Có lẽ khi nhắc tới những tựa game đại diện cho một dòng máy nhất định, chúng ta thường sẽ nhắc ngay tới những cái tên độc quyền trên console, thứ khiến hệ máy đó trường tồn theo thời gian. Segagaga đáng tiếc lại không phải là thứ như vậy, khi nó được ra đời vào những ngày cuối cùng của Sega Dreamcast – đánh dấu chấm hết cho một hệ máy đình đám nhưng chưa bao giờ vượt qua được kẻ thù truyền kiếp Sony.
Bạn có thể thắc mắc cái tên Segagaga nghe có phần hơi kì cục quá đúng không, vì đây chính xác là bản khóc than cuối cùng của Sega trước khi nó bị xóa sổ khỏi cuộc chiến console. Hãy trở lại cách đây gần 20 năm (đầu 2001), khi mà cuộc chiến console lúc đó đang dần đi tới hồi hạ nhiệt, với việc hệ máy Dreamcast của Sega đã hoàn toàn bị Playstation 2 của Sony vượt mặt, bất chấp các nỗ lực kèm một đống game độc quyền như Shenmue.
Toàn bộ cuộc đời của Segagaga giống như một chuỗi bi hài kịch bất tận, nó được phát triển bởi Tez Okano một cách hoàn toàn bí mật trong vòng 2 năm, vì một lý do nào đó mà ông ta tin rằng cái dự án này càng ít người biết càng tốt. Nhưng chính vì cái sự “bí mật” này mà khi đem Segagaga tới trình lên trụ sở chính, nó đã bị gạt phăng đi vì cho rằng đây là một trò đùa vớ vẩn. May mắn cho Okano là giám đốc của Sega Hitmaker lúc đó là Hisao Oguchi đột nhiên lại có hứng thú với tựa game này, cũng như cho nó được tiếp tục phát triển.
Segagaga có thể được xếp vào thể loại JRPG, nhập vai theo lượt, mô phỏng, parody, tự truyện, hài hước và ti tỉ cái tả pí lù khác như một cái nồi lẩu thập cẩm. Cốt truyện của nó sặc mùi “nohope” khi kể về tương lai những năm 2025, khi mà Sega lúc đó chỉ còn nắm được 3% thị trường console, trong khi 97% còn lại nằm trong tay của tập đoàn “độc ác” có tên DOGMA.
Trong nỗ lực tuyệt vọng để tự cứu lấy chính mình, Sega đã lập nên kế hoạch Segagaga (viết tắt SGGG), với việc gửi 2 thiếu niên một nam một nữ là Tarou và Yayoi tới trụ sở chính, nhằm giúp các nhân viên lấy lại phong độ để có thể tạo nên cái game gì đó chống lại DOGMA.
Cái cốt truyện sặc mùi hư cấu và tự mỉa này đi kèm cùng lối chơi quái thai của Segagaga, khi mà Tarou hoặc Yayoi sẽ bắt đầu bằng cách thu phục các lập trình viên của Sega – những con người khốn khổ vì làm việc quá giờ mà stress tới mức đột biến thành quái vật. Thay vì là những trận chiến theo lượt thông thường, người chơi sẽ đúng nghĩa là chửi thẳng vào mặt đám nhân viên này, như kiểu mày làm game như kít và sẽ méo bao giờ có bạn gái đâu…
Cứ mỗi câu chửi như vậy sẽ khiến thanh máu của kẻ địch sụt giảm, để tới cuối cùng bọn họ trở lại thành hình người và giúp đỡ hai nhân vật chính. Trong trường hợp bạn không nhận ra thì DOGMA chính là kiểu chơi chữ lấy ý tưởng từ hai kẻ thù truyền kiếp của Sega lúc đó – Sony cùng Nintendo. Trên thực tế thì ở cái thế giới giả tưởng của Segagaga thì Sony đã nuốt trọn luôn Nintendo, khi mà biểu tượng của DOGMA – cái kim tự tháp chính là kiểu nói móc GameCube (đều là chơi chữ hình khối).
Có một vấn đề mà chính ngay cả Seagagaga cũng thừa nhận đó là kẻ hai địch thủ đều mạnh hơn và kinh tế hơn Dreamcast, tất nhiên chúng phải đóng vai người xấu rồi. Seagagaga gần như đã kéo tất cả những tựa game từng phát hành trên Dreamcast vào theo kiểu crossover hoặc cameo, từ Sonic, Shenmue, Alex Kidd, Fatal Fury, Mortal Kombat… cùng hàng chục cái tên khác bên ngoài, đúng nghĩa cho câu “toàn dân chiến đấu” đấy.
Quảng cáo của DOGMA trong game
Bản thân cái tên của Segagaga ban đầu được lựa chọn là Sega Sega, nhưng nó đã được sửa lại cho đỡ thô bỉ hơn. Một điều nữa là với việc mượn quá nhiều nhân vật game như vậy, Segagaga đã gặp vấn đề về bản quyền ngay lập tức, tệ hại hơn là người làm ra nó là Okano chỉ có thể giải quyết 100/300 tổng số vụ lùm xùm này. Rất may là lúc đó có vẻ cũng chẳng có ai hi vọng gì vào cái game này, cho nên mọi thứ trôi qua rất nhanh.
Nhưng nếu chỉ có thế thì Segagaga đã không trở thành huyền thoại, nó được nhắc tới như tiếng hát cuối cùng giãy chết của con thiên nga Sega, trước khi ngửa đầu ra cho Sony đạp bẹp. Bản thân Segagaga được phát hành vào ngày 29/03/2001, hai tháng sau khi Sega tuyên bố sẽ không hỗ trợ cho Dreamcast nữa. Mọi chuyện thậm chí còn khủng khiếp hơn vì chỉ 2 ngày sau khi Segagaga ra đời thì vào ngày 31/03/2001, Dreamcast cũng chính thức ngừng sản xuất, biến đây thành tựa game cuối cùng và có tuổi thọ ngắn nhất lịch sử hệ console này.
Thực tế thì cái ý tưởng “giả lập Sega” cũng khá hay ho, nhưng về cơ bản là vào cái thời điểm đó bản thân Sega cũng chẳng còn quan tâm việc họ sẽ làm ra cái game gì nữa. Chưa kể Segagaga còn chỉ được phát hành trong nội bộ nước Nhật, khiến cho nó giống như một kẻ bị lãng quên thực sự.
Người làm ra Segagaga là Tez Okano cũng có rất nhiều thứ để đời với đứa con của mình, vì chưa nói tới việc tựa game này không được chú ý, mà Sega còn đúng kiểu “bố thí” cú chót cho nhân viên và mặc xác cho họ muốn làm gì thì làm. Okano đã than thở rằng kinh phí mình nhận được quá thấp, ít tới mức giá mà nó được một nửa phần trăm của Shenmue (tốn tới hơn 70 triệu USD) thôi đã là đại hạnh phúc rồi.
Chính vì kinh phí thấp như vậy mà mọi thứ trong Segagaga đều bị cắt giảm tối đa, may mắn là bằng tài ngoại giao của mình Okano đã thuyết phục được Toei Animation, để họ làm phần mở đầu cùng các đoạn cắt cảnh với giá khuyến mãi, vì cái game này “bần” tới độ hết nói nổi. Kể cả khi game gần ra mắt Sega cũng chẳng thèm quan tâm, Okano chỉ được giúp đỡ bằng vài bài báo quảng cáo sơ sài.
Và bạn cho rằng như thế đã là tuyệt vọng lắm rồi hả, vậy thì hãy nghĩ lại đi vì cái chiến dịch quảng bá cho ngày ra mắt của Segagaga mới thực sự là bá đạo. Như tôi đã nói các chóp bu không có hứng thú với việc đẩy mạnh tiếng tăm của tựa game này, do đó họ đã quăng cho Okano “hẳn” 200 USD tương đương 30.000 yen – vâng bạn méo nghe lầm đâu 200 USD để đi “giới thiệu” cho game.
Với số tiền khổng lồ đó, Okano đã tiêu 50% để mua một cái mặt nạ trùm đầu (chắc để thay quần đội cho đỡ nhục), làm 4 cái sạp quảng cáo kí tặng ở Akihabara và hứa hẹn sẽ thưởng cho những fan nào đi đủ hết. Mọi thứ nohope tới mức vào cuối dự án khi mà những đồng tiền cuối cùng đã tiêu sạch bách, nhóm phát triển Segagaga đã phải tự thân vận động làm mấy đoạn cắt cảnh bằng rối tay “của nhà trồng được”.
Chính vì lý do này mà trong Segagaga có vài đoạn cắt cảnh rất kì cục như ở clip bên dưới, vì thực tế nó đã được quay ở ngay bên ngoài trụ sở Sega, với các kỹ thuật đỉnh cao của nhân loại có trời mới hiểu nổi.
Cây nhà lá vườn thời đại hết sạch cụ nó tiền
Segagaga ra đời chớp nhoáng trong bối cảnh kì khôi như vậy rồi cũng biến mất bí ẩn hệt như cách nó xuất hiện, do không được phát hành quốc tế nên rất ít game thủ được tiếp cận tựa game này, quá lắm thì chỉ thông qua các bản patch English rời rạc. Câu chuyện về Segagaga vừa buồn cười vừa chua xót, nó phản ánh đúng thực trạng của Sega lúc đó và thậm chí là cả mãi về sau – khi luôn là kẻ thua cuộc trong trận chiến Console với Sony.