Bladed Fury có thể không được nhiều game thủ biết cho lắm bởi về cơ bản nó là một game thuộc dạng chơi tạm đỡ buồn cũng được.
Được phát triển và phát hành bởi NEXT Studio, hãng làm game tại Trung Quốc tương đối non trẻ với một vài sản phẩm như Iris Fall, Unhead và Death Coming. Bladed Fury như đã nói không hot cho lắm nhưng trớ trêu thay nó lại là trò chơi nổi tiếng nhất của hãng bởi mấy con game kia thậm chí nhiều người còn không biết tên nữa là.
Về cơ bản Bladed Fury là một game đi cảnh chặt chém màn hình ngang lấy bối cảnh thời Xuân Thu Chiến Quốc để làm nền cho cuộc phiêu lưu của nhân vật chính, công chúa Tề Tương (Ji Jiang – Mọt tui không thể tìm được cái tên nào khác hợp lý hơn khi tra cứu về phiên âm của hai chữ này, nếu có bổ sung vui lòng để lại ở phần bình luận). Ừ thì Tề Tương cũng ham ăn nhí nhảnh như bao nàng công chúa khác nhưng nàng chắc chắn không mít ướt và bánh bèo bởi sau cái chết của hoàng đế Khang của Tề quốc, nàng đã vác dao lên đi trả thù ngay tắp lự.
Cốt truyện thấp kém đến khó tin dù sở hữu đề tài vô cùng thượng đẳng
Lại nói về cốt truyện của game thì đây là một trong vài câu chuyện mà Mọt tui cảm thấy chán nản nhất trong vài năm gần đây. Mở đầu rất ghê khi Tề Tương muốn chất vấn phụ hoàng tại sao lại gả Thục nương (chị gái của cô) cho gia tộc của thừa tướng để đổi lấy một liên minh tạm thời. Nhưng vừa bước vào cung điện thì cô thấy cha đã bị sát hại sau đó biến thành ác quỷ và tấn công Tề Tương. Không còn cách nào khác công chúa phải vung đao lên để tránh bị sát hại nhưng nghiệt ngã thay, con quỷ sau khi bị tiêu diệt đã trở lại hình dáng của vua Khang thế là Tề Tương bị mọi người đổ cho tội giết cha.
Nếu ở lại Tề Tương chỉ có con đường chết nên Thục nương vì cứu mạng em đã phải chấp nhận gả cho nhà tể tướng với điều kiện công chúa phải được tự do rời khỏi kinh thành, cũng từ đây hành trình trở thành Dante và khiến lũ quỷ phải khóc hận của Tề Tương được chính thức bắt đầu. Nghe hay lắm phải không? Nhưng xin chia buồn cùng bạn là suốt 3 giờ chơi game, cốt truyện này gần như không nhắc lại lần nào nữa. Tất cả những gì mà chúng ta thấy ở Tề Tương không phải là hành trình trả thù đồng thời luôn bị cảm giác tội lỗi dằn vặt cả về thể xác lẫn tâm hồn. Cô công chúa chỉ liên kết với cốt truyện qua vài câu hội thoại thiếu cảm xúc thậm chí người chơi sẽ có cảm giác những cuộc trò chuyện chỉ để hai phía đỡ lúng túng còn đâu là cứ a lô xô lao vô chặt quái cho tới hết game.
Thật đáng ngạc nhiên khi nữ anh hùng mang nợ nước thù nhà, rồi còn phải giải cứu chị gái, rửa oan cho bản thân và đồng thời tìm ra sự thật đằng sau tất cả những âm mưu đẩy gia đình hoàng tộc của mình rơi vào diệt vong… Hầu hết đều là những chất liệu thượng đẳng để xây dựng cốt truyện nhưng lại được thể hiện rất chán, luôn đóng vai trò là người đặt câu hỏi trước sự tư vấn, hướng dẫn như cầm tay chỉ bút của NPC. Tề Tương được lột tả với nội tâm quá đơn giản cả về đối thoại lẫn sự liên kết với các nhân vật có liên quan trong mạch truyện. Tất cả như khuyến khích người chơi chỉ cần tập trung vào chặt chém là được. Thật đáng thất vọng cho đứa viết kịch bản nào làm ra cái cốt truyện nhạt nhẽo này dù đề tài thì vô cùng có chiều sâu.
