Có những tựa game chất lượng không tồi nhưng lại bị lãng quên oan uổng - PC/Console

Nhân dịp thiên hạ xôn xao việc đối xử hơi thiếu…công bằng trong SEA Games 30, thế giới game cũng không thiếu mấy trường hợp game hay mà bị đánh giá thấp

Giống như bóng đá, người ta chỉ chăm chăm vào thành tích của đội bóng đá nam ở các đấu trường thế giới. Thì ở thế giới game, người ta cũng chỉ chú ý đến những tựa game AAA từ các cái tên danh tiếng, mà quên mất rằng ngoài kia vẫn còn những “ngọc trong đá” đang bị vùi dập bởi sức nặng và độ phủ sóng của các bài đánh giá, tung hô những tựa game bom tấn được chi tiền quảng cáo rầm rộ.

Vì thế, Kênh Tin Game xin phép gom góp lại những tựa game bị “coi thường” trong cả thập kỷ qua, mặc dù tính về chất lượng của nó thì nhiều con game tầm trung bây giờ xách dép theo không kịp.

MAG (2010)

Sở hữu một cái tên có phần hơi hàn lâm, Massive Action Game, cũng khó trách khi thời điểm đó ngành game vẫn còn mơ hồ ở mấy cái việc phân chia thể loại lắm.

Những tựa game bị “coi thường” nhất dù chúng nó cực xịn xò

Tuy nhiên, đừng nhìn cái tên củ chuối mà coi thường, MAG là một trong những con game FPS cực kỳ tham vọng tại thời điểm đó. Một màn chơi có thể có tới 256 game thủ cùng tham gia, với bản đồ siêu rộng và thiết kế cực kỳ đa dạng, đảm bảo ai chơi rồi sẽ thấy nó chất lượng như thế nào.

Nên nhớ, cỡ như PUBG còn lỗi đủ thứ sửa hoài không hết với cao lắm đến… 100 mạng tham gia. Còn MAG là 256 con người mà còn chơi trên Console cơ đấy.

Hơn nữa, MAG còn sở hữu gameplay cực kỳ ấn tượng với phong cách nhà binh chuẩn chỉnh. 8 người gom lại thành một tiểu đội, 4 tiểu đội thành một trung đội, 4 trung đội thành một đại đội. Ở mỗi nhóm sẽ có một đội trưởng được phân ra theo thứ hạng trong game, nói chung là đúng tiêu chuẩn nhà binh chứ không phải muốn làm gì thì làm, bắn ai thì bắn.

Đáng tiếc, game hay cỡ này mà người ta vẫn không chú ý tới. Cứ nhắc tới game FPS trên Console thì chỉ có Call of Duty hay Battlefield thôi, nên MAG dù sở hữu gameplay cực kỳ đặc sắc nhưng cũng không thể vượt qua hai cái tên quá lớn đó được. Để rồi cuối cùng server của game cũng đóng của sau hơn 4 năm duy trì.

Alpha Protocol (2010)

Những tựa game bị “coi thường” nhất dù chúng nó cực xịn xò

Obsidian nổi tiếng với mấy con game nhập vai, nổi trội như Fallout New Vegas cực kỳ nổi tiếng. Tuy nhiên, họ cũng sản xuất ra một dự án khác mà so về chất lượng thì không đến nỗi nào: Alpha Protocol

Hóa thân thành một điệp viên và tìm cách sống sót giữa một thế giới đảo điên với niềm tin là thứ xa xỉ, Alpha Protocol bị chê bai thậm tệ vì hệ thống chiến đấu tệ hại vãi nồi. Tuy nhiên, game cũng sở hữu những điểm sáng cực kỳ xuất sắc mà mấy con game sau này khó mà bắt kịp.

Bất kể hành động nào của game thủ, dù là nhỏ nhất đi chăng nữa đều sẽ ảnh hưởng tới những diễn biến sau này của trò chơi. Obsidian còn tỉ mỉ tới mức NPC còn chú ý đến từng chi tiết nhỏ của người chơi như…diện một cái áo mới hay mới đổi kiểu tóc chẳng hạn.

Như đã nói ở trên, bất cứ quyết định nào của người chơi cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới diễn biến của mạch truyện chính, nên mỗi lần chơi là mỗi lần bạn được trải nghiệm một hành trình mới. Đó là điểm sáng cực lớn của Alpha Protocol.

Assassin’s Creed IV: Freedom Cry (2013)

Chuyến phiêu lưu của Edward thì không cần phải bàn về độ hấp dẫn rồi, thế nhưng phần chơi mở rộng Freedom Cry cũng thực sự hay ho ra trò luôn đấy.

Những tựa game bị “coi thường” nhất dù chúng nó cực xịn xò

Theo chân Adéwalé, một người con Haiti dẫn dắt những anh em của mình trong Cuộc Cách Mạng Haiti đình đám đầu thế kỷ 19. Đây là một trong những cuộc nổi dậy hiếm hoi của dân nô lệ thành công rực rỡ, qua đó thành lập nên nhà nước Haiti. Có thể nói, dõi theo diễn biến của Adéwalé cũng thú vị không kém gì lôi nhau ra biển làm cướp biển cả.

10 tựa game có công nghệ Motion Capture đỉnh nhất – P.1
Motion Capture là công nghệ cực kỳ cần thiết để đưa diễn xuất tuyệt vời của một diễn viên vào trong trò chơi, từ đó lột tả được ý nghĩa mà kịch bản cốt truyện muốn truyền tải tới game thủ.

Chỉ là chả hiểu sao, đây chỉ là một phần DLC kèm theo chứ không phải là một tựa game hoàn chỉnh. Còn rất nhiều thứ có thể khai thác về những sát thủ xuất thân là nô lệ người da màu, đặc biệt trong một bối cảnh lịch sử như vậy. Và cũng do thành công quá lớn của Assassin’s Creed: Blackflag, người ta quên đi một phần game phụ xuất sắc như vậy.

Sleeping Dogs (2012)

Cái tên cuối cùng nằm trong danh sách này chính là Sleeping Dogs, một trong những tựa game bị “coi thường” nhất và là tựa game yêu thích của Mọt tui.

Đương nhiên với game thủ phương Tây, một tựa game có phong cách và lối chơi na ná…Grand Thief Auto chắc hẳn chả có gì nổi bật. Nhưng với những con mọt game Châu Á, đặc biệt mà những ai có tuôi thơ đắm mình trong mấy bộ phim TVB đình đám ngày đó chắc hẳn sẽ bị ấn tượng mạnh với Sleeping Dogs.

Những tựa game bị “coi thường” nhất dù chúng nó cực xịn xò

Một kịch bản không thể quen thuộc và gần gũi hơn với những fan hâm mộ phim ảnh xứ Cảng Thơm, hành trình phá án của thanh tra cảnh sát Wei Shen trong thế giới xã hội đen phức tạp, tàn bạo, mưu mô và không kém phần hấp dẫn chắc hẳn sẽ kích thích bất cứ game thủ nào đã trót yêu motip cảnh sát bắt cướp kinh điển ấy. Ngoài ra, game còn đâu tư vô cùng tỉ mỉ và trau chuốt cho một Hong Kong lộng lẫy, xa hoa nhưng đầy cạm bẫy càng giúp Sleeping Dogs thêm đáng đồng tiền bát gạo.

Đáng tiếc, nhiều công sức thế cũng không đủ giúp tựa game này trở thành một thương hiệu như GTA hay Yakuza, thôi thì đành ngậm ngùi nhìn về quá khứ thôi.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e