Năm 2019 vừa qua thực sự là một cú hích lớn với thị trường phát hành game toàn thế giới. Với sự nổi lên của Epic Games Store, vị trí độc tôn của Steam trong thị trường này đang bị lung lay dữ dội.
Epic Games Store – với vị thế của một kẻ đi sau đã dung 2 chiến lược vô cùng mạnh mẽ để đi tắt đòn đấu. Thứ nhất, bắt tay và tạo mối quan hệ mật thiết với rất nhiều nhà phát triển game lớn. Để có thể đàm phán với các nhà sản xuất trong việc phát hành game độc quyền trên Epic Store, ngoài cắt giảm tối đa phí dịch vụ, nền tảng này còn sử dụng đến cả một khoản "lót tay" để thuyết phục đối tác. Số tiền này được gọi là "phí độc quyền", được Epic Store chuyển thắng đến các nhà sản xuất mà không cần quan tâm đến doanh số bán hàng của game.
Lấy vì dụ về trường hợp của Control, Epic đã sử dụng 10,45 triệu USD (~240 tỷ VNĐ) để trả phí độc quyền cho bộ đôi nhà sản xuất 505 Games và Remedy Entertainment. Trong đó, 505 Games hưởng 45%, số còn lại thuộc về Remedy Entertainment.
Như vậy, giờ đây chúng ta đã hiểu vì sao các nhà sản xuất lại thích hợp tác với Epic Games Store đến vậy. Ngoài việc phí dịch vụ rất rẻ, chỉ 12% (với Steam sẽ là 30%), các đối tác của Epic sẽ nhận thêm một khoản phí độc quyền. Tính trên tổng doanh thu, việc hợp tác với Epic Store sẽ đem về rất nhiều lợi nhuận nếu như so sánh với Steam hay các nền tảng khác. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều nhà phát triển game đã không ngần ngại "hất cẳng" Steam để "về với đội của Epic Games Store".
Sau khi giải xong bài toàn "nhà phát triển", Epic Games Store tiếp tục chiếm lĩnh thị trường bằng một phương thức khác mang tên "miễn phí". Từ nửa cuối năm 2019 đến nay, Epic Games Store chính là nền tảng phát hành game miễn phí lớn nhất thế giới. Cứ đều đặn mỗi tuần, Epic Games lại phát tặng một tựa game chất lượng. Điều này thực sự đã thu hút được một lượng lớn người chơi từ các nền tảng khác chuyển sang Epic Games.
Để có thể phát hành được một lượng game miễn phí nhiều như vậy, Epic Games đã phải bỏ ra không ít tiền của. Với mục tiêu chiếm lĩnh thị trường, họ sẽ không từ bỏ cách làm của mình, ít nhất là trong năm 2020 này. Có sự hậu thuẫn tài chính cực lớn đến từ Tencent (chiếm 40% cổ phần), Epic Games chắc chắn sẽ "khô máu" với Steam đến khi nào đạt được mục đích mới thôi.