Tổng kết 2019: Những tựa game chiến thuật hấp dẫn nhất - PC/Console

Dù game chiến thuật đã phần nào thoái trào, đây vẫn là một thể loại game "không có tuổi" nên việc tìm kiếm những tựa game hấp dẫn chẳng hề khó khăn.

Trong năm 2019, một loạt game chiến thuật thuộc nhiều thể loại, nhiều thương hiệu cả cũ lẫn mới đã ra đời, và bài viết này sẽ điểm ra những cái tên “đỉnh của đỉnh” trong năm nay.

Total War: Three Kingdoms

Ra mắt vào tháng 5/2019, Total War: Three Kingdoms là tựa game thứ 13 trong series Total War do Creative Assembly phát triển. Lấy bối cảnh Tam Quốc đã quá quen thuộc với game thủ Việt, Total War: Three Kingdom đem lại cho chúng ta cơ hội được thưởng thức Tam Quốc dưới hai góc nhìn dã sử (Tam Quốc Diễn Nghĩa) và chính sử (Tam Quốc Chí), hay nói cách khác là các võ tướng có thể “vạn người khó địch” mà cũng có thể chỉ mạnh hơn một binh sĩ bình thường, tùy theo ý thích của bạn. Đây cũng là cơ hội để game thủ Việt được chơi một game Tam Quốc AAA với kinh phí lớn, chất lượng cao thay vì chỉ toàn webgame, game mobile từ Trung Quốc.

Trong bài viết đánh giá Three Kingdoms, đồng nghiệp của Mọt đã nhận xét rằng trò chơi đã không phụ sự kỳ vọng của người hâm mộ khi đưa ra một lối chơi mới, bối cảnh rộng lớn hơn và nhất là thay đổi hoàn toàn phong cách của dòng game Total War. Nó cũng là trò chơi khiến một nửa đội ngũ Kênh Tin Game chí chóe í ới suốt một thời gian dài bởi những lựa chọn gây chiến phe kia, cầu hòa phe nọ, tuyển mộ tướng này… Vì vậy, nếu bạn có hứng thú với thể loại chiến thuật và bối cảnh Tam Quốc thì nên bỏ thời gian cày cuốc Total War: Three Kingdoms.

Bạn có thể xem bài đánh giá game tại đây.

Fire Emblem: Three Houses

Thuộc thể loại chiến thuật theo lượt, Fire Emblem: Three Houses là một trong những tựa game gây bất ngờ của năm 2019 khi nó chiếm lấy các MXH và bảng xếp hạng nhanh chóng mặt, dù chỉ là một tựa game ra mắt độc quyền trên Switch của Nintendo. Trò chơi đưa game thủ vào vai một tay lính đánh thuê nhưng “đổi nghề” làm thầy giáo (hoặc cô giáo, tùy theo ý thích của bạn) trong một học viên quân sự, và chịu trách nhiệm hỗ trợ một trong ba Nhà của ngôi trường này – tương đương với những Slytherin, Griffindor, Hufflepuff và Ravenclaw trong Harry Potter. Mỗi Nhà sẽ đem lại cho game thủ một phần chơi cốt truyện khác nhau, với những nhân vật khác nhau và kết cục cũng khác nhau khiến trò chơi có giá trị chơi lại rất cao trong mắt game thủ.

Ngoài cốt truyện, Fire Emblem: Three Houses còn có phần chiến đấu thử thách ngay cả ở mức độ dễ nhất là Casual. Ngoài các tính năng chiến thuật truyền thống, game thủ còn phải để mắt đến độ bền của vũ khí, các đơn vị quân (gọi là Battalion) hỗ trợ, mối quan hệ của các nhân vật… tất cả đều ảnh hưởng đến sức chiến đấu của toàn bộ đội hình. May mắn là trò chơi cho phép đảo ngược thời gian để sửa chữa những quyết định sai lầm thay vì bắt buộc chúng ta phải đánh lại từ lượt đầu tiên.

Battlefleet Gothic: Armada 2

Lấy bối cảnh thế giới tương lai xa xăm và đen tối của Warhammer 40k, Battlefleet Gothic: Armada 2 nối tiếp thành công của phiên bản đầu ra mắt năm 2016, nhưng thành công hơn hẳn. Trò chơi là một trong vài tựa game chiến thuật thời gian thực hiếm hoi của năm 2019, nhưng cũng đã bỏ rơi phong cách chơi chiến lược xây nhà – khai thác tài nguyên – mua quân chinh chiến quen thuộc để đi theo lối chơi ở tầm vóc nhỏ hơn là chiến thuật: bạn chỉ việc chọn các đơn vị quân trong khuôn khổ lượng tài nguyên có hạn, rồi dùng chúng để tiêu diệt hết kẻ địch trên chiến trường.

Điểm nhấn của Battlefleet Gothic: Armada 2 nằm ở chỗ dù là một tựa game chiến thuật, nó đã tái hiện thành công bối cảnh tăm tối, ngột ngạt mà thương hiệu Warhammer 40k xây dựng, đồng thời đem lại cho game thủ một gameplay đầy thử thách xứng đáng để bạn bỏ công học hỏi và chế ngự. Xuyên suốt ba phần chiến dịch của game, game thủ sẽ được cùng với những chiến hạm khổng lồ dưới tay mình đánh bại kẻ thù và khám phá các hệ hành tinh nằm trong Eye of Terror, một trong những vùng không gian hiểm ác nhất của dải thiên hà Warhammer 40k nơi thế giới phi vật chất hòa lẫn vào hiện thực. Một tựa RTS không thể nào bỏ qua nếu bạn có hứng thú với thế giới của Warhammer 40k.

Age of Empires 2: Definitive Edition

6 năm sau Age of Empires 2: HD Edition, Microsoft lại một lần nữa làm mới Đế Chế 2 với phiên bản Definitive Edition. Trò chơi là kết quả của sự hợp tác giữa Forgotten Empires, Wicked Witch cùng Tantalus Media và đã thành công bảo lưu lại gameplay quen thuộc của Đế Chế trên một nền tảng đồ họa thời thượng, hỗ trợ cả 4K phù hợp với các cấu hình máy tính mạnh mẽ hiện tại. Đây là một món quà tuyệt vời cho game thủ nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày ra mắt của Age of Empires 2.

Nhưng thật ra Age of Empires 2: Definitive Edition không chỉ là phiên bản nâng cấp về hình ảnh và âm thanh, mà còn đem lại cho game thủ rất nhiều cải thiện về mặt lối chơi, thêm bốn nền văn minh mới, các phần chơi chiến dịch mới và nhiều cân chỉnh cho các nền văn minh cũng như các đơn vị lính trong game. Dĩ nhiên cái giá phải trả để được thưởng thức những nội dung mới và hình ảnh đẹp mắt của Age of Empires 2: Definitive Edition là việc game đòi hỏi một cấu hình cao hơn hẳn so với phiên bản HD ra mắt năm 2013, nhưng việc “chiến” game ở độ phân giải full HD không phải là vấn đề quá lớn nếu bạn có một cấu hình máy ở mức trung bình – khá.

Age of Empires 2: Definitive Edition sẽ chinh phục game thủ thế giới như thế nào?
Age of Empires 2: Definitive Edition sẽ chinh phục game thủ thế giới như thế nào?
Với Age of Empires 2: Definitive Edition, Microsoft muốn thỏa mãn cả các fan gạo cội lẫn chinh phục những game thủ chưa từng chạm đến RTS hay AOE.

Lời kết

Dù thể loại chiến thuật không còn phát triển rực rỡ như đầu thế kỷ 20, sức hấp dẫn của nó vẫn còn cắm rễ rất sâu trong lòng game thủ. Dù cả bốn tựa game trong danh sách này đều thuộc về những thương hiệu lâu đời, nhưng 2019 cũng có những thương hiệu chiến thuật mới đầy chất lượng, chỉ là vì chúng chưa đủ sức cạnh tranh với những Age of Empires, Warhammer 40k hay Total War mà thôi.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e