Đồ họa ổn nhưng thiết kế “hút lá đu đủ” nên đôi khi Nhật Trung lẫn lộn
Lấy bối cảnh Xuân Thu Chiến Quốc, dĩ nhiên thiết kế nhân vật, tạo hình phục trang cùng cảnh quan môi trường của game sẽ đậm chất văn hóa Trung Hoa cổ đại. Đây là một phạm trù nói khó không khó mà bảo dễ lại chả phải dễ bởi giai đoạn lịch sử đã được chuyển thể lên màn ảnh không biết bao nhiêu lần mà nói. Nhưng để khai thác và thể hiện ra được cái chất lịch sử của thời đại này tuyệt đối là chuyện không dễ dàng. Hãy nhìn loạt tác phẩm gần đây của đại lục để thấy rằng dẫu có được đầu tư hàng trăm triệu nhân dân tệ, quay chụp ở phim trường chất lượng như Hoành Điếm hay sở hữu dàn diễn viên hạng A thì một phim dã sử vẫn có thể tạch như thường bởi không tạo ra được khí chất của giai đoạn lịch sử mà nó muốn thể hiện.
Riêng các NSX của Bladed Fury đã tạo ấn tượng sâu sắc cho game thủ bởi áp dụng chính xác phong cách hội họa truyền thống Trung Hoa, kết hợp thêm nhiều nét chấm phá từ cảnh quan môi trường mang đậm phong cách tranh thủy mặc khiến đồ họa của trò chơi thêm phần thi vị. Đối lập với cảnh nền theo lối cổ phong họa bản, phần thiết kế nhân vật (kể cả lũ yêu quái, ma quỷ) lại tỏ ra hết sức thời thượng khi tuân thủ tuyệt đối góc nhìn hoạt hình hiện đại. Trong vài năm gần đây xu hướng đồ họa nào đang hot? Rõ ràng là Flat Design không cần bàn cãi và toàn bộ nhân vật trong tựa game của NEXT Studio đều được vẽ ra đúng theo tinh thần của phong cách này. Sự biến ảo và ma mị của lũ yêu tinh ẩn nấp trong từng bức họa, hay khí thể dũng mãnh của của một võ tướng dạn dày sương gió nơi sa trường, tất cả đều được lột tả cực kỳ ấn tượng bằng những nét vẽ đầy phóng khoáng.
Tất nhiên cổ điển kết hợp với hiện đại hay gọi vui là ôn cố tri tân cũng cần có một sợi dây dẫn dắt hay nôm na là chất xúc tác hiệu quả để màn hòa trộn không bị sống sượng. Ở đây các NSX đã khéo sử dụng chất liệu từ truyền thuyết dân gian cổ xưa xuất phát thời Tam Hoàng Ngũ Đế hay xa hơn nữa để khéo léo kết nối tất cả với nhau. Tề Tương có thể rất mạnh nhưng để chiến đấu với yêu ma quỷ quái, cô ta cần được cung cấp một sức mạnh lớn lao hơn và danh xưng truyền nhân của Hậu Nghệ hẳn là đủ để cô công chúa bướng bỉnh này có thể san bằng tất cả dưới lưỡi đao của mình.
Có thể nói, những nét văn hóa Á Đông đặc trưng trong kiến trúc, lối sống của Trung Hoa được thể hiện rất mỹ mãn và đẹp tuyệt vời trong Bladed Fury. Tuy nhiên không biết có phải do hút lá đu đủ quá liều khi vẽ tranh hay không mà các họa sĩ của NEXT Studio đôi khi lại thêm thắt nhiều chi tiết gợi nhớ đến… Nhật Bản. Đây là vết gợn trong khâu thiết kế và không ít lần gây hiểu nhầm hay tranh cãi về bối cảnh của Bladed Fury. Dù sao thì với một mốc lịch sử cách đây cả hơn mấy ngàn năm, rất khó kiểm chứng xem ai cầm nhầm phong cách hội họa của ai nhưng với danh nghĩa một game do Trung Quốc sản xuất và phát hành thì vụ “cầm nhầm” art Nhật này vẫn phải xem là một điểm trừ lớn. Ngoài ra không biết bộ sậu NSX có vấn đề về nhân sự hay không bởi phong cách nghệ thuật đôi khi thiếu nhất quán khiến người ta hoài nghi chỉ đạo nghệ thuật có thể đã bị thay đổi trong quá trình làm game.
