Home Sweet Home
Ngoài Mỹ, Nhật hay Trung Quốc, một đất nước khác cũng nổi tiếng với thể loại phim kinh dị chính là Thái Lan. Với sự kết hợp giữa nhiều yếu tố hiện đại và chất thần bí của phương Đông, dòng phim kinh dị của Thái đã và đang để lại nhiều ấn tượng với không chỉ người xem bản địa mà còn khiến khán giả quốc tế nhiều phen thót tim, hú vía (trong đó đương nhiên có cả những khản giả Việt Nam).
Tiếp nối thành công của dòng phim kinh dị, các nhà làm game của Thái Lan cũng không quên sử dụng thế mạnh của họ để đưa vào các sản phẩm trò chơi điện tử. Home Sweet Home , đây chính là cái tên mới nhất của ngành game Thái Lan xuất hiện trên Steam.
Bối cảnh của Home Sweet Home diễn ra trong một ngôi nhà bỏ hoang tối tăm, và game thủ như thường lệ phải tìm mọi cách để sống sót thoát ra trước sự truy đuổi của những sinh vật ghê rợn xuất hiện bất thình lình khắp nơi. Đây là phong cách được sử dụng trong nhiều tựa game kinh dị trong vài năm trở lại đây, mang lại hiệu quả hù dọa cao khi người chơi không hề có khả năng phản kháng và tâm lý lúc nào cũng trong trạng thái "căng như dây đàn".
Devotion
Lấy bối cảnh của những năm 1980, Devotion tập trung vào một gia đình ba người gồm: Du Feng Yu (Đỗ Phong Vũ) – một nhà biên kịch đang xuống dốc, Li Fang (Lệ Phương) – một ca sĩ và ngôi sao điện ảnh đã giải nghệ và đứa con gái nhỏ ốm yếu là Mei Shin (Mỹ Tâm) – cô bé với niềm khao khát được trở thành một ngôi sao như mẹ. Câu chuyện chủ yếu diễn ra tại một căn hộ khiên tốn với người dẫn chuyện sẽ đưa bạn đi qua những sự kiện và những xáo trộn trong không gian thân mật này.
Trong game, Vũ là một nhà biên kịch giỏi nhưng lại đang có sự nghiệp xuống dốc, và là chồng của Phương, một người từ bỏ sự nghiệp sáng chói để chăm sóc cho đứa con là Tâm. Vì là đứa con gái duy nhất của nhà, nên Mỹ Tâm được cha đầy sĩ diện đặt rất nhiều kỳ vọng để trở thành một siêu sao, và vô tình những kì vọng đó, gây cho con bé một áp lực cực kì lớn, khiến Tâm gặp hội chứng tâm lý làm cô bé bị khó thở.
Tuy nhiên, vì người cha lại cực kì cuồng tín, nên ông không tin vào kết luận của bác sĩ mà cứ tin vào một bà thầy bùa. Có thể ban đầu tình trạng sức khỏe của Tâm khá lên, song thất bại trong một cuộc thi tài năng khiến cô bé suy sụp tinh thần hơn nữa. Thêm vào đó, những bất đồng trong gia đình đến từ người bố ham danh lợi, thích sĩ diện và quá cuồng tín, khiến người vợ không thể chịu đựng được đành bỏ nhà ra đi. Trong lúc đó, vì người cha còn tiếp tục làm những việc điên rồ khác, như ngâm rượu tất cả đồ dùng của mẹ đẻ cho con uống để thành ca sĩ. Thậm chí còn nghe lời thầy bùa ngâm con bé trong bể rượu rắn nhằm giúp con khỏe lại. Thế nhưng, trước cái áp lực và nỗi đau về cả tinh thần và thể xác, Tâm chọn cách ra đi trong đau đơn để có một cuộc sống thanh thản.
Có thể nói, căn nhà mang đến cho người chơi một sự chú ý và ấn tượng bởi nhà sản xuất đã tái tạo rất chân thực từng ngóc ngách của một ngôi nhà trong câu chuyện thật. Có những tờ báo cũ được tận dùng làm khăn trải bài, bút chì và những kịch bản vứt bừa bộn, bức tường với những tranh vẽ của Mỹ Tâm và một tờ lịch treo trên một chiếc TIVI CRT ghi lại những ngày tháng của gia đình. Mỗi chi tiết dù có ý nghĩa hay quan trọng như thế nào, sẽ tác động mạnh mẽ làm bối rối cái cảm giác quen thuộc vốn có của người chơi. Mỗi khi bạn ngoảnh đi, cả căn nhà sẽ thay đổi và đi đến một trang thái nào đó khiến người chơi rùng mình khi phải quay lại để đối diện với những méo mó khác thường đấy.
