Video game đã phải trải qua biết bao nhiêu thay đổi, bao nhiêu cuộc cách mạng. Có những thứ buộc phải biến mất để nhường chỗ cho những thứ khác hấp dẫn, hiện đại và phù hợp với thời thế hơn. Tuy nhiên, nếu không có những trò chơi đóng vai trò đặt nền móng, ngành game mà chúng ta biết có lẽ sẽ không như bây giờ. Trong suốt chiều dài phát triển của video game, có 10 trò chơi đã đóng vai trò là những viên gạch vững chắc đầu tiên, tạo tiền đề cho rất nhiều thứ giúp mảng trò chơi điện tử phát triển mạnh mẽ tới tận ngày hôm nay.
Snipes (1983) – Trò chơi đầu tiên kết nối internet
Hiện nay, hầu hết các trò chơi đều có phần chơi mạng hoặc được xây dựng theo lối multiplayer luôn. Nhưng bạn có biết Snipes là trò chơi đầu tiên sử dụng kết nối mạng không? Game được phát hành vào năm 1983 bởi hãng phát triển SuperSet Software. Snipes có lối chơi theo dạng văn bản, dẫn game thủ đi vào một mạng lưới mê cung để trổ tài…bắn tỉa với những người chơi khác thông qua internet.
Theo người sáng tạo ra Snipes, Drew Major, trò chơi vốn được sử dụng để test hệ thống cho máy IBM. Ông còn nhận xét về tầm quan trọng của Snipes trong thập niên 1980: “Đó [Snipes] là chương trình mạng đầu tiên được viết cho nền tảng PC và nó được viết dưới dạng demo để chứng minh rằng trên thực tế có một mạng đang chạy rất nhanh, ở tốc độ 18 khung hình trên một giây. Trong một thời gian dài, ít nhất là khoảng một năm, nó là ứng dụng nhận biết sự tồn tại của mạng internet duy nhất có sẵn cho PC.”
Nhờ vào bước đi đầu tiên là Snipes, thể loại MMO hay các game online, multiplayer dần hình thành và phát triển trở thành một trong những thể loại game phục vụ đông đảo game thủ trên thế giới.
Chiller (1986) – Trò chơi đầu tiên có hình ảnh máu me
Ngày nay chúng ta đều cảm thấy quá đỗi bình thường khi máu xuất hiện trong trò chơi điện tử. Nó vừa làm tăng độ ghê rợn và cũng làm tăng sự chân thực cho mỗi trò chơi. Công nghệ phát triển và hình ảnh máu ngày càng được làm chân thực hơn rất nhiều. Tuy nhiên, bạn có biết tựa game nào đầu tiên đưa hình ảnh máu me vào không?
Đó là Chiller, một trò chơi Arcade từng được Mọt nhắc đến trong danh sách những game tởm nhất mọi thời đại, phát hành vào năm 1986. Đây là lần đầu tiên game thủ được chứng kiến máu đỏ tràn ra trong video game. Và cách hãng phát triển làm ngày xưa cũng khiến bất cứ ai thấy cũng phải lạnh xương sống. Bối cảnh của Chiller là một hầm ngục thời Trung cổ, bao quanh là những xác chết của các nạn nhân bị tra tấn, hành quyết. Nhiệm vụ của người chơi là…”hành quyết” tất cả mọi thứ trong tầm mắt. Mức độ tàn bạo của Chiller sẽ tăng qua từng level. Thậm chí người chơi sẽ được thấy những cảnh như: Xé toạc da thịt của kẻ địch, làm nổ tung toàn bộ cơ thể hay não bắn ra tung tóe.
Hình ảnh của game tuy chỉ ở độ phân giải thấp nhưng chất ghê rợn và ám ảnh của nó không thua kém bất cứ trò chơi nào hiện nay. Nếu không có Chiller, các game thủ ngày nay có lẽ đã không được chơi những game khắc họa bản tính bạo lực của con người như Mortal Kombat, Hotline Miami, Grand Theft Auto hay Manhunt.
The Legend of Zelda (1986) – Trò chơi đầu tiên có cơ chế save
Còn nhớ ngày trước, hầu hết các tựa game đều không có chế độ save linh hoạt như bây giờ. Chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể khiến công sức 3 tiếng đồng hồ của bạn xuống sông xuống biển và phải bắt đầu lại từ đầu. Bạn đã vất vả để qua được gần hết level đầy cạm bẫy vừa rồi ư? Một lần mắc sai lầm sẽ khiến bạn phải chơi lại từ đầu ngay lập tức. Có thể nói các tựa game của thập niên 80 là những bài test kinh điển về mức độ nhẫn nhịn khi được thiết kế theo phong cách “chơi một lần hết luôn hoặc chết một lần là mất tất”.