Lối chơi chặt chém ổn thỏa bất chấp bộ kỹ năng quá đơn điệu
Không giống với các dòng game chặt chém thiên về nghệ thuật chiến đấu. Phong cách chặt quái của Bladed Fury chỉ đơn giản là smash nút càng nhanh, càng nhiều thì càng tốt chứ không khuyến khích và cũng chẳng cách nào khuyến khích người ta nuôi combo cho thật dài. Số lượng chiêu thức của nhân vật chính cũng cực kỳ ít, kể cả về sau này khi đã max tiền, max điểm người ta chủ yếu sẽ nâng cấp và mở rộng nhánh kỹ năng hướng bị động để tăng các chỉ số cho nhân vật Tề Tương là chính. Vũ khí, thứ đồ chơi cực kỳ quan trọng của bất cứ game chặt chém nào dường như bị quên khi suốt hành trình Tề Tương chỉ có hai món vũ khí là Fiendbane – cặp song kiếm bằng ngọc có tốc độ đánh cực nhanh, cùng Crimson Mass – thanh cự kiếm có sát thương kinh hoàng nhưng tốc độ cũng chậm kinh hoàng.
Trong thời gian làm quen ban đầu, sự đơn giản đến mức tối giản này của Bladed Fury dễ khiến người chơi đánh giá đây là một hệ thống chiến đấu nghèo nàn, thiếu kết nối đến thứ như tinh hoa của dòng game chặt chém. Tuy nhiên khi càng đi sâu về sau, hệ thống chiến đấu đơn giản của trò chơi hình như là một lựa chọn chính xác, bởi thứ mà người chơi cần tập trung chính là những chiêu thức biến ảo của con trùm, và tìm cách nhào vô “cắn trộm” phát nào hay phát đó. Sự rườm rà không cần thiết trong chiêu thức chắc chắn sẽ khiến người chơi sấp mặt ngay tức khắc bởi bọn trùm của cái game nó thổ tả vô cùng khi máu và các đòn tấn công cũng thường thôi nhưng chém trúng lại rất đau. Bù lại sau khi thịt được lũ boss, Tề Tương có thể thu hồn của chúng rồi triệu hồi ra để giúp sức thông qua hệ thống Soul Sliver. Tuy nhiên, để hạn chế người chơi lạm dụng hệ thống Soul Sliver này, Bladed Fury chỉ cho phép mang tối đa 4 linh hồn hỗ trợ, và mỗi linh hồn cũng chỉ có một số lần triệu hồi nhất định.
Nhìn chung lối chơi cung cấp hai dữ kiện vô cùng đơn giản gồm sử dụng Fiendbane thì đánh rất nhanh, ra đòn mây trôi nước chảy nhưng bù lại sát thương chỉ ở mức trung bình cũng như bị các đơn vị mặc giáp phản đòn. Trong khi đó Crimson Mass vừa chậm vừa cục mịch nhưng chém phát nào, ăn tiền phát đó, thậm chí thanh cự kiếm này còn có tác dụng phá giáp kẻ địch cũng phản hồi các đòn tấn công tầm xa của lũ quái, kiểu như người ta đánh tennis vậy. Bên cạnh đó 4 phím điều hướng kết hợp cùng mỗi loại vũ khí sẽ tung ra một tuyệt chiêu khác nhau, hơi đơn giản nhưng cũng có thể coi là vừa đủ để người ta sử dụng trong mọi trường hợp. Việc còn lại của game thủ chính là đứng ở đâu, nhấn nút lúc nào, né tránh làm sao để cuộc chơi không trở nên quá khó khăn khi bị kẻ thù đánh sấp mặt.
Sau tất cả nếu đang tìm một game chặt chém mang hơi hướng beat ’em up với cốt truyện đơn giản khỏi cần nghĩ nhiều cứ vào mà bem thì Bladed Fury tuyệt đối phù hợp với bạn. Tuy nhiên game này chắc chắn chống chỉ định với những đạo hữu có tâm hồn mong manh, nhạy cảm, thích suy nghĩ về nhân sinh trong một nghìn kiếp luân hồi bởi cốt truyện quá đơn giản sẽ rất khó để thỏa mãn bọn họ.
Phát hành: NEXT Studios
Phát triển: NEXT Studios
Ra mắt: 18 tháng 12 năm 2018
Đánh giá trên: PS4
Nền tảng khác: PC