Không giống như nhiều trò chơi kinh dị đương đại, Devotion cũng bỏ qua những phân đoạn hành động lén lút thử - sai hoặc các xung đột đơn lẻ với những con quái vật để gia tăng cảm giác phấn khích. Game chỉ có một cảnh rượt đuổi cuối cùng, song với phần nhạc nền đầy xúc cảm, mọi tâm ý đều rất ngắn gọn và dễ dàng mà không phải ngẫm quá lâu. Với một nhịp độ nhanh chậm thích hợp, game thúc đẩy chúng ta nhanh chóng đi đến phân cảnh cuối cùng và ba tiếng có lẽ là vừa đủ để tận hưởng trọn vẹn những cảm xúc và trải nghiệm của nó.
White Day: Swan Song
Ra mắt bản demo tại hội chợ G-Star 2016, White Day: Swan Song (hay còn được gọi là The School: Swan Song) là một trong những tựa game kinh dị hiếm hoi của làng game Hàn Quốc. Với lối chơi độc đạo cùng cốt truyện đậm chất phương Đông, White Day: Swan Song đã nhận được nhiều lời khen ngợi của cộng đồng game thủ Hàn nói riêng và quốc tế nói chung.
Được phát hành trên PlayStation 4 và tích hợp công nghệ thực tế ảo (VR), chất kinh dị của White Day: Swan Song đã được đẩy lên cực đại. Kết hợp với những yếu tố rùng rợn của âm thanh, game chắc chắn sẽ đem lại cho người chơi những trải nghiệm kinh dị và đáng sợ nhất.
Nội dung chính của White Day: Swan Song xoay quanh những vụ tự tử liên tiếp của các học sinh trường trung học Yeondu. Đằng sau những cái chết này là sự thật động trời về các thế lực siêu nhiên và có cả bàn tay của con người. Trong game, bạn có thể vào vai một trong 6 nhân vật chính (trong đó có 5 nhân vật nữ và 1 nhân vật nam). Lần theo những manh mối có được, sự thật dần dần được hé lộ kèm theo đó là những nguy hiểm luôn rình rập nhân vật của bạn.
Yurei Station
Dựa theo cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên, Yurei Station là tựa game kinh dị Nhật Bản, được sản xuất bởi một họa sĩ, nhà làm game độc lập Atelier Santo. Game kể về một nữ sinh trung học, sau khi nhận được một thông điệp bí ẩn, cô quyết định bước lên con tàu ma ám để đi tìm nguồn gốc của sự thật.
Điểm nhấn lớn nhất (và cũng gây ám ảnh nhất cho người chơi) chính là phần hình ảnh của trò chơi. Để hoàn thành tựa game này, họa sĩ Atelier Santo đã phải vẽ tay toàn bộ băng bút chì và màu nước. Khác hoàn toàn so với những hình ảnh sắc nét được dựng bằng máy tính, sự mờ ảo, đôi khi là đứt gẫy trong các nét vẽ đã khiến người chơi cảm giác về một sự cổ xưa, huyền bí, mang đậm màu sắc ma mi của văn hóa Á Đông.
Theo chia sẻ từ tác giả, từ khi lên ý tưởng cho đến tới lúc hoàn thành, quá trình này chỉ mất vỏn vẹn 2 ngày. Tuy ngắn ngủi là vậy nhưng chất lượng và nội dung của game lại không hề tầm thường chút nào. Sở hữu một kịch bản hấp dẫn từ tiểu thuyết, thêm vào đó là sự sắp xếp và nhào nặn của nhà phát triển đã biến Yurei Station thành một tựa game kinh dị vô cùng đáng giá. Một bầu không khí nặng nề, sự tò mò qua từng màn chơi và quan trọng là chất kinh dị, ám ảnh đọng lại sau khi hoàn tất trò chơi, Yurei Station thật sự là cái tên không thể bỏ qua với những fan của dòng game kinh dị.