The Legend of Zelda ra đời đã thay đổi tất cả. Bên trong băng game được nhà phát triển tích hợp thêm một cục pin, được sử dụng để tăng sức mạnh cho chip RAM, một công nghệ nhỏ nhưng đóng vai trò cách mạng của lịch sử ngành game. Giờ đây, tiến trình chơi game của người dùng sẽ được lưu vào chip RAM này. Điều đó có nghĩa, bạn có thể tha hồ mắc sai lầm mà không sợ công lao trước đó của mình bị phá bỏ. Người chơi có thể dễ dàng thoát game rồi quay lại đúng chỗ mình muốn.
Đây không chỉ đóng vai trò sáng tạo, mà công nghệ này cũng đã thay đổi luôn cách thiết kế các trò chơi về sau. Ngày nay, các trò chơi với tính năng auto save hay save thủ công cũng từ The Legend of Zelda mà ra. Người chơi có thể tiết kiệm được nhiều thời gian hơn khi chơi game. Tuy nhiên, chính điều này cũng khiến cho thế hệ game thủ ngày nay cảm thấy các trò chơi ngày xưa có độ khó tới mức vô lý. Chỉ một tính năng lưu trò chơi đã thay đổi tất cả.
Rise of the Robots (1994) – Trò chơi đầu tiên sử dụng motion capture
Chúng ta đều biết tới công nghệ motion capture trong cả điện ảnh lẫn video game. Đó là khi những diễn viên đính đầy chấm cảm biến nhỏ trong trên người, đội một chiếc mũ có camera và diễn xuất mọi thứ trong tưởng tượng để có được những trường đoạn game hay phim đầy cảm xúc. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là motion capture được đưa vào video game từ năm 1994, bắt đầu với tựa game Rise of the Robots.
Hai hãng Time Warner Interactive và Mirage đã sử dụng tính năng bắt hình chuyển động để mang yếu tố chân thực hơn cho các nhân vật trong Rise of the Robots. Nhà thiết kế Sean Naden và Sean Griffiths, cùng với Kwan Lee, muốn tạo ra những con robot có đầy đủ chuyển động. Họ đã tạo ra các mô hình droid và sơ đồ kết cấu, sau đó họ kết hợp với máy tính và các diễn viên để tạo ra các chuyển động của nhân vật cũng như môi trường xung quanh cho trò chơi. Và thế là trò chơi đầu tiên sử dụng motion capture đã ra đời. Những người trong nhóm phát triển đều chia sẻ mình có cảm giác như đang làm một bộ phim vậy.
Trong những năm sau kể từ khi Rise of the Robots phát hành, hàng loạt các trò chơi với cách làm tương tự đã được tung ra. Tuy nhiên lúc này, thị trường game bị chỉ trích rằng quá chú trọng tới đồ họa chân thực mà quên đi chất lượng về nội dung.
Space Spartans (1982) – Trò chơi đầu tiên đưa giọng người thật vào
Chúng ta đều biết giọng nói của người thật trong game giúp game thủ có thể chìm đắm thực sự vào câu chuyện, thế giới và các nhân vật trong tựa game đó. Mặc dù đôi lúc, người chơi có thể nhấn skip bỏ qua và không quan tâm tới vấn đề lồng giọng nhưng những nhà phát triển game vẫn luôn tự hào khi họ đưa được giọng con người vào trong một dự án video game. Và trò chơi đầu tiên có tính năng đưa giọng nói của người thật vào chính là Space Spartans, phát hành vào năm 1982.
Quay trở lại thời điểm năm 1979, khi Mattel phát hành mẫu console thế hệ thứ hai, Intellivision. Cũng giống như hầu hết các hệ thống console khác, khi ra mắt, người dùng Intellivision có thể mua một số trò chơi khác nhau và một vài thiết bị ngoại vi đặc biệt. Thứ khiến người dùng chú ý nhất chính là thiết bị tổng hợp giọng nói, Intellivoice.
Space Spartans cũng là tựa game console đầu tiên sử dụng mô-đun Intellivoice, cho phép tổng hợp giọng nói của người lồng, và được thể hiện trong thời gian thực. Kể từ khi Space Spartans phát hành, gần như toàn bộ trò chơi được ra mắt sau đó đều lồng giọng của người thật vào để hướng dẫn game thủ thực hiện các nhiệm vụ chính trong game.
(Còn tiếp…)