phim. Nhân vật Jaskier bạn của Geralt trong series phim của Netflix là một cái tên lạ hoắc, nhưng nếu đã chơi qua game, bạn sẽ biết anh chàng này là ai. Chính là Dandelion, một thi nhân (bard) sát gái và thường xuyên vướng vài đủ loại rắc rối cần Geralt giúp đỡ.

The Witcher: Phim của Netflix và game của CD Projekt Red khác nhau như thế nào?

Dandelion trong game tên thật là Jaskier.

Lý do mà Netflix đổi tên Dandelion thật ra rất dễ hiểu: Jaskier là tên thật của Dandelion trong bản tiếng Ba Lan và có nghĩa là “Buttercup”. Khi làm game, CD Projekt Red không thích Buttercup vì nó có vẻ quá nữ tính, nên đã đổi tên anh chàng thành Dandelion như một cách chơi chữ (dandy là bảnh bao, hào hoa). Trong phim, cá tính của nhân vật này đã bị thay đổi chút ít và không còn “chơi hết mình” như trong game, nên việc đổi về tên thật của anh tỏ ra khá phù hợp.

The Witcher
Nguồn gốc của game: The Witcher – P.1
Hãy cùng Kênh Tin Game tìm hiểu về nguồn gốc của một vài series game đình đám nhất hiện nay, khởi đầu với nguồn gốc của The Witcher.

Trong khi việc đổi tên Dandelion thành Jaskier là phù hợp với nội dung tiểu thuyết, việc Netflix thay đổi màu da của nhân vật là hoàn toàn ngớ ngẩn. Trong cả tiểu thuyết lẫn game, không có một nhân vật nào được mô tả là da màu vì cả tác giả Andrej Sapkowski lẫn CD Projekt đều nằm ở Ba Lan, nơi hơn 97% dân số là da trắng. Khi làm phim, Netflix đã đổi màu da một số nhân vật cho phù hợp với xu thế bao quát mọi chủng tộc hiện tại mặc kệ màu da gốc của nhân vật trong tiểu thuyết.

The Witcher: Phim của Netflix và game của CD Projekt Red khác nhau như thế nào?

Buồn cười đến mức game thủ phải chế meme.

Hãy để Mọt chỉ ra sự ngớ ngẩn: trong tiểu thuyết của mình, Andrej mô tả Fringilla là “có màu da trắng nhợt như ma” (ghastly paleness), Yennefer là “mắt tím, tóc đen, da trắng”, Triss Merigol là “mắt xanh, tóc nâu vàng (auburn hair). Trong phim, Netflix giao vai Fringilla cho nữ diễn viên da đen Mimi Ndiweni, biến Triss thành yêu nữ tóc xù (Anna Shaffer đóng), giao Yennefer cho Anya Chalhotra gốc Ấn Độ. Càng nực cười hơn là tác giả Andrej Sapkowski nói rằng việc đổi màu da này “phù hợp với ý tưởng ban đầu của tôi”!

Tạm kết

Đó là những sự khác biệt rõ ràng nhất mà Mọt tui thấy được khi so sánh giữa The Witcher của Netflix với The Witcher của CD Projekt Red. Bạn còn nhận ra sự khác biệt nào nữa không? Hãy chia sẻ cùng Mọt và các độc giả khác trong phần comment bên dưới nhé!